Trẻ tự kỷ chức năng cao: Dấu hiệu, Chẩn đoán và Can thiệp
Trẻ tự kỷ chức năng cao sẽ gặp phải một số khó khăn trong cuộc sống do không hiểu ngôn ngữ cơ thể, thiếu sự đồng cảm, chia sẻ và hành vi lóng ngóng. Tuy nhiên, nhờ có chỉ số IQ cao nên trẻ vẫn có thể học tập và phát triển như bình thường nếu được phát hiện sớm.
Tự kỷ chức năng cao là gì?
Tự kỷ chức năng cao (High-Functioning Autism) còn được biết đến với tên gọi là hội chứng Asperger (Asperger Syndrome). Thuật ngữ này đề cập đến một dạng rối loạn phát triển thần kinh thuộc nhóm rối loạn phổ tự kỷ (ASD).
Hội chứng Asperger được đề cập lần đầu tiên bởi bác sĩ nhi khoa người Áo Hans Asperger. Trong quá trình khám chữa bệnh cho các bệnh nhi, bác sĩ nhận thấy một số trẻ có trí tuệ phát triển bình thường nhưng thiếu kỹ năng giao tiếp – đặc biệt là giao tiếp phi ngôn ngữ, hành vi vụng về, lóng ngóng và thiếu sự đồng cảm, chia sẻ. Đây đều là những đặc điểm nổi bật của hội chứng Asperger hay tự kỷ chức năng cao.
Tự kỷ chức năng cao gây ra những khó khăn trong giao tiếp, rối loạn cảm xúc và những hạn chế trong các kỹ năng xã hội. Tuy nhiên, trẻ mắc chứng bệnh này vẫn có thể phát triển trí tuệ, tư duy và ngôn ngữ như bình thường. Thậm chí một số trẻ tự kỷ chức năng cao có trí nhớ vô cùng tốt và am hiểu sâu sắc một vài lĩnh vực như âm nhạc, thiên văn, toán học, địa lý,…
Điểm khác biệt giữa tự kỷ chức năng cao và tự kỷ điển hình là triệu chứng khởi phát muộn (thường là vào tuổi đến trường). Vì mức độ ảnh hưởng nhẹ hơn nên trẻ tự kỷ chức năng cao vẫn có thể học tập và phát triển.
Thậm chí, một số người có thể đạt được những thành tựu lớn nhờ có trí nhớ tốt và chỉ số IQ cao. Trong lịch sử đã ghi nhận nhiều thiên tài có biểu hiện của tự kỷ chức năng cao như nhà văn Hans Christian Andersen, nhà văn George Orwell, nhà soạn nhạc Mozart, nhà vật lý Albert Einstein,…
Theo thống kê từ Liên Hợp Quốc, có khoảng 1% dân số đang phải đối mặt với chứng rối loạn phổ tự kỷ. Trong đó, tự kỷ chức năng cao chiếm 20%. Trên thực tế vào năm 2013, dạng tự kỷ này đã được đưa vào nhóm rối loạn phổ tự kỷ (ASD) và không được xem là một chẩn đoán chính thức. Tuy nhiên, thuật ngữ tự kỷ chức năng cao và hội chứng Asperger vẫn được sử dụng rất phổ biến.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tự kỷ chức năng cao
Tự kỷ điển hình thường khởi phát triệu chứng từ rất sớm (trước 36 tháng tuổi). Tuy nhiên, các biểu hiện tự kỷ chức năng cao thường xuất hiện muộn hơn (đa phần là vào giai đoạn đến trường).
Theo các chuyên gia, bản thân trẻ tự kỷ chức năng cao vẫn phát triển bình thường về ngôn ngữ, nhận thức và các kỹ năng cần thiết. Khi bước vào môi trường đòi hỏi sự tương tác và kỹ năng phức tạp hơn (giai đoạn đến trường), những khiếm khuyết sẽ dần được bộc lộ. Tương tự như các dạng tự kỷ khác, tự kỷ chức năng cao có triệu chứng khá đa dạng và đôi khi phụ huynh không phát hiện bất thường ở con trẻ, thậm chí là khi đến tuổi vị thành niên và trưởng thành.
Các dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ chức năng cao:
- Trong những năm đầu đời, trẻ phát triển bình thường về ngôn ngữ, nhận thức và các kỹ năng cần thiết.
- Trẻ tự kỷ chức năng cao có vốn từ phong phú, thậm chí có thể ghi nhớ những từ chuyên ngành phức tạp và khó hiểu. Tuy nhiên, trẻ không biết vận dụng tối đa từ vựng để giao tiếp. Đôi khi nói những câu quá trịnh trọng, ngữ điệu đều đều hoặc nhấn nhá không phù hợp với ngữ cảnh.
- Trẻ thường nói chuyện một chiều, ít khi tương tác với người đối diện. Chủ yếu nói về bản thân và chủ đề mà trẻ quan tâm thay vì đề cập đến mọi thứ như những trẻ bình thường.
- Trẻ tự kỷ chức năng cao có thể nói liên tục về chủ đề mà trẻ quan tâm mà không biết bản thân đang gây phiền hà cho người khác. Một phần vì trẻ không hiểu được ngôn ngữ cơ thể như cau mày, nhăn nhó,…
- Mặc dù nhận thức phát triển nhưng trẻ tự kỷ chức năng cao sẽ gặp khó khăn khi giao tiếp. Bởi bản thân trẻ chỉ hiểu được nghĩa đen của câu và không hiểu được ngôn ngữ cơ thể (ánh mắt, cử chỉ, biểu cảm khuôn mặt,…).
- Thiếu sự quan tâm và hứng thú với các hoạt động tập thể.
- Trẻ không có tính khôi hài, cứng nhắc.
- Ít có nhu cầu kết bạn và hầu như không có các mối quan hệ lâu dài với bạn bè đồng trang lứa.
- Trẻ tự kỷ chức năng cao đặc biệt yêu thích một vài lĩnh vực nào đó. Với những thứ mà trẻ yêu thích, trẻ sẽ dành nhiều thời gian để nghiên cứu và tìm hiểu.
- Cực kỳ tuân thủ các hành vi sinh hoạt hằng ngày đến mức cứng nhắc. Điều này không phù hợp với độ tuổi và hoàn cảnh.
- Một số trẻ cũng có các hành vi định hình, lặp đi lặp lại như trẻ tự kỷ điển hình. Thường là hành vi vặn ngón tay, bàn tay, vẫy tay,…
- Ít biểu lộ cảm xúc và nhu cầu tình cảm cũng thấp hơn so với bình thường. Không biết khoe hay chia sẻ những thành quả, niềm vui của bản thân.
- Cử động vụng về, lóng ngóng, thiếu sự phối hợp nhịp nhàng.
- Nhạy cảm với những kích thích từ môi trường như quần áo, âm thanh cho đến thức ăn.
Các triệu chứng của tự kỷ chức năng cao chỉ bộc lộ trong giai đoạn đến trường. Từ năm 2013 trở đi, hội chứng Asperger đã không được coi là chẩn đoán chính thức mà được chẩn đoán chung là rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, vì mức độ nhẹ hơn tự kỷ điển hình nên nhiều người vẫn dùng thuật ngữ “hội chứng Asperger” hay “tự kỷ chức năng cao” để giảm mức độ nặng nề khi nói đến bệnh tình của con.
Nguyên nhân gây tự kỷ chức năng cao
Rối loạn phổ tự kỷ nói chung và tự kỷ chức năng cao nói riêng là kết quả do nhiều yếu tố tác động. Hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác. Tuy nhiên, những nghiên cứu đã thực hiện phần nào xác định được một số yếu tố liên quan đến chứng tự kỷ chức năng cao bao gồm:
- Bất thường về gen: Gen di truyền là nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ bị tự kỷ và tự kỷ chức năng cao. Các chuyên gia chưa xác định được loại gen cũng như cách thức di truyền. Tuy nhiên, điều tra dịch tễ cho thấy nguy cơ mắc chứng Asperger tăng lên nếu tiền sử gia đình bị tự kỷ và mắc các dạng rối loạn phát triển thần kinh khác.
- Tác động từ môi trường: Các chuyên gia tin rằng, gen tiềm ẩn chỉ bùng phát khi có tác động từ môi trường như nhiễm độc thủy ngân, các biến chứng chu sinh, thiếu vi chất dinh dưỡng trong thai kỳ,… Hội chứng Asperger không liên quan đến cách nuôi dạy của gia đình và cũng không có mối liên hệ với những vấn đề cảm xúc, sang chấn tâm lý mà trẻ đã trải qua.
Ảnh hưởng của chứng tự kỷ chức năng cao đối với trẻ nhỏ
Tự kỷ chức năng cao có tiên lượng tốt hơn so với tự kỷ điển hình. Bản thân trẻ mắc chứng bệnh này vẫn phát triển nhận thức, ngôn ngữ bình thường và có đầy đủ các kỹ năng để phục vụ bản thân. Tuy nhiên, do khả năng phi ngôn ngữ kém nên trẻ không hiểu được ẩn ý trong hành động, ánh mắt và biểu cảm của người khác.
Thiếu sự thấu hiểu về ngôn ngữ cơ thể khiến trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp và xây dựng các mối quan hệ. Ngoài ra, việc sử dụng từ ngữ một cách máy móc, ngữ điệu đều đều, đôi khi nói quá to hoặc nhấn nhá không phù hợp cũng khiến cho trẻ khó có thể giao tiếp một cách thuận lợi.
Bên cạnh những hạn chế về giao tiếp, trẻ cũng không biết cách bộc lộ cảm xúc và không hiểu được tâm tư, tình cảm của người khác. Tương tự như tự kỷ điển hình, trẻ tự kỷ chức năng cao cũng ít có nhu cầu được kết bạn.
Trẻ hầu như không có bạn bè, không biết bày tỏ sự cảm thông và ít khi thể hiện tình cảm với những người xung quanh. Hiểu một cách nôm na thì trẻ sống “vô tâm”, thiếu sự quan tâm đến người khác và chỉ tập trung vào những lĩnh vực/ vấn đề mà trẻ yêu thích (thường là âm nhạc, vật lý, thiên văn học,…).
Tự kỷ chức năng cao tiến triển suốt đời và không có biện pháp điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, can thiệp sớm có thể giảm bớt những hạn chế về khả năng giao tiếp và tương xã hội. Với nhiều điểm mạnh, trẻ tự kỷ chức năng cao có thể đạt được những thành tựu vô cùng ấn tượng. Điều này đã được khẳng định khi hầu hết thiên tài trong các lĩnh vực đều có biểu hiện tự kỷ ở một mức độ nào đó.
Vai trò của gia đình là giúp trẻ phát huy thế mạnh của bản thân và cải thiện những khiếm khuyết, hạn chế. Nhìn chung, trẻ tự kỷ chức năng cao vẫn có thể học tập và duy trì cuộc sống như bình thường nếu được can thiệp kịp thời, đúng cách và tích cực.
Chẩn đoán trẻ tự kỷ chức năng cao
Tự kỷ chức năng cao (hội chứng Asperger) được chính thức công nhận trong Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn thần kinh (DSM-5) năm 1994. Vào năm 2003, hội chứng Asperger đã được đưa ra khỏi DSM và được gộp chung với rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên hiện tại, thuật ngữ này vẫn được sử dụng cho những trẻ tự kỷ có chỉ số IQ từ trung bình đến cao và nhận thức phát triển bình thường.
Tự kỷ chức năng cao được chẩn đoán khi trẻ phát triển ngôn ngữ và tư duy một cách thuận lợi, có các kỹ năng tự chăm sóc bản thân phù hợp với hoàn cảnh và độ tuổi. Tuy nhiên, trẻ gặp khó khăn về giao tiếp và tương tác xã hội – đặc biệt là không hiểu ngôn ngữ cơ thể. Cảm xúc nghèo nàn, không biết cách cảm thông và không có nhu cầu xây dựng, phát triển các mối quan hệ.
Chẩn đoán tự kỷ chức năng cao thường dựa vào các kỹ thuật sau:
- Khám tổng quát
- Khai thác triệu chứng, tiền sử bệnh lý
- Trắc nghiệm tâm lý
Hướng can thiệp cho trẻ tự kỷ chức năng cao
Tự kỷ chức năng cao có phạm vi và mức độ triệu chứng hạn chế hơn so với tự kỷ điển hình. Do đó, trẻ sẽ không phải can thiệp quá nhiều các biện pháp chăm sóc và hỗ trợ. Lựa chọn điều trị sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào triệu chứng và những khó khăn, hạn chế mà trẻ gặp phải.
Các phương pháp được cân nhắc trong điều trị tự kỷ chức năng cao ở trẻ em bao gồm:
1. Liệu pháp tâm lý
Trẻ tự kỷ chức năng cao thường ít tình cảm, không biết cách cảm thông, chia sẻ và cũng không có nhu cầu được sẻ chia. Điều này khiến trẻ gặp khó khăn trong việc xây dựng, duy trì các mối quan hệ và có xu hướng cô lập bản thân. Tách biệt ra khỏi xã hội sẽ làm gia tăng các vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm,… và khiến trẻ mất mục tiêu, định hướng trong cuộc sống.
Liệu pháp tâm lý được can thiệp nhằm giúp trẻ giảm các hành vi định hình, lặp đi lặp lại và kiểm soát tốt các cảm xúc tiêu cực (nóng nảy, cáu kỉnh, tức giận,…). Liệu pháp này cũng sẽ giúp trẻ nuôi dưỡng tình yêu thương, sống tình cảm, biết cách sẻ chia và cảm thông với những người xung quanh.
Đối với hội chứng Asperger, liệu pháp tâm lý được xem là giải pháp vàng giúp trẻ gỡ bỏ những khó khăn trong cuộc sống. Can thiệp trị liệu sớm hứa hẹn sẽ mang đến kết quả tích cực và giúp trẻ nhanh chóng ổn định lại cuộc sống.
2. Ngôn ngữ trị liệu
Trẻ tự kỷ chức năng cao phát triển ngôn ngữ bình thường, biết nói và hiểu được lời nói của người khác. Trong khi đó, tự kỷ điển hình khiến trẻ chậm phát triển ngôn ngữ và thậm chí là bị câm, không thể giao tiếp.
Mặc dù vốn từ phong phú nhưng trẻ tự kỷ chức năng cao sử dụng từ ngữ một cách máy móc, đôi khi dùng các từ ngữ quá chuyên ngành và trịnh trọng không phù hợp với ngữ cảnh. Trẻ nói quá to, ngữ điệu nhấn nhá kỳ lạ khiến cho câu nói không phù hợp với cuộc giao tiếp. Ngôn ngữ trị liệu được can thiệp với mục đích cải thiện những vấn đề kể trên.
Ngoài ra, liệu pháp ngôn ngữ cũng giúp trẻ hiểu hơn về ngôn ngữ cơ thể (ánh mắt, cử chỉ, biểu cảm và hành động). Khi hiểu được giao tiếp phi ngôn ngữ, trẻ sẽ biết cách trò chuyện, tương tác và thấu hiểu hơn cảm xúc, suy nghĩ của người khác.
Trẻ tự kỷ chức năng cao có xu hướng giao tiếp một chiều và nội dung cuộc giao tiếp thường bị giới hạn (chủ yếu là các lĩnh vực, vấn đề mà trẻ quan tâm). Các chuyên gia cũng sẽ giúp trẻ học cách tương tác qua lại khi giao tiếp và mở rộng mối quan tâm đến nhiều khía cạnh khác.
3. Sử dụng thuốc
Không có bất cứ loại thuốc nào có thể điều trị tự kỷ chức năng cao. Tuy nhiên, thuốc sẽ được cân nhắc sử dụng nếu trẻ có biểu hiện rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và rối loạn lo âu. Đa phần trẻ tự kỷ đều có hành vi định hình, cưỡng bức. Nếu không lặp đi lặp lại những hành vi này, trẻ sẽ cảm thấy căng thẳng, cáu kỉnh và tức giận.
Ngoài việc can thiệp trị liệu tâm lý, dùng thuốc có thể làm giảm một số triệu chứng do rối loạn lo âu và ám ảnh cưỡng chế gây ra. Dùng thuốc tiềm ẩn khá nhiều rủi ro và tác dụng phụ. Do đó, gia đình cần theo sát trẻ trong thời gian dùng thuốc để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường.
4. Các phương pháp can thiệp khác
Tương tự như tự kỷ điển hình, mức độ của tự kỷ chức năng cao có sự khác biệt ở từng trẻ. Ngoài các phương pháp được đề cập, trẻ cũng có thể được can thiệp một số phương pháp khác tùy theo triệu chứng cụ thể.
Các phương pháp can thiệp khác có thể được cân nhắc cho trẻ tự kỷ chức năng cao bao gồm:
- Phân tích hành vi ứng dụng
- Hòa nhập cảm giác
- Hoạt động trị liệu
- Vật lý trị liệu
5. Sự hỗ trợ của gia đình
Trẻ tự kỷ chức năng cao có đầy đủ kỹ năng để tự chăm sóc bản thân. Tuy nhiên, bản thân trẻ cũng cần sự hỗ trợ của gia đình để có thể cải thiện những khiếm khuyết về khả năng giao tiếp và tương tác xã hội. Để bệnh trạng có chuyển biến tốt, gia đình nên:
- Thường xuyên trò chuyện với trẻ và hướng dẫn trẻ cách sử dụng những từ ngữ phù hợp trong giao tiếp hằng ngày. Trong quá trình trò chuyện, gia đình cũng có thể dạy trẻ cách nhấn nhá và ngữ điệu cho phù hợp.
- Khuyến khích trẻ tham gia các trò chơi đúng với lứa tuổi để trẻ có thể mở rộng phạm vi sở thích của bản thân.
- Cho trẻ đến công viên, trung tâm vui chơi,… để có cơ hội gặp gỡ và kết bạn.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý nhằm thúc đẩy sự phát triển thể chất và trí não cho bé. Nếu trẻ có các hành vi định hình và cảm xúc bất ổn, nên loại bỏ gluten và casein ra khỏi chế độ ăn.
- Trẻ tự kỷ chức năng cao thường vụng về, lóng ngóng. Để cải thiện sự phối hợp giữa các chi, nên cho trẻ tập thể dục và tham gia các trò chơi cần phải vận động.
- Phát hiện thế mạnh, đam mê của trẻ nhằm tạo điều kiện để con trẻ phát triển. Đa phần trẻ tự kỷ chức năng cao đều bị lôi cuốn mạnh mẽ bởi một lĩnh vực nào đó. Nếu có môi trường thuận lợi, trẻ có thể đạt được thành công trong tương lai.
- Gia đình nên tạo môi trường sống lành mạnh, thuận hòa và ấm cúng. Các thành viên nên bày tỏ cảm xúc và thường xuyên chia sẻ để giúp trẻ tăng nhu cầu tình cảm. Như vậy, trẻ sẽ dần hình thành mối liên kết với những người xung quanh và bắt đầu có nhu cầu kết bạn.
Trẻ tự kỷ chức năng cao sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong giao tiếp, xây dựng và duy trì các mối quan hệ. Bản thân trẻ mắc chứng bệnh này có chỉ số IQ từ trung bình trở lên và trí nhớ vô cùng tốt. Nếu được phát hiện và can thiệp kịp thời, trẻ hoàn toàn có thể học tập tốt, phát triển thuận lợi và đạt được thành công trong tương lai.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!