9 dấu hiệu trẻ tự kỷ dưới 12 tháng tuổi mẹ cần đặc biệt lưu ý
Tự kỷ là một hội chứng rối loạn phát triển thần kinh kéo dài vĩnh viễn. Tuy nhiên, nếu có thể sớm phát hiện các dấu hiệu trẻ tự kỷ dưới 12 tháng tuổi thì quá trình cải thiện sẽ đạt được nhiều thành công hơn, trẻ có thể khắc phục tốt những khiếm khuyết về ngôn ngữ, tương tác, hành vi để hòa nhập và độc lập hơn trong cuộc sống.
Tìm hiểu về trẻ tự kỷ
Tự kỷ hay còn được gọi là rối loạn phổ tự kỷ (ASD) là một chứng rối loạn phát triển thần kinh phổ biến ở trẻ nhỏ. Đặc trưng nổi bậc của hội chứng này đó chính là sự suy giảm và khiếm khuyết về khả năng giao tiếp, hành vi và tương tác xã hội.
Các biểu hiện của tự kỷ thường khởi phát từ rất sớm, ngay từ khi trẻ vừa chào đời hoặc trong khoảng 3 năm đầu tiên và kéo dài dai dẳng cho đến hết cuộc đời. Trẻ nhỏ mắc phải chứng tự kỷ sẽ có nhận thức kém kèm theo những sự khó khăn về giao tiếp, khả năng tương tác, học tập, các hành vi bất thường.
Tự kỷ thường được biểu hiện với đa dạng các triệu chứng, mỗi trẻ nhỏ mắc bệnh sẽ có những đặc trưng riêng biệt. Tuy nhiên, nếu có thể chú ý quan sát trong những năm đầu đời, các bậc phụ huynh cũng có thể kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường và giúp trẻ can thiệp hiệu quả hơn.
Mặc dù đây là tập hợp các khiếm khuyết vĩnh viễn nhưng nếu có thể hỗ trợ cải thiện ngay từ thuở nhỏ thì trẻ vẫn có nhiều khả năng được cải thiện tốt về các kỹ năng cơ bản nhằm giúp trẻ độc lập và hòa nhập tốt hơn với cộng động. Tuy nhiên, theo chia sẻ của các chuyên gia thì phần lớn các trường hợp trẻ tự kỷ được tiến hành thăm khám và điều trị đều đã hơn 2 tuổi cho dù các triệu chứng đã khởi phát từ ngay những tháng đầu đời.
7 dấu hiệu nhận biết sớm trẻ tự kỷ dưới 12 tháng tuổi
Như đã chia sẻ, việc phát hiện và chẩn đoán sớm tự kỷ ở trẻ nhỏ sẽ góp phần quan trọng đối với sự gia tăng hiệu quả trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, phần lớn trẻ tự kỷ đều được chẩn đoán khá muộn, các trường hợp sớm cũng khoảng hơn 2 tuổi.
Mặt khác, các chuyên gia cho biết rằng, các triệu chứng của trẻ tự kỷ có thể khởi phát từ rất sớm, vào khoảng 6 tháng tuổi. Do đó, các bậc phụ huynh cần phải quan tâm, chú ý quan sát để có thể kịp thời nhận biết các dấu hiệu bất thường ở trẻ tự kỷ dưới 12 tháng tuổi để giúp trẻ có thêm nhiều cơ hội được can thiệp tốt và phát triển ổn định hơn.
Cụ thể một số dấu hiệu giúp cha mẹ nhận biết sớm trẻ tự kỷ dưới 12 tháng tuổi như sau:
1. Trẻ không tương tác với mọi người xung quanh
Trẻ dưới 12 tháng tuổi có thể vẫn chưa có khả năng sử dụng ngôn ngữ, chưa thể nói được các từ tròn vành rõ chữ nhưng trẻ vẫn có thể tương tác tốt với những người xung quanh thông qua các cử chỉ tay chân hoặc nụ cười. Tuy nhiên, đối với những trẻ mắc chứng tự kỷ thì dường như trẻ không có nhu cầu được kết nối với mọi người xung quanh.
Các bậc phụ huynh có thể thấy trẻ không chú ý đến các hoạt động diễn ra bên cạnh và cũng không thường xuyên nhìn hoặc tương tác khi được người khác đùa giỡn, chuyện trò. Trẻ cũng không có xu hướng đáp lại nụ cười của những người xung quanh và rất ít khi cười.
Những trẻ tự kỷ chỉ có mối quan tâm nhất định đến một hoặc một vài đồ vật hay sự vật nào đó. Trẻ không để ý đến thái độ hay mong muốn của những người bên cạnh. Đồng thời cũng không có biểu hiện cười giòn tan khi được trò chuyện, chơi đùa cùng với người thân hay cha mẹ.
2. Không có phản ứng khi được gọi tên
Một trong các dấu hiệu đặc trưng dễ nhận biết của trẻ tự kỷ dưới 12 tháng đó chính là không có phản ứng khi được gọi tên hay khi thấy các âm thanh, tiếng động xung quanh. Ngay từ khi vừa mới chào đời, trẻ nhỏ đã được cha mẹ, người thân gọi với những tên thân mật, yêu thương.
Cách gọi tên này cũng giúp trẻ dần phản ứng và phân biệt rõ về những âm thanh khác nhau, xác định được tên gọi khi người khác nhắc đến mình. Dù là những người thân thiết hay xa lạ, khi nhắc đến tên trẻ, trẻ cũng có xu hướng phản ứng và quay đầu lại tìm kiếm người đã phát ra âm thanh đó.
Tuy nhiên, đối với trẻ tự kỷ thì trẻ hoàn toàn không có khả năng này. Dù đã được gần 1 tuổi nhưng khi được người khác gọi tên, trẻ vẫn không có phản ứng linh hoạt hoặc thậm chí không quay đầu lại nhìn. Nếu trẻ dưới 12 tháng tuổi có dấu hiệu này, các bậc phụ huynh cũng nên cân nhắc cho trẻ tiến hành kiểm tra để chẩn đoán cụ thể hơn.
3. Trẻ ít bắt chước
Trẻ em phát triển và học hỏi những thứ xung quanh thông qua hành vi bắt chước. Trẻ từ 6 đến 7 tháng đã bắt đầu quan sát đến những chuyển động và sự vật diễn ra bên ngoài và dần có xu hướng bắt chước theo những âm thanh, cử chỉ.
Các bậc phụ huynh có thể dễ dàng quan sát, trẻ nhỏ dưới 1 tuổi sẽ thường xuyên bắt chước các âm thanh từ cha mẹ hoặc những loài động vật bên ngoài. Ví dụ như trẻ có thể nói được baba, mama hoặc nói các chữ đơn như a, e,….khi nghe được từ những người xung quanh.
Vì thế, nếu trong giai đoạn này, trẻ vẫn chưa thể bắt chước theo các âm thanh, nụ cười, nét mặt hay cử chỉ cũng người khác thì có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm về chứng tự kỷ. Trong những năm tháng đầu đời, cha mẹ nên dành nhiều sự quan tâm và chú ý đến từng biểu hiện của trẻ nhỏ để kịp thời hỗ trợ cho trẻ.
4. Ánh mắt thiếu sự linh hoạt
Trẻ dưới 1 tuổi vẫn chưa thể sử dụng ngôn ngữ tốt, thậm chí có nhiều trẻ vẫn chưa biết nói bất cứ từ ngữ nào. Vì thế, ánh mắt được xem là một trong các yếu tố giúp trẻ có thể giao tiếp và tương tác tốt với những người xung quanh.
Nhưng đối với trẻ tự kỷ, trẻ sẽ có xu hướng tránh né ánh mắt của người khác, không bao giờ giao tiếp bằng mắt. Thậm chí có nhiều trẻ còn bị hạn chế về sự linh hoạt của mắt, mắt trẻ thường nhìn vào một điểm nhất định hay nhìn xa xăm. Phần lớn những trẻ tự kỷ sẽ có sự thu hút vào những vật chuyển động tròn như chong chóng, bánh xe,….
5. Ít hoặc không biểu hiện cử chỉ, điệu bộ
Dựa vào tốc độ phát triển bình thường của mỗi trẻ nhỏ thì trẻ từ 8 đến 10 tháng đã có thể thực hiện được các cử chỉ đơn giản để kết nối và tương tác tốt hơn với mọi người. Ví dụ như trẻ có thể mỉm cười, vẫy tay chào, nắm tay, đập tay, cầm nắm các vật xung quanh.
Ngược lại, những trẻ tự kỷ sẽ không có các biểu hiện này hoặc thậm chí trẻ không có các cử chỉ, điệu bộ phát triển bình thường. Vì thế, dù trẻ đã được gần 1 tuổi nhưng vẫn không có sự gắn kết với mọi người, kể cả cha mẹ.
6. Trẻ không bập bẹ biết nói
Các chuyên gia cho biết rằng, trẻ từ 11 đến 12 tháng tuổi đã có thể bập bẹ nói được những âm thanh hay từ ngữ đơn giản. Mỗi ngày khi giao tiếp cùng với cha mẹ và những người thân thuộc trẻ sẽ dần học được cách phát âm và tạo ra các âm thanh.
Mặc dù tốc độ phát triển ngôn ngữ của mỗi đứa trẻ là khác nhau, tuy nhiên tình trạng trẻ 12 tháng tuổi nhưng vẫn chưa biết bập bẹ nói cũng là một trong các dấu hiệu cảnh báo về chứng tự kỷ ở trẻ nhỏ. Trẻ chậm nói có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tốt nhất các bậc phụ huynh nên đưa trẻ thăm khám để có thể chẩn đoán chính xác.
7. Ít hoặc không biểu lộ cảm xúc trên gương mặt
Trẻ tự kỷ thường rất ít hoặc thậm chí là không biểu lộ cảm xúc trên gương mặt của mình. Trong kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu cũng nhận thấy rằng, những trẻ ASD ít khi bộc lộ cảm xúc của bản thân ra bên ngoài, đặc biệt là qua nét mặt.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc trẻ tự kỷ không có các cảm xúc vui buồn, sung sướng như bình thường mà chỉ là trẻ ít khi biểu hiện điều đó qua gương mặt. Nếu có thể chú ý quan sát và thường xuyên tương tác với trẻ ngay từ nhỏ, các bậc phụ huynh cũng có thể dễ dàng nhận biết được điều bất thường này.
8. Trẻ tự kỷ không thích được âu yếm
Một trong những đặc điểm có thể giúp cho các ông bố bà mẹ nhận biết sớm chứng tự kỷ ở trẻ dưới 12 tháng tuổi đó chính là sự hạn chế về nhu cầu được âu yếm, ôm ấp. Thông thường, bất kỳ đứa trẻ nào cũng mong muốn nhận được tình yêu thương, được gần gũi với cha mẹ, người thân.
Tuy nhiên, đối với trẻ ASD, trẻ dường như không có nhu cầu và không thích được gần gũi, được người khác cưng nựng, vuốt ve, âu yếm. Một số trường hợp cơ thể trẻ có thể trở nên co cứng hoặc mềm nhũng nếu được người khác bồng bế, ôm ấp.
9. Trẻ ít hoặc không gây sự chú ý
Đây là một trong các dấu hiệu mà các bậc phụ huynh cần lưu tâm để có thể kịp thời phát hiện ra nguy cơ mắc chứng tự kỷ ở trẻ dưới 12 tháng tuổi. Nếu bạn nhận thấy trẻ nhỏ không có xu hướng muốn gây chú ý với mọi người xung quanh, không thực hiện các hành vi, cử chỉ hay cố gắng tạo ra những âm thanh để thu hút người khác thì có nhiều khả năng trẻ đang đối mặt với một số vấn đề sức khỏe nào đó, có thể là tự kỷ.
Cha mẹ cần làm gì khi phát hiện trẻ bị tự kỷ?
Theo chia sẻ của các chuyên gia thì nếu trẻ tự kỷ được phát hiện và can thiệp trong giai đoạn sớm (trước 2 tuổi) thì trẻ sẽ có thêm nhiều cơ hội để cải thiện và phát triển bình thường, khả năng độc lập và hòa nhập cộng đồng lên đến hơn 80%. Đối với các tình trạng can thiệp muộn hơn sau 2 tuổi thì tỷ lệ sẽ dần suy giảm chỉ còn khoảng 50% hoặc thấp hơn.
Chính vì thế mà ngay khi phát hiện ra các dấu hiệu nhận biết bất thường của trẻ tự kỷ dưới 12 tháng tuổi thì các bậc phụ huynh nên chủ động đưa trẻ đến thăm khám và chẩn đoán tại các cơ sở chuyên khoa. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, đánh giá và tìm ra nguyên nhân cụ thể, từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp cho mỗi trẻ.
Tùy thuộc vào mỗi biểu hiện của trẻ tự kỷ và mức độ nghiêm trọng của nó mà các bác sĩ, chuyên gia sẽ cân nhắc lựa chọn phương pháp can thiệp hiệu quả nhất cho trẻ. Các triệu chứng của tự kỷ không thể điều trị dứt điểm nhưng các biện pháp hỗ trợ sẽ giúp cho trẻ nhỏ dần nâng cao được các khiếm khuyết và hòa nhập cuộc sống tốt hơn.
Cha mẹ có con mắc chứng tự kỷ nên chủ động tìm hiểu thông tin về hội chứng này để có thể đồng hành và hỗ trợ tốt cho con. Việc có thể hiểu và biết rõ về những biểu hiện, sự bất thường của trẻ nhỏ sẽ phần nào giúp các các bậc phụ huynh chăm sóc, xử lý tốt các tình huống xảy ra.
Quá trình điều trị cho trẻ tự kỷ sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Cha mẹ cần có sự kiên trì và nỗ lực để giúp con có thể vượt qua những cản trở, từng bước hòa nhập và ổn định cuộc sống trong tương lai, giúp trẻ chủ động và có khả năng tự chăm sóc tốt cho chính mình.
Các dấu hiệu trẻ tự kỷ dưới 12 tháng tuổi có thể khó nhận biết nhưng nếu cha mẹ chú ý quan sát thì vẫn có khả năng phát hiện sớm, giúp trẻ được can thiệp hiệu quả hơn. Mong rằng qua các thông tin chia sẻ trong bài viết này, bạn đọc sẽ biết thêm những đặc điểm nhận biết tự kỷ để kịp thời hỗ trợ trẻ nhỏ từ những giai đoạn đầu tiên, giúp trẻ cải thiện các kỹ năng giao tiếp, kiểm soát hành vi của tự kỷ.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!