Bé lười tập nói và cách kích thích trẻ nói nhiều hơn
Bé lười tập nói là một trong các nỗi lo lớn của rất nhiều bậc phụ huynh. Nhiều trẻ nhỏ hiện nay dù đã 2 đến 3 tuổi nhưng vẫn không chịu nói, không chịu tương tác với mọi người xung quanh bằng lời nói. Tình trạng này nếu không được cải thiện tốt có thể làm suy giảm khả năng ngôn ngữ ở trẻ và gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của trẻ.
Vì sao bé lười tập nói?
Ngôn ngữ được xem là phương tiện quan trọng của tư duy, nó được sử dụng như một công cụ để diễn đạt những nhu cầu, mong muốn, suy nghĩ, cảm xúc của con người thông qua lời nói. Đồng thời, nhờ có ngôn ngữ mà chúng ta có thể thấu hiểu và chia sẻ với nhau nhiều hơn trong cuộc sống, từ đó gia tăng sự gắn kết, duy trì tốt các mối quan hệ lành mạnh, tích cực.
Ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng và cần thiết đối với cuộc sống của mỗi con người. Chính vì thế mà bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng mong muốn con cái có thể mau chóng phát triển về ngôn ngữ, hy vọng và chờ mong nghe được những tiếng nói đầu đời của con.
Mặc dù hiện nay, các nhà khoa học đã nghiên cứu và đưa ra các tốc độ phát triển ngôn ngữ chung cho trẻ nhỏ theo từng độ tuổi khác nhau. Tuy nhiên, dựa vào thực tế thì khả năng hình thành và sử dụng ngôn ngữ ở mỗi đứa trẻ là riêng biệt. Có những trẻ biết nói từ khá sớm nhưng cũng có trẻ chậm nói, gặp nhiều khó khăn trong quá trình sử dụng lời nói để giao tiếp.
Không những thế, có không ít các trường hợp trẻ lười tập nói, dù được ba mẹ chỉ dạy, hướng dẫn tận tình nhưng trẻ vẫn không chịu nói. Tình trạng này khiến cho nhiều bậc phụ huynh cảm thấy vô cùng lo lắng và hoang mang về việc trẻ có đang mắc phải các vấn đề sức khỏe nào không.
Dựa vào nghiên cứu, việc bé lười tập nói, không chịu nói của trẻ nhỏ có thể xuất phát từ rất nhiều các nguyên nhân khác nhau. Quá trình cải thiện và kích thích ngôn ngữ ở trẻ cũng phải tùy thuộc khá nhiều vào các yếu tố tác động. Do đó, các bậc phụ huynh cần tìm ra nguyên nhân ảnh hưởng khiến trẻ lười nói, từ đó mới có thể giúp trẻ khắc phục và phát triển tốt hơn.
Cụ thể một số lý do thường được nhắc đến khi trẻ lười tập nói như:
- Trẻ chậm nói đơn thuần: Tình trạng trẻ lười nói, không giao tiếp bằng lời nói có thể chỉ là biểu hiện của chứng chậm nói đơn thuần thường gặp ở nhiều trẻ nhỏ và nó có thể dần cải thiện sau một thời gian.
- Do ảnh hưởng của các thói quen tiêu cực: Việc liên tục được sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại như điện thoại, máy tính iPad, tivi cũng là một trong các nguyên nhân khiến bé lười tập nói. Trẻ bị chìm đắm vào thế giới ảo nên dần không còn nhu cầu được giao tiếp bên ngoài và trẻ cũng không muốn nói chuyện.
- Do sự nuông chiều quá mức của gia đình: Có rất nhiều bậc phụ huynh do thương con nên luôn cố gắng để đáp ứng tất cả các nhu cầu, mong muốn của con. Nhiều trẻ được ba mẹ cưng chiều quá mức, luôn luôn được quan tâm, chăm sóc và đáp ứng hết các mong muốn của trẻ ngay cả khi trẻ chưa nói ra điều đó. Tình trạng này dần hình thành tâm lý ỷ lại và xem thường giá trị của lời nói khiến nhiều trẻ lười tập nói.
- Trẻ lười nói do thiếu vắng tình thương: Ngược lại so với sự nuông chiều, những trẻ nhỏ bị gia đình ghét bỏ, vô tâm cũng có thể dần trở lên “lười biếng” trong việc tập nói. Trẻ khi không nhận được tình yêu thương của ba mẹ, ông bà hay những người thân thiết xung quanh sẽ dần có tâm lý buồn chán, u sầu và không muốn giao tiếp với bất kỳ ai.
- Trẻ nói ngọng: Nhiều trẻ nói ngọng, phát âm không chuẩn khi bị người khác cười chê, chọc ghẹo cũng dần trở nên lười tập nói và không muốn nói. Trẻ sẽ cảm thấy vô cùng tự ti với chính mình, mặc cảm, xấu hổ nên không muốn tập luyện hay trò chuyện với những người xung quanh.
- Do thoái hóa ngôn ngữ: Nhiều trường hợp trẻ nhỏ trong vài tháng đầu đời vẫn có khả năng sử dụng ngôn ngữ, dùng được những từ đơn giản nhưng khi lớn hơn một chút lại có dấu hiệu giảm dần ngôn ngữ và không còn hứng thú đối với việc tập nói.
- Do tự kỷ: Đây cũng là một trong các nguyên nhân thường gặp khiến nhiều đứa trẻ lười tập nói và không có sự phát triển ngôn ngữ ổn định. Bên cạnh sự suy giảm về khả năng sử dụng ngôn ngữ, giao tiếp thì trẻ tự kỷ còn bị hạn chế về kỹ năng tương tác xã hội và có những hành vi bất thường, nhận thức suy giảm đáng kể.
Nhìn chung, trẻ lười tập nói có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tùy thuộc vào từng lý do khiến trẻ không muốn nói mà phụ huynh cần linh hoạt trong việc áp dụng các biện pháp cải thiện phù hợp.
Nếu nhận thấy tốc độ phát triển ngôn ngữ của trẻ chậm hơn so với thông thường và khi đã cố gắng hướng dẫn nhưng vẫn không thể khắc phục được tình trạng này thì các bậc phụ huynh nên chủ động cho trẻ tiến hành thăm khám và đánh giá cụ thể. Sau khi hiểu rõ về tình trạng của mỗi trẻ thì bác sĩ chuyên khoa cũng sẽ cân nhắc tư vấn và áp dụng tốt các phương pháp kích thích ngôn ngữ hiệu quả cho mỗi trẻ khác nhau.
Cách kích thích trẻ nói nhiều hơn ba mẹ cần biết
Nếu có thể hỗ trợ can thiệp trong giai đoạn sớm thì trẻ hoàn toàn có khả năng phát triển ngôn ngữ, nói và giao tiếp được thuận lợi hơn. Chính vì thế, nếu nhận thấy trẻ có dấu hiệu lười tập nói, các bậc phụ huynh nên nhanh chóng áp dụng các biện pháp kích thích ngôn ngữ ở trẻ hiệu quả như sau:
1. Trò chuyện với trẻ nhiều hơn
Đối với những trẻ lười tập nói hoặc hoàn toàn không nói bất cứ từ ngữ nào thì việc thường xuyên trò chuyện với trẻ bằng giọng điệu ân cần, triều mến và yêu thương cũng phần nào giúp trẻ thay đổi thái độ về cách học nói và gia tăng nhu cầu được kết nối nhiều hơn. Nếu trẻ được ba mẹ, người thân thường xuyên chia sẻ và trò chuyện mỗi ngày thì trẻ cũng dần có thêm nhiều cầu được trao đổi, muốn tìm hiểu và tâm sự hơn với họ.
Do đó, các bậc phụ huynh hãy thật kiên trì trong việc hướng dẫn và giảng dạy ngôn ngữ ở trẻ nhỏ. Có thể trong thời gian đầu, trẻ khó có thể đáp ứng tốt các nguyện vọng của ba mẹ nhưng nếu được áp dụng trong khoảng thời gian nhất định, chắc chắn rằng khả năng ngôn ngữ của trẻ sẽ dần cải thiện, thậm chí có nhiều trẻ cảm thấy thích thú với việc nói và nói nhiều hơn.
2. Tạo cho trẻ môi trường vui chơi thoải mái
Môi trường vui chơi, thư giãn của trẻ nhỏ cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ nhỏ. Trẻ nếu được thoải mái khám phá nhiều thứ xung quanh sẽ dần trở nên dạn dĩ, tự tin hơn. Nhờ đó mà trẻ có thể tiếp nhận và học hỏi ngôn ngữ hiệu quả, trẻ cũng gia tăng nhu cầu được học nói để có thể trao đổi tốt hơn với những người xung quanh.
Chính vì thế, ba mẹ nên cố gắng tạo cho trẻ môi trường phát triển lành mạnh và cho trẻ nhiều cơ hội để được trải nghiệm những thứ xung quanh. Việc liên tục tiếp xúc và quan sát về thế giới bên ngoài sẽ thúc đẩy nhu cầu được phát triển ngôn ngữ của trẻ, từ đó trẻ sẽ siêng năng và hứng thú nhiều hơn trong việc tập nói.
3. Cho trẻ tiếp xúc với nhiều bạn bè
Nhiều bậc phụ huynh có thể không biết rằng, trẻ nhỏ có cách giao tiếp, tương tác riêng mà không cần thông qua ngôn ngữ. Đồng thời, trẻ cũng sẽ dễ dàng học hỏi và bắt chước bạn bè đồng trang lứa hơn so với việc được hướng dẫn bởi ba mẹ, ông bà.
Vì thế, các chuyên gia thường khuyến khích gia đình nên tạo cho trẻ cơ hội để được tiếp xúc nhiều hơn với bạn bè, cho trẻ được giao lưu với cộng đồng nhiều hơn. Trẻ khi được thường xuyên tiếp xúc với mọi người xung quanh sẽ trở nên tự tin hơn, từ đó dễ dàng giao tiếp, kết nối với mọi người xung quanh, nhờ đó mà trẻ có thể nói được nhiều hơn, giao tiếp linh hoạt hơn.
4. Kích thích trẻ nói nhiều hơn thông qua cách chờ đợi
Như đã chia sẻ ở trên, việc trẻ lười tập nói đôi khi cũng do cách nuông chiều quá mức của gia đình, ba mẹ khiến cho trẻ không còn nhu cầu để nói. Vì thế, để kích thích khả năng ăn nói của trẻ nhỏ, tốt nhất các bậc phụ huynh hãy học tính kiên nhẫn và biết cách chờ đợi, đưa ra yêu cầu cho trẻ.
Ví dụ như khi trẻ đòi ăn, thay vì nhanh chóng chuẩn bị ngay một món ăn cho trẻ thì bạn hãy hướng dẫn trẻ nói ra mong muốn của bản thân bằng những từ đơn giản như “ăn”, “đói”, “cơm”, “cá”,…Sau đó hãy chờ đợi trẻ vài giây để trẻ có thể hiểu và thực hiện theo điều đó.
Lúc đầu có thể trẻ sẽ không thực hiện và có những hành vi chống đối, ăn vạ nhưng nếu ba mẹ kiên định và cứng rắn hơn thì trẻ sẽ dần hiểu rõ về tầm quan trọng của lời nói và dần học nói nhiều hơn. Đồng thời, trong các sinh hoạt đời sống hàng ngày, phụ huynh cũng nên thường xuyên đưa ra các yêu cầu đối với trẻ và chờ đợi phản ứng của trẻ về lời nói đó.
Trẻ khi có thể hiểu và đáp ứng tốt các lời đề nghị, yêu cầu từ những người xung quanh thì cũng dần có thêm cơ hội để gia tăng khả năng ăn nói. Khi đã hiểu và tiếp thu ngôn ngữ tốt, trẻ sẽ dần có nhu cầu được nói ra những từ ngữ đó và giao tiếp linh hoạt hơn.
5. Trẻ nói nhiều hơn khi được tiếp xúc với âm nhạc
Âm nhạc là một trong các cách kích thích ngôn ngữ ở trẻ vô cùng hiệu quả và đã được chứng thực qua nhiều kết quả nghiên cứu khoa học. Qua những giai điệu, ca từ hấp dẫn trong các bài hát, bài ca dao sẽ giúp trẻ dễ dàng ghi nhớ và có thể lặp đi lặp lại nhiều lần.
Các bậc phụ huynh hãy lựa chọn những bản nhạc phù hợp với lứa tuổi, sở thích của trẻ nhỏ với những ca từ đơn giản, dễ hiểu để trẻ có thể tiếp nhận một cách nhanh chóng. Qua đó, trẻ có thể lẩm bẩm theo từng lời bài hát và dần cải thiện vốn từ của mình để giao tiếp bằng lời nói thuần thục hơn.
6. Trị liệu ngôn ngữ cho trẻ lười nói
Nếu đã áp dụng hầu hết các biện pháp nêu trên nhưng tình trạng lười tập nói của bé vẫn không được cải thiện thì các bậc phụ huynh có thể cân nhắc đến việc cho trẻ gặp gỡ chuyên gia trị liệu ngôn ngữ. Đây là phương pháp trị liệu thường được áp dụng cho những trẻ chậm nói, lười nói, nói ngọng, nói lắp và hầu hết các vấn đề liên quan đến ngôn ngữ lời nói.
Chuyên gia sẽ tiến hành thăm khám và đánh giá về tình trạng của mỗi trẻ nhỏ, đồng thời tìm ra nguyên nhân khiến trẻ bị chậm nói và lười tập nói. Nhờ đó, trẻ có thể được áp dụng tốt các biện pháp can thiệp phù hợp và hiệu quả để kích thích ngôn ngữ nhanh chóng hơn.
Theo chia sẻ của các chuyên gia thì độ tuổi từ 0 đến 5 tuổi là giai đoạn vàng để hình thành và giúp trẻ phát triển ngôn ngữ hiệu quả. Tuy nhiên, không bao giờ là quá muộn đối với việc can thiệp, kích thích ngôn ngữ ở trẻ nhỏ. Do đó, nếu cảm thấy lo lắng về tình trạng của con, ba mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến thăm khám và chẩn đoán tại các bệnh viện, cơ sở chuyên khoa uy tín để được hỗ trợ kịp thời.
Hy vọng những thông tin chia sẻ trong bài viết này sẽ giúp cho bạn đọc hiểu và biết cách cải thiện tốt cho bé lười tập nói. Việc can thiệp cho trẻ nhỏ cần được tiến hành càng sớm càng tốt để giúp trẻ mau chóng phát triển ngôn ngữ, tạo tiền đề vững chắc để học tập, hòa nhập xã hội.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!