Thấu hiểu trẻ đặc biệt: 8 Điều cha mẹ nên làm để hỗ trợ con
Thấu hiểu trẻ đặc biệt trở nên quan trọng vì trẻ có nhu cầu và đặc điểm riêng biệt, rất cần được đối xử cũng như nhận sự hỗ trợ đúng đắn từ cha mẹ và xã hội để có thể phát triển một cách toàn diện.
Vì sao cha mẹ cần thấu hiểu trẻ đặc biệt?
Trẻ đặc biệt là thuật ngữ dùng để chỉ những đứa trẻ có sự phát triển không bình thường về thể lý, tinh thần, trí tuệ và được phân chia thành rất nhiều nhóm khác nhau như:
- Trẻ khuyết tật về thể lý: trẻ khiếm thị, trẻ khiếm thính, bại liệt, bại não…
- Trẻ khuyết tật về trí tuệ, nhận thức, khả năng tư duy: tăng động giảm chú ý ở trẻ, trẻ tự kỷ, trẻ chậm nói, trẻ chậm phát triển trí tuệ,.…
Thấu hiểu trẻ đặc biệt là quá trình không chỉ hiểu rõ về nhu cầu, khả năng và đặc điểm của từng trẻ một mà còn tạo ra môi trường học tập và phát triển tối ưu, phù hợp với con. Từ đó giúp trẻ phát triển toàn diện và đạt được tiềm năng tối đa của mình.
Trẻ đặc biệt đều có cách tiếp cận và phản ứng khác nhau nên việc cha mẹ thấu hiểu trẻ giúp con phát triển toàn diện hơn bao gồm cả thể chất và tinh thần. Đôi khi, cha mẹ cần hiểu rõ vấn đề ở trẻ em đặc biệt như rối loạn phổ tự kỷ hoặc tăng động giảm chú ý để có thể hỗ trợ và quản lý tình trạng một cách hiệu quả.
Sự hiểu biết từ phía cha mẹ tạo điều kiện cho sự tự tin phát triển ở trẻ. Khi trẻ cảm thấy được cha mẹ tin tưởng và hiểu rõ mình, con sẽ dễ dàng hơn trong việc khám phá và phát triển khả năng của mình.
8 Điều cha mẹ nên làm để thấu hiểu trẻ đặc biệt
Hướng can thiệp, giáo dục hiệu quả cho trẻ đặc biệt có thể đến từ gia đình. Trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt riêng nên cần được cha mẹ thấu hiểu theo nhiều cách khác nhau:
1. Tăng cường giao tiếp, trò chuyện với con
Cha mẹ có thể tăng cường giao tiếp, trò chuyện với con trong các hoạt động thường ngày chứ không nhất định chỉ tập trung vào bài tập chuyên biệt cho trẻ chậm ngôn ngữ, chậm phát triển. Cha mẹ nên sử dụng những từ ngữ đơn giản, ngắn gọn, đánh vào trọng tâm vấn đề để trẻ chú ý và hiểu được.
Khuyến khích trẻ sử dụng lời nói để giải quyết vấn đề và diễn đạt các nhu cầu của bản thân thay vì chỉ dùng hành động, la hét hay chỉ trỏ khiến cha mẹ phải tự đoán ý. Cha mẹ tuyệt đối không được lớn tiếng vì điều này có thể khiến con cảm thấy sợ hãi.
2. Tăng cường hoạt động xã hội
Cha mẹ nên dành thời gian chất lượng để tương tác và tham gia cùng trẻ trong các hoạt động xã hội như chơi trò chơi, nấu ăn hoặc thực hiện các hoạt động nghệ thuật.
Phụ huynh có thể khuyến khích và hỗ trợ con tham gia vào các hoạt động xã hội như các lớp học nghệ thuật, câu lạc bộ trẻ có cùng sở thích. Nếu trẻ có khó khăn trong việc tham gia vào các hoạt động xã hội truyền thống, cha mẹ có thể để con tham gia các nhóm cộng đồng, lớp học can thiệp trực tuyến.
Việc cha mẹ sắp xếp và dành thời gian cùng con đi chơi ở các công viên, thư viện có thể tạo ra cơ hội cho trẻ gặp gỡ và tương tác với người khác.
3. Trò chơi trị liệu
Trò chơi trị liệu là một phương pháp hiệu quả để tăng cường mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ đặc biệt, đồng thời hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Dưới đây là một số trò chơi trị liệu mà cha mẹ có thể thực hiện cùng trẻ đặc biệt:
- Sử dụng đồ chơi, hình vẽ để khuyến khích trẻ diễn đạt cảm xúc của mình.
- Khuyến khích trẻ tham gia vào trò chơi đóng vai để phát triển tưởng tượng và kỹ năng xã hội.
- Cho trẻ tham gia các hoạt động sáng tạo như vẽ tranh, làm đồ thủ công để giúp kích thích sự sáng tạo và phát triển tư duy của trẻ.
4. Kiểm soát cảm xúc
Việc cha mẹ kiểm soát tốt cảm xúc là một yếu tố quan trọng để thấu hiểu và hỗ trợ trẻ đặc biệt. Các bậc phụ huynh cần học cách giải quyết xung đột và tranh luận để tránh sự bất ổn và căng thẳng trong mối quan hệ với trẻ.
Khi cần thiết cha mẹ không nên ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ người khác như bạn bè, gia đình hoặc các chuyên gia để duy trì tâm trạng và cảm xúc tích cực, tránh làm tổn thương con bằng thái độ tiêu cực.
5. Trang bị kiến thức giáo dục trẻ đặc biệt
Đầu tiên và quan trọng nhất, cha mẹ cần tìm hiểu về thách thức mà trẻ đang phải đối mặt và cách chăm sóc con. Điều này có thể bao gồm việc đọc sách, tham khảo tài liệu và tìm kiếm thông tin trực tuyến từ các nguồn đáng tin cậy như các tổ chức y tế và trung tâm tâm lý giáo dục chuyên biệt.
Cha mẹ có thể tham gia các khóa học can thiệp, giáo dục trẻ đặc biệt để học hỏi về các phương pháp, kỹ thuật tương tác và hỗ trợ phát triển của con. Đồng thời có thể tham gia các cộng đồng và nhóm hỗ trợ dành cho cha mẹ của trẻ đặc biệt. Tại đây, cha mẹ có thể chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi từ những người khác và nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Cuối cùng phụ huynh nên thiết lập kế hoạch giáo dục riêng dựa trên kiến thức học được và tạo ra môi trường an toàn, phù hợp cho con phát triển.
6. Hợp tác với chuyên gia
Để thấu hiểu trẻ đặc biệt, cha mẹ cũng cần đến sự hỗ trợ của các chuyên gia. Họ có thể là các bác sĩ chuyên khoa, nhà tâm lý học, các chuyên gia can thiệp trẻ đặc biệt.
Cha mẹ nên thực hiện các phương pháp và chiến lược được đề xuất bởi chuyên gia để hỗ trợ trẻ trong việc phát triển. Bằng cách hợp tác chặt chẽ với chuyên gia, cha mẹ có thể nhận được sự hỗ trợ và chỉ dẫn chính xác để thấu hiểu trẻ đặc biệt theo cách hiệu quả nhất.
7. Tôn trọng sở thích của trẻ
Một điều quan trọng góp phần vào việc thấu hiểu con trẻ đặc biệt là khi cha mẹ lắng nghe và biết được sở thích của trẻ. Với điều này, phụ huynh có thể tạo điều kiện cho con chia sẻ ý kiến, sở thích, cảm xúc và suy nghĩ của mình. Đồng thời nên dành thời gian để tìm hiểu về những gì làm cho con trẻ cảm thấy hạnh phúc và hứng thú.
Việc khuyến khích và ủng hộ trẻ theo đuổi sở thích bằng nguồn lực sẵn có, môi trường an toàn giúp trẻ có cơ hội thể hiện bản thân. Hãy chia sẻ niềm vui và hứng thú với trẻ khi họ thực hiện sở thích của mình.
Đặc biệt, người lớn nên tránh so sánh trẻ với người khác và không ép buộc con thực hiện các hoạt động nằm ngoài khả năng và sở thích. Trẻ sẽ cảm thấy được quan tâm và tôn trọng hơn bởi những điều này.
8. Quan sát trẻ đặc biệt
Với một đứa trẻ, nếu có những khiếm khuyết về giác quan, trí tuệ, nhận thức thì sự ghi nhớ của bé sẽ hạn chế, không có khả năng tập trung hay nhận biết. Vì vậy, quan sát trẻ đặc biệt là một quá trình liên tục và đòi hỏi sự tập trung từ phía cha mẹ.
Phụ huynh cần theo dõi tiến trình phát triển của trẻ và ghi nhận bất kỳ thay đổi nào trong hành vi, kỹ năng hoặc cảm xúc của con. Từ đó tương tác và giao tiếp một cách tích cực với trẻ để hiểu rõ hơn cảm xúc và nhu cầu mà con cần.
Những nỗ lực của cha mẹ trong việc thấu hiểu trẻ đặc biệt chính là góp phần xây dựng mối quan hệ gắn kết và tương lai tươi sáng cho con. Đồng thời sự thấu hiểu này còn giúp cha mẹ hỗ trợ con trong việc phát triển toàn diện và bước tiếp trên hành trình trưởng thành.
Có thể bạn quan tâm:
- Những nhu cầu của trẻ tự kỷ bố mẹ cần đặc biệt quan tâm
- Trẻ chậm nhớ, chậm tiếp thu: Gợi ý ba mẹ cách dạy hiệu quả
- 7 Phương pháp dạy trẻ nhút nhát dễ áp dụng, cha mẹ cần biết
- Hiểu hơn về liệu pháp tương tác giữa cha mẹ và con cái (PCIT)
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!