Thế nào là phát triển toàn diện của trẻ em? Cần chuẩn bị những gì?
Sự phát triển toàn diện của trẻ em được thể hiện trên các khía cạnh như đạo đức, trí tuệ, thể chất, tinh thần, và xã hội. Việc thiếu hụt hay các khía cạnh phát triển không đồng đều sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của con về lâu về dài. Mỗi giai đoạn phát triển thì nhu cầu về các mảng này đều sẽ khác nhau nên phụ huynh cần dành sự quan tâm và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
Phát triển toàn diện của trẻ em là gì?
Chúng ta thường dùng những cụm từ như “hỗ trợ cho sư phát triển toàn diện của trẻ em” khi nói về các vấn đề xoay quanh sức khỏe, tinh thần, cuộc sống của trẻ nhỏ, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu hết. Theo giải thích tại Luật trẻ em 2016 số 102/2016/QH13 thì định nghĩa “Phát triển toàn diện của trẻ em” được hiểu là sự phát triển đồng thời liên quan đến 5 yếu tố gồm Nhận thức – Trí tuệ – Thể chất – Cảm xúc – Xã hội, nếu đáp ứng đầy đủ các khía cạnh này thì trẻ có thể phát huy được hết các tiềm năng của mình.
Thực tế thì rõ ràng chúng ta thường chú trọng vào khía cạnh là thể chất và trí tuệ bởi nó thường được thể hiện một cách rõ rệt bên ngoài. Chẳng hạn như việc bố mẹ chỉ cố gắng làm thế nào để con ăn nhiều, tăng cân trong khi không hề chú ý đến cảm xúc rằng con có thực sự mong muốn điều đó hay không. Việc thiếu hụt bất cứ yếu tố nào đều có thể ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành của trẻ.
Để hiểu rõ hơn về các khía cạnh phát triển toàn diện của trẻ em, cùng phân tích rõ hơn về tầm quan trọng của các yếu tố này sau đây
Thể chất
Hầu hết khi đánh giá một đứa trẻ phát triển có tốt không, chúng ta thường nhìn nhận đầu tiên vào thể trạng của chúng. Chẳng hạn như một đứa trẻ trông gầy gò, đen đúa sẽ được đánh giá là phát triển kém, chậm lớn trong khi một đứa trẻ trông mũm mĩm, trắng trẻo thường được đánh giá là sáng sủa, thông minh và phát triển tốt. Đây chính là một trong những yếu tố khiến vấn đề thể chất luôn được đặt lên hàng đầu khi bàn về sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Tùy theo độ tuổi thì tình trạng thể chất của trẻ sẽ được đánh giá thông qua nhiều yếu tố khác nhau. Chẳng hạn như trong những năm tháng đầu đời trẻ có thể được đánh giá thông qua các thông số về kích thước vòng đầu, chiều cao, cân nặng, khả năng cảm thụ của các giác quan, khả năng vận động thô, vận động tinh..
Rõ ràng không thể phủ nhận rằng thể chất đóng một vai trò cực kỳ quan trọng với sự phát triển toàn diện của trẻ em bởi chỉ khi trẻ khỏe mới có thể vui chơi, học tập, sáng tạo hay tham gia vào bất cứ các hoạt động nào một cách tốt nhất. Chẳng hạn khi trẻ ốm mệt thì chắc chắn không thể tập trung học hành, cảm xúc cũng tiêu cực hơn rất nhiều.
Việc xây dựng các chế độ sinh hoạt khoa học, duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao ổn định, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng theo độ tuổi mỗi ngày đóng vai trò quan trọng để cho có một thể chất tốt nhất, hạn chế bệnh tật cùng rất nhiều vấn đề khác.
Trí tuệ
Trí tuệ cũng là khía cạnh được chú trọng nhiều trong việc phát triển toàn diện của trẻ em. Bất cứ phụ huynh nào cũng mong muốn con mình là người thông minh, có trí tuệ, có kiến thức… bởi có trí tuệ thì làm gì cũng dễ thành công. Học tập chính là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển và trau dồi, hoàn thiện về mặt trí tuệ và được thực hiện ngay từ nhỏ.
Việc nhìn nhận sự thông minh của trẻ thường thông qua việc trẻ có nhanh nhạy không, có ghi nhớ tốt không, có thể nhận thức được các vật xung quanh từ sớm không.. Hoặc đến độ tuổi đi học trẻ có tiếp thu nhanh, có hay giơ tay phát biểu, đứng vị thứ nào trong lớp.. Bên cạnh việc đánh giá rằng một đứa trẻ trông có khỏe mạnh hay không mọi người cũng hay có xu hướng khen ngợi rằng “đứa bé này thật thông minh”
Hiện nay việc chú trọng phát triển về trí tuệ, tư duy hay nhận thức để hỗ trợ cho phát triển toàn diện của trẻ em đang ngày càng được chú trọng hơn. Bằng chứng là trẻ đã bắt đầu được phụ huynh đầu tư cho con đi học thêm, cho con học trường tốt nhất, cho con học thêm ngoại ngữ để phát triển hết năng lực về mặt trí tuệ cho trẻ nhỏ.
Đạo đức
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói rằng “Có tài mà không có đức cũng chỉ là người vô dụng”, điều này cũng chứng tỏ vai trò của khía cạnh này trong quá trình hoàn thiện và phát triển của một cá nhân. Và quan trọng hơn, đạo đức, ý thức hay nhân cách của một người được hình thành chính từ những năm tháng đầu đời, càng lớn sẽ càng khó thay đổi nên sẽ cần phải trau dồi, chú trọng ngay từ nhỏ cho trẻ.
Để hiểu rõ hơn về khía cạnh này thì có thể ví dụ như một đứa trẻ có tính tự mãn, huênh hoang, không biết lắng nghe người khác thì cho dù thông minh như thế nào cũng khó thành công hoặc cho dù có thể đứng đầu nhưng lại dễ bị cô lập. Trong khi đó một đứa trẻ dù chậm chạp nhưng lại có tính cầu tiến, trung thực thì chúng vẫn hoàn toàn có thể thành công, dù chậm hơn người khác.
Nếu trẻ phải sống trong các môi trường có nhiều người xấu, bạo lực, thiếu văn minh thì ít nhiều đạo đức và tính cách của con cũng bị tác động rất lớn. Tuy nhiên điều này không có hoàn toàn nghĩa là khi trẻ sống trong một môi trường thiếu văn minh thì sẽ là người xấu xa.
Vấn đề đạo đức còn xoay quanh vô vàn các yếu tố khác, chẳng hạn như sự trung thực, lòng trắc ẩn, sự vị tha, bao dung, tinh thần tương thân tương ái hay biết giúp đỡ người khác. Việc hình thành mặt đạo đức này sẽ chịu ảnh hưởng từ chính gia đình, môi trường sống, những người tiếp xúc thường xuyên với trẻ.. Do đó phụ huynh cần chú ý đến các yếu tố này để xây dựng một môi trường lành mạnh giúp con hoàn thiện dần về mặt nhân cách.
Cảm xúc
Cảm xúc cũng là một khía cạnh quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện của trẻ em. Trẻ em cần được sống trong môi trường tích cực, lạc quan, thoải mái, vô ưu, vô lo đúng lứa tuổi. Các yếu tố cơ bản để thể hiện mặt cảm xúc ổn định của trẻ em như cảm thấy an tâm, biết bộc lộ sự vui vẻ, hạnh phúc qua việc cười; buồn bã, ấm ức qua việc khóc; hay phản kháng khi oan ức.
Tinh thần và thể chất luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau và còn liên quan đến cả các mặt đạo đức hay xã hội. Chẳng hạn khi bạn đang cảm thấy tức giận về một điều gì đó thường dẫn tới ăn uống không ngon miệng, tinh thần mất tập trung, dễ trở nên cáu kỉnh và thậm chí có thể có những suy nghĩ xấu xa về ai đó. Và tất nhiên nếu cứ giữ mãi như suy nghĩ tiêu cực này thì không thể nào tốt cho việc phát triển bản thân mỗi ngày.
Trẻ em thường luôn thể hiện cảm xúc của bản thân một cách rõ rệt, chúng thường nhanh giận, nhanh khóc nhưng cũng nhanh quên nhưng đích thị như vậy mới là trẻ em. Nếu đặt trẻ sống trong một môi trường tiêu cực như bạo lực từ cha mẹ, bị bắt nạt khiến con luôn sống trong lo âu, sợ cãi, căng thẳng thì sẽ không thể nào có thể phát triển toàn diện.
Xã hội
Trong giai đoạn phát triển toàn diện của trẻ em, con không chỉ sống trong vòng tay của gia đình còn phải chịu tác động mạnh mẽ từ các yếu tố xã hội bên ngoài. Đơn giản như việc con đến trường, đến lớp học cũng là con đang hòa nhập vào một xã hội nhỏ. Khi lớn hơn con sẽ khám phá những xã hội lớn hơn, thậm chí chỉ có một mình con tiến vào những xã hộ hoàn toàn mới lạ mà không có cha mẹ bên cạnh.
Thực tế tâm lý trẻ em thường rất dễ bị ảnh hưởng tiêu cực từ các mặt trái bên ngoài của xã hội nếu không biết cách giải quyết. Chẳng hạn khi ở nhà trẻ sẽ luôn được cha mẹ yêu thương, cha mẹ dành cho những điều tốt nhất mà chỉ một mình con được hưởng đặc quyền nhưng khi con đã đến trường, quyền lợi đó lại chia cho tất cả các bạn, điều này có thể khiến không ít trẻ cảm thấy không hòa nhập được.
Việc đào tạo, cải thiện các kỹ năng mềm cho trẻ để đối diện với các vấn đề bất ngờ ngoài xã hội đang là vấn đề được phụ huynh và nhà trường cực kỳ chú trọng. Chẳng hạn như việc làm thế nào khi có người lạ hỏi đường, khi thấy một người già cần giúp đỡ thì làm gì, biết phân biệt phải trái, đúng sai hay giải quyết các vấn đề một cách linh hoạt.
Sự phát triển toàn diện của trẻ em về mặt xã hội cũng cần được hình thành từ sớm, đặc biệt trong thời đại công nghệ lên ngôi, trẻ có thể tiếp cận được với những nguồn thông tin tiêu cực, dễ bị lừa gạt nếu không có đủ các kỹ năng xã hội.
Việc phát triển toàn diện của trẻ em cần bắt đầu từ khi nào?
Trẻ em thời nay thường có xu hướng phát triển, hình thành các giá trị cá nhân với tốc độ nhanh hơn trước đây rất nhiều. Điều này có thể bị ảnh hưởng với chính tốc độ của xã hội khi mà bất cứ ai cũng có thể tìm kiếm, tiếp nhận các thông tin chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối với internet. Phụ huynh vì bận rộn nên thường cho con sử dụng điện thoại từ sớm và không thể kiểm soát được các thông tin mà con tiếp nhận.
Theo các chuyên gia, việc bắt đầu quá trình phát triển toàn diện của trẻ em cần được hình thành càng sớm càng tốt. Yếu tố tính cách, đạo đức, trí tuệ hay thể chất đều đã bắt đầu được hình thành ngay từ khi trẻ ra đời, điển hình như việc trẻ dù chưa biết nói nhưng vẫn biết cười khi nhận ra mẹ chúng và khóc nếu thấy có người lạ bế. Vì thế những tác động ở thời kỳ này hoàn toàn là những điều con có thể nhận thức được.
Mặt khác cho dù khái niệm “phát triển toàn diện của trẻ em” có xuất phát từ thời kỳ hiện đại nhưng bản chất của nó đã được hình thành từ Hy Lạp cổ đại (năm 600 trước Công nguyên). Lúc này con cái của những vị vua, quan thần sẽ luôn được rèn luyện cân bằng văn võ song toàn, trau dồi cả về giáo dục trí tuệ, giáo dục thể chất. Chúng sẽ vừa phải học bắn tên, cưỡi ngựa nhưng vẫn cần tinh thông về thiên văn học, sử học, triết học..
Dù vậy các nghiên cứu cũng đã chỉ ra, 3 tuổi chính là thời điểm trẻ sẽ có sự phát triển mạnh mẽ nhất về mặt não bộ, bắt đầu có cách ý thức về cá nhân, biết bộc lộ suy nghĩ và lời nói, hành vi, có nhận thức về xung quanh rõ ràng hơn và bắt đầu tò mò nhiều hơn về thế giới, con người bên ngoài. Do đó phụ huynh cũng có thể bắt đầu các kế hoạch phát triển toàn diện của trẻ em từ thời điểm này.
Phụ huynh cần làm gì để hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của trẻ em?
Phát triển toàn diện của trẻ em có thể đơn giản hay phức tạp dưới các góc nhìn khác nhau, tuy nhiên dù là theo góc nhìn nào thì vai trò của gia đình cũng mang tính chất quyết định trong vấn đề này. Bởi trẻ nhỏ chịu những tác động trực tiếp từ gia đình, đặc biệt là trong những năm tháng đầu đời khi con vẫn chưa đi học, chưa tiếp xúc với các môi trường ngoài xã hội quá nhiều.
Vậy phụ huynh có thể làm gì để hỗ trợ cho quá trình phát triển toàn diện của trẻ em?
- Xây dựng cho con một môi trường sống, môi trường học tập tích cực, công bằng, văn minh.
- Chính cha mẹ cần là người bắt đầu thay đổi, đi tiên phong để làm tấm gương sáng tích cực để con học hỏi và bắt chước theo. Chẳng hạn khi thấy mẹ đang xách đồ nặng nếu bố luôn chủ động hỗ trợ mẹ thì đứa con trai nhỏ cũng sẽ luôn học theo bố, xung phong giúp đỡ mẹ.
- Phụ huynh cần dành nhiều thời gian để chơi, để học, để cùng con khám phá. Thông qua chính hành trình khám phá này cha mẹ có thể hoàn toàn nắm bắt được suy nghĩ, đặc điểm, tính cách, nhận thức hay cảm xúc của con để có thể kịp thời điều chỉnh nếu không phù hợp
- Tìm hiểu và bổ sung dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu, độ tuổi, thể trạng của con để đảm bảo tốt nhất về mặt thể chất. Không phải em bé nào gầy gò cũng là thiếu chất và mũm mĩm cũng là khỏe mạnh hoặc để biết chính xác hơn về trạng thái thể chất của con, phụ huynh nên duy trì việc khám dinh dưỡng định kỳ cho trẻ để có thể điều chỉnh thực đơn phù hợp
- Các phương pháp phát triển não phải cho trẻ em đang là một trong những vấn đề đang được rất nhiều phụ huynh quan tâm để có thể hỗ trợ quá trình phát triển toàn diện của trẻ. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng với những người phát triển mạnh hơn về não phải vừa thông minh, vừa có khả năng sáng tạo, cảm xúc tốt đồng thời cũng hỗ trợ khả năng tư duy logic cực kỳ hiệu quả
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với điện thoại di động hay các thiết bị công nghệ quá sớm hoặc cần phải kiểm soát được các nguồn thông tin mà con tiếp cận. Không cho con tiếp cận với các thông tin tiêu cực, không phù hợp với lứa tuổi, mang tính bạo lực hay thiếu văn minh vì có thể ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức non nớt của trẻ nhỏ.
- Cho con tham gia các lớp kỹ năng mềm, các khóa hoạt động ngoại khóa để cải thiện các kỹ năng cá nhân, gia tăng khả năng ứng phó với các tình huống linh hoạt để bảo vệ chính bản thân mình
- Hướng dẫn cho con các kỹ năng cá nhân cơ bản, chẳng hạn như tự mặc quần áo, tự chải đầu, tự ăn cơm tự cởi giày.. Thực tế ở nhóm trẻ 3 tuổi con hoàn toàn có thể thực hành tốt các kỹ năng này mà không cần có sự giúp sức từ cha mẹ
- Hướng dẫn con cách đối diện với căng thẳng, lo lắng, loại bỏ cảm xúc tiêu cực một cách tự nhiên
- Tạo hứng thú học tập hay tìm hiểu điều gì một cách tự nhiên, tuyệt đối không nên bắt ép con học tập từ quá sớm bởi điều này có thể hình thành tâm lý sợ hãi, ám ảnh khi nghĩ về việc học tập của con
- Tạo thói quen trò chuyện, chia sẻ các vấn đề một cách trung thực giữa các thành viên trong gia đình để con có thể thoải mái hơn khi gặp các khúc mắc, khó khăn cần tìm kiếm sự giúp đỡ
- Hình thành lòng trắc ẩn, tinh thần tương thân tương ái, sự bao dung cho con thông qua những việc đơn giản như biết giúp đỡ người khác, biết đứng về lẽ phải, biết đồng cảm trước những khó khăn của những người xung quanh
- Quá trình phát triển toàn diện của trẻ em còn cần hướng dẫn con cách bảo vệ bản thân mình từ sớm, đơn giản như việc không được đi với người lạ, không cho người khác đụng vào chỗ nhạy cảm của bản thân…
- Học đi đôi với hành, luôn đưa vào thực tế để con trải nghiệm song song với lý thuyết, nâng cấp độ học tập dựa trên chính trải nghiệm của trẻ
Thực tế thì các vấn đề trong việc phát triển toàn diện của trẻ em là vô vàn, không thể hoàn thành trong ngày 1 ngày 2 mà cần cả một quá trình rất dài. Gia đình cần luôn là người đồng hành cùng con trong việc xây dựng nền móng về thể chất, tinh thần, đạo đức, trí tuệ hay xã hội bởi khi có nền móng đã vững chắc thì việc thay đổi kết cấu ngôi nhà sau này cũng dễ dàng hơn.
Bố mẹ cần chuẩn bị gì cho sự phát triển toàn diện của trẻ em
Như đã nói, để hỗ trợ quá trình phát triển toàn diện của trẻ em thực sự một hành trình dài và không hề đơn giản, đòi hỏi bố mẹ cần sớm có sự chuẩn bị. Có rất nhiều vấn đề có thể phát sinh trong quá trình phát triển của con trẻ và chỉ khi gia đình có sự sẵn sàng về mọi mặt thì sẽ không bị bỡ ngỡ hay áp lực quá nhiều.
Vậy bố mẹ cần chuẩn bị những gì?
- Chuẩn bị về tài chính bởi chắc chắn sẽ có vô vàn chi phí cần phải đầu tư để hỗ trợ cho quá trình phát triển cho con từng ngày. Đơn giản nhất là chi phí ăn uống hằng ngày, sữa, quần áo mỗi ngày. Khi con có các nhận thức rõ ràng hơn thì đầu tư chi phí để con học tập, tham gia ngoại khóa, lớp kỹ năng, khóa học phát triển não phải… Tất nhiên phụ huynh vẫn hoàn toàn có thể cân đối chi phí dựa trên khả năng hiện tại nhưng khi có nguồn tài chính ổn định, sẵn sàng thì việc hỗ trợ cho con sẽ chủ động và dễ dàng hơn.
- Chuẩn bị về mặt thời gian bởi việc nuôi dạy, chăm sóc con cần được duy trì hằng ngày, thậm chí là kéo dài đến cả giai đoạn trưởng thành. Cho dù có dành cho con những vật chất tốt nhất nhưng lại thiếu vắng hình bóng của cha mẹ trong nhà, giữa cả hai không có sự tương tác thì cũng đều gây ra các ảnh hưởng về mặt cảm xúc cho con trẻ. Do đó để hỗ trợ quá trình phát triển toàn diện của trẻ em rất cần có sự chuẩn bị về mặt thời gian từ phụ huynh.
- Chuẩn bị về lộ trình phát triển cho con trong từng giai đoạn, có định hướng, có kế hoạch cũng giúp phụ huynh chủ động hơn trong mọi vấn đề
- Chuẩn bị về mặt tinh thần bởi dù con cái có ngoan ngoãn, thông minh đến đâu cũng không tránh khỏi những vấn đề khiến cha mẹ stress. Có thể do vấn đề tài chính, mối quan hệ với các thành viên trong gia đình, con cái không nghe lời… Nếu phụ huynh bị stress, tiêu cực sẽ sẽ gây ảnh hưởng đến cảm xúc của con, đặc biệt nếu thường xuyên biểu hiện ra ngoài những cảm xúc này.
- Chuẩn bị thay đổi chính mình bởi cha mẹ cần là tấm gương sáng để con trẻ noi theo. Nếu cha mẹ thường xuyên có các hành vi bạo lực, có những lời nói thiếu văn hóa, thường có lối sống không lành mạnh thì con cái rất dễ bị tác động và có những nhận thức sai lệch với quy chuẩn xã hội.
Tất nhiên việc phát triển toàn diện của trẻ em vẫn không hề là dễ dàng, nhưng khi cha mẹ có sự chuẩn bị và tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này thì hoàn toàn có thể thành công. Cân bằng các yếu tố thể chất – đạo đức – trí tuệ – cảm xúc – xã hội từ những năm tháng đầu đời chính là nền tảng quan trọng nhất để con hoàn thiện về mọi mặt ở tương lai để tiến tới hạnh phúc, thành công lâu bền hơn.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!