Trẻ chậm nói có ảnh hưởng đến trí tuệ không? Cần làm gì?
Trẻ chậm nói được xem là một trong các vấn đề đáng lo ngại và khiến cho nhiều bậc phụ huynh cảm thấy trăn trở. Chậm nói có thể gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống, sức khỏe và cả sự phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, các nhà khoa học vẫn còn nhiều tranh cãi về vấn đề trẻ chậm nói có ảnh hưởng đến trí tuệ không? Thắc mắc sẽ được giải đáp trong bài viết sau đây.
Trẻ chậm nói có ảnh hưởng đến trí tuệ không?
Một đứa trẻ được xem là chậm nói khi trình tự phát triển ngôn ngữ của trẻ vẫn được đảm bảo nhưng tốc độ chậm hơn so với bình thường. Theo số liệu thống kê nhận thấy, tình trạng chậm nói của trẻ nhỏ ngày nay đang ngày càng tăng cao, cụ thể là cứ trong 10 trẻ thì sẽ có ít nhất 1 trẻ bị chậm nói.
Trẻ chậm nói có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nó có thể là do ảnh hưởng từ môi trường sống, trẻ không được thường xuyên giao tiếp, trò chuyện cùng với cha mẹ, người thân. Hoặc nó có thể xuất phát từ việc trẻ được tiếp xúc quá sớm với các thiết bị công nghệ quá nhiều gây ảnh hưởng đến khả năng nói, nhiều trẻ “lười” nói vì xem điện thoại, ipad liên tục.
Ngoài ra, chậm nói ở trẻ nhỏ cũng có thể liên quan đến các khiếm khuyết về thính giác, trẻ gặp phải các bệnh lý làm suy giảm khả năng nghe nên việc tiếp thu âm thanh, giọng nói cũng bị hạn chế. Tình trạng này khiến cho nhiều bậc phụ huynh cảm thấy vô cùng lo lắng và hoang mang bởi họ không biết sự chậm nói của trẻ có làm ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển và đặc biệt là trí tuệ của trẻ hay không.
Vấn đề này cũng đã được thảo luận và tìm hiểu qua nhiều cuộc nghiên cứu khác nhau. Cho đến hiện nay vẫn chưa có bất kì bằng chứng nào xác định cụ thể việc trẻ chậm nói sẽ làm ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ. Do đó, các bậc làm cha mẹ cũng không nên quá lo lắng, sốt sắng khi nhận thấy khả năng sử dụng ngôn ngữ của trẻ chậm hơn so với các bạn cùng trang lứa.
Theo chia sẻ của các chuyên gia, thì mỗi đứa trẻ sẽ có khả năng tiếp nhận và phát triển ngôn ngữ khác nhau. Nếu trẻ chỉ chậm nói nhưng các khía cạnh khác vẫn phát triển ổn định, ví dụ như trẻ vẫn đi, vẫn bò, vẫn tương tác tốt với mọi người xung quanh, vẫn hiểu được những yêu cầu của cha mẹ thì việc trẻ chậm nói không gây ảnh hưởng đến trí tuệ của trẻ nhỏ.
Trẻ có thể chậm nói hơn so với các bạn cùng trang lứa nhưng quá trình phát triển và nhận thức của trẻ vẫn được đảm bảo tốt. Chính vì thế, việc trẻ nói sớm hay muộn hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến trí tuệ, không gây suy giảm trí thông minh của mỗi đứa trẻ. Do đó, cha mẹ cũng không nên quá nôn nóng hay bắt ép trẻ phải nói thật sớm. Thay vào đó hãy tạo cho trẻ nhiều môi trường và điều kiện để trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ giao tiếp, từ đó trẻ cũng sẽ dần học hỏi và phát triển ổn định ở một thời điểm nào đó.
Trong thực tế, chậm nói không được xem là vấn đề quá nghiêm trọng đối với trẻ nhỏ. Có những trẻ đã bắt đầu bi bô tập nói từ lúc 10 tháng tuổi nhưng cũng có những đứa trẻ cho đến hơn 2 tuổi mới nói được những từ đơn giản. Sự phát triển ngôn ngữ của mỗi trẻ là khác nhau, nhưng nhìn chung khi từ 3 tuổi trở đi, trẻ đã nói được một cách rõ ràng, hiểu rõ những gì mà người khác truyền đạt.
Tuy nhiên, trong một vài trường hợp nhất định, chậm nói ở trẻ cũng có thể là dấu hiệu đáng lo ngại. Nếu nhận thấy trẻ bị chậm nói và có kèm theo các biểu hiện sau thì cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến thăm khám và chẩn đoán tại các cơ sở, bệnh viện chuyên khoa để kịp thời điều trị.
- Trẻ thường hay phát ra những âm thanh lạ, không rõ nghĩa, giọng nói có phần bất thường.
- Trẻ không thể hiểu và nghe theo những yêu cầu, lời nói đơn giản của cha mẹ hoặc những người xung quanh.
- Khi được gọi tên, trẻ dường như không có bất kì phản ứng gì, không trả lời, không quay đầu lại, không giật mình,…
- Trẻ dù trên 1 tuổi nhưng vẫn liên tục giao tiếp bằng cử chỉ tay chân, không nói chuyện.
- Trẻ gặp phải khó khăn trong việc bắt chước và lặp lại những từ ngữ, âm thanh mà người khác chỉ dạy.
- Trẻ chỉ bắt chước được những hành động, cử chỉ của người khác. Khi được 2 tuổi nhưng trẻ vẫn chưa thể tự nói ra được một câu hay một cụm từ cụ thể nào đó.
Nếu nhận thấy con bị chậm nói và có những biểu hiện như trên thì nhiều khả năng con đang gặp phải vấn đề sức khỏe nào đó. Cha mẹ cần mau chóng đưa con đến thăm khám để có thể được tư vấn cụ thể, tìm ra giải pháp khắc phục tốt cho trẻ nhỏ. Việc phát hiện các dấu hiệu bất thường của trẻ ở giai đoạn sớm sẽ góp phần lớn trong việc cải thiện và điều trị hiệu quả, tránh mất nhiều thời gian và hạn chế được những hệ lụy nguy hiểm có thể xảy ra.
Cần làm gì khi trẻ chậm nói?
Như đã chia sẻ ở trên, trẻ chậm nói là một vấn đề phổ biến, đặc biệt là với xã hội công nghệ hiện đại, các bậc phụ huynh phải luôn bận rộn với công việc mà ít khi dành thời gian ở bên con cái. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn có thể cải thiện tốt bằng nhiều cách khác nhau, trẻ nhỏ chậm nói vẫn có thể phát triển tốt về nhận thức, tư duy và trí tuệ nếu được chăm sóc và hỗ trợ hiệu quả.
Để có thể giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ tốt hơn, các bậc phụ huynh nên áp dụng các biện pháp sau đây:
1. Thường xuyên giao tiếp với trẻ
Phần lớn những đứa trẻ bị chậm nói đều có liên quan đến việc trẻ bị hạn chế về mặt giao tiếp. Trẻ dường như không có nhiều thời gian được ở cạnh cha mẹ, người thân và không được tương tác với họ một cách thường xuyên. Nhiều bậc phụ huynh do quá bận rộn với “cơm áo gạo tiền” nên ít khi quan tâm, chăm sóc hoặc ở cạnh con, điều này cũng chính là nguyên nhân lớn khiến cho nhiều trẻ nhỏ bị chậm nói.
Do đó, để con có thể phát triển khả năng diễn đạt bằng lời nói thì các bậc phụ huynh hoặc những người thân bên cạnh nên thường xuyên trò chuyện, giao tiếp với trẻ. Trong quá trình chia sẻ, nói chuyện cùng con, hãy chú ý gợi ra nhiều câu hỏi, nhiều sự tò mò để kích thích con nói ra những điều mà mình mong muốn.
Các bậc phụ huynh nên tập trung trao đổi với trẻ qua ánh mắt nhằm gia tăng sự chú ý của trẻ và tạo được chiều sâu cho cuộc hội thoại. Khi giao tiếp, cha mẹ cũng nên nói chuyện chậm rãi, nhẹ nhàng, phát âm chuẩn, sử dụng những từ ngữ đơn giản hoặc có thể thêm minh họa bằng cử chỉ, hình ảnh để giúp trẻ tiếp thu nhanh hơn.
2. Dạy trẻ chậm nói bằng đồ chơi
Trẻ nhỏ luôn bị kích thích bởi những đồ chơi nhiều màu sắc, những con thú nhồi bông, những chiếc ô tô điều khiển, những hình ảnh của các con vật,…Chính vì thế, cha mẹ có thể sử dụng những đồ chơi mà con yêu thích để cùng chơi với con, cùng con khám phá những điều thú vị và giúp con mở rộng ngôn ngữ, khả năng ăn nói tốt hơn.
Cha mẹ có thể cùng chơi với con, sau đó hãy dạy con cách gọi tên những loại đồ chơi đó, chỉ cho con những màu sắc trên đó, phân biệt hình dáng, công dụng và cách chơi. Khi trẻ cảm thấy hứng thú với món đồ chơi đó, trẻ sẽ thoải mái tiếp nhận thông tin từ cha mẹ hơn, nhờ đó mà trẻ cũng có xu hướng học hỏi ngôn ngữ nhanh chóng hơn.
Hoặc để giúp trẻ nói tốt hơn, cha mẹ cũng có thể áp dụng các thẻ học kích thích với những hình ảnh minh họa sinh động của những con vật, trái cây, màu sắc,…Vừa chỉ tay vào những hình ảnh đó và vừa đọc to rõ để trẻ có thể nghe được. Chú ý hãy bắt đầu bằng những từ đơn giản để trẻ dễ dàng học theo và dần hứng thú với điều đó.
3. Kiên nhẫn trong việc để trẻ tự xử lý thông tin, yêu cầu
Nhiều đứa trẻ do được cưng chiều quá mức, cha mẹ có xu hướng đáp ứng ngay các yêu cầu và mong muốn của trẻ ngay cả khi trẻ chưa thể hiện nó bằng lời nói. Điều này có thể khiến trẻ tự mặc định rằng, bản thân không cần phải nói nhưng vẫn có thể đạt được những điều mà mình mong muốn. Chính do đó mà nhiều trẻ sinh ra tâm lý “lười” nói, không muốn sử dụng ngôn ngữ nói để giao tiếp với mọi người xung quanh.
Do đó, trong bất kì yêu cầu nào của trẻ hoặc ngược lại, cha mẹ muốn trẻ thực hiện một việc gì đó thì hãy kiên nhẫn để trẻ có thể học theo. Ví dụ như khi trẻ muốn uống nước, hãy dạy cho trẻ phát âm từ “nước” sau đó hãy thực hiện yêu cầu của trẻ. Hoặc nếu cha mẹ muốn con lấy một món đồ nào đó, hãy đưa ra yêu cầu bằng lời nói và chờ đợi phản ứng của con trong khoảng 10 giây.
Nếu lúc này trẻ vẫn không thực hiện điều đó thì hãy làm mẫu cho trẻ. Việc này khi được lặp đi lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ giúp trẻ hiểu hơn về tình huống và biết cách thể hiện mong muốn của bản thân. Nhờ đó mà trẻ có thể nhanh chóng sử dụng những lời nói, từ ngữ mà bản thân đã được nghe và học.
4. Cho trẻ đi học, đến nhà trẻ
Lớp học chính là môi trường tốt nhất để có thể cải thiện khả năng nói và tiếp thu ngôn ngữ của trẻ nhỏ. Khi ở nhà, trẻ sẽ được gia đình bao bọc, được cha mẹ lo cho từng miếng ăn giấc ngủ. Nhưng khi đến trường, đến lớp, trẻ sẽ phải tự lực hơn rất nhiều. Trẻ sẽ được ngồi ăn cùng với bạn bè, tự vệ sinh cá nhân và bắt buộc phải sử dụng lời nói để có thể giao tiếp, hòa nhập hơn với những người xung quanh.
Bên cạnh đó, việc được tiếp xúc với nhiều bạn bè cùng trang lứa, trẻ cũng dễ dàng tiếp thu và học hỏi thêm nhiều từ vựng, sử dụng lời nói một cách thuần thục hơn. Khi trẻ được chơi đùa, trò chuyện, giao tiếp cùng với những bạn có khả năng ăn nói linh hoạt, nhạy bén thì trẻ cũng sẽ phát triển hơn rất nhiều.
5. Hạn chế việc sử dụng điện thoại, thiết bị điện tử của trẻ
Với thời đại 4.0 hiện nay, trẻ em được tiếp xúc với công nghệ ngay từ rất sớm. Nhiều trẻ chỉ mới vài tháng tuổi đã được cha mẹ cho xem điện thoại, tivi, ipad,…Hoặc một số khác do quá bận rộn nên luôn xem những thiết bị này như một trợ thủ đắc lực trong việc trông trẻ, giúp trẻ vui chơi, giải trí một cách ngoan ngoãn, không quấy phá người lớn.
Tuy nhiên, việc liên tục xem điện thoại, chơi game chính là nguyên nhân chiếm phần lớn khiến nhiều trẻ nhỏ bị chậm nói hiện nay. Những điều thú vị, hấp dẫn và lôi cuốn trong chiếc điện thoại sẽ làm cho trẻ quên đi thế giới thực tại bên ngoài, trẻ mải mê đắm chìm trong thế giới ảo mà không màn giao tiếp, tương tác với mọi người xung quanh.
Chính vì thế, để cải thiện tốt những mặt hạn chế về khả năng ngôn ngữ, giao tiếp của trẻ thì cha mẹ nên hạn chế và quản lý nghiêm thời gian mà trẻ dùng điện thoại, tiếp xúc với thiết bị điện tử. Thay vào đó, hãy tận dụng thời gian đó để cùng con khám phá thêm nhiều điều hấp dẫn xung quanh cuộc sống hàng ngày.
6. Nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia
Nếu đã áp dụng hầu hết các biện pháp nhưng trẻ vẫn không thể phát triển tốt về ngôn ngữ, khả năng nói vẫn bị hạn chế thì cha mẹ nên cân nhắc đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa uy tín. Một vài trường hợp trẻ bị chậm nói cũng có thể liên quan đến những bệnh lý về thính giác, tâm lý, thần kinh nên cần được kiểm tra và chẩn đoán cụ thể để đưa ra biện pháp khắc phục hiệu quả nhất. Cha mẹ cũng nên cho trẻ khám sức khỏe định kỳ để có thể nắm bắt được tình hình phát triển của trẻ, kịp thời nhận biết những dấu hiệu bất thường để giúp trẻ điều chỉnh nhanh chóng.
Thông tin bài viết này đã giúp cho các bậc phụ huynh giải đáp được thắc mắc “Trẻ chậm nói có ảnh hưởng đến trí tuệ không”. Mặc dù tình trạng này không tác động quá lớn đối với trí thông minh của trẻ nên cha mẹ cũng nên chú ý sớm khắc phục để trẻ phát triển khả năng sử dụng lời nói tốt hơn, dễ dàng giao tiếp và hòa nhập với mọi người xung quanh.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!