Các bài tập điều hoà cảm giác cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển
Các bài tập điều hòa cảm giác cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển các tác dụng rất tốt trong việc điều chỉnh và thay đổi các hành vi bất thường, giúp trẻ dễ dàng thích ứng và hòa nhập tốt hơn với môi trường xung quanh. Việc hỗ trợ tập luyện cho trẻ cần phải được thực hiện trong một thời gian nhất định, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại của phụ huynh cùng giáo viên hướng dẫn để mang đến hiệu quả tích cực nhất.
Những khó khăn khi trẻ tự kỷ bị rối loạn điều hòa cảm giác
Tự kỷ hay rối loạn tự kỷ là một trong các rối loạn phát triển thần kinh thường gặp ở nhiều trẻ nhỏ. Các triệu chứng đặc trưng của tự kỷ thường sẽ khởi phát từ rất sớm và có xu hướng kéo dài dai dẳng đến suốt cuộc đời, gây nên những tác động và cản trở to lớn đối với quá trình giao tiếp, hòa nhập xã hội của trẻ.
Biểu hiện đặc trưng của chứng tự kỷ đó chính là những khiếm khuyết về giao tiếp, khả năng tương tác xã hội cùng với những hành vi bất thường có xu hướng lặp đi lặp lại nhiều lần không thể kiểm soát. Bên cạnh đó, phần lớn những đứa trẻ chậm phát triển, trẻ tự kỷ thường phải đối mặt với các rối loạn điều hòa cảm giác khiến trẻ dần mất kết nối với môi trường.
Thông thường, mỗi chúng ta sẽ được tiếp nhận thông tin, tương tác thông qua các giác quan của cơ thể như xúc giác, vị giác, thính giác, khứu giác, thính giác. Tuy nhiên, đối với những trẻ mắc phải chứng rối loạn tự kỷ, hoạt động của các giác quan này sẽ gặp nhiều cản trở, thậm chí là rối loạn nghiêm trọng khiến trẻ khó duy trì tốt các sinh hoạt đời sống hàng ngày.
Khi gặp phải cản trở về quá trình nghe, nhìn, cảm nhận,…sẽ khiến cho trẻ khó có thể hình thành tốt về nhận thức, không thể kết nối hiệu quả với mọi người xung quanh. Đồng thời, một số trẻ tự kỷ bị rối loạn điều hòa cảm giác còn có kèm theo một số rối loạn liên quan khác như tăng động giảm chú ý, rối loạn lo âu,…khiến cho quá trình sinh hoạt càng bị hạn chế nghiêm trọng.
Theo chia sẻ của các chuyên gia thì những trẻ tự kỷ bị rối loạn điều hòa cảm giác sẽ gặp phải cản trở lớn trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin từ cảm giác. Điều này gây nên nhiều ảnh hưởng đối với khả năng tương tác xã hội và trẻ cũng khó có thể chủ động trong các hoạt động đời sống bình thường.
Cụ thể một số khó khăn mà trẻ phải đối mặt như:
- Trẻ khó có thể kết bạn, duy trì các mối quan hệ tích cực với xã hội và có xu hướng tách biệt, chỉ thích chơi một mình.
- Không có khả năng tốt trong việc tự kiểm soát cảm xúc và hành vi của bản thân, dễ kích động, cáu gắt, tự làm tổn thương chính mình.
- Trẻ bị mất tập trung, dễ bị xao nhãng bởi các yếu tố tác động từ bên ngoài.
- Khả năng ghi nhớ của trẻ kém hơn so với mức bình thường.
- Gặp nhiều cản trở trong các vận động thường ngày, cụ thể là các vận động tinh và thô.
- Giấc ngủ bị rối loạn, khó ngủ, ngủ không ngon giấc.
- Chế độ ăn uống, dinh dưỡng không được đảm bảo, ăn kém, chán ăn.
- Chậm phát triển về ngôn ngữ, khả năng giao tiếp và tương tác xã hội kém.
Khi các rối loạn điều hòa cảm giác không được hỗ trợ khắc phục và cải thiện tốt sẽ khiến cho những khó khăn kéo dài liên tục và làm ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe, sự phát triển tự nhiên của trẻ nhỏ. Đặc biệt đối với trẻ tự kỷ, nếu không sớm được can thiệp trong giai đoạn đầu thì trẻ sẽ có nhiều khả năng phải đối mặt với những thách thức to lớn, thậm chí là không thể hòa nhập xã hội.
Tác dụng của các bài tập điều hòa cảm giác cho trẻ tự kỷ
Như đã chia sẻ, rối loạn điều hòa cảm giác ở trẻ tự kỷ, chậm phát triển sẽ gây ra rất nhiều khó khăn, cản trở đối với cuộc sống của trẻ nhỏ. Chính vì thế, việc tìm kiếm phương pháp để hỗ trợ khắc phục cho trẻ là điều vô cùng cần thiết mà các bậc phụ huynh nên nhanh chóng thực hiện trong giai đoạn sớm.
Trong đó, áp dụng các bài tập điều hòa cảm giác cho trẻ tự kỷ là biện pháp được đánh giá cao về mức độ hiệu quả và an toàn. Mục đích chính của việc thực hiện bài tập cho trẻ đó chính là giúp trẻ điều chỉnh tốt về những hành vi rối loạn, chưa phù hợp và hỗ trợ trẻ có thể đáp ứng tốt với việc tiếp nhận thông tin qua các giác quan, từ đó gia tăng những tương tác tích cực với môi trường.
Các bài tập điều hòa cảm giác khi được áp dụng một cách phù hợp sẽ giúp cho trẻ tự kỷ gia tăng khả năng quan sát, chú ý và cảm nhận rõ hơn về thế giới xung quanh. Đồng thời, trẻ cũng có thể rèn luyện tốt về kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp, tương tác xã hội, tư duy trở nên nhạy bén, linh hoạt hơn.
Tuy nhiên, cần phải dựa vào mức độ nghiêm trọng của mỗi trẻ để có thể lên kế hoạch, lựa chọn bài tập phù hợp nhằm giúp trẻ thích ứng và hợp tác hiệu quả hơn. Đồng thời, quá trình thực hiện cũng cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa ba mẹ, gia đình cùng với các chuyên gia để có thể tiến hành đúng theo quy trình phục hồi, hỗ trợ trẻ một cách bài bản, chỉnh chu hơn.
Gợi ý một số bài tập điều hòa cảm giác cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển
Bài tập điều hòa cảm giác cho trẻ tự kỷ là những bài tập có liên quan đến những hoạt động giác quan của trẻ. Trẻ nhỏ sẽ được hỗ trợ áp dụng các bài tập từ đơn giản đến phức tạp để nâng cao hoạt động của thính giác, thị giác, khứu giác, xúc giác, vị giác, khả năng giữ thăng bằng, phản ứng với các tác động từ môi trường.
Cụ thể các bài tập điều hòa cảm giác nên áp dụng cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển như:
1. Bài tập điều hòa xúc giác
Đối với những tình trạng sẽ bị rối loạn về xúc giác thì việc áp dụng các bài tập phù hợp sẽ giúp trẻ dần cảm nhận rõ hơn thông qua việc tiếp xúc, va chạm. Khi nhận thấy trẻ tự kỷ có xu hướng ít gần gũi, ít tương tác với những người bên cạnh thì các bậc phụ huynh cũng nên tìm kiếm các biện pháp can thiệp, hỗ trợ nâng cao khả năng cảm nhận xúc giác cho trẻ.
Cụ thể, bạn có thể cùng trẻ thực hiện bài tập đơn giản bằng cách ngồi từ phía sau và ôm lấy người của trẻ, sử dụng hai bàn tay để đan vào nhau, giúp trẻ cảm nhận được sự va chạm cơ thể. Hoặc có thể linh hoạt trong việc thay đổi các biện pháp tiếp xúc như vuốt ve, xoa bóp, cho trẻ chơi đất nặn, tiếp xúc với những đồ vật mềm mại để trẻ gia tăng những cảm nhận chân thực.
Một số bài tập và hoạt động có thể giúp trẻ gia tăng xúc giác như:
- Chơi bột nặn
- Sử dụng vải mềm hoặc bàn chải chà xát lên da
- Ôm ấp, vuốt ve nhẹ nhàng
- Sử dụng đầu ngón tay để vẽ lên cát, nước,…
- Chơi với xâu chuỗi hạt
- Chơi các đồ chơi mềm, có thể nắn bóp được.
2. Bài tập điều hòa thị giác
Khi trẻ tự kỷ bị rối loạn điều hòa thị giác thì dường như trẻ sẽ không biết cách sử dụng ánh mắt để tương tác với mọi người xung quanh. Những đứa trẻ này sẽ có sự nhạy cảm quá mức đối với ánh sáng và luôn có xu hướng tránh né việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hay giao tiếp với những người bên cạnh.
Để cải thiện tốt cho tình trạng này, các bậc phụ huynh cần phải chú ý lựa chọn những bài tập, trò chơi có liên quan đến màu sắc, ánh sáng để giúp trẻ có thể tiếp xúc và làm quen hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ gia tăng thời gian để tương tác, trò chuyện, trao đổi ánh mắt với trẻ cũng là một trong những bài tập cần thiết nên được áp dụng đối với trẻ tự kỷ.
Để gia tăng sự tập trung cho trẻ, phụ huynh cũng nên lựa chọn không gian phù hợp, thoải mái, yên tĩnh để tránh sự xao nhãng, mất tập trung của trẻ. Tùy vào mức độ đáp ứng của trẻ mà các bài tập có thể gia tăng mức độ từ đơn giản đến phức tạp để trẻ cải thiện tốt hoạt động thị giác, giao tiếp và sử dụng ánh mặt hiệu quả hơn.
3. Bài tập điều hòa vị giác
Rối loạn điều hòa vị giác có thể khiến cho trẻ tự kỷ trở nên nhạy cảm quá mức đối với một hoặc một vài loại gia vị, thức ăn nào đó và gây nên các rối loạn về ăn uống, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Một số trường hợp trẻ không thể cảm nhận rõ hơn vị của các món ăn khiến trẻ không có hứng thú và sự yêu thích đối với việc ăn uống.
Để có thể giúp trẻ cải thiện tốt hoạt động của vị giác, phụ huynh hãy chú ý vào việc chọn lựa thức ăn, cung cấp khẩu phần ăn đa dạng và phong phú để trẻ có thể dần thích ứng tốt hơn. Hãy dạy cho trẻ cách tập trung ăn, nhai kỹ thức ăn và tránh việc cho trẻ vừa ăn vừa chơi hay xem tivi, điện thoại sẽ làm giảm thiểu khả năng cảm nhận hương vị ở trẻ.
Khi nhận thấy trẻ không thích hoặc có xu hướng từ chối việc ăn một loại thức ăn nào đó thì ba mẹ cũng có thể tìm hiểu để chế biến thành nhiều món ăn có hương vị khác nhau để gia tăng sự hứng thú ở trẻ. Đồng thời, hãy xen kẽ giữa việc ăn những món ăn yêu thích và những món ăn không yêu thích, cho trẻ ăn một lượng ít, vừa phải để trẻ dần thay đổi thói quen ăn uống theo cách lành mạnh hơn.
4. Bài tập điều hòa thính giác
Khi trẻ tự kỷ bị rối loạn điều hòa thính giác thì phần lớn trẻ sẽ có sự suy giảm nghiêm trọng về khả năng nghe. Trẻ thường không phản ứng khi được gọi tên hoặc có thể nhạy cảm quá mức đối với các âm thanh, tiếng động lớn bên ngoài.
Đối với những trường hợp này, các bậc phụ huynh có thể áp dụng những bài tập liên quan đến âm thanh như vỗ tay nhẹ nhàng xung quanh tai của trẻ, xoa bóp, vuốt ve vành tai, cho trẻ nghe nhạc,….Những giai điệu nhẹ nhàng, du dương và sâu lắng có thể giúp trẻ cảm nhận một cách dễ dàng hơn. Sau khi nhận thấy trẻ có sự thích ứng tốt thì hãy gia tăng mức độ của các bài tập để dần cải thiện hoạt động thính giác cho trẻ.
5. Bài tập điều hòa khứu giác
Cũng tương tự như các tình trạng rối loạn điều hòa cảm giác khác, khi trẻ bị rối loạn khứu giác thì khả năng cảm nhận thông qua hoạt động ngửi sẽ gặp rất nhiều các trở ngại. Trẻ khó có thể ngửi được mùi vị, hương thơm của đồ ăn, hoa lá và khó có thể phân biệt chúng thông qua khứu giác.
Để có thể khắc phục tình trạng này, các bậc phụ huynh hãy cho trẻ tiếp xúc với những thực phẩm có mùi vị đặc trưng hoặc những hương thơm gần gũi, quen thuộc để trẻ có thể cảm nhận tốt hơn. Bằng cách này sẽ kích thích hoạt động của khứu giác, giúp trẻ dần có phản ứng tốt với những hương thơm xung quanh.
6. Bài tập điều hòa tiền đình
Theo lời khuyên của các chuyên gia thì nên áp dụng các bài tập về vận động, hỗ trợ giữ thăng bằng cho những trường hợp trẻ tự kỷ bị rối loạn điều hòa tiền đình. Trẻ cần tham gia vào các hoạt động vận động linh hoạt để có thể hỗ trợ cải thiện và rèn luyện các chức năng liên quan.
Tuy nhiên, những đứa trẻ này thường có xu hướng tăng động, không chịu ngồi yên và khó khăn trong việc kiểm soát hành vi của mình. Do đó, cần cho trẻ tham gia vào một số trò chơi thúc đẩy sự tập trung chú ý trước khi bắt đầu các hoạt động ngoài trời.
Cụ thể một số bài tập hữu ích như:
- Nhảy tại chỗ
- Bật xa
- Nhảy dây
- Vượt chướng ngại vật
- Lăn người về phía trước
- Xoay tròn
- Đạp xe đạp
7. Bài tập điều hòa cảm thụ bản thể
Để kích thích hoạt động của cơ, xương khớp của trẻ tự kỷ thì việc áp dụng các bài tập với cường độ nặng, phức tạp, đòi hỏi khả năng tập trung cao về xúc giác chính là lựa chọn phù hợp nhất. Trẻ cũng cần học cách nhận biết các vị trí, bộ phận trên cơ thể để cảm nhận rõ hơn về bản thân.
Cụ thể một vài bài tập phù hợp như:
- Bò dưới gầm bàn, bò theo đường thẳng
- Chạy nhảy
- Kéo, đẩy các đồ vật nặng
- Mang, vác các vật nặng khi di chuyển, bò trườn
- Xúc cát
- Nhai, cắn thức ăn
- Dùng ống hút, thổi sáo, kèn
Một số lưu ý khi hỗ trợ trẻ tự kỷ bị rối loạn điều hòa cảm giác
Việc áp dụng các bài tập điều hòa cảm giác cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển sẽ giúp trẻ dần cải thiện tốt các khiếm khuyết và những hạn chế trong hoạt động giác quan. Tuy nhiên, việc tập luyện cũng cần đảm bảo tốt về cường độ, tần suất thực hiện phù hợp với sức khỏe và khả năng của mỗi trẻ, tránh việc bắt ép trẻ phải thực hiện quá mức.
Để giúp cho quá trình can thiệp đạt được nhiều hiệu quả hơn, phụ huynh và các chuyên gia cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Chỉ nên bắt đầu thực hiện bài tập với cường độ thấp và tăng dần theo thời gian để trẻ có thể thích ứng một cách hiệu quả.
- Tuyệt đối không sử dụng đòn roi hay những lời chửi mắng trong bất kỳ trường hợp nào. Nếu trẻ không đáp ứng tốt theo yêu cầu của bài tập thì phụ huynh chỉ nên nhẹ nhàng phân tích, chia sẻ, động viên để trẻ cố gắng hơn.
- Quá trình can thiệp và cải thiện rối loạn điều hòa cảm giác ở trẻ tự kỷ cần phải kéo dài nên ba mẹ nên kiên trì, nhẫn nại để đồng hành với trẻ.
- Không nên tạo áp lực lớn trong việc cải thiện của trẻ, mỗi trẻ nhỏ điều có khả năng khác nhau và cần phải có sự nỗ lực, cố gắng lâu dài.
- Cha mẹ cần có sự kết hợp chặt chẽ cùng với chuyên gia, giáo viên hướng dẫn trực tiếp cho trẻ để có thể trao đổi, dễ dàng đưa ra những biện pháp tối ưu giúp trẻ phát triển, cải thiện hiệu quả.
Trên đây là một số thông tin chia sẻ về các bài tập hỗ trợ điều hòa cảm giác cho trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển. Để lên kế hoạch tập luyện phù hợp cho trẻ, các bậc phụ huynh cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, các chuyên gia giáo dục để giúp trẻ rèn luyện, khắc phục tốt nhất.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!