Điểm mạnh của trẻ tự kỷ: 5 điều cần biết để khai thác tốt hơn
Những điểm mạnh của trẻ tự kỷ nếu được khai thác tốt có thể giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, và hòa nhập tốt hơn trong cuộc sống. Trẻ tự kỷ dù gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, nhưng lại có được những khả năng nổi bật mà không phải cha mẹ nào cũng nhận ra. Cùng tìm hiểu những điểm mạnh của trẻ tự kỷ là gì, và làm sao để khai thác chúng một cách tốt nhất.
Những điều cần biết về điểm mạnh của trẻ tự kỷ
Những vấn đề xoay quanh trẻ tự kỷ như trẻ tự kỷ có những điểm mạnh, điểm yếu nào, hoặc làm thế nào dạy trẻ tự kỷ đạt được kết quả tốt luôn thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh. Thực tế, trẻ tự kỷ có những khó khăn, và cả những điểm mạnh riêng mà cha mẹ cần quan tâm.
Những khó khăn của trẻ tự kỷ trong sinh hoạt bắt nguồn từ việc giao tiếp kém, thích chơi một mình, không có hứng thú với những thứ xung quanh, có những hành vi kỳ lạ lặp đi lặp lại, khả năng ngôn ngữ và tương tác kém khiến trẻ khó hòa nhập với cuộc sống.
Tuy nhiên, nhiều trẻ tự kỷ lại thể hiện những tài năng đặc biệt trong một vấn đề nào đó. Một số điểm mạnh của trẻ tự kỷ, đặc biệt là trẻ tự kỷ chức năng cao, là khả năng ghi nhớ vượt trội, có tài năng trong lĩnh vực cụ thể như âm nhạc, toán học, hội họa,… Trẻ chỉ yêu thích một lĩnh vực nhất định, và không quan tâm đến những điều khác.
Nguyên nhân khiến trẻ có những đặc điểm này được cho là do sự phát triển không đồng đều giữa các vùng não của trẻ tự kỷ. Trẻ tự kỷ gặp vấn đề về giao tiếp do vùng não chịu trách nhiệm về ngôn ngữ, giao tiếp không hoạt động bình thường. Trong khi đó, những vùng não khác lại phát triển mạnh mẽ hơn.
Những năng khiếu đặc biệt ở trẻ như ghi nhớ, tính toán, âm nhạc, hội họa,… thể hiện ban đầu chỉ là sự máy móc lặp lại. Trẻ có thể làm, nhưng lại không hiểu, do đó cha mẹ và thầy cô cần hướng dẫn và khai thác những thế mạnh này một cách đúng đắn để trẻ phát triển tốt và nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, cần lưu ý là không phải tất cả trẻ tự kỷ đều có khả năng vượt trội trong một lĩnh vực nào đó. Hoặc những điểm mạnh của trẻ không quá nổi bật và rõ ràng. Nhiều trẻ tự kỷ vẫn phát triển bình thường nếu được can thiệp sớm và dạy dỗ theo phương pháp thích hợp.
Nếu cha mẹ thấy trẻ không có bất cứ khía cạnh nổi bật nào thì đó là điều bình thường, không cần thúc ép hay tỏ thái độ thất vọng. Trẻ tự kỷ muốn cải thiện khả năng giao tiếp, loại bỏ tật xấu, và nhanh chóng hòa nhập thì rất cần sự quan tâm, chăm sóc từ cha mẹ.
Còn với những trẻ có điểm mạnh rõ ràng, nếu cha mẹ biết cách bồi dưỡng và khai thác những thế mạnh của trẻ, trẻ có thể học hỏi nhanh chóng hơn. Khai thác những thế mạnh của trẻ tự kỷ đúng cách cũng giúp cải thiện những điểm yếu ở trẻ, giúp quá trình dạy trẻ trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn.
5 điểm mạnh của trẻ tự kỷ và cách khai thác
Dưới đây là một số điểm mạnh của trẻ tự kỷ thường thấy mà cha mẹ cần chú ý trong quá trình dạy con. Song song với quá trình cải thiện những điểm yếu, việc phát huy những điểm mạnh cũng vô cùng quan trọng, và có thể hỗ trợ cho trẻ trong việc rèn luyện những điều chưa tốt.
1. Khả năng tập trung tốt là điểm mạnh của trẻ tự kỷ
Trẻ tự kỷ không thích giao tiếp với những người xung quanh, mà lại thích chìm vào thế giới riêng và tập trung vào điều trẻ quan tâm. Chính đặc điểm này khiến trẻ tự kỷ có khả năng tập trung rất cao. Trẻ có thể ngồi hàng giờ liền để chú tâm vào một món đồ chơi, hoặc lặp đi lặp lại hành động trong thời gian dài.
Khả năng tập trung cao độ vào điều mình thích là một trong những điểm mạnh cần được quan tâm ở trẻ tự kỷ. Nếu cha mẹ biết cách thu hút sự chú ý, gợi lên hứng thú của trẻ trong một vấn đề nào đó, trẻ có thể học rất nhanh nhờ khả năng tập trung tốt. Cha mẹ có thể tận dụng điều này để dạy trẻ phát triển những kỹ năng và tương tác xã hội cần thiết.
Khả năng tập trung cũng cho phép trẻ chú ý nhiều hơn đến những chi tiết nhỏ, tăng cường trí nhớ, và lặp lại chính xác những điều được hướng dẫn. Đầu tiên, hãy tạo hứng thú cho trẻ bằng cách tìm hiểu những điều trẻ thích, sau đó đưa sở thích này vào những hoạt động cần cải thiện.
Ví dụ nếu trẻ thích thú bông, cha mẹ có thể dùng nhiều thú bông tạo thành lớp học, hoặc giả dụ thú bông là bạn của trẻ. Cha mẹ có thể thông qua thú bông để dạy trẻ cách cư xử, cách xử lý tình huống bình thường trong cuộc sống. Việc tận dụng sở thích và khả năng tập trung của trẻ có thể giúp trẻ học nhanh và hiệu quả hơn.
Một khi trẻ đã có hứng thú và tập trung vào một chủ đề nào đó, trẻ sẽ rất kiên nhẫn trong việc học hỏi và trò chuyện. Cha mẹ cũng có thể giao tiếp nhiều hơn với trẻ thông qua những chủ đề trẻ thích, kếp hợp với bài học hữu ích trong cuộc trò chuyện để trẻ dễ tiếp thu hơn.
Quan trọng là trong quá trình giáo dục, cha mẹ cần thể hiện sự khích lệ, động viên và tạo không khí vui vẻ, thoải mái cho trẻ, giúp trẻ không cảm thấy mệt mỏi hay nặng nề. Cha mẹ nên tập trung vào những bài học hay trò chơi đòi hỏi khả năng tập trung để giúp trẻ phát triển khả năng một cách tốt nhất.
2. Khả năng ghi nhớ của trẻ tự kỷ
Đôi khi, khả năng ghi nhớ ở trẻ tự kỷ có thể khiến người lớn kinh ngạc. Một số trẻ tự kỷ thể hiện trí nhớ siêu việc thông qua việc ghi nhớ những hình ảnh, dãy số, hay thứ tự sắp xếp của những đồ vật mà trẻ tập trung chú ý. Trẻ đặc biệt nhạy cảm với màu sắc, âm thanh, hình ảnh, những con số và thứ tự sắp xếp của các sự vật.
Ví dụ trẻ có thể sắp xếp lại chính xác những món đồ bị xáo trộn, hoặc đạt kết quả tích cực trong những trò chơi kiểm tra trí nhớ. Khả năng ghi nhớ này một phần đến từ khả năng tập trung cao độ của trẻ. Khả năng ghi nhớ tốt giúp trẻ bắt chước, tuân thủ quy tắc và làm theo hướng dẫn nhanh chóng nếu được dạy đúng cách.
Những thông tin và hình ảnh tiếp nhận tồn tại rất lâu trong tiềm thức của trẻ, giúp trẻ ghi nhớ và lặp lại những điều được học một cách chính xác. Cha mẹ có thể tận dụng khả năng ghi nhớ của trẻ để dạy trẻ phân biệt đồ vật, dạy trẻ nhận thức và ghi nhớ những kiến thức cần thiết
3. Điểm mạnh của trẻ tự kỷ là tài năng nghệ thuật vượt trội
Nhiều trẻ tự kỷ có tài năng vượt trội trong những lĩnh vực liên quan đến nghệ thuật như hội họa hay âm nhạc. Những trẻ có tài năng nghệ thuật thường rất nhạy cảm với âm thanh và màu sắc, trẻ thích lắng nghe những giai điệu, thích vẽ tranh, và có thể ngồi hàng giờ liền để chú tâm vào điều mình đang làm.
Trị liệu bằng nghệ thuật là một trong những hình thức trị liệu cho trẻ tự kỷ thu được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt là với trẻ tự kỷ chức năng cao có tài năng đặc biệt. Trẻ được tạo điều kiện tiếp xúc với nhạc cụ, với cọ vẽ và nhanh chóng thể hiện sự tiến bộ vượt bậc trong việc ghi nhớ nốt nhạc, cách chơi nhạc cụ, hay cách vẽ tranh.
Với trẻ tự kỷ, việc giao tiếp với mọi người gặp nhiều khó khăn khiến trẻ khó thể hiện cảm xúc hay nhu cầu của bản thân. Chính vì thế nghệ thuật là một giải pháp giúp trẻ giải tỏa những nguồn năng lượng tiêu cực, và thể hiện thế giới nội tâm của mình.
Thông qua âm nhạc hay nghệ thuật, trẻ tự kỷ sẽ cảm thấy thoải mái hơn, dễ dàng cải thiện cảm xúc hơn, và giúp hạn chế những hành vi bốc đồng, nóng giận vô cớ. Cha mẹ cũng có thể thông qua những bức tranh của trẻ để hiểu hơn về điều trẻ cần, nhằm thay đổi cách giáo dục cho phù hợp.
Rèn luyện nghệ thuật có thể giúp trẻ tăng cường khả năng vận động tinh và vận thô, cải thiện khả năng quan sát, điều hỏa cảm xúc và sự chú ý. Trẻ cũng có thể phát huy trí sáng tạo và thể hiện thế giới nội tâm của mình. Nghệ thuật là điểm mạnh của trẻ tự kỷ rất dễ nhận ra và dễ bồi dưỡng, chỉ cần cho trẻ không gian sáng tạo vui vẻ và thoải mái.
Cha mẹ có thể đưa trẻ đến những trung tâm giáo dục đặc biệt cho trẻ tự kỷ, hay những trung tâm dạy nhạc và dạy vẽ để trẻ có môi trường học tập tốt. Ở đây, trẻ có thể học cùng bạn bè, có cơ hội thể hiện tài năng, và có môi trường thoải mái để sáng tạo và vui chơi. Cha mẹ ở nhà cũng có thể mua nhạc cụ và dụng cụ vẽ để trẻ có cơ hội rèn luyện kỹ năng.
4. Khả năng tiếp thu trực quan
Khả năng tiếp thu mọi thứ một cách trực quan có thể xem là điểm mạnh của trẻ tự kỷ. Nhờ khả năng tập trung cao, trí nhớ tốt, và sự chú ý vào những chi tiết nhỏ nhặt, trẻ tự kỷ có khả năng tiếp thu hình ảnh, âm thanh, hay những thứ trực quan, cụ thể, không cần xử lý thông tin nhiều một cách nhanh chóng và tốt hơn.
Do đó để phát huy khả năng tiếp thu trực quan của trẻ, cha mẹ nên dạy trẻ thông qua những hình ảnh, những biểu tượng sinh động, kích thích sự quan tâm của trẻ. Tốt nhất là thiết kế dựa trên những sở thích, và những điều trẻ quan tâm để trẻ nhớ nhanh và tốt hơn.
5. Khả năng tuân thủ nguyên tắc
Trẻ tự kỷ luôn có những hành động lặp đi lặp lại, và có những hành vi cứng nhắc, luôn làm mọi thứ theo trình tự nhất định. Điều này có thể là điểm yếu ảnh hưởng đến sinh hoạt, nhưng cũng có thể là điểm mạnh nếu cha mẹ biết cách khai thác đặc điểm này để dạy trẻ cách sinh hoạt và làm việc một cách khoa học.
Cha mẹ có thể khuyến khích và tạo thói quen cho trẻ thông qua những hoạt động ngắn. Hãy chia nhỏ quy trình thực hiện, và cho trẻ thực hiện nhiều lần theo những khung giờ nhất định để biến thành thói quen. Sau đó ghép nhiều quy trình lại với nhau, để trẻ thực hiện hành động dài một cách lưu loát.
Trẻ tự kỷ có những quy tắc riêng của bản thân, vì thế nếu cha mẹ giúp trẻ hình thành quy tắc trong công việc, trẻ có thể học theo và thực hiện một cách chính xác. Những quy trình và quy tắc cha mẹ đưa ra cần trực quan, dễ hiểu, rõ ràng để trẻ dễ tiếp nhận và làm quen.
Khả năng tuân thủ nguyên tắc của trẻ cũng giúp cha mẹ có thể dạy trẻ cách ứng xử, những nguyên tắc cần tuân theo trong những tình huống cụ thể. Trong quá trình giáo dục trẻ, cha mẹ cần thể hiện thái độ kiên nhẫn, khích lệ để giúp trẻ thoải mái, không tạo áp lực cho trẻ.
Một số điều cần lưu ý khi khai thác điểm mạnh của trẻ tự kỷ
Để khai thác tốt nhất những điểm mạnh của trẻ tự kỷ, cha mẹ có thể đưa trẻ đến các trung tâm giáo dục đặc biệt, các trung tâm can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ để được tư vấn và hướng dẫn cách nuôi dạy trẻ tốt hơn. Trẻ sẽ có môi trường học tập và phát triển tốt, chuyên nghiệp với sự giúp đỡ của những chuyên gia có tay nghề và được đào tạo bài bản.
Mỗi trẻ tự kỷ sẽ có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Vì thế cha mẹ cũng cần chọn lựa những phương pháp giáo dục phù hợp, và có thái độ kiên nhẫn, tích cực và khích lệ trẻ trong quá trình giáo dục. Khai thác những điểm mạnh cũng giúp cải thiện kỹ năng cần thiết ở trẻ.
Một số khả năng đặc biệt ở trẻ tự kỷ có thể kể đến như tuân thủ một trình tự nhất định, có khả năng tập trung cao độ vào một chủ đề nào đó, có khả năng ghi nhớ tốt, tài năng nghệ thuật đặc biệt, có khả năng tiếp thu trực quan nhanh nhạy, và một số khả năng đặc biệt khác.
Những điểm mạnh ở trẻ tự kỷ này không áp dụng trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, chúng giúp cha mẹ nhận ra những khả năng đặc biệt ở trẻ để có kế hoạch bồi dưỡng điểm mạnh, và cải thiện điểm yếu tốt hơn. Trong quá trình nuôi dạy trẻ, cha mẹ cần chú ý một số vấn đề sau:
- Giáo dục trẻ với tư duy cởi mở, luôn khích lệ và tạo điều kiện cho trẻ phát triển mạnh khỏe.
- Không tạo áp lực, hay bắt buộc trẻ thể hiện những khía cạnh đặc biệt, mà hãy để trẻ phát triển tự nhiên. Trẻ có phát triển những điểm mạnh sẵn có hay không sẽ tùy vào khả năng của trẻ, do đó cha mẹ cần để mọi thứ diễn ra tự nhiên.
- Cần giáo dục trẻ với thái độ nghiêm túc, rõ ràng về yêu cầu và hành động.
- Cha mẹ nên làm gương cho trẻ, cùng trẻ tham gia các hoạt động, chơi đùa và thường xuyên trò chuyện với trẻ.
- Luôn chú ý đến cảm xúc và thái độ của trẻ. Thế giới nội tâm của trẻ tự kỷ rất phức tạp, và trẻ không thể hiện những điều đó ra bên ngoài. Cha mẹ cần quan tâm và chú ý nhiều hơn để trẻ luôn cảm thấy vui vẻ, thoải mái.
- Tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với nhiều bạn bè, có thể đưa trẻ đến các trung tâm giáo dục đặc biệt để trẻ được giáo dục một cách bài bản.
Những trẻ tự kỷ có tài năng đặc biệt, có điểm mạnh đặc biệt rất cần không gian để phát triển. Do đó thầy cô và cha mẹ cần cố hết sức tạo điều kiện và môi trường tốt cho trẻ bồi dưỡng năng lực và hành vi. Có như thế, trẻ mới có thể phát triển khỏe mạnh, và thể hiện được những khả năng thiên bẩm sẵn có.
Đặc biệt, bện cạnh việc khai thác những điểm mạnh, cha mẹ cũng cần dạy trẻ cách giao tiếp, cách hòa nhập cộng đồng, cách kết bạn, và cách tận dụng những điểm mạnh của mình trong cuộc sống. Mục tiêu của việc giáo dục trẻ tự kỷ vẫn là giúp trẻ hòa nhập với cuộc sống một cách dể dàng hơn.
Có lẽ bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!