Trẻ chậm phát triển tâm thần: Phân loại mức độ và điều trị
Trẻ chậm phát triển tâm thần thường được đặc trưng bởi sự khiếm khuyết về mặt trí não, trẻ thường kém thông minh và có tốc độ phát triển chậm hơn so với các bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên, tùy vào mức độ nặng nhẹ mà mỗi trẻ sẽ có khả năng học tập, rèn luyện kỹ năng khác nhau.
Trẻ chậm phát triển tâm thần là gì?
Chậm phát triển tâm thần hay còn được nhiều người biết đến với tên gọi khác là khuyết tật trí tuệ. Tình trạng này thường xuyên xuất hiện ở trẻ nhỏ và gây nên nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe, sự phát triển tự nhiên của mỗi đứa trẻ.
Trẻ mắc phải vấn đề này sẽ kém thông minh, chỉ số IQ thấp hơn 70 và bị hạn chế rất nhiều ở các kỹ năng sống khác, thậm chí một số trường hợp nghiêm trọng cần phải có sự hỗ trợ và chăm sóc của những người xung quanh. Theo nghiên cứu nhận thấy rằng, phần lớn những đứa trẻ bị chậm phát triển tâm thần sẽ gặp khó khăn trong việc bộc lộ mong muốn và nhu cầu của bản thân cho người khác hiểu.
Những đứa trẻ bị khuyết tật trí tuệ sẽ có khả năng học tập và phát triển chậm hơn so với các bạn cùng trang lứa. Mặc dù một số trẻ vẫn có khả năng học tập, tiếp thu các kỹ năng sống cơ bản nhưng trẻ cần nhiều thời gian hơn so với bình thường. Hầu hết trẻ sẽ cần mất nhiều thời gian để có thể tập đi, tập nói, tập ăn hoặc đôi lúc vẫn cần sự hỗ trợ của người thân.
Theo chia sẻ của các chuyên gia thì chậm phát triển tâm thần thường sẽ liên quan đến khả năng tâm thần nói chung. Tình trạng này sẽ gây nên nhiều tác động tiêu cực đối với hoạt động thích nghi (giao tiếp, tự chăm sóc bản thân,…) và hoạt động trí tuệ (học tập, lựa chọn, quyết định, phán đoán,…).
Chậm phát triển tâm thần là vấn đề phổ biến, chiếm tỷ lệ từ 1 đến 3% tổng dân số trên toàn thế giới. Tại nước ta, số lượng trẻ nhỏ bị chậm phát triển cũng khá đáng kể, từ khoảng 12.000 đến 36.000 các trường hợp bị ảnh hưởng.
Phân loại mức độ chậm phát triển tâm thần
Dựa vào các đánh giá lâm sàng cùng với chỉ số IQ của mỗi trẻ nhỏ mà các chuyên gia có thể phân loại mức độ chậm phát triển tâm thần. Sự phân chia này cũng góp phần quan trọng đối với quá trình can thiệp cho trẻ nhỏ. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của mỗi trẻ mà các chuyên gia sẽ cân nhắc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Cụ thể, Tổ chức Y tế Thế giới đã thống nhất chia chậm phát triển tâm thần thành 4 mức độ như sau:
1. Mức độ nhẹ
Trẻ được chẩn đoán chậm phát triển tâm thần ở mức độ nhẹ khi 50 < IQ < 69. Phần lớn những trẻ khuyết tật trí tuệ đều thuộc nhóm này, tỷ lệ chiếm 85%.
- Cảm xúc: Thiếu tính tự lập, trẻ nhỏ sẽ bị thiếu hụt khả năng tự đưa ra quyết định và khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề xoay quanh cuộc sống.
- Tư duy: Khả năng học tập bị thua kém so với những bạn cùng lứa tuổi. Đồng thời trẻ cũng bị sự sáng tạo, không có sáng kiến và khả năng tổng hợp thông tin. Tuy nhiên, mức độ còn khá nhẹ nên các biểu hiện không quá chênh lệch với những trẻ bình thường.
- Hành vi: Nếu có phương pháp giáo dục phù hợp và lành mạnh, trẻ vẫn có thể kiểm soát tốt hành vi của bản thân. Ngược lại, nếu không được đối xử tích cực thì trẻ nhỏ dễ có những sự lệch lạc về nhận thức và hành xử sai lệch.
2. Mức độ vừa
Những trẻ có chỉ số 35 < IQ < 49 sẽ được chẩn đoán là chậm phát triển tâm thần mức độ vừa.
- Cảm xúc: Rối loạn cảm xúc, cảm xúc thay đổi bất thường, khó kiểm soát.
- Tư duy: Trẻ vẫn có khả năng sử dụng ngôn ngữ nhưng bị hạn hẹp về vốn từ, chỉ dùng được những ngữ pháp đơn giản. Đồng thời, một số trẻ hay bị phát âm sai, không chuẩn, không thể đọc, viết chính xác.
- Hành vi: Trẻ có thể trầm lặng, ít nói, thu mình hoặc trở nên hung hăng, kích động, chống đối.
3. Mức độ nặng
Theo số liệu thống kê nhận thấy rằng, có khoảng từ 2 đến 3 % các trường hợp trẻ nhỏ bị chậm phát triển tâm thần ở mức độ nặng. Trẻ thường có IQ từ 20 đến 34.
- Cảm xúc: Chỉ số cảm xúc thấp.
- Tư duy: Khả năng sử dụng ngôn ngữ, tư duy, sáng tạo, phán đoán đều bị hạn chế đáng kể.
- Hành vi: Trẻ cần sự hỗ trợ và chăm sóc của những người xung quanh. Bị hạn chế rất nhiều về hành vi và dường như không có sự hứng thú đối với các hoạt động bên ngoài.
4. Mức độ trầm trọng
Đây được xem là mức độ nặng và nguy hiểm nhất của chậm phát triển tâm thần. Mặc dù tỷ lệ trẻ mắc phải mức độ này không quá cao, chỉ chiếm từ 1 đến 2% nhưng nó gây ra rất nhiều các ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt hành vi, tư duy, nhận thức và đời sống của trẻ nhỏ.
- Cảm xúc: Trẻ nhỏ không có nhiều nhu cầu về mặt cảm xúc, thường chỉ quan tâm đến những nhu cầu cơ bản hàng ngày như cảm thấy lạnh, đói, dễ chịu, thoải mái,…
- Tư duy: Trẻ không có ngôn ngữ, khả năng tư duy, nhận biết yếu kém hoặc thường ở dạng thô sơ.
- Hành vi: Có xu hướng thực hiện các hành vi theo bản năng, không có kiểm soát.
- Ngoài ra, trẻ chậm phát triển tâm thần ở mức độ này có thể gặp phải nhiều dị dạng liên quan đến tai, mắt, răng, thần kinh, xương,…
Biểu hiện của trẻ chậm phát triển tâm thần
Các biểu hiện của trẻ chậm phát triển thường biểu hiện rõ ràng và dễ nhận biết khi trẻ đến tuổi đi học. Trẻ nhỏ thường gặp nhiều khó khăn trong việc học tập, tiếp thu thông tin, tư duy và kiểm soát tốt các hành vi của bản thân.
Một số dấu hiệu thường thấy ở trẻ chậm phát triển tâm thần như:
- Chậm nói hoặc gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình nói, phát âm.
- Khả năng vận động kém, trẻ chậm biết trườn, bò, lật, ngồi, đứng, đi.
- Trí nhớ kém, không thể ghi nhớ tốt các sự việc, tình huống hay chi tiết đã từng xảy ra.
- Khó kiểm soát hành vi và không thể ý thức được cụ thể về những hiểm họa từ các hành vi tiêu cực của bản thân.
- Không có nhiều hiểu biết về các quy luật, nguyên tắc chung của xã hội.
- Tâm trạng thay đổi bất thường, hay lo lắng, trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực.
- Rối loạn giấc ngủ, có thể mất ngủ, ngủ không ngon giấc hoặc buồn ngủ liên tục.
Bên cạnh các biểu hiện điển hình và thường gặp nêu trên thì trẻ bị chậm phát triển tâm thần còn có nhiều nguy cơ bị động kinh hoặc đối diện với một số vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần. Ngoài ra, trẻ cũng thường xuyên có những hành vi bất thường mà ngay cả bản thân trẻ cũng không thể kiểm soát và ý thức được.
Mặc dù mỗi đứa trẻ sẽ có mức độ và các biểu hiện riêng biệt nhưng nhìn chung nó đều gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sự phát triển tự nhiên của trẻ nhỏ và làm cản trở đến các sinh hoạt đời sống, các mối quan hệ xã hội. Chính vì thế, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo ở trẻ nhỏ, phụ huynh nên chủ động cho trẻ tiến hành thăm khám và can thiệp kịp thời.
Nguyên nhân gây chậm phát triển tâm thần ở trẻ
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng chậm phát triển tâm thần ở trẻ nhỏ. Theo kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu, di truyền là yếu tố thường gặp nhất bởi nếu trẻ được sinh ra bởi bố mẹ bị chậm phát triển tâm thần thì khả năng mắc bệnh của trẻ sẽ cao hơn gấp nhiều lần so với bình thường.
Tuy nhiên, cho đến hiện nay, yếu tố di truyền vẫn chưa được chứng minh cụ thể và rõ ràng nên cũng khó có thể xác định chính xác về nguyên nhân gây ra tình trạng chậm phát triển ở nhiều trẻ nhỏ. Theo đó, một số chuyên gia cho biết rằng, trí thông minh, nhạy bén của trẻ cũng có thể liên quan đến yếu tố môi trường, dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân xã hội.
Việc xác định nguyên nhân gây ra tình trạng chậm phát triển tâm thần ở trẻ nhỏ vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn. Các bác sĩ chuyên khoa vẫn chưa thể chẩn đoán chính xác về các yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến cho rằng, các yếu tố sau đây có thể liên quan đến việc làm khởi phát chứng chậm phát triển tâm thần.
- Gặp phải các vấn đề phát sinh trong quá trình sinh nở, bị chấn thương, sinh non hoặc trẻ bị thiếu oxy.
- Mẹ bầu sử dụng quá nhiều các chất gây nghiện, chất kích thích như rượu bia, ma túy hoặc thường xuyên tiếp xúc với các chất độc hại, nhiễm trùng khi mang thai.
- Trẻ bị chấn thương sọ não.
- Rối loạn di truyền, điển hình nhất là bệnh tay-sachs hay phenylceton niệu,…
- Hội chứng down hoặc các bất thường xảy ra ở nhiễm sắc thể.
- Trẻ bị thiếu dinh dưỡng, chế độ ăn uống không được đảm bảo.
- Các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng xảy ra trong thời thơ ấu, ví dụ như viêm màng não, sởi, ho gà,…
- Do trẻ khi bị sinh ra đã được chẩn đoán nhiễm độc, vàng da nặng, sinh non,…
Bên cạnh những lý do nêu trên thì những năm trở lại đây, các nhà khoa học nhận thấy rằng, các vấn đề tâm lý phát sinh trước khi trẻ 3 tuổi cũng có thể trở thành yếu tố làm gia tăng khả năng trẻ bị chậm phát triển tâm thần. Trẻ nhỏ bị thiếu hụt cảm xúc, thiếu vắng tình yêu thương của cả cha và mẹ cũng có thể dần khởi phát các triệu chứng chậm phát triển.
Tùy vào mức độ nghiêm trọng của mỗi trường hợp khác nhau mà các chuyên gia cũng có thể khoanh vùng được các yếu tố ảnh hưởng. Cụ thể, các tình trạng chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ thường sẽ liên quan đến các yếu tố xã hội và sinh học. Tuy nhiên, đối với các trẻ bị nặng hoặc rất nặng có thể bị ảnh hưởng bởi các tổn thương thực thể.
Cách điều trị trẻ chậm phát triển tâm thần
Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của từng trẻ chậm phát triển tâm thần mà các chuyên gia sẽ cân nhắc để lựa chọn biện pháp can thiệp phù hợp và hiệu quả nhất. Quá trình cải thiện cho trẻ chậm phát triển cần nhiều thời gian và có sự phối hợp chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa cùng gia đình.
Cụ thể một số phương pháp thường được áp dụng phổ biến cho trẻ như:
1. Liệu pháp giáo dục
Như đã chia sẻ, trẻ chậm phát triển tâm thần thường bị yếu kém về trí thông minh, trẻ không có khả năng thích ứng tốt với môi trường bên ngoài, thậm chí các kỹ năng xã hội cũng bị hạn chế rất nhiều. Chính vì thế mà việc áp dụng liệu pháp giáo dục cho trẻ là vô cùng cần thiết.
Vai trò chính của phương pháp này đó chính là giúp trẻ nhỏ dần cân bằng và ổn định được trạng thái tâm lý của bản thân. Đồng thời, nó cũng góp phần phục hồi và cải thiện các rối loạn vận động, rối loạn ngôn ngữ.
Thông qua quá trình giáo dục, trẻ nhỏ sẽ dần thích nghi tốt hơn với môi trường bên ngoài bằng cách được đào tạo kỹ lưỡng về các kỹ năng sống cơ bản, cần thiết như tự vệ sinh cá nhân, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn,…Ngoài ra, trẻ cũng sẽ dần cải thiện tốt các mối quan hệ xã hội, tạo dựng được thiện cảm với những người xung quanh và dễ dàng duy trì cuộc giao tiếp với mọi người.
Bên cạnh đó, trẻ nhỏ bị chậm phát triển tâm thần cũng được hỗ trợ tốt về việc giáo dục văn hóa. Quá trình này sẽ dần giúp trẻ nâng cao các kỹ năng học tập, tiếp thu thông tin. Từ đó trẻ cũng có thể học viết, học đọc và tính toán các phép tính cơ bản, thậm chí có thể đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa.
2. Liệu pháp tâm lý
Trong hầu hết các trường hợp hỗ trợ can thiệp và cải thiện cho trẻ chậm phát triển tâm thần đều có sử dụng liệu pháp tâm lý cho từng cá nhân hoặc áp dụng theo nhóm. Đây được xem là một trong các biện pháp điều trị hiệu quả và đóng vai trò quan trọng đối với việc phục hồi chức năng và ổn định tâm lý cho người bệnh.
Theo chia sẻ của các chuyên gia thì phần lớn những trẻ bị chậm phát triển đều có kèm theo các biểu hiện bất thường về mặt tâm lý. Trẻ có thể lầm lì, ít nói, thu mình, ngại giao tiếp hoặc dễ kích động, nóng nảy, háo thắng,…
Thông qua quá trình thăm khám và đánh giá về tình trạng của mỗi trẻ nhỏ, chuyên gia sẽ cân nhắc đến lựa chọn liệu pháp can thiệp tâm lý phù hợp cho mỗi trẻ. Đồng thời, các bậc phụ huynh cũng sẽ được tư vấn, hướng dẫn cụ thể về các cách giáo dục, can thiệp tại nhà để giúp trẻ được hỗ trợ tốt hơn.
3. Sử dụng thuốc
Đối với một số trường hợp trẻ chậm phát triển tâm thần ở mức độ nặng và có các biểu hiện đáng lo ngại thì sẽ được cân nhắc để sử dụng thêm một vài loại thuốc. Tuy rằng việc dùng thuốc không thể điều trị tận gốc được tình trạng bệnh nhưng nó vẫn có khả năng kiểm soát và hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực của bệnh.
Cụ thể, các chuyên gia thường sẽ chỉ định dùng thuốc đối với các trường hợp chậm phát triển tâm thần cới các biểu hiện sau:
- Trẻ thường xuyên kích động, không thể kiểm soát tốt các hành vi của bản thân, rối loạn hành vi, rối loạn khí sắc thường sẽ được chỉ định sử dụng một vài loại thuốc điều hòa khí sắc, thuốc an thần,…
- Trẻ hay căng thẳng, lo lắng, bồn chồn, lo sợ quá mức có thể được chỉ định dùng thuốc Diazepam, Napoton,…
- Những trẻ có biểu hiện của rối loạn tâm thần, bên cạnh đó còn là các triệu chứng của trầm cảm, trẻ tự kỷ, động kinh cũng cần được kê đơn thuốc kiểm soát phù hợp.
Việc dùng thuốc cần được có sự chỉ định và theo dõi kỹ lưỡng của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về tự sử dụng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc. Tốt nhất, các bậc phụ huynh nên theo dõi và kiểm soát quá trình uống thuốc của trẻ để đảm bảo trẻ uống đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời gian.
Đồng thời, các loại thuốc này cũng có nhiều khả năng gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn. Chính vì thế, nếu trong quá trình điều trị, nhận thấy các biểu hiện ở trẻ nhỏ thì phụ huynh cũng nên nhanh chóng thông báo và đưa trẻ đến thăm khám kịp thời để ngăn chặn tốt các hệ lụy nguy hiểm có thể xảy ra.
Thông tin trong bài viết này đã phần nào giúp cho bạn đọc hiểu được về chứng chậm phát triển tâm thần thường gặp ở trẻ nhỏ. Khi nhận thấy con trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, các bậc phụ huynh cũng nên bình tĩnh và mau chóng đưa trẻ đến thăm khám để có thể đề ra phương pháp can thiệp phù hợp.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!