10 kỹ năng sống cho trẻ mầm non cần thiết để bé phát triển tốt nhất
Việc xây dựng và rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ mầm non đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của mỗi trẻ nhỏ. Đây là giai đoạn vàng để trẻ có thể hình thành tốt tư duy, tính cách và phát huy tốt các thế mạnh của bản thân trong tương lai.
Vì sao cần rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ mầm non?
Trẻ nhỏ ở độ tuổi mầm non, cụ thể là từ 3 đến 6 tuổi là giai đoạn tốt nhất để trẻ có thể học hỏi và rèn luyện tốt các kỹ năng sống cơ bản và cần thiết. Trẻ có thể tiếp thu và ghi nhớ các thông tin, trải nghiệm từ thực tế và dần phát triển chúng một cách tích cực.
Việc giáo dục kỹ năng cho trẻ mầm non sẽ giúp trẻ nâng cao khả năng tự làm chủ bản thân, dễ dàng thích nghi và hòa nhập tốt với xã hội. Đồng thời, khi được trang bị những kỹ năng cần thiết, trẻ nhỏ cũng sẽ trở nên tự tin và khẳng định vị trí của mình trong cộng đồng, giúp trẻ dễ dàng đạt được những thành công.
Các chuyên gia cho biết rằng, dù trẻ nhỏ có trí thông minh và sự tài giỏi đến đâu nhưng lại thiếu hụt kỹ năng sống cơ bản thì trẻ cũng khó có thể phát huy chúng một cách toàn vẹn. Chính vì thế mà việc rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ từ giai đoạn mầm non đóng vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết.
Đặc biệt là trong xã hội đang ngày càng phát triển hiện nay, trẻ nhỏ được va chạm, tiếp xúc với xã hội ngay từ rất sớm nên việc dạy kỹ năng sống cho trẻ càng phải được thực hiện. Bên cạnh việc giúp trẻ có thể chủ động hơn trong cuộc sống mà việc cho trẻ được học tập tốt các kỹ năng cơ bản cũng góp phần quan trọng đối với việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe của mỗi trẻ nhỏ.
Một đứa trẻ khi được giáo dục và rèn luyện tốt các kỹ năng sống ngay từ nhỏ sẽ có sự phát triển toàn diện hơn, trẻ cũng dễ dàng vượt qua được những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Đặc biệt, khi không có bố mẹ cạnh bên, trẻ vẫn có thể đủ sự tự tin và bản lĩnh để giải quyết các vấn đề cản trở xảy ra bất ngờ, hạn chế được những hậu quả đáng tiếc.
10 kỹ năng sống cần thiết và quan trọng cho trẻ mầm non
Như đã chia sẻ, việc dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non là điều cần thiết và mang đến nhiều lợi ích đối với cả trẻ nhỏ lẫn các bậc phụ huynh. Đây là bước tiền đề quan trọng giúp trẻ nhỏ có thể phát triển toàn diện và vững chắc trong tương lai. Bên cạnh đó, khi trẻ có đủ kỹ năng, độc lập và tự chủ thì các bậc phụ huynh cũng sẽ giảm bớt phần nào các gánh nặng nuôi dạy con cái.
Vì thế, cha mẹ cần tìm hiểu và rèn luyện cho trẻ các kỹ năng cần thiết sau đây:
1. Kỹ năng tự ăn
Tự ăn là một trong các kỹ năng cần được giáo dục và rèn luyện ngay từ những năm tháng đầu đời. Bên cạnh quan tâm đến việc cho trẻ ăn hết phần ăn của mình, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý đến việc hướng dẫn trẻ cách ăn phù hợp.
Trẻ nhỏ cần được hướng dẫn cách ăn uống, kỹ năng tự lập và tự phục vụ chính mình. Đây được xem là một trong các kỹ năng cơ bản và cần thiết để hình thành nên thói quen, nhân cách sống cho mỗi đứa trẻ.
Trẻ mầm non khi được luyện tập kỹ năng sống này sẽ dần nâng cao được tính tự lập của mình, trẻ cũng sẽ có trách nhiệm hơn với từng bữa ăn và các thức ăn mà mình được cung cấp. Đồng thời, khi trẻ có thể tự múc ăn, trẻ cũng sẽ dần cảm thấy tự tin hơn và hào hứng hơn với việc ăn uống.
Tuy nhiên, việc rèn luyện cho trẻ mầm non biết và thực hiện được kỹ năng tự ăn cũng cần mất nhiều thời gian và sự kiên trì của phụ huynh, giáo viên. Khi mới bắt đầu thực hiện có thể gặp nhiều sự khó khăn bởi trẻ có thể làm rơi thức ăn, ăn uống lung tung, ăn không no bữa.
Mặc dù thế, khi trẻ có thể tập luyện được tốt kỹ năng này, trẻ sẽ dễ dàng hòa nhập hơn với môi trường học tập, trường lớp. Đồng thời, các giáo viên chăm sóc trẻ cũng phần nào đỡ vất vả hơn trong việc cho trẻ ăn, dạy trẻ cách quý trọng thức ăn.
2. Kỹ năng giao tiếp
Khi đến lứa tuổi mầm non, trẻ nhỏ sẽ được mở rộng thêm nhiều không gian sinh hoạt và tiếp xúc với nhiều bạn bè hơn. Việc hỗ trợ trẻ nâng cao tốt kỹ năng giao tiếp sẽ góp phần lớn trong việc giúp trẻ hòa nhập với trường lớp, dễ dàng thích ứng và làm quen với bạn bè, thầy cô.
Đồng thời, khi giao tiếp tốt, trẻ cũng sẽ dần trở nên tự tin hơn, thoải mái chia sẻ các thông tin và bày tỏ những nguyện vọng, mong muốn của bản thân. Hơn thế, giao tiếp tốt còn giúp trẻ nhỏ mở rộng thêm mối quan hệ xã hội của mình, trẻ có thêm nhiều bạn học hơn.
Ngoài ra, những trẻ mầm non có kỹ năng giao tiếp sẽ có nhiều cơ hội để học tập, tiếp thu và trao đổi kiến thức hơn so với các bạn kém tương tác. Trẻ nhỏ có thể dễ dàng bày tỏ các quan điểm cá nhân của mình, linh hoạt trong quá trình làm việc nhóm, từ đó mang đến kết quả học tập vượt trội hơn.
Vì thế, việc hỗ trợ rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, để giúp trẻ phát triển tốt kỹ năng này cần có sự kết hợp chặt chẽ từ phía nhà trường và các bậc phụ huynh. Cũng bởi, giao tiếp không thể bó buộc trong một không gian nhất định mà nó cần thiết trong hầu hết các hoạt động sinh hoạt của đời sống hàng ngày.
3. Kỹ năng tự chăm sóc bản thân
Theo chia sẻ của các chuyên gia thì trẻ ở độ tuổi mầm non đã bắt đầu hình thành và phát triển tốt về mặt tư duy, nhận thức. Đồng thời, trẻ cũng sẽ chịu nhiều sự tác động từ các yếu tố xã hội. Chính vì thế, việc rèn luyện cho trẻ kỹ năng tự chăm sóc bản thân là điều cần thiết và nên thực hiện ngay trong giai đoạn này.
Kỹ năng tự chăm sóc bản thân mang đến cho trẻ nhỏ rất nhiều lợi ích. Nó không chỉ giúp trẻ phát triển tốt về mặt tinh thần, thể chất mà còn tạo tiền đề vững chắc để trẻ nâng cao trí tuệ. Ngoài ra, việc rèn luyện được kỹ năng sống quan trọng này cũng giúp cho trẻ nhỏ có trách nhiệm hơn với bản thân, nâng cao tinh thần tự giác và chịu trách nhiệm cho các hành động, lời nói của chính mình.
Bằng việc tự chăm lo cho đời sống cá nhân, tự thực hiện và đáp ứng tốt các nhu cầu của chính mình sẽ giúp cho trẻ dần hiểu và biết rõ hơn về sở thích và những mặt ưu nhược điểm của bản thân. Chính nhờ thế mà trẻ nhỏ cũng dần đưa ra được những mục tiêu, định hướng của cá nhân trong tương lai.
Đặc biệt hơn, khi trẻ nhỏ có thể tự chăm sóc tốt cho bản thân mình, trẻ sẽ dần biết cách chăm sóc và giúp đỡ đến những người xung quanh. Trẻ sẽ biết cách quan tâm, chú ý đến các nhu cầu, sở thích cũng những người thân bên cạnh và biết cách cư xử thấu đáo, tinh tế hơn.
4. Kỹ năng dọn dẹp
Việc hướng dẫn cho trẻ mầm non về kỹ năng dọn dẹp sẽ giúp trẻ hình thành được lối sống ngăn nắp, gọn gàng, trật tự, chỉn chu. Đây là một trong các lối sống cơ bản và vô cùng cần thiết khi trẻ bước vào môi trường tập thể, phải sinh hoạt chung với nhiều bạn bè.
Việc giúp trẻ nâng cao kỹ năng tự dọn dẹp sẽ góp phần tạo dựng được một lối sống lành manh, giúp gìn giữ môi trường sống sạch sẽ, trong lành. Đồng thời, việc rèn luyện này còn giúp trẻ nhỏ dần nâng cao được tinh thần làm việc, có trách nhiệm trước những hành vi của bản thân, cụ thể là khi sử dụng đồ chơi xong thì cần phải dọn dẹp và cất lại đúng vị trí.
Tuy nhiên, để có thể giúp trẻ hình thành tốt thói quen này thì cha mẹ, thầy cô là người đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trẻ nhỏ thường hay quan sát và thực hành theo người lớn. Vì thế, nếu muốn trẻ có lối sống gọn gàng, ngăn nắp thì trước tiên các bậc phụ huynh cần phải xây dựng cho mình thói quen dọn dẹp.
Lúc đầu, cha mẹ hoặc thầy cô nên thực hiện mẫu cho trẻ về các hành vi dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp. Bên cạnh đó, cần phải đồng hành cùng trẻ, giúp trẻ có cảm giác được quan tâm và hỗ trợ. Khi duy trì tốt hành vi này, lâu dần trẻ cũng có thể tự làm một mình mà không cần đến sự nhắc nhở hay giúp đỡ từ bất kỳ ai.
5. Kỹ năng nhận lỗi, xin lỗi
Biết nhận lỗi và nói lời xin lỗi là một trong các kỹ năng quan trọng giúp hình thành nên đức tính tốt của trẻ nhỏ. Các bậc phụ huynh cần phải chú ý và nên giáo dục trẻ ngay từ khi còn bé, đặc biệt là khi trẻ đã biết nói và bước vào độ tuổi học mầm non.
Trong thực tế, trẻ em dường như không biết nói dối và cũng khó có thể che giấu tốt cảm xúc thật của chính mình. Tuy nhiên, tâm lý chung của trẻ nhỏ khi làm sai đó chính là sợ bị la mắng, khiển trách nên dễ hình thành việc nói dối, che đậy sự thật.
Trẻ nhỏ dường như khó có thể phân biệt và hiểu rõ về những tác hại của lời nói dối. Trẻ đôi khi sẽ nói dối bố mẹ những chuyện nhỏ nhặt, chẳng hạn như đổ thừa cho con mèo làm bể bình hoa, nói dối rằng bản thân đã đánh răng trước khi ngủ,…
Tuy nhiên, từ những điều nói dối nhỏ và vô hại này sẽ hình thành nên thói quen không dám nhận lỗi và liên tục đổ lỗi cho những người xung quanh. Chính vì thế, cha mẹ nên chỉnh đốn và rèn luyện kỹ năng nhận lỗi, nói lời xin lỗi cho con ngay từ khi còn nhỏ.
Khi phát hiện con không thành thật, thay vì nóng giận thì cha mẹ nên nhẹ nhàng khuyên bảo và chỉ ra lỗi sai của con, dạy con biết cách nhận lỗi để không phải tái phạm ở những lần sau. Đồng thời, khi con biết thừa nhận sai lầm của mình và nói lời xin lỗi thì các bậc phụ huynh cũng nên dành cho con những lời khen để con có thể tiếp tục phát huy thói quen đó.
6. Kỹ năng học hỏi
Trẻ em, đặc biệt là những trẻ đã đến độ tuổi mầm non sẽ có xu hướng tò mò, thích khám phá và tìm hiểu về những thứ xuất hiện xung quanh cuộc sống. Đây được xem là một trong các thói quen tốt giúp trẻ có thể học hỏi và biết được thêm nhiều điều thú vị, mới lạ xoay quanh đời sống hàng ngày.
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng cần hướng dẫn cho trẻ cách học hỏi hiệu quả. Đồng thời cũng nên tạo nhiều cơ hội và điều kiện để trẻ có thể tự do tìm hiểu, tiếp cận nhiều hơn với những thông tin, kiến thức bổ ích từ bên ngoài.
Theo kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu nhận thấy rằng, những người có kỹ năng học hỏi, ham khám phá, tìm tòi sẽ ít khi mắc phải các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần. Các chuyên gia cho biết rằng, đây chính là một trong các kỹ năng góp phần lớn trong việc chống lại căn bệnh trầm cảm, giúp gia tăng sự tự tin ở mỗi con người.
Ngoài ra, việc rèn luyện kỹ năng học hỏi cho trẻ mầm non còn là tiền đề giúp cho trẻ giữ vững được niềm đam mê của bản thân. Khi trẻ học hỏi và biết được nhiều kiến thức, trẻ cũng đủ tự tin và hiểu rõ những điểm mạnh của chính mình, từ đó dễ dàng đưa ra những lựa chọn, định hướng trong tương lai. Cũng chính nhờ thế mà trẻ nhỏ có thể cân bằng tốt cuộc sống, duy trì công việc ổn định khi trưởng thành.
7. Kỹ năng quản lý thời gian
Đối với trẻ mầm non, hầu hết thời gian và các hoạt động hàng ngày của trẻ sẽ được lên lịch và sắp xếp bởi bố mẹ, giáo viên. Trẻ ở độ tuổi này dường như không thể ý thức và cũng không có nhiều kỹ năng để có thể phân bố và quản lý thời gian của bản thân.
Tuy nhiên, theo như chia sẻ của các chuyên gia thì việc rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian cho trẻ mầm non là vô cùng cần thiết đối với cuộc sống sinh hoạt của trẻ nhỏ. Khi có được kỹ năng sống này, trẻ nhỏ cũng sẽ biết cách phân bổ thời gian để thực hiện các công việc trong ngày, mang đến hiệu quả tốt nhất cho việc học tập, sinh hoạt.
Mặc dù các sinh hoạt đời thường của trẻ mầm non vẫn chưa có nhiều sự phức tạp, đa phần chỉ là thời gian đi học, sinh hoạt cá nhân, vui chơi, giải trí tại trường học và tại nhà. Tuy nhiên, việc rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian ngay từ giai đoạn này cũng sẽ hình thành cho trẻ ý thức tốt về việc quý trọng thời gian, từ đó góp phần hiệu quả và là tiền đề tốt cho tương lai của trẻ.
Để giáo dục tốt cho trẻ về kỹ năng sống này, các bậc phụ huynh cũng nên bắt đầu bằng cách đặt ra quy định về thời gian để trẻ hoàn thành một công việc nào đó. Ví dụ như đưa ra giờ thức ngủ, ăn uống, xem tivi, vui chơi, đọc sách để con có thể thực hiện mọi việc hiệu quả nhất.
8. Kỹ năng phòng chống nguy hiểm, bảo vệ bản thân
Trong cuộc sống có vô vàn những tình huống rủi ro, nguy hiểm mà chúng ta khó có thể dự đoán trước được. Đối với người lớn đã có đủ các kiến thức, kỹ năng đôi khi vẫn khó có thể chống chọi lại cá hiểm họa xảy ra bên ngoài.
Tuy nhiên, việc có thể rèn luyện tốt kỹ năng phòng chống nguy hiểm sẽ phần nào giúp chúng ta tránh khỏi những điều xấu xa, bảo vệ tốt cho chính bản thân và cả những người bên cạnh. Đặc biệt là trẻ nhỏ, lứa tuổi còn hồn nhiên, trong sáng vẫn chưa thể hiểu hết những cạm bẫy của xã hội chính là đối tượng dễ bị đe dọa, lừa gạt.
Chính vì thế, các bậc phụ huynh và nhà trường cần phải chú ý nhiều hơn đến việc dạy cho trẻ những kỹ năng phòng chống kẻ xấu, đối mặt với nguy hiểm. Cha mẹ, thầy cô không thể theo sát trẻ cả ngày nên khó có thể giúp đỡ và hỗ trợ trẻ ở mọi lúc mọi nơi. Chính vì thế, việc nắm được các kỹ năng này sẽ giúp trẻ nhỏ tự bảo vệ tốt cho bản thân, hạn chế được các tình huống nguy hiểm.
Cụ thể, một số kỹ năng cần được hướng dẫn cho trẻ mầm non như:
- Kỹ năng bảo vệ bản thân trước người lạ
- Kỹ năng bảo vệ cơ thể trước sự xâm phạm của người khác.
- Kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ khi đối diện với nguy hiểm
- Kỹ năng xử lý khi xảy ra hỏa hoạn, tai nạn,…
- Kỹ năng bảo vệ bản thân khi đi lạc, bị bắt cóc
9. Kỹ năng chia sẻ và giúp đỡ
Giúp đỡ và chia sẻ là những đức tính tốt và cần được rèn luyện ở mỗi con người. Nếu muốn con trở thành một người tốt, có lòng nhân hậu và nhận được nhiều sự yêu mến từ mọi người xung quanh thì trước hết các bậc phụ huynh cần phải dạy con cách quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ người khác.
Lòng tốt chính là cầu nối vững chắc nhất để có thể tạo dựng được các mối quan hệ bền chặt, đưa mọi người sát lại gần với nhau hơn. Khi trẻ có thể mở lòng và giúp đỡ mọi người trong những lúc khó khăn thì chắc chắn rằng trẻ sẽ nhận lại rất nhiều những điều tốt đẹp và hữu ích.
Không chỉ đơn giản chỉ là niềm vui khi được chia sẻ với mọi người xung quanh mà nó còn là hành động trao giá trị nhân văn và cao đẹp đến xã hội. Trẻ nhỏ khi được rèn luyện kỹ năng chia sẻ và giúp đỡ người khác cũng sẽ hình thành tốt các nếp sống lành mạnh, tích cực, phát triển nhân cách một cách toàn diện hơn.
Kỹ năng này cần được giáo dục ngay từ khi trẻ có được nhận thức về thế giới xung quanh, cụ thể là ở lứa tuổi mầm non. Lúc này trẻ nhỏ đang dần hình thành và phát triển về mặt nhân cách, tư duy nên việc dạy trẻ cách chia sẻ, đùm bọc sẽ giúp trẻ có được trách nhiệm hơn với cuộc sống, nâng cao sự tự tin và lòng vị tha.
10. Kỹ năng trồng cây, chăm sóc thú cưng
Theo như kết quả của một số cuộc nghiên cứu chuyên sâu đều nhận thấy rằng, những đứa trẻ yêu thích thiên nhiên và động vật sẽ có tâm hồn tươi sáng và tích cực hơn. Nếu ngay từ nhỏ trẻ đã được dạy dỗ về việc phải biết yêu thương thú cưng và cây cỏ thì trẻ cũng sẽ dễ hình thành nên những cảm xúc tích cực, tình cảm yêu thương đối với thế giới xung quanh.
Biết rằng, thiên nhiên chiếm phần lớn và đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống của mỗi con người. Việc dạy cho trẻ cách trồng và yêu quý cây xanh sẽ giúp cho trẻ hiểu hơn về những lợi ích mà cây mang đến cho chúng ta. Đồng thời, trẻ cũng biết hơn về quá trình chăm sóc, phát triển của mỗi loại cây để có thể trân trọng thiên nhiên nhiều hơn.
Bên cạnh đó, việc chăm sóc cho động vật, thú cưng cũng là một kỹ năng tốt để giúp trẻ nâng cao tinh thần trách nhiệm của chính mình. Khi thành công trong việc nuôi dưỡng và bảo vệ một con vật nào đó, trẻ sẽ cảm thấy tự tin hơn về chính mình, cảm thấy bản thân có ích và cố gắng cống hiến nhiều hơn.
Ngoài ra, việc thường xuyên chơi với thú cưng cũng giúp cho trẻ nhỏ gia tăng hệ miễn dịch, giảm thiếu khả năng mắc dị ứng và phát triển chứng hen suyễn. Theo chia sẻ của các nhà khoa học thì việc tiếp xúc vừa phải với lông vật nuôi trước khi trẻ 1 tuổi sẽ giúp trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn.
Trên đây là một số thông tin bổ ích chia sẻ về các kỹ năng sống cần rèn luyện cho trẻ mầm non để tạo tiền đề tốt cho trẻ phát triển toàn diện trong tương lai. Các bậc phụ huynh cần kết hợp chặt chẽ với giáo viên, nhà trường để có thể trao đổi kỹ lưỡng về các biện pháp tiếp cận và giáo dục phù hợp nhất để trẻ có thể học hỏi và tiếp thu hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!