Hiểu hơn về liệu pháp tương tác giữa cha mẹ và con cái (PCIT)
Cha mẹ là những người gần gũi với trẻ nhất, mọi sự hỗ trợ đầu tiên cho con cái phải đến từ họ. Liệu pháp tương tác giữa cha mẹ và con cái (PCIT) giúp phụ huynh học kỹ năng mới và có khả năng tốt hơn trong việc tạo ra môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc có lợi cho con mình.
Liệu pháp tương tác giữa cha mẹ và con cái là gì?
Liệu pháp tương tác giữa cha mẹ và con cái hay còn gọi là PCIT (Parent – Child Interaction Therapy) là phương pháp điều trị dựa trên bằng chứng EBT (Evidence Based Treatment) dành cho trẻ nhỏ bị rối loạn hành vi và cảm xúc, tập trung vào việc cải thiện chất lượng mối quan hệ cha mẹ và con cái.
Điều trị PCIT đã được chứng minh là có tác động tích cực đến hành vi có vấn đề của trẻ em như hung hăng, hành vi gây rối, nóng nảy và không tuân thủ.
Liệu pháp tương tác giữa cha mẹ và con cái (PCIT) có thể được sử dụng trong các buổi trị liệu, sau đó nhà trị liệu có thể dạy phụ huynh cách sử dụng những kỹ năng này ở nhà và trong môi trường cộng đồng.
Liệu pháp tương tác giữa cha mẹ và con cái dành cho ai?
Liệu pháp tương tác giữa cha mẹ và con cái (PCIT) không chỉ thúc đẩy mối quan hệ lành mạnh giữa cha mẹ và con cái, mà còn được sử dụng với các gia đình nhận nuôi và những người liên quan đến hệ thống phúc lợi trẻ em gặp khó khăn trong việc tương tác với trẻ.
Trị liệu tương tác cha mẹ và con cái ban đầu được thiết kế để giải quyết các vấn đề về hành vi của trẻ nhỏ từ 2 – 7 tuổi. Trong tất cả báo cáo nghiên cứu, giới tính của trẻ em tham gia đa phần đều là nam.
Bên cạnh đó, liệu pháp còn dành cho đối tượng là trẻ em đang dùng thuốc để kiềm chế các vấn đề hành vi và biểu lộ nhiều vấn đề sau đây:
- Gặp khó khăn ở trường học, nhà trẻ, chỗ giữ trẻ ban ngày.
- Gây hấn, hỗn xược đối với cha mẹ, anh chị em hoặc trẻ em khác.
- Từ chối, thách thức làm theo sự chỉ dẫn của người lớn.
- Thường xuyên nổi cơn giận dữ.
- Dễ cảm động hoặc dễ bị người khác làm phiền.
- Khả năng chịu đựng sự thất vọng thấp.
- Đổ lỗi cho người khác.
Và hầu hết người lớn tham gia đều là cha mẹ đang trong tình trạng chán nản, căng thẳng, cảm thấy tội lỗi, bối rối về việc làm thế nào để đối phó với các hành vi gây rối và thách thức của con mình.
Liệu pháp tương tác giữa cha mẹ và con cái điều trị những rối loạn nào?
Nhiều trẻ được điều trị thành công bằng PCIT có các chẩn đoán bao gồm: Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), Rối loạn thách thức chống đối (ODD), Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), Rối loạn phổ tự kỷ (ASD). Những chẩn đoán này thường xảy ra cùng lúc với chứng rối loạn lo âu ở trẻ em và trầm cảm, điều này khiến PCIT trở thành một phương pháp điều trị quan trọng để hỗ trợ trẻ mắc cả 2 hội chứng trên.
Mục tiêu điều trị của PCIT đối với trẻ em mắc các chứng rối loạn kể trên là giúp trẻ tạo ra nhiều hành vi mà xã hội mong muốn, khi trẻ nhận được phản hồi tích cực, chúng cảm thấy có giá trị và có khả năng kiểm soát các xung đột.
Liệu pháp giữa cha mẹ và con cái hoạt động như thế nào?
Liệu pháp PCIT được thiết kế đặc biệt để giúp người lớn cải thiện kỹ năng nuôi dạy con cái, đồng thời giúp trẻ học cách kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Phụ huynh tham dự một buổi đào tạo, trong đó nhà trị liệu phản hồi với cha mẹ qua tai nghe không dây, đồng thời quan sát kín đáo sự tương tác giữa cha mẹ và con cái qua gương một chiều hoặc hệ thống video.
Vào cuối buổi điều trị, nhà trị liệu sẽ thảo luận về sự tiến bộ của trẻ, hướng dẫn sử dụng các bảng tóm tắt mà cha mẹ có thể dùng để thực hành tại nhà.
Liệu pháp tương tác giữa cha mẹ và con cái được thực hiện qua hai giai đoạn điều trị sau:
1. Giai đoạn Tương tác hướng tới trẻ em (CID)
Giai đoạn đầu tiên được gọi là Tương tác hướng tới trẻ em (CDI), chuyên gia trị liệu huấn luyện phụ huynh tăng thêm sự giao tiếp tích cực và hỗ trợ với con cái. Việc thiết lập mối quan hệ gắn bó giữa cha mẹ với con được chứng minh là giúp trẻ cảm thấy bình tĩnh, an toàn và hài lòng về bản thân.
Kỹ năng CDI hướng dẫn về những thời điểm và cách thích hợp để bỏ qua những hành vi gây rối nhẹ hoặc không phù hợp. Sau khi thành thạo những kỹ năng này sẽ chuyển sang giai đoạn kỷ luật.
Kết quả mong muốn của giai đoạn điều trị đầu tiên trong PCIT bao gồm:
- Giảm tần suất, mức độ nghiêm trọng của cơn giận dữ.
- Giảm các hành vi tìm kiếm sự chú ý tiêu cực như than vãn.
- Giảm sự thất vọng của cha mẹ.
- Tăng cảm giác an toàn và gắn bó với người chăm sóc chính.
- Tăng lòng tự trọng.
2. Giai đoạn Tương tác định hướng của phụ huynh (PID)
Giai đoạn thứ hai là Tương tác định hướng của phụ huynh (PID), hướng dẫn các kỹ năng dạy bảo trẻ em có hiệu quả. Trong giai đoạn này, phụ huynh học hỏi và thực hành các kỹ năng để giúp con tuân thủ chỉ dẫn của người lớn, tôn trọng quy tắc gia đình và thể hiện hành vi phù hợp ở nơi công cộng.
Kết quả mong muốn của giai đoạn điều trị thứ hai trong PCIT bao gồm:
- Giảm tần suất, mức độ nghiêm trọng của hành vi hung hăng, phá hoại như cố ý làm vỡ đồ chơi.
- Giảm sự thách thức.
- Tăng cường tuân thủ các yêu cầu của người lớn.
- Tăng cường sự tôn trọng các quy tắc trong nhà.
- Cải thiện hành vi ở nơi công cộng.
- Gia tăng sự bình tĩnh và tự tin của phụ huynh trong quá trình kỷ luật.
Việc điều trị được coi là hoàn tất khi cha mẹ đã thành thạo các kỹ năng và đánh giá hành vi của con mình ở mức bình thường.
Mất bao lâu để hoàn thành liệu pháp tương tác giữa cha mẹ và con cái?
Thời gian điều trị trung bình thường từ 12 đến 20 buổi và có thể thay đổi tùy theo nhu cầu của mỗi gia đình. Một số gia đình hoàn thành việc điều trị trong vòng chưa đầy 12 buổi nhưng có gia đình khác phải mất hơn 20 buổi để đáp ứng yêu cầu.
Thời gian điều trị có thể dựa trên các yếu tố sau:
- Gia đình đến điều trị thường xuyên.
- Tần suất và chất lượng thực hành bài tập về nhà của người chăm sóc.
- Tỷ lệ người chăm sóc thể hiện sự thành thạo các kỹ năng PCIT.
- Mức độ hành vi của trẻ khi bắt đầu điều trị.
- Tỷ lệ người chăm sóc báo cáo việc giảm các vấn đề về hành vi của trẻ.
- Mức độ trẻ có những lo ngại về cảm xúc hoặc phát triển khác trong quá trình điều trị.
- Tùy vào kế hoạch điều trị hoặc các trường hợp được dịch vụ bảo vệ trẻ em giới thiệu.
Liệu pháp tương tác giữa cha mẹ và con cái khác biệt như thế nào?
Có nhiều chương trình đào tạo cha mẹ về kỹ năng nuôi dạy con cái nhưng PCIT khác với các chương trình đó bởi nó:
- Nhấn mạnh việc thực hành các kỹ năng của phụ huynh là cực kỳ quan trọng trong các buổi học.
- Cha mẹ nhận được huấn luyện trực tiếp, được yêu cầu nắm vững kỹ năng nuôi dạy con cái và phản hồi liên quan đến kỹ năng đó.
- PCIT không bị giới hạn thời gian đào tạo.
- Việc hoàn thành dựa trên sự thành thạo các kỹ năng của phụ huynh.
- Cha mẹ đánh giá các vấn đề về hành vi của trẻ ở mức bình thường trước khi kết thúc điều trị.
Hiệu quả của liệu pháp tương tác giữa cha mẹ và con cái
PCIT đã được đánh giá là phương pháp điều trị đầy hứa hẹn cho trẻ nhỏ có vấn đề về cảm xúc và hành vi.
Nghiên cứu kết quả PCIT chứng minh rối loạn hành vi của trẻ em sau khi được điều trị đã nằm trong phạm vi bình thường. Ngoài những phát triển tích cực có trong đánh giá của phụ huynh và thước đo vấn đề hành vi của trẻ, các nghiên cứu kết quả còn cho thấy những thay đổi trong tương tác của cha mẹ với tình huống vui chơi cùng con cái.
Những hạn chế của liệu pháp tương tác giữa cha mẹ và con cái
Trong một số trường hợp, phương án điều trị này có thể không được khuyến khích như: cha mẹ ít hoặc không tiếp xúc với con cái, cha mẹ bị suy giảm thính lực, ngôn ngữ hoặc đang gặp phải các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần, cha mẹ đang gặp vấn đề lạm dụng chất gây nghiện, bị lạm dụng tình dục hoặc lạm dụng thể chất.
Quyết định liệu PCIT có phải là phương pháp điều trị thích hợp nhất cho cha mẹ và con cái hay không là quyết định giữa người lớn và chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Nhìn chung, liệu pháp tương tác giữa cha mẹ và con cái (PCIT) không chỉ giảm các hành vi gây rối của trẻ mà còn tạo ra mối quan hệ tích cực giữa cha mẹ và con cái. Bằng cách học các kỹ năng PCIT, cha mẹ thực sự có được những công cụ nuôi dạy con cái và xây dựng mối quan hệ tốt nhất có thể cho con mình và gia đình.
Có thể bạn quan tâm:
- 4 Bài tập cho trẻ tăng động giảm chú ý đơn giản, dễ áp dụng
- Nuôi con thời hiện đại – Kỹ năng ba mẹ cần trang bị
- Có nên cho trẻ tập viết sớm? Tuổi nào phù hợp?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!