Trẻ 5 tuổi vẫn nói ngọng không rõ: Nguyên nhân & khắc phục
Trẻ 5 tuổi nhưng vẫn nói ngọng, nói không rõ là một trong các tình trạng khiến cho nhiều bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng và bất an. Tình trạng này nếu không sớm được cải thiện sẽ gây nên nhiều cản trở đối với quá trình học tập, giao tiếp hoặc kéo dài cho đến khi trẻ trưởng thành.
Tìm hiểu tình trạng trẻ 5 tuổi nói ngọng
Nói ngọng là một dạng của rối loạn phát âm thường gặp ở nhiều trẻ nhỏ, đặc biệt là giai đoạn 2-3 tuổi, thời gian trẻ bắt đầu tập nói và giao tiếp nhiều hơn. Theo chia sẻ của các chuyên gia thì trẻ nhỏ học hỏi và phát triển ngôn ngữ chủ yếu qua hình thức bắt chước. Trẻ sẽ tiếp nhận, ghi nhớ và phản xạ ngôn ngữ một cách có điều kiện.
Tuy nhiên, nếu quá trình tiếp nhận có phần thiếu sót hoặc sai lệch sẽ dễ dẫn đến tình trạng nói ngọng, nói lắp, nói không rõ từ. Nhưng theo thời gian, trẻ bắt đầu phát triển toàn diện về nhận thức và các cấu trúc hàm, lưỡi, răng cũng dần được hoàn thiện thì tình trạng này sẽ dần được khắc phục.
Do đó, nếu nhận thấy trẻ nhỏ từ 2 đến 4 tuổi nói ngọng thì các bậc phụ huynh cũng không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu trẻ 5 tuổi vẫn nói ngọng không rõ thì cần được tìm hiểu rõ nguyên nhân và có biện pháp can thiệp tốt để hạn chế tối đa các hệ lụy, ảnh hưởng kéo dài về sau.
Trẻ 5 tuổi nói ngọng không rõ – Nguyên nhân do đâu?
Trẻ 5 tuổi nói ngọng có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Nó có thể là những yếu tố chủ quan hoặc khách quan khiến trẻ gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong quá trình phát âm, nói rõ từ ngữ.
Các bậc phụ huynh cần tìm hiểu rõ về nguyên nhân khiến trẻ nói ngọng để có biện pháp can thiệp phù hợp, giúp trẻ cải thiện khả năng sử dụng ngôn ngữ tốt hơn. Cụ thể một số lý do thường được đề cập như:
1. Do bẩm sinh
Tình trạng nói ngọng của nhiều trẻ dù đã lên 5 có thể liên quan đến các vấn đề khó khăn về hoạt động của những cơ quan phát âm. Cụ thể, khi vừa mới sinh ra, nếu lưỡi, miệng, môi, hàm của trẻ không phát triển ổn định thì nhiều khả năng trẻ sẽ khó nói chuyện được bình thường.
Nếu lưỡi của trẻ quá ngắn, quá dài hoặc bị dị tật, sứt môi, hở hàm ếch, dính thắng lưỡi, chẻ vòm thì trẻ sẽ không thể nói chuyện và phát âm một cách chuẩn xác. Bên cạnh đó, những sự hạn chế về khả năng nghe cũng là nguyên nhân khiến trẻ nói ngọng hoặc thậm chí không nói, chậm nói.
Nếu hoạt động thính giác của trẻ không được đảm bảo và suy yếu thì trẻ khó có thể nghe rõ những âm thanh, từ ngữ của người khác truyền đạt. Trong khi đó hình thức phát triển ngôn ngữ chính của trẻ nhỏ là thông qua việc nghe và bắt chước. Chính vì thế, vấn đề về thính giác sẽ khiến cho trẻ phát âm sai, nói lệch từ.
Tình trạng này cần được phát hiện và can thiệp kịp thời để mau chóng khắc phục tốt các vấn đề nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt và các chức năng của cơ thể. Phụ huynh cần đưa trẻ nhỏ đến điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa để được hỗ trợ hiệu quả nhất.
2. Do tác động từ môi trường
Môi trường sinh hoạt và giao tiếp cũng được xem là một trong các yếu tố có phần tác động lớn đối với phát âm của trẻ nhỏ. Chẳng hạn như nếu trẻ liên tục tiếp xúc với những người nói ngọng, phát âm không chuẩn do vùng miền thì trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng và bắt chước theo điều đó.
Ngoài ra, nếu trẻ nhỏ liên tục được sử dụng các thiết bị điện tử, công nghệ như điện thoại, iPad, máy tính và không được quản lý, kiểm soát về nội dung thì có nhiều khả năng sẽ bị tác động đến phát âm. Trẻ có xu hướng bắt chước theo các từ ngữ teen, khẩu hình và cách nói của những người trên mạng xã hội khiến trẻ nói ngọng, nói lơ lớ.
3. Do thói quen
Như đã chia sẻ, những trẻ từ 2-4 tuổi đang trong giai đoạn tập nói sẽ rất dễ mắc phải lỗi nói ngọng. Cũng bởi lúc này trẻ đang phát triển về ngôn ngữ, đôi khi các bộ phận phát âm vẫn chưa hoàn thiện nên dễ nói ngọng, nói không rõ từ. Tình trạng này nếu không được can thiệp tốt sẽ hình thành thói quen ở trẻ nhỏ và trẻ sẽ khó thay đổi khi lớn lên.
Trẻ 5 tuổi nói ngọng gây ảnh hưởng gì?
Ngôn ngữ chính là phương tiện giao tiếp chủ yếu đối với mỗi con người. Do đó, tình trạng trẻ 5 tuổi vẫn nói ngọng sẽ gây nên nhiều cản trở đối với đời sống và quá trình học tập, giao tiếp của trẻ.
Cụ thể một số tác động tiêu cực như sau:
1. Gặp khó khăn trong giao tiếp
Việc bé 5 tuổi đã đến tuổi đi học nhưng vẫn nói ngọng sẽ khiến trẻ gặp rất nhiều trở ngại trong quá trình giao tiếp, kết nối bạn bè và những người bên cạnh. Khi trẻ phát âm không chuẩn sẽ khiến cho những người bên cạnh cảm thấy khó hiểu và đôi lúc hơi khó chịu, bực dọc.
Thậm chí có nhiều trường hợp trẻ bị chê cười, nhạo báng và khinh khi khiến cho trẻ bị tác động tâm lý nghiêm trọng. Lâu dần trẻ sẽ cảm thấy buồn bã, mắc cỡ, e ngại việc giao tiếp và có xu hướng tránh né việc gặp gỡ, trò chuyện với những người xung quanh.
2. Ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ nhỏ
5 tuổi là giai đoạn trẻ bắt đầu bước vào trường học và tiếp xúc nhiều hơn với những kiến thức, thông tin và kỹ năng mới để phục vụ tốt cho đời sống. Tuy nhiên, đối với những trẻ vẫn còn nói ngọng thì việc đọc và viết sẽ gặp nhiều trở ngại hơn so với bình thường.
Tình trạng này nếu cứ mãi kéo dài và không được can thiệp tốt sẽ gây nên rất nhiều cản trở đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Các khía cạnh khác như trí tuệ, nhận thức, hành vi của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều và khiến cho trẻ khó có thể hoàn thiện tốt bản thân.
3. Cản trở học tập
Có không ít các trường hợp trẻ nhỏ nói ngọng nên kéo theo tình trạng viết sai lỗi chính tả, nói thế nào, viết thế ấy khiến cho quá trình học tập không đảm bảo tốt. Ngoài ra, việc trẻ nói không rõ lời sẽ làm cản trở sự giao tiếp, kết nối giữa trẻ, giáo viên và các bạn cùng lớp. Trẻ khó đạt được các thành tích tốt trong học tập, thậm chí không nhận được sự đánh giá cao của thầy cô.
Cách khắc phục hiệu quả tình trạng ngọng của trẻ 5 tuổi
Tình trạng trẻ 5 tuổi vẫn nói ngọng, nói chưa rõ cần được can thiệp sớm để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển của trẻ trong tương lai. Tùy thuộc vào nguyên nhân của mỗi trẻ nhỏ mà các bác sĩ, chuyên gia sẽ cân nhắc áp dụng các biện pháp can thiệp phù hợp nhất.
Thông thường, đối với những trẻ nói ngọng sẽ được khắc phục tốt nhờ vào phương pháp ngôn ngữ trị liệu. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của mỗi trẻ nhỏ mà bác sĩ chuyên khoa sẽ cho trẻ thực hiện các bài tập trị liệu phù hợp và hiệu quả nhất để giúp trẻ điều chỉnh tốt hơn.
Nhờ vào phương pháp này mà trẻ sẽ dần thay đổi được cách cấu âm, chỉnh sửa phát âm từ đó nói được rõ nghĩa và chuẩn xác hơn. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực rất nhiều từ chuyên gia, gia đình và trẻ nhỏ mới có thể mang lại kết quả như mong đợi.
Bên cạnh đó, đối với các tình trạng trẻ 5 tuổi nói ngọng do ảnh hưởng từ các bệnh lý bẩm sinh, các vấn đề về thính giác, bộ phận phát âm thì sẽ được điều trị chuyên khoa bằng những biện pháp khác nhau. Trẻ nhỏ nếu được can thiệp kịp thời sẽ dần phát triển ngôn ngữ tốt hơn, cải thiện tốt khả năng nói và phát âm.
Ngoài ra, sự hỗ trợ tại nhà của gia đình, đặc biệt là cha mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với quá trình khắc phục tình trạng nói ngọng ở trẻ 5 tuổi. Vì thế, các bậc phụ huynh nên chú ý và hỗ trợ trẻ bằng các biện pháp sau đây:
- Luyện nói thường xuyên với trẻ, giúp trẻ nói chuyện, giao tiếp nhiều hơn để có thể học hỏi và bắt chước cách phát âm của những người xung quanh.
- Nhẹ nhàng nhắc nhở và điều chỉnh phát âm cho trẻ nếu trẻ nói sai, nói chưa chuẩn.
- Tạo cho trẻ môi trường giao tiếp lành mạnh để trẻ được thoải mái nói chuyện, trao đổi và cởi mở hơn trong việc tương tác.
- Không cho trẻ tiếp xúc quá nhiều với điện thoại, iPad, máy tính để tránh tình trạng trẻ nghiện và học theo những thói quen nói chuyện không phù hợp, không đúng đắn.
- Tuyệt đối không cười nhạo, đả kích khi trẻ nói sai, nói ngọng. Thay vào đó, các bậc phụ huynh hãy động viên, khuyến khích để trẻ dần điều chỉnh tốt các lỗi sai của mình. Đồng thời hãy dành cho trẻ những lời khen để trẻ có thêm nhiều động lực để cải thiện hơn.
- Dạy trẻ nói ngọng bằng cách cho trẻ đọc sách. Đối với trẻ 5 tuổi, trẻ đã có thể biết mặt các chữ cái và có thể đọc được một số từ cơ bản. Phụ huynh hãy hướng dẫn trẻ đọc và phát âm thành tiếng để trẻ có thể hiểu và khắc phục những lỗi sai của chính mình.
- Cha mẹ cũng nên cứng nhắc hơn trong việc đáp ứng các nhu cầu hoặc trả lời những thắc mắc của trẻ đưa ra. Ví dụ khi trẻ nói “Con muốn ăn cơm” nhưng phát âm thành “Con muốn ăn ơm” thì cha mẹ hãy hướng dẫn cho trẻ cách nói đúng và sau đó hãy thực hiện yêu cầu của trẻ.
Quá trình chữa trọng cho trẻ 5 tuổi đôi khi gặp nhiều khó khăn và cần phải nỗ lực trong thời gian dài. Chính vì thế, các bậc phụ huynh cần có sự kiên trì và đồng hành cùng trẻ nhỏ để có thể giúp trẻ dần cải thiện tốt khả năng sử dụng ngôn ngữ, từ đó phát triển ổn định và toàn diện hơn.
Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết này đã giúp bạn đọc hiểu hơn về tình trạng trẻ 5 tuổi vẫn nói ngọng không rõ và có cách khắc phục hiệu quả cho trẻ. Trẻ cần được thăm khám và tìm rõ nguyên nhân để có thể đưa ra biện pháp can thiệp phù hợp nhất.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!