Trẻ nói lắp: Nguyên nhân, Biểu hiện và Cách chữa hiệu quả
Trẻ nói lắp là tình trạng nói năng không lưu loát, âm thanh bị kéo dài, và lặp lại khiến trẻ không thể phát âm một từ, một câu hoàn chỉnh. Nói lắp không gây nguy hiểm đến sức khỏe thể chất, nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần, cũng như sự tư tin của trẻ trong giao tiếp và sinh hoạt hàng ngày.
Tình trạng trẻ nói lắp
Nói lắp, hay có nơi gọi là tật cà lăm, là một dạng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ xuất hiện từ thời thơ ấu khi trẻ bắt đầu học nói. Tình trạng này diễn ra thường xuyên trong quá trình giao tiếp, và có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng tùy vào mức độ nói lắp của trẻ. Trẻ nói lắp không thể phát âm hay nói thể hiện ý muốn của mình một cách trôi chảy.
Nói lắp có thể xuất hiện ở bất cứ trẻ nào trong quá trình học nói, và đây là hiện tượng bình thường. Nguyên nhân là do khả năng ngôn ngữ của trẻ chưa phát triển đầy đủ và hoàn chỉnh, trẻ chưa đủ khả năng thể hiện những điều mình muốn nói thật rõ ràng. Thông thường, vấn đề nói lắp xuất hiện trong giai đoạn từ 2 tuổi đến 5 tuổi.
Tình trạng nói lắp thường tự động mất đi khi trẻ được 5 tuổi, khi khả năng ngôn ngữ của trẻ đã cho phép trẻ nói chuyện lưu loát và rõ ràng. Tuy nhiên ở nhiều trẻ, tình trạng nói lắp ngày càng nghiêm trọng theo thời gian, và kéo dài đến khi trưởng thành. Nói lắp ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề biểu đạt và sự tự tin trong giao tiếp của trẻ.
Trẻ nói lắp thường lặp lại một âm thanh, một cụm từ nhiều lần mà không thể kết nối từ đó ngay lập tức với những từ phía sau. Trẻ cũng kéo dài một âm thanh, dính lời, hoặc cố gắng nói nhưng không thể phát ra âm thanh. Trẻ biết mình muốn nói gì, đã nghĩ trong đầu về câu mình sẽ nói, nhưng lại gặp khó khăn khi nói ra.
Có rất nhiều kiểu nói lắp khác nhau. Có trẻ bị nói lắp ở đầu câu, nhưng có trường hợp nghiêm trọng khi nói lắp trong suốt câu nói. Có trẻ đang nói thì tạm dừng, vì không thể phát âm từ mình đang suy nghĩ. Khi nói lắp, trẻ có thể kèm theo những hành động như chớp mắt liên tục, nắm tay, và tỏ thái độ căng thẳng.
Mức độ và tần suất nói lắp của trẻ sẽ khác nhau trong từng trường hợp. Có trẻ chỉ nói lắp vài từ trong câu, có trẻ lại nói lắp hết cả câu. Có trẻ lặp lại việc noii1 lắp liên tục trong quá trình giao tiếp, có trẻ lại nói lắp theo từng giai đoạn. Khi căng thẳng, tức giận, hay phấn khích về một vấn đề nào đó, trẻ cũng thường nói lắp nhiều hơn bình thường.
Trong một số trường hợp, tình trạng nói lắp xảy ra một cách bất ngờ. Trẻ đang nói chuyện trôi chảy bỗng nhiên nói lắp. Tình trạng này có thể là dạng nói lắp do tổn thương hệ thần kinh khiến trẻ mất khả năng giao tiếp lưu loát, hoặc do trẻ bị sang chấn tâm lý khiến trẻ mất tự tin khi nói chuyện.
Xem thêm: Dấu hiệu trẻ bị sang chấn tâm lý & Cách giúp trẻ vượt qua nỗi sợ
Tình trạng nói lắp có thể được cải thiện và chữa trị bằng nhiều phương pháp, tùy vào nguyên nhân và mức độ nói lắp của trẻ. Một số liệu pháp điều trị mang lại hiệu quả cao phải kể đến như trị liệu ngôn ngữ, trị liệu tâm lý, liệu pháp nhận thức-hành vi, sử dụng những thiết bị hỗ trợ, và một số phương pháp khác.
Nguyên nhân khiến trẻ nói lắp
Tương tự như nhiều vấn đề rối loạn khác, hiện nay vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng và thật sự thuyết phục về nguyên nhân chính xác khiến trẻ rơi vào tình trạng nói lắp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể xác định một số yếu tố làm tăng khả năng trẻ bị ảnh hưởng bởi tình trạng này. Trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi 1 hay nhiều yếu tố, bao gồm:
- Gia đình có tiền sử nói lắp có thể làm tăng nguy cơ nói lắp của trẻ. Tình trạng này được cho là có thể bắt nguồn từ tính di truyền. Những gia đình có người nói lắp thì tỷ lệ trẻ bị ảnh hưởng cao hơn 3 đến 4 lần so với bình thường.
- Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ do ảnh hưởng từ hệ thần kinh khiến quá trình nói năng không lưu loát. Nói lắp do bất thường trong hệ thần kinh khiến trẻ nói chậm, kéo dài âm, và không thể thể hiện ý nghĩ một cách trôi chảy.
- Nói lắp do bị ảnh hưởng từ những người bên cạnh. Ví dụ nếu cha mẹ hay những người thân thiết thường xuyên nói lắp khi căng thẳng hoặc tức giận, trẻ có thể bắt chước hành vi đó khi lớn lên. Trong quá trình phát triển ngôn ngữ, trẻ sẽ bắt chước những âm thanh và tiếng động xung quanh. Do đó nếu tiếp xúc quá nhiều với việc nói lắp, trẻ có thể bị ám thị và bắt chước theo. Nói lắp do ảnh hưởng từ môi trường thường dễ cải thiện hơn so với những nguyên nhân khác.
- Trẻ bị chấn thương phần đầu làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hoặc di chứng từ bệnh tật (viêm não, viêm màng não) hay những vấn đề sức khỏe khác đều có thể làm tăng nguy cơ khiến trẻ nói lắp.
- Cơ quan thu và phát âm phát triển bất thường cũng là nguyên nhân khiến trẻ mắc chứng nói lắp. Để trẻ phát âm lưu loát và rõ ràng, các cơ quan phát âm cần phối hợp và làm việc một cách trơn tru. Tuy nhiên, nếu trẻ gặp vấn đề khi cử động cơ miệng, cơ quan phát âm bị tật, dính thắng lưỡi, khiếm thính, hoặc sự phối hợp giữa các bộ phận phát âm thanh không hoạt động bình thường, khả năng nói của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
- Trẻ bị nói lắp từ nhỏ nhưng cha mẹ không uốn nắn, can thiệp, không giúp trẻ cải thiện vấn đề phát âm khiến tình trạng ngày càng nghiêm trọng. Trẻ càng lớn thì vấn đề can thiệp càng khó khăn, do đó can thiệp sớm có thể giúp trẻ cải thiện nhanh chóng hơn.
- Trẻ cảm thấy lo lắng, áp lực về việc giao tiếp, hoặc do trẻ bị cha mẹ bắt ép, quát nạt khi nói chuyện đều khiến trẻ bị tổn thương và sợ hãi. Trẻ sẽ cảm thấy căng thẳng, lo âu khi bắt đầu giao tiếp vì sợ bị cha mẹ la mắng hay tạo áp lực, dẫn đến tình trạng nói lắp.
- Chấn thương tâm lý trong thời thơ ấu khi trẻ chứng kiến một cảnh tượng kinh hoàng, hoặc gặp những sự kiện kinh khủng cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng nói chuyện. Đây là dạng nói lắp do tâm lý, và thường xảy ra sau một sự kiện gây ám ảnh nặng nề với trẻ.
Bên cạnh đó, theo khảo sát thì tỷ lệ trẻ nam mắc chứng nói lắp nhiều hơn so với nữ. Nói lắp không gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất, nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần. Trẻ sẽ thiếu tự tin và né tránh trong mọi trường hợp giao tiếp, cũng như gặp nhiều khó khăn trong học tập, công việc, và cuộc sống.
Những biểu hiện khi trẻ nói lắp
Trẻ khi nói lắp có những biểu hiện rất rõ ràng, và thường bắt đầu rất sớm khi trẻ bắt đầu học nói. Đa phần trẻ đểu có thể nói lắp trong thời gian đầu tiên học nói. Đây là biểu hiện bình thường. Hơn 65% trường hợp sẽ dần dần cải thiện tình trạng khi trẻ đã tự tin hơn, và khả năng ngôn ngữ cũng phát triển hoàn thiện hơn.
Nhưng nếu tình trạng kéo dài quá 12 tháng, không có dấu hiệu cải thiện và ngày càng trầm trọng thì có lẽ, trẻ đã gặp vấn đề trong phát âm. Cha mẹ cần cho trẻ đi khám và can thiệp sớm để hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống về sau. Những biểu hiện khi trẻ mắc chứng nói lắp mà cha mẹ cần chú ý bao gồm:
- Trẻ không phát âm rõ ràng và dứt khoát một từ hay một cụm từ.
- Trẻ kéo dài nguyên âm hoặc phụ âm trong một từ, không thể kết nối nguyên âm và phụ âm thành một từ hoàn chỉnh.
- Trẻ lặp lại và kéo dài các âm tiết câu từ hoặc câu dài ra, không nghe rõ
- Trẻ gặp khó khăn trong việc bắt đầu một câu. Trẻ mở miệng nhưng không thể phát ra âm thanh, không thể bật lên từ ngữ trong suy nghĩ.
- Trẻ nói chuyện thường bị đứt quãng, lời nói bị chậm và dừng lại không rõ nguyên do. Trẻ đang nói nửa chừng bỗng nhiên im bặt, loay hoay không biết làm sao để tiếp tục nói.
- Trẻ nói chậm và có vẻ gồng mình, cố gắng quá sức khi phát âm một từ hay một cụm từ.
- Trẻ nói lắp thường thêm những từ đệm như ừm, ơm, a,…
- Tính trạng nói lắp có kèm theo những biểu hiện như đổ mồi hôi, nháy mắt nhanh, tay chân nắm chặt, môi và miệng rung, liếm môi, nghiêng đầu, cố gắng mở to miệng.
- Những biểu hiện nói lắp thường nghiêm trọng hơn khi trẻ nói chuyện trước đám đông, bị bắt buộc nói chuyện, hoặc trẻ đang rơi vào căng thẳng. Khi ở một mình, tình trạng nói lắp có thể giảm nhẹ.
- Trẻ sợ nói chuyện, hạn chế nói chuyện với mọi người.
Cha mẹ cần chú ý nhiều hơn đến tình trạng nói lắp của trẻ để có cách xử lý phù hợp. Nói lắp ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phát triển, khiến trẻ mất dần sự tự tin khi giao tiếp, thậm chí nhiều trẻ còn không muốn nói vì sợ hãi. Ảnh hưởng của nói lắp đến trẻ thể hiện rõ nhất khi trẻ bắt đầu độ tuổi đi học.
Ảnh hưởng của nói lắp đến sự phát triển của trẻ
Trẻ nói lắp ban đầu sẽ không cảm nhận được những ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng này. Tuy nhiên, việc không thể hiện được suy nghĩ và cảm nhận của mình cũng có thể khiến trẻ cảm thấy khó chịu, và hạn chế việc giao tiếp. Trẻ dần dần trở nên trầm lặng và có nguy cơ mắc rối loạn tâm lý ở trẻ mầm non.
Nói lắp không ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm nhận hay những kỹ năng trong cuộc sống của trẻ. Và trẻ hoàn toàn có thể trải qua giai đoạn mẫu giáo một cách bình thường. Trong giai đoạn này đa phần trẻ đều chưa nói năng lưu loát, thế nên trẻ sẽ không gặp nhiều trong cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên khi trẻ vào tiểu học, trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề học tập và giao tiếp với bạn bè. Trẻ sẽ cảm thấy xấu hổ vì không thể đọc bài hay nói chuyện lưu loát với những người xung quanh. Trẻ cũng có thể trở thành đối tượng bị trêu chọc và bắt nạt, là nạn nhân của bạo lực học đường.
Khi cảm thấy xấu hổ, lo lắng và căng thẳng, trẻ sẽ càng nói lắp nhiều hơn. Và càng nói lắp thì trẻ lại càng cảm thấy sợ hãi lo âu khi giao tiếp. Hai tình trạng này ảnh hưởng đến nhau, khiến trẻ nhút nhát và không tự tin trước bạn bè. Trẻ sẽ tránh tham gia các cuộc thảo luận, bàn bạc, không dám nêu ra ý kiến và góc nhìn của bản thân.
Những trẻ nói lắp, nhút nhát, ít giao tiếp, nói năng không suôn sẻ thường là nạn nhân của bạo lực học đường, bị bạn bè chú ý, trêu chọc, và thường bị tẩy chay vì “không giống như mọi người”. Điều này sẽ trở thành chấn thương tâm lý và ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách về sau của trẻ.
Ngoài ra, việc trẻ nói lắp cũng khiến cha mẹ và những người xung quanh khó hiểu, thậm chí hiểu sai ý mà trẻ muốn truyền đạt. Trẻ cũng tự cảm thấy bức bối, khó chịu vì không thể thể hiện suy nghĩ của bản thân. Vấn đề này có thể kích phát những vấn đề tâm lý như stress, hoặc các rối loạn tâm thần khác về sau.
Nói lắp thật sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sổng của trẻ. Thành tích học tập và cả vấn đề giao tiếp của trẻ trong tương lai đều gặp vấn đề nếu trẻ không được phát hiện và cải thiện sớm. Giai đoạn tốt nhất để trị liệu tình trạng này là là sau 2 tuổi rưỡi và trước 5 tuổi nhằm hạ thấp ảnh hưởng của nói lắp hết mức có thể.
Cách chẩn đoán vấn đề nói lắp ở trẻ
Cha mẹ khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nói lắp thì cần đưa trẻ đến bệnh viện hoặc những trung tâm uy tín để chẩn đoán và điều trị. Trẻ cần được chẩn đoán bởi những bác sĩ chuyên khoa nhằm đảm bảo kết quả chính xác, và được hướng dẫn cải thiện việc nói lắp một cách hiệu quả, khoa học.
Cha mẹ hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu trẻ có những biểu hiện sau:
- Việc nói lắp kéo dài liên tục và quá 12 tháng
- Tình trạng nói lắp ngày càng nghiêm trọng, không có dấu hiệu chuyển biến tích cực theo thời gian.
- Trẻ nói lắp thường xuyên và trong mọi trường hợp, đặc biệt khi bị kích thích hay căng thẳng thì tình trạng sẽ tồi tệ hơn.
- Trẻ cảm thấy lo lắng, không thoải mái và cố gắng gồng mình khi nói chuyện.
- Trẻ bị căng cơ khi cố gắng phát âm.
- Tình trạng nói lắp ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, khiến trẻ không tự tin khi nói chuyện với bạn bè và gia đình
- Trẻ dần dần ít nói, thu mình lại, không muốn giao tiếp với những người xung quanh.
Khi trò chuyện với chuyên gia, bố mẹ cũng cần cung cấp một số thông tin chuẩn xác về tình trạng nói lắp của trẻ như: thời gian bắt đầu nói lắp, mức độ và tần suất nói lắp, gia đình có tiền sử nói lắp hay không, trẻ có gặp những vấn đề tâm lý nào ảnh hưởng đến việc nói hay không,…
Thông tin cung cấp càng chuẩn xác và cụ thể thì việc chẩn đoán cho trẻ càng dễ dàng. Bác sĩ có thể dựa vào đó để xác định nguyên nhân, lên kế hoạch cải thiện, và lựa chọn phương pháp phù hợp nhất cho từng trường hợp nhắm tăng hiệu quả điều trị. Bên cạnh việc hỏi thăm, bác sĩ có thể cho trẻ kiểm tra và xét nghiệm khi cần thiết.
Những phương pháp cải thiện tình trạng nói lắp ở trẻ
Đa phần những trẻ nói lắp như một biểu hiện bình thường của quá trình phát triển ngôn ngữ sẽ khỏi nói lắp khi khả năng nhận thức, và khả năng ngôn ngữ đã phát triển hoàn chỉnh. Hoặc khi đến tuổi đi học, trẻ sẽ tự động khỏi hẳn mà không cần bất cứ sự can thiệp nào.
Khả năng và thời gian phục hồi ở từng trẻ là không giống nhau, và trong những trường hợp được ghi nhận cho thấy, khả năng hồi phục của các bé gái cao hơn nhiều so với các bé nam. Còn với những trường hợp nói lắp nghiêm trọng do ảnh hưởng từ rối loạn hệ thần kinh, cơ quan phát âm, vấn đề tâm lý,… thì cần can thiệp y tế.
Quá trình điều trị sẽ bao gồm trị liệu tâm lý, trị liệu ngôn ngữ, áp dụng các thiết bị hỗ trợ, tăng cường tương tác với trẻ, và sử dụng thuốc trong một số trường hợp cần thiết. Mỗi trẻ sẽ phù hợp với một phương pháp khác nhau. Thời gian điều trị và hiệu quả điều trị cũng tùy thuộc vào từng trẻ.
- Trị liệu tâm lý: Với những trẻ nói lắp do ám ảnh, sợ hãi, do chịu áp lực nên không thể nói năng lưu loát thì trị liệu tâm lý là phương pháp cần thiết và mang đến nhiều lợi ích. Liệu pháp này giúp trẻ cảm thấy thoải mái, bình tĩnh hơn khi phát âm, loại bỏ cảm giác lo sợ. Ngoài ra trong số trường hợp nói lắp do tâm lý, trị liệu tâm lý có thể giúp trẻ loại bỏ ám ảnh tốt hơn.
- Trị liệu ngôn ngữ: Trị liệu ngôn ngữ là liệu pháp điều trị chủ yếu khi trẻ gặp vấn đề trong phát âm và phát triển ngôn ngữ. Thông qua những bài tập trị liệu, trẻ nói lắp có thể cải thiện phát âm, biết cách ngắt câu cho phù hợp, nói chuyện chậm rãi để phát âm rõ ràng và lưu loát hơn. Trẻ có thể nói chuyện lưu loát, tự tin và tự nhiên hơn sau quá trình trị liệu ngôn ngữ.
Ngoai hai phương pháp trên, sự tương tác giữa cha mẹ và con cái cũng rất quan trọng. Cha mẹ là những người trực tiếp chăm sóc, dạy dỗ trẻ, và có nhiều tác động đến quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian giúp trẻ thực hành những bài tập cải thiện tình trạng nói lắp.
Cha mẹ nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để lựa chọn những phương pháp hiệu quả, phù hợp nhất với tình trạng của trẻ. Muốn trẻ cải thiện vấn đề nói lắp, tự tin hơn khi giao tiếp, cha mẹ cần:
- Không tạo áp lực và đặt yêu cầu cao, bắt buộc trẻ phải nói chính xác ngay từ đầu
- Hãy khiến trẻ cảm thấy việc giao tiếp và một việc thú vị và vui vẻ, đừng khiến trẻ cảm thấy lo âu hay chịu áp lực
- Dành nhiều thời gian hơn để chơi đùa và uốn nắn phát âm cho trẻ
- Không chỉ trích hay có thái độ gay gắt khi trẻ phát âm sai, nói lắp vì điều này chỉ khiến trẻ sợ hãi và phát âm sai thêm, không có tác dụng cải thiện ngôn ngữ.
- Để trẻ nói chuyện một cách tự nhiên, không tự động ngắt lời trẻ. Việc bị ngắt lời khiến trẻ cảm thấy hoảng sợ, lo lắng vì bản thân làm sai, từ đó trẻ sẽ nói lắp nhiều hơn.
- Đợi trẻ nói hết câu rồi mới giúp trẻ điều chỉnh câu từ. Hãy chia câu thành những từ, cụm từ nhỏ rồi giúp trẻ kiên trì luyện đọc từng từ, sau đó mới ghép thành câu hoàn chỉnh.
- Trẻ cần không gian yên tĩnh, cần thời gian để phát âm. Trẻ ban đầu sẽ phát âm rất chậm, nên cha mẹ hãy kiên nhẫn và không nên tỏ thái độ vội vàng, nóng nảy.
- Cha mẹ hãy cố gắng nhìn thẳng vào mắt trẻ, và luyện cho trẻ nhìn vào mắt mình khi giao tiếp, điều này giúp trẻ cải thiện sự tự tin
- Nói chuyện với trẻ chậm rãi, nhấn nhá từ ngữ để trẻ học theo. Cha mẹ hãy nói chuyện bằng những câu ngắn gọn, ít thông tin để trẻ tập nói theo.
- Hãy khen ngợi và ghi nhận những nỗ lực dù là nhỏ nhất của trẻ trong quá trình phát âm. Hãy cho trẻ thấy việc nói lắp không phải là “lỗi lầm” hay một điều gì đó quá tồi tệ, và trẻ hoàn toàn có thể cải thiện theo thời gian.
- Không so sánh trẻ với những trẻ khác
Sự quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ từ cha mẹ giúp ích rất nhiều cho trẻ trong quá trình cải thiện tật nói lắp. Bên cạnh việc hướng dẫn trẻ phát âm tại nhà, phụ huynh cũng có thể tham gia những hội nhóm về những gia đình có con nói lắp để tham khảo kinh nghiệm từ những người đi trước.
Có lẽ bạn quan tâm:
- Các bài tập cơ miệng cho bé chậm nói mẹ cần dạy bé mỗi ngày
- Trẻ 5 tuổi vẫn nói ngọng không rõ: Nguyên nhân & khắc phục
- Trẻ nói ngọng: Nguyên nhân & Cách can thiệp, điều trị sớm
- Bé bị dính lưỡi chậm nói: Nguy cơ và các biện pháp khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!