Rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận: Chẩn đoán và điều trị can thiệp
Rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận là một dạng rối loạn ngôn ngữ cơ bản khiến cho người bệnh gặp nhiều khó khăn trong quá trình nghe hiểu lời nói. Tình trạng này nếu không được can thiệp kịp thời sẽ gây nên nhiều khó khăn trong sinh hoạt đời sống và làm gia tăng nguy cơ phát triển chứng rối loạn ngôn ngữ diễn đạt.
Rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận là gì?
Rối loạn ngôn ngữ thường được chia thành 2 dạng cơ bản là rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận và rối loạn ngôn ngữ diễn đạt. Người bệnh có thể tồn tại một trong 2 dạng rối loạn này hoặc cũng có không ít các trường hợp bị ảnh hưởng từ cả hai khía cạnh.
Rối loạn ngôn ngữ tiếp cận là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 4 tuổi. Đặc trưng chủ yếu của chứng rối loạn này đó chính là sự suy giảm nghiêm trọng về khả năng nghe hiểu ngôn ngữ, lời nói, đôi khi là về cả chữ viết.
Tình trạng này thường xuất hiện khá sớm nhưng chỉ có thể dễ dàng nhận biết và chẩn đoán khi trẻ được 4 tuổi hoặc khi trẻ bắt đầu biết nói. Nhưng nếu không thể nhận biết và can thiệp ở giai đoạn sớm thì trẻ nhỏ sẽ phải đối diện với rất nhiều sự cản trở trong quá trình giao tiếp, tương tác xã hội, học tập và cả sự phát triển toàn diện trong tương lai.
Theo chia sẻ của các chuyên gia thì tình trạng rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận kéo dài sẽ làm gia tăng khả năng bị rối loạn ngôn ngữ diễn đạt ở trẻ. Cũng bởi nếu quá trình nghe hiểu không được đảm bảo thì trẻ sẽ không thể diễn đạt lời nói một cách rõ ràng và chính xác.
Nguyên nhân gây ra rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận
Cho đến hiện nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể khẳng định hoàn toàn chính xác về nguyên nhân gây ra chứng rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận. Tuy nhiên, qua các thông tin đã tìm hiểu được, chuyên gia cũng đã liệt kêt được một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận của nhiều trẻ nhỏ như:
- Do các tổn thương xảy ra ở não bộ, tai biến mạch máu não, ảnh hưởng từ việc sử dụng thuốc hoặc các chất độc hại đối với hệ thần kinh cũng là một trong các lý do có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ, từ đó cản trở quá trình tiếp nhận thông tin, ngôn ngữ.
- Khiếm thính, hoạt động của tai bị suy giảm khiến cho nhiều người không thể nghe tốt từ đó dễ dẫn đến việc rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận.
- Môi trường tiếp xúc ngôn ngữ của trẻ nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng nghe hiểu của trẻ. Nếu một đứa trẻ liên tục giao tiếp, tương tác với những người bị rối loạn ngôn ngữ hoặc có các sử dụng lời nói không đúng đắn, lộn xộn thì trẻ cũng sẽ bị tác động.
- Khả năng hiểu biết và phát triển nhận thức của mỗi trẻ nhỏ là khác nhau. Nếu những trẻ có tư duy và nhận thức kém cũng có thể gặp nhiều sự hạn chế trong quá trình tiếp nhận và hiểu rõ lời nói.
- Rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận cũng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng do chứng tự kỷ, hội chứng Down, bại não.
Các nguyên nhân gây ra chứng rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, dù tình trạng này khởi phát từ bất cứ lý do nào, các bậc phụ huynh cũng nên nhanh chóng đưa ra đến thăm khám, chẩn đoán và điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa để được hỗ trợ kịp thời.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận
Mỗi trẻ rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận sẽ có những biểu hiện riêng biệt nhưng nhìn chung trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình nghe và hiểu được ngôn ngữ, lời nói của người khác. Để nhận biết được chứng rối loạn này, các bậc phụ huynh nên chú ý quan sát về các biểu hiện sau đây:
- Trẻ không tập trung, không lắng nghe khi người khác đang nói chuyện với mình.
- Trẻ không hứng thú và quan tâm đến nội dung mà người khác đang muốn truyền đạt hoặc khi có người đang đọc sách, kể chuyện cho trẻ nghe.
- Trẻ không hiểu và không thể làm theo được các yêu cầu, hướng dẫn cơ bản của ba mẹ hoặc người thân.
- Trẻ đã được 3 tuổi nhưng vẫn không hiểu được những câu phức tạp, không biết làm theo các mệnh lệnh.
- Trẻ rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận sẽ có xu hướng chậm nói.
- Vốn từ nghèo nàn, khả năng ghi nhớ và sử dụng ngôn ngữ yếu kém hơn so với bình thường.
- Trẻ không thể nói được những câu ngắn, đơn giản ngay khi đã đến tuổi đi học.
- Không thể hiểu được những trò đùa, những câu nói trêu chọc hoặc những sự ẩn dụ có trong ngôn ngữ.
- Trẻ có xu hướng nhại lại lời người khác một cách bất thường.
- Thường xuyên trả lời sai các câu hỏi, sử dụng ngôn ngữ không đúng hoàn cảnh.
- Trẻ có xu hướng tránh né việc giao tiếp, trò chuyện với mọi người xung quanh, cảm thấy e dè, sợ sệt và nhút nhát.
- Do không hiểu rõ được những điều người khác nói nên trẻ thường có tâm lý cáu gắt, nóng giận, kích động vô cớ.
- Rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận khiến cho kết quả học tập của trẻ nhỏ bị yếu kém, sa sút hơn so với các bạn đồng trang lứa.
Các biểu hiện của trẻ rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận thường rất đa dạng và xảy ra ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Các bậc phụ huynh nên chú ý quan sát trong những năm đầu đời để kịp thời phát hiện và hỗ trợ can thiệp cho trẻ trong giai đoạn sớm, giúp trẻ khắc phục tốt các khiếm khuyết để phát triển toàn diện hơn.
Chẩn đoán rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận
Thông thường, việc chẩn đoán rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận ở trẻ chỉ được thực hiện khi trẻ được khoảng 4 tuổi. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh nếu có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của trẻ thì có thể cho trẻ tiến hành thăm khám tại các bệnh viện, cơ sở chuyên khoa để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất.
Để có thể xác định một trẻ nhỏ đang mắc phải chứng rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận, các bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành các bước sau đây:
- Trẻ sẽ được thực hiện các bài nghe nhằm kiểm tra về khả năng thính lực để loại bỏ nguyên nhân thực thể gây ra các vấn đề ngôn ngữ. Đồng thời, biện pháp này cũng nhằm xác định có hoặc không có việc trẻ chú ý đến những âm thanh, ngôn ngữ bên ngoài.
- Tùy vào từng lứa tuổi của trẻ mà các chuyên gia sẽ tiến hành khả năng hiểu, sau đó sẽ so sánh với kết quả và tốc độ phát triển chung. Quá trình này sẽ được tiến hành dựa trên ngôn ngữ mẹ đẻ hoặc thứ ngôn ngữ mà trẻ sử dụng chính.
- Cho trẻ thực hiện một loạt các bài kiểm tra với nhiều hình thức khác nhau. Bác sĩ sẽ tiến hành quan sát và đánh giá trong suốt quá trình trẻ tương tác, giao tiếp với mọi người.
- Bác sĩ thần kinh tâm lý sẽ tiến hành kiểm tra và đánh giá về tình trạng sức khỏe tâm thần của trẻ để xác định xem có bất kỳ vấn đề về nhận thức nào xảy ra không.
- Do thị lực cho trẻ.
Cách điều trị rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận hiệu quả
Quá trình điều trị rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận cho trẻ còn phải tùy thuộc vào rất nhiều các yếu tố khác nhau, chẳng hạn như độ tuổi, nguyên nhân, biểu hiện, mức độ nghiêm trọng,…Sau khi đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng của trẻ nhỏ, bác sĩ chuyên khoa sẻ trao đổi cụ thể đối với gia đình của trẻ để có biện pháp can thiệp hiệu quả.
Cụ thể một số phương pháp có thể được cân nhắc áp dụng cho trẻ rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận như:
1. Trị liệu ngôn ngữ
Trị liệu ngôn ngữ được đánh giá là một trong các phương pháp hiệu quả, an toàn thường xuyên được áp dụng cho các trường hợp rối loạn ngôn ngữ, trong đó có rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận. Đây là một lĩnh vực chuyên môn nhằm giúp đánh giá, chẩn đoán và phục hồi chức năng ngôn ngữ cho nhiều đối tượng, độ tuổi khác nhau.
Phương pháp này được thực hiện với mong muốn cải thiện khả năng nghe hiểu, diễn đạt ngôn ngữ và giúp người bệnh giao tiếp được thuận lợi, linh hoạt hơn. Nhờ đó mà các bệnh nhân có thể dần nâng cao các kỹ năng sống cần thiết, hòa nhập cộng đồng và duy trì tốt chất lượng cuộc sống lành mạnh.
Tùy vào mỗi tình trạng và sự hạn chế khác nhau về giao tiếp mà các chuyên gia trị liệu ngôn ngữ sẽ cân nhắc áp dụng các biện pháp can thiệp phù hợp và hiệu quả nhất. Đối với trẻ nhỏ, quá trình trị liệu có thể được kết hợp giữa trị liệu cá nhân và trị liệu nhóm, gia đình. Việc này sẽ giúp các bậc phụ huynh hiểu hơn về tình trạng của con, đồng thời gia tăng sự gắn kết, tương tác hiệu quả của các thành viên trong gia đình.
2. Cho trẻ can thiệp tại trường, trung tâm giáo dục đặc biệt
Đối với những trẻ đang gặp khó khăn trong quá trình tiếp nhận ngôn ngữ, lời nói, chữ viết thì các bậc phụ huynh nên cân nhắc cho trẻ theo học tại các trung tâm giáo dục đặc biệt. Tại đây trẻ nhỏ sẽ được chăm sóc và hỗ trợ từ lưỡng từ các chuyên gia, giáo viên chuyên biệt đã được đào tạo kỹ lưỡng qua trường lớp với những kinh nghiệm và lòng yêu thương trẻ nhỏ.
Trẻ rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận sẽ được phân chia thành nhiều cấp độ và tình trạng khác nhau để được theo học các lớp tương ứng. Tại đây trẻ cũng sẽ được gặp gỡ và giao tiếp với các bạn đồng trang lứa có những vấn đề ngôn ngữ nên trẻ sẽ không cảm thấy quá tự ti hay mặc cảm về khả năng của chính mình.
Thông qua các buổi giảng dạy, các bài tập giáo dục, can thiệp chuyên môn phù hợp nên trẻ nhỏ sẽ dễ dàng được cải thiện tốt về khả năng nghe hiểu, đồng thời gia tăng vốn từ và biết cách sử dụng ngôn ngữ diễn đạt tốt hơn. Trong thời gian này, các bậc phụ huynh cũng cần phối hợp và giữ liên lạc chặt chẽ cùng với giáo viên để cùng nhau đưa ra những giải pháp hữu hiệu dành cho trẻ.
3. Cho trẻ trị liệu tâm lý
Nếu tình trạng rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận của trẻ nhỏ có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe tâm lý, tâm thần thì cần được hỗ trợ bởi các chuyên gia tâm lý. Theo chia sẻ của các chuyên gia nhận thấy rằng, có không ít các trường hợp trẻ chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ hoặc gặp vấn đề về khả năng giao tiếp đều có kèm theo các biểu hiện của tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý, bại não, chậm phát triển,…
Những trường hợp này thường có kèm theo các biểu hiện bất thường về cảm xúc và hành vi nên cần được hỗ trợ kiểm soát sớm. Trẻ nhỏ cần được hỗ trợ cách kiềm chế cảm xúc, hạn chế những hành vi tiêu cực, mất kiểm soát của mình. Đồng thời, chuyên gia cũng hỗ trợ cho trẻ nâng cao các kỹ năng cần thiết để giúp trẻ cải thiện giao tiếp và chất lượng cuộc sống hiệu quả.
4. Hỗ trợ từ gia đình
Gia đình đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình phát triển ngôn ngữ của mỗi trẻ nhỏ. Việc nhiều trẻ bị rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận đôi khi cũng có liên quan đến cách giáo dục, chăm sóc của gia đình khiến nhiều trẻ bị hạn chế về khả năng nghe hiểu, khó khăn trong việc diễn đạt bằng lời nói.
Chính vì thế, ba mẹ, người thân cần chú ý quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để trẻ có thể tiếp cận ngôn ngữ một cách lành mạnh, hiệu quả, từ đó gia tăng khả năng giao tiếp, tương tác với mọi người xung quanh. Đối với những trẻ đang gặp khó khăn về mặt tiếp nhận ngôn ngữ, các bậc phụ huynh nên chú ý áp dụng các biện pháp hỗ trợ tại nhà như sau:
- Thường xuyên trò chuyện và tương tác với trẻ mỗi ngày. Khi nói chuyện cùng trẻ, ba mẹ hãy sử dụng từ ngữ đơn giản, ngắn gọn kèm với cách phát âm rõ ràng, chính xác để trẻ có thể hiểu rõ hơn. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên kết hợp cùng với các cử chỉ tay chân để diễn tả, minh họa cho lời nói, giúp trẻ có thể dễ dàng hiểu rõ hơn về những điều mà bạn đang muốn truyền đạt.
- Tạo cho trẻ nhiều điều kiện được vui chơi, tham gia các hoạt động ngoài trời để tăng cường sự tự tin, giúp trẻ quan sát và trải nghiệm được nhiều điều thú vị.
- Đọc sách, kể chuyện cho trẻ nghe cũng là cách giúp trẻ cải thiện khả năng hiểu ngôn ngữ hiệu quả. Việc truyền đạt bằng những lời nói với nội dung cụ thể sẽ giúp trẻ liên tưởng và hình dung rõ về những gì đang được nghe. Ba mẹ hãy nên lựa chọn những quyển sách phù hợp với độ tuổi và sở thích của trẻ để giúp trẻ cảm thấy hứng thú và dễ tiếp thu hơn.
- Hạn chế cho trẻ sử dụng điện thoại, tivi, iPad hoặc các thiết bị công nghệ khác. Ba mẹ nên quản lý thời gian sử dụng của con và tốt nhất không cho trẻ dưới 3 tuổi sử dụng điện thoại.
- Tuyệt đối không được cười chê hoặc chỉ trích khi trẻ không thể hiểu và thực hiện được các yêu cầu, hướng dẫn của người khác. Thay vào đó hãy nhẹ nhàng hướng dẫn và sử dụng những từ ngữ dễ hiểu nhất để trẻ có thể tiếp thu tốt hơn.
- Dành cho trẻ những lời khen ngợi khi trẻ có thể hiểu, trả lời câu hỏi hoặc thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận gây nên nhiều cản trở trong quá trình giao tiếp, tương tác xã hội và cả học tập, chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hy vọng qua những thông tin chia sẻ trong bài viết này, bạn đọc sẽ biết cách nhận biết các biểu hiện của rối loạn và có biện pháp can thiệp kịp thời cho trẻ nhỏ, giúp trẻ phát triển ngôn ngữ toàn diện hơn.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!