Những điểm mạnh của trẻ chậm phát triển ngôn ngữ mẹ đã biết?
Nhiều người tin rằng, khi con người bị thiếu hụt một kỹ năng hay khía cạnh nào đó thì họ sẽ có tiềm năng ở một khía cạnh khác. Vì thế, nhiều bậc phụ huynh luôn muốn tìm kiếm những điểm mạnh của trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, khuyết tật trí tuệ để có thể bù đắp được những mặt hạn chế của trẻ.
Tìm hiểu về trẻ chậm phát triển ngôn ngữ
Chậm phát triển ngôn ngữ là một dạng của rối loạn giao tiếp thường xuất hiện phổ biến ở trẻ nhỏ và gây nên nhiều cản trở trong quá trình tương tác, kết nối với mọi người xung quanh. Những đứa trẻ mắc phải chứng rối loạn này sẽ có tốc độ phát triển ngôn ngữ chậm hơn so với bình thường, trẻ chậm nói, nói lắp, nói ngọng kèm theo sự suy giảm khả năng nghe, hiểu.
Dựa vào số liệu thống kê nhận thấy rằng, chậm phát triển ngôn ngữ có thể gây ảnh hưởng từ 5 đến 10% trẻ nhỏ ở độ tuổi đi học mẫu giáo. Trẻ sẽ gặp nhiều trở ngại trong việc bày tỏ các mong muốn, quan điểm, suy nghĩ của bản thân và khó có thể hiểu được trọn vẹn những điều người khác muốn truyền đạt.
Chậm phát triển ngôn ngữ được chia thành 2 loại chính đó chính là chậm tiếp nhận hoặc chậm diễn đạt. Tuy nhiên cũng có trường hợp trẻ nhỏ mắc phải 2 loại này và gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu và nói.
Các dấu hiệu của trẻ chậm nói thường khởi phát từ rất sớm nhưng cũng rất khó để nhận biết. Một số biểu hiện thường gặp như:
- Trẻ 15 tháng không bập bẹ, không phát ra bất kỳ âm thanh nào.
- Trẻ đã lên 2 tuổi nhưng chỉ nói được một số từ cơ bản hoặc không nói.
- Khi đã được 3 tuổi nhưng vốn từ của trẻ vô cùng hạn hẹp, trẻ không có khả năng nói các từ ghép hoặc câu ngắn gọn, đơn giản.
- Trẻ không có xu hướng làm theo sự chỉ dạy, hướng dẫn của người khác.
- Khả năng phát âm kém, không chuẩn.
- Không thể sử dụng ngôn ngữ một cách thuần thục, thường khó có thể ghép các từ ngữ thành câu hoàn chỉnh.
- Khi nói thường thiếu mất vị ngữ, chủ ngữ hoặc từ ngữ trong câu.
Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Có những trẻ gặp phải các vấn đề về khả năng nghe nhưng cũng có trẻ là do tự kỷ, khuyết tật trí tuệ hoặc gặp phải các vấn đề ảnh hưởng đến tâm lý.
Các bậc phụ huynh cần phải chú ý và quan tâm nhiều hơn đến trẻ, đặc biệt là những năm tháng đầu đời. Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ thì cần tiến hành thăm khám, chẩn đoán để có biện pháp can thiệp phù hợp, hạn chế các hệ lụy nghiêm trọng có thể xảy ra đối với trẻ.
Các nghiên cứu về điểm mạnh của trẻ chậm phát triển ngôn ngữ
Ngôn ngữ đóng vai trò rất quan trọng đối với đời sống của mỗi người. Nó chính là công cụ để chúng ta có thể giao tiếp, tương tác với nhau. Nhờ có ngôn ngữ mà con người có thể dễ dàng bày tỏ các quan điểm, sở thích, mong muốn, suy nghĩ của mình một cách rõ ràng hơn, đồng thời có thể thấu hiểu với những người xung quanh hơn.
Do đó, khi trẻ nhỏ bị chậm phát triển ngôn ngữ, trẻ sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn, cản trở trong quá trình giao tiếp, kết nối và khả năng học tập cũng bị hạn chế nghiêm trọng. Phần lớn chúng ta đều có thể dễ dàng nhận thấy những mặt khó khăn và hạn chế của trẻ chậm phát triển ngôn ngữ.
Tuy nhiên, một số bậc phụ huynh thường cho rằng khi trẻ bị thiếu hụt một khía cạnh nào đó, cụ thể là ngôn ngữ thì trẻ sẽ được bù đắp một khả năng khác, một điểm mạnh về các lĩnh vực khác. Ví dụ như khi trẻ bị hạn chế về ngôn ngữ thì có thể trẻ sẽ có tài năng về các hoạt động thể chất, hội họa,…
Cho đến hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác về các điểm mạnh của trẻ chậm phát triển ngôn ngữ. Tuy nhiên, cũng có không ít các nghiên cứu tìm hiểu và chia sẻ về vấn đề này. Cụ thể như:
Nghiên cứu của Kenn Apel, Alan G.Kamhi và Lauren K.Nelson
Cuộc nghiên cứu này được thực hiện bởi Kenn Apel, Alan G.Kamhi và Lauren K.Nelson vào năm 1987. Chủ đề của nghiên cứu đó chính là “Điểm mạnh và điểm yếu về nhận thức của trẻ em chậm phát triển ngôn ngữ” (Cognitive Strengths and Weaknesses in Language-Impaired Children).
Có tổng cộng 30 trẻ nhỏ tham gia quá trình nghiên cứu, trong đó có 15 trẻ chậm phát triển về ngôn ngữ và 15 trẻ còn lại có sự phát triển bình thường, ổn định. Theo quá trình kiểm tra và đánh giá, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng, tất cả các trẻ đều có khả năng thực hiện tốt các bài toán có câu hỏi rõ ràng, cụ thể.
Tuy nhiên, nhìn chung thì nhóm trẻ có tốc độ phát triển ngôn ngữ bình thường vẫn chiếm ưu thế hơn, trẻ vẫn có khả năng thực hiện tốt các bài toán có câu hỏi không rõ ràng. Do đó, vẫn khó có thể kết luận về những điểm mạnh của trẻ chậm phát triển.
Nghiên cứu của Michelle C. St Clair, Ailsa J. Russell và anessa Lloyd-Esenkaya
Nghiên cứu này vừa được thực hiện gần đây vào năm 2020 do Michelle C. St Clair, Ailsa J. Russell và anessa Lloyd-Esenkaya thực hiện. Kết quả của cuộc nghiên cứu này khiến cho nhiều người có thêm nhiều niềm tin hơn trong việc tìm kiếm các điểm mạnh và lợi thế ở những trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ.
Chủ đề của cuộc nghiên cứu này là “điểm mạnh và khó khăn gặp phải trong việc tương tác với bạn bè của nhóm trẻ chậm phát triển ngôn ngữ”. Các chuyên gia bắt đầu đưa ra những đánh giá, phán đoán của mình.
Mặc dù mục đích ban đầu của cuộc nghiên cứu này đó chính là tìm kiếm những điểm mạnh của trẻ chậm phát triển nhưng dựa theo các dữ liệu và thông tin tìm thấy, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định được những đặc điểm đặc biệt ở trẻ. Cụ thể một số chia sẻ trong bài báo cáo nghiên cứu như sau:
- Phần lớn những trẻ chậm phát triển ngôn ngữ sẽ có xu hướng né tránh và không muốn gần gũi, tương tác với mọi người xung quanh. Cũng bởi sự hạn chế về khả năng sử dụng ngôn ngữ đã khiến cho trẻ trở nên tự ti, e ngại hơn về việc thể hiện cảm xúc và lời nói trước mặt nhiều người, kể cả những người thân thiết.
- Những trẻ bị khiếm khuyết và hạn chế trong việc giao tiếp, tương tác bằng lời nói sẽ dễ bị suy giảm về khả năng xử lý và giải quyết các tình huống, không thể đưa ra những lựa chọn phù hợp dù là những việc đơn giản.
- Những trẻ chậm phát triển ngôn ngữ khi đã đến trường vẫn có sự hạn chế về khả năng giao tiếp và trẻ có xu hướng tránh né, không muốn tiếp xúc, gần gũi với bạn bè, thầy cô.
- Trẻ cũng sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong việc bắt đầu và duy trì tốt một cuộc hội thoại với bất kỳ ai.
- Trẻ dễ bị lạc lõng, cảm thấy cô đơn và khó có thể bắt kịp câu chuyện của người khác.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết rằng, những trẻ tham gia vào cuộc khảo sát có mức độ chậm phát triển ngôn ngữ khác nhau, trẻ cũng có những biểu hiện riêng biệt về sự hạn chế ngôn ngữ. Đồng thời, trẻ nhỏ cũng sẽ có những kỹ năng xã hội riêng biệt.
Cha mẹ nên làm gì khi con chậm phát triển ngôn ngữ?
Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ nếu được phát hiện và can thiệp ở giai đoạn sớm thì vẫn có nhiều khả năng được khắc phục tốt, trẻ vẫn có thể phát triển ngôn ngữ và giao tiếp hiệu quả với xã hội. Chính vì thế, các bậc phụ huynh cần quan tâm và chú ý quan sát về các biểu hiện của trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời, đặc biệt là khi trẻ chuẩn bị đến trường.
Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu chậm ngôn ngữ ở trẻ nhỏ thì cần nhanh chóng cho trẻ được tiến hành thăm khám, chẩn đoán để được tư vấn cụ thể về các phương pháp hỗ trợ phù hợp cho trẻ. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần áp dụng tốt các biện pháp can thiệp tại nhà để giúp trẻ nhỏ dần cải thiện ngôn ngữ, dễ dàng trao đổi và hòa nhập với mọi người xung quanh.
- Thường xuyên trò chuyện, chia sẻ với trẻ nhỏ và khuyến khích trẻ nói nhiều hơn. Trong lúc giao tiếp với con, các bậc phụ huynh cũng nên đặt ra các câu hỏi về những sự vật, sự việc hay tình huống xoay quanh cuộc sống để kích thích nhu cầu tương tác ở trẻ.
- Tạo cho trẻ nhiều điều kiện để trẻ được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí ngoài trời. Điều này sẽ giúp trẻ khám phá được những thứ thú vị xoay quanh cuộc sống, đồng thời gia tăng sự hiểu biết, kết nối được với nhiều bạn bè hơn.
- Dạy trẻ nói và gia tăng ngôn ngữ cho trẻ bằng cách kể chuyện, đọc sách, nghe nhạc, chơi trò chơi. Thông qua các hình thức giải trí lành mạnh, trẻ nhỏ sẽ có nhiều cơ hội và dễ dàng tiếp thu những gì mà người khác truyền đạt.
- Hướng dẫn trẻ thực hiện các bài tập cơ miệng cho trẻ chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ.
- Chú ý nhiều đến chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ nhỏ, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng và tập trung nhiều vào những thực phẩm giàu Omega-3, khoáng chất, vitamin,…
- Nếu cần thiết hãy cho trẻ đến học tập các trường, trung tâm giáo dục chuyên dành cho trẻ chậm ngôn ngữ. Tại đây trẻ sẽ được giáo viên có kinh nghiệm, chuyên môn hướng dẫn và áp dụng tốt các biện pháp can thiệp, phát triển ngôn ngữ hiệu quả.
Những điểm mạnh của trẻ chậm phát triển ngôn ngữ hiện vẫn chưa được xác định một cách cụ thể. Mỗi đứa trẻ sẽ có những khả năng riêng và thông qua quá trình chăm sóc, hỗ trợ, các bậc phụ huynh cũng sẽ dần biết được những mặt vượt trội của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cũng cần tập trung vào việc cải thiện khả năng ngôn ngữ ở trẻ để giúp trẻ học tập, hòa nhập, vui chơi tốt hơn.
Có thể bạn quan tâm:
- 4 Cuốn tài liệu dạy trẻ chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ hay nhất
- 6 phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non hiệu quả
- Những đồ chơi cho trẻ chậm nói giúp bé phát triển ngôn ngữ
- Rối loạn ngôn ngữ diễn đạt ở trẻ và các biện pháp giúp cải thiện
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!