Trẻ đi nhón chân và chậm nói: Con tôi đang gặp vấn đề gì?
Thói quen đi nhón chân và chậm nói là những vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo về một bệnh lý nguy hiểm nào đó. Vậy trẻ đi nhón chân và chậm nói là do đâu, có thực sự nguy hiểm không?
Trẻ đi nhón chân và chậm nói khi nào là bất thường?
Trẻ đi nhón chân là hiện tượng khi bé sử dụng các ngón chân hoặc phần trước của bàn chân để di chuyển và giữ thăng bằng thay vì bước bằng cả bàn chân. Tình trạng này khá phổ biến, đặc biệt ở các bé dưới 2 tuổi. Phần lớn trẻ sẽ tự điều chỉnh và dần từ bỏ thói quen này khi hệ vận động hoàn thiện hơn.
Tuy nhiên, cũng có không ít các trường hợp trẻ trên 2 tuổi nhưng vẫn tiếp tục thói quen đi nhón gót, khi di chuyển trẻ luôn cầm nắm vào vật gì đó để giữ thăng bằng thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo đang lo ngại mà các bậc phụ huynh nên chú ý quan tâm. Nếu trẻ thường xuyên đi nhón gót và có kèm các dấu hiệu sau thì các bậc phụ huynh nên chú ý và cho trẻ thăm khám ngay:
- Trẻ đi nhón chân ở hầu hết các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
- Gân gót chân có dấu hiệu căng cứng
- Trẻ khó khăn trong việc giữ thăng bằng, đứng không vững khi di chuyển bằng chân trần.
- Đi đứng khá vụng về, chao đảo, dễ vấp ngã, va chạm
Song song với thói quen đi nhón gót ở trẻ em thì chậm nói cũng được xem là một vấn đề phổ biến khiến cho nhiều bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng. Các biểu hiện của chậm nói có thể nhận biết từ rất sớm nhưng thể hiện rõ nhất là khoảng từ 2 – 3 tuổi. Lúc này nếu bé vẫn chưa thể nói được hoặc chỉ nói được 1 vài từ đơn giản nên được xem là chậm nói, chậm phát triển về ngôn ngữ.
Các chuyên gia cho biết rằng, chậm nói có thể chỉ là một tình trạng đơn thuần thường gặp ở nhiều trẻ nhỏ bởi các tác động môi trường và có thể dễ dàng cải thiện khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên, đây cũng được xem là một trong các dấu hiệu bất thường cảnh báo về các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Tóm lại, trẻ đi nhón chân và chậm nói có phải là bất thường không còn tùy thuộc vào mức độ và các biểu hiện đi kèm ở trẻ. Nếu nghi ngờ về các biểu hiện của trẻ, cha mẹ hãy chủ động thăm khám và kiểm tra cho con tại các cơ sở chuyên khoa uy tín để có được nhận định cụ thể và chính xác.
Nguyên nhân trẻ đi nhón chân và chậm nói
Như đã chia sẻ, trẻ đi nhón chân và chậm nói là hai vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng đôi khi nó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo về một bệnh lý nguy hiểm cần được can thiệp. Có rất nhiều nguyên nhân hình thành nên tình trạng này, cụ thể như:
1. Bệnh loạn dưỡng cơ
Bệnh loạn dưỡng cơ là tình trạng bệnh lý khiến cho các cơ dần bị yếu đi, gây teo cơ và tạo ra các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của con người. Đặc trưng của căng bệnh này đó chính là sự yếu cơ tiến triển, khởi đầu ở vùng chân cho đến xương chậu và các vị trí khác trên toàn cơ thể.
Theo nghiên cứu nhận thấy rằng, căn bệnh này có liên quan mật thiết đến yếu tố di truyền, đặc biệt là từ nhiễm sắc thể nữ X từ mẹ. Theo đó, tỷ lệ con trai mắc bệnh sẽ cao hơn so với con gái.
Về biểu hiện thì loạn dưỡng cơ có những triệu chứng khá rõ ràng và dễ nhận biết. Trong đó có sự suy giảm nghiêm trọng về cơ ở phần chi trên nên khiến cho nhiều người có xu hướng di chuyển bằng các ngón chân, đi nhón gót, kiễng chân. Các triệu chứng của bệnh thường khởi phát sớm ở trẻ từ 5 đến 15 tuổi, trong vài năm đầu đời có thể trẻ vẫn sẽ đi lại bình thường nhưng về sau sẽ có dấu hiệu đi nhón gót.
2. Bại não
Chứng đi nhón gót hay tình trạng trẻ chậm nói có thể là dấu hiệu cảnh báo về bệnh bại não thường gặp ở trẻ nhỏ. Đây là một rối loạn vận động, trương lực cơ có liên quan đến các chấn thương nghiêm trọng, sự bất ổn trong quá trình phát triển của não bộ, gây mất kiểm soát về chức năng, hoạt động của cơ bắp.
Các biểu hiện của bại não có thể khởi phát từ ngay khi trẻ chào đời và phát triển dai dẳng về sau. Những trẻ bị bại não thường khó có thể tự kiểm soát tốt các hoạt động của cơ bắp nên dễ dẫn đến tình trạng đi nhón gót, đi đứng loạng choạng, mất cân bằng,…
Bên cạnh đó, các chuyên gia còn nhận thấy rằng, bại não cũng gây nên nhiều cản trở đối với trí tuệ, làm chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ, khiến trẻ chậm nói hoặc thậm chí không nói được. Những đứa trẻ này ít khi bộc lộc cảm xúc ra bên ngoài, không biết biểu lộ tình cảm, không hóng chuyện và tương tác với những người xung quanh.
3. Tự kỷ
Tự kỷ được xem là nguyên nhân hàng đầu có khả năng làm xuất hiện hai biểu hiện bất thường này ở trẻ nhỏ. Đây là một chứng rối loạn phức tạp với đặc trưng là sự hạn chế về mặt giao tiếp, tương tác và hành vi. Đặc biệt, các biểu hiện này thường khởi phát từ rất sớm và kéo dài vĩnh viễn, không thể điều trị được triệt để.
Trẻ tự kỷ thường chậm nói, khả năng giao tiếp bằng lời nói kém hoặc thậm chí có nhiều trẻ dù đã đến tuổi đi học nhưng vẫn chưa thể nói được bất kỳ từ nào. Trẻ bị hạn chế rất nhiều về khả năng tương tác với mọi người xung quanh, sự hạn hẹp về vốn từ khiến trẻ trở nên cô lập, thu mình và thiếu tự tin vào bản thân.
Bên cạnh đó, tự kỷ còn khiến cho trẻ nhỏ đối diện với các rối loạn về hành vi. Trẻ hay có những hành động rập khuôn, lặp đi lặp lại các hành vi bất thường, không kiểm soát. Cụ thể như xoay người, lắc lư, vẫy tay, cúi gập người, ngắm nhìn bàn tay và đặc biệt nhất là đi nhón chân.
Tuy nhiên, không phải tất cả các đứa trẻ có biểu hiện đi nhón chân và chậm nói đều mắc phải chứng tự kỷ. Cụ thể một số triệu chứng đặc trưng của trẻ tự kỷ như:
- Chậm nói, vốn từ nghèo nàn, không có khả năng trò chuyện, giao tiếp với mọi người và sử dụng ngôn ngữ bừa bãi, không đúng ngữ cảnh
- Trẻ không có phản ứng khi được người khác gọi tên.
- Ít hoặc không giao tiếp ánh mắt với người đối diện
- Trẻ không biết cách thể hiện cảm xúc, quan điểm, ý kiến của mình bằng lời nói hoặc cả cử chỉ khuôn mặt.
- Hay lặp đi lặp lại các hành vi bất thường như đập tay, lắc lư, đi nhón chân,…
- Nhạy cảm, dễ kích động, khó kiểm soát hành vi
- Nhạy cảm quá mức đối với ánh sáng và các âm thanh, tiếng ồn
- Không có nhiều hứng thú với các hoạt động vui chơi, chỉ cảm thấy quan tâm và hấp dẫn với một hoặc một vài món đồ nhất định
4. Do cấu trúc bàn chân bẹt
Nguyên nhân phổ biến khiến trẻ đi nhón chân là do bàn chân bẹt, một dạng tật vận động mà khá nhiều bé mắc phải. Bàn chân bẹt nghĩa là bàn chân không có phần lõm dưới gan chân như bình thường, khiến cho toàn bộ bàn chân đổ sụp vào trong. Điều này gây đau đớn và khó chịu khiến bé phải đi nhón gót để giảm bớt cảm giác khó chịu. Nếu không được can thiệp sớm, bàn chân bẹt có thể dẫn đến vấn đề nghiêm trọng hơn như viêm cân gan chân, biến dạng ngón chân.
5. Do gân Achilles ngắn
Gân Achilles (gân gót) nối cơ bắp chân với xương gót mà nếu không đủ độ dài sẽ khiến gót chân của trẻ không thể chạm đất khi di chuyển. Do đó bé thường xuyên phải kiễng chân, làm ảnh hưởng đến dáng đi và khiến việc di chuyển trở nên khó khăn hơn.
Tình trạng gân Achilles ngắn còn có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng về sau. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có nguy cơ gặp phải biến dạng khớp, lệch vẹo cột sống, ảnh hưởng đến sự phát triển của các bộ phận khác trên cơ thể.
6. Rối loạn tiền đình
Cơ quan tiền đình nằm ở phía sau 2 bên ốc tai có nhiệm vụ giúp cơ thể duy trì thăng bằng và điều chỉnh tư thế. Khi nó bị rối loạn, trẻ có xu hướng dồn trọng lực về phía trước nên di chuyển bằng các ngón chân và đi nhón chân để cố gắng giữ thăng bằng. Dấu hiệu đi nhón chân còn đi kèm với vấn đề chậm nói. điều này cho thấy sự ảnh hưởng của rối loạn tiền đình đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Tình trạng này có thể gây di chuyển khó khăn và thậm chí là rung giật nhãn cầu.
Khi nào trẻ đi nhón chân và chậm nói là tự kỷ?
Để giữ thăng bằng, trẻ 2 tuổi thường phải vịn vào đồ vật như ghế, bàn và các bậc phụ huynh không cần lo lắng quá vì đây thường không phải là vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu trẻ lớn hơn 2 tuổi mà vẫn còn đi nhón chân thường xuyên, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo về tình trạng tự kỷ.
Ngoài việc đi nhón chân, trẻ tự kỷ khó có khả năng giao tiếp với dấu hiệu không phản ứng khi được gọi tên, không giao tiếp bằng ánh mắt hay không hiểu những gì người lớn nói. Bé ít phát ra âm thanh, khó diễn đạt ý muốn của mình. Những vấn đề này có thể làm cho việc giao tiếp trở nên khó khăn và làm con không chủ động tham gia vào các cuộc trò chuyện xung quanh.
Ngoài ra, khi trẻ có hành vi bất thường như dễ bị kích động, nổi nóng, khóc lóc không lý do cùng hành động lặp đi lặp lại như vẫy tay, xoay tròn, đập tay thì rất có thể bé đang mắc chứng tự kỷ. Để xác định chính xác tình trạng của trẻ, cha mẹ nên theo dõi các triệu chứng sau đó đưa con đến các trung tâm chuyên môn để được đánh giá và can thiệp kịp thời.
Trẻ đi nhón chân và chậm nói có ảnh hưởng gì không?
Trẻ đi nhón chân và chậm nói là hiện tượng phổ biến trong quá trình phát triển gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực nếu không được khắc phục sớm. Một trong những vấn đề đầu tiên là bé dễ mất thăng bằng, té ngã nhất là khi leo cầu thang, di chuyển trên các bề mặt không bằng phẳng. Điều này có thể gây hạn chế trong các hoạt động hàng ngày và ảnh hưởng đến sự phát triển vận động của trẻ.
Ngoài ra, nếu tình trạng đi nhón chân kéo dài, cơ bắp ở chân gồm bắp chuối có thể phát triển không đều, dẫn đến các vấn đề về chức năng của mắt cá chân. Trẻ có thể gặp khó khăn khi duy trì sự linh hoạt, dẫn đến đau nhức và làm giảm khả năng vận động. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn có thể gây ra sự bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.
Thêm vào đó, thói quen đi nhón chân còn có thể gây ra các hệ lụy về mặt thẩm mỹ và sức khỏe lâu dài. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có nguy cơ bị suy yếu cơ ở phía trước chân nên di chuyển khó khăn cũng như ảnh hưởng đến tư thế đứng. Đặc biệt, nếu thói quen này đi kèm với các dấu hiệu tự kỷ, hành vi gây hại cho bản thân thì cha mẹ cần đặc biệt chú ý cũng như can thiệp kịp thời nhằm bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho con.
Cách khắc phục chứng đi nhón chân ở trẻ
Có nhiều phương pháp điều trị từ nhẹ nhàng đến can thiệp chuyên sâu, mỗi phương pháp đều có những ưu và nhược điểm riêng tùy theo tình trạng của trẻ.
- Vận động trị liệu: Phương pháp hữu hiệu khi các chuyên gia sử dụng các bài tập co giãn cơ chân để hướng dẫn trẻ cách đi lại đúng. Mục tiêu của phương pháp này là giúp các cơ thư giãn và điều chỉnh dáng đi với sự kiên trì và thời gian dài để đạt được kết quả mong muốn.
- Lựa chọn giày phù hợp: Những đôi giày có cổ cao và đế nặng sẽ hỗ trợ trẻ giữ thăng bằng tốt hơn, giảm thói quen đi nhón chân và giúp chân tiếp xúc toàn bộ với mặt đất khi di chuyển.
- Phẫu thuật: Biện pháp cuối cùng khi các phương pháp nhẹ nhàng không mang lại hiệu quả. Thường áp dụng cho trẻ có dị tật nặng, cơ bắp chân quá cứng, phẫu thuật giúp kéo dài gân chân và cải thiện khả năng đi lại của trẻ. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ vì có thể phát sinh biến chứng sau phẫu thuật.
- Sử dụng nẹp chân: Giải pháp giúp trẻ tập quen dần với việc sử dụng cả bàn chân để đi lại. Nẹp chuyên dụng sẽ hỗ trợ cố định và giúp bé dần điều chỉnh thói quen đi đứng, cải thiện tư thế và lấy lại sự thăng bằng.
Lời khuyên cho các bậc phụ huynh
Việc chăm sóc, định hướng cho trẻ trong những năm đầu đời thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ về mặt thể chất lẫn khả năng giao tiếp và tư duy. Để giúp con phát triển tốt nhất, cha mẹ cần linh hoạt khi lựa chọn hoạt động và phương pháp phù hợp.
- Nên chọn cho trẻ những đôi giày có cổ cao và đế nặng để giúp cố định bàn chân, tăng khả năng giữ thăng bằng khi di chuyển
- Khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động như chạy bộ, nhảy cao, đạp xe, đi bộ trên các bề mặt không bằng phẳng để kích thích sự phát triển của cơ chân
- Tăng cường giao tiếp bằng cách đọc sách, kể chuyện cho con nghe hàng ngày để bé phát triển ngôn ngữ và tư duy tốt hơn.
- Cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa, thường xuyên đưa đi chơi ở công viên, vườn thú để tạo cơ hội cho bé giao tiếp và học hỏi
- Hạn chế cho con sử dụng điện thoại, xem TV quá nhiều để không bị phụ thuộc vào thiết bị điện tử
- Bổ sung các sản phẩm dinh dưỡng giúp hỗ trợ chức năng não bộ và giảm nguy cơ tự kỷ ở trẻ
- Khuyến khích con đi chân trần trên bề mặt tự nhiên như cỏ, đất mềm để kích thích phát triển các dây thần kinh ở bàn chân
Khi nào cần đưa trẻ đi khám?
Trẻ đi nhón chân và chậm nói không hẳn là dấu hiệu bất thường nhưng nếu nó diễn ra liên tục với mức độ nghiêm trọng thì cũng có nhiều nguy cơ là biểu hiện của bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng này gây nên nhiều cản trở đối với chất lượng cuộc sống khiến bé bị hạn chế nhiều về khả năng giao tiếp cũng như học tập nên cần được can thiệp kịp thời.
Tốt nhất các bậc phụ huynh nên cho trẻ nhỏ được thăm khám và chẩn đoán cụ thể tại các cơ sở, bệnh viện chuyên khoa uy tín để có được nhận định chính xác nhất. Sau khi biết rõ về tình trạng sức khỏe của trẻ cũng như các nguyên nhân gây ra chứng nhón gót, chậm nói thì bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn để áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp cho trẻ.
Trẻ đi nhón chân và chậm nói có thể là dấu hiệu cảnh báo về các vấn đề phát triển bao gồm tự kỷ. Nếu cha mẹ nhận thấy những biểu hiện này, nên theo dõi sát sao và đưa con đến các chuyên gia để được chẩn đoán sớm. Điều này sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn và cải thiện khả năng giao tiếp, đồng thời tạo điều kiện cho các bé hòa nhập với xã hội.
Có thể bạn quan tâm:
- Khi nào cần cho trẻ đi khám chậm nói? Thông tin cần biết
- Những hành vi của trẻ tự kỷ: Chú ý những điều bất thường
- Các dấu hiệu trẻ phát triển không bình thường bố mẹ cần lưu ý
Nguồn tham khảo:
- iphd.vn, acc.vn, trungtamphuchoichucnang.com,..
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!