Phương pháp Tâm vận động trong giáo dục & can thiệp trẻ đặc biệt
Phương pháp Tâm vận động hiện đang được ứng dụng rất rộng rãi trong quá trình giáo dục và can thiệp trẻ đặc biệt tại Việt Nam và nhiều nước trên toàn thế giới. Đây là phương pháp dựa trên sự quan sát, vận động và dùng các giác quan để có thể kích thích, phát triển khả năng của mỗi trẻ nhỏ.
Phương pháp Tâm vận động là gì?
Tâm vận động – Aucouturier là một trong các thuật ngữ vừa mới được phát triển và biết đến trong những năm trở lại đây. Tuy nhiên, trên thực tế thì phương pháp này đã được xuất hiện và có nguồn gốc từ lâu đời, hàng thế kỷ về trước. Dựa theo tên gọi của nó thì tâm vận động chính là đại diện cho mỗi tương tác giữa vận động và tâm trí con người.
Hiện nay, phương pháp Tâm vận động được ứng dụng nhiều trong các trường hợp giáo dục và can thiệp cho trẻ đặc biệt. Nó được xem như một cách trị liệu tâm lý thông qua trung gia cơ thể.
Đây là phương pháp Tâm vận động được nghiên cứu và sáng lập bởi Bernard Aucouturier (người Pháp sinh năm 1934). Ông được biết đến là một nhà giáo dục vận động thực hành tại Tours và có sự quan tâm vô cùng to lớn đối với lĩnh vực phân tích chuyển động và tâm vận động.
Khi nghiên cứu ra phương pháp Tâm vận động, ông hoàn toàn không có định hướng đến việc hỗ trợ phát triển, giáo dục vận động thông qua các môn thể thao hoặc các kỹ năng vận động mà sẽ tập trung hỗ trợ tốt về tâm lý dựa vào con đường vận động. Chính vì thế, ông đã cống hiến 35 năm để hỗ trợ tốt cho các trẻ khuyết tật, trẻ bị câm điếc tại Tours cải thiện tốt tình trạng vận động.
Các chuyên gia cho biết rằng, phương pháp này hoạt động dựa trên mối tương tác qua lại giữa đời sống tâm lý của mỗi cá nhân cùng với các chức năng vận động của cơ thể. Được biết, cơ thể chính là nơi lưu giữ và cất giấu những trải nghiệm cảm xúc và tình cảm, vận động và cảm giác, xã hội và nhận thức.
Tính đến thời điểm hiện tại, phương pháp Tâm vận động đang phát triển và được đánh giá cao về hiệu quả hỗ trợ can thiệp cho trẻ đặc biệt, trong đó có trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển,…Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều người thực sự hiểu rõ về khái niệm và các thông tin cần thiết liên quan đến phương pháp này, dẫn đến việc hỗ trợ can thiệp gặp nhiều khó khăn.
Mục tiêu của phương pháp Tâm vận động
“Tìm cách nâng đỡ, xúc tác tiến trình phát triển của trẻ em trong đời sống tâm lý và tình cảm, bằng cách dựa vào những vận động cơ thể để tác động, hay sử dụng những năng lực của cơ thể để can thiệp giúp trẻ thay đổi các hành vi rối loạn bằng những hành vi có chủ đích” – quan điểm của Bernard Aucouturier.
Hiểu theo cách đơn giản hơn thì phương pháp Tâm vận động sẽ hỗ trợ phát huy tốt về các mối quan hệ tương tác qua lại giữa con người và cơ thể của chính họ. Đồng thời, nó còn hỗ trợ kích thích, phát triển các kỹ năng, ý thức thông qua những hoạt động tự ý mà không cần sử dụng đến ngôn ngữ. Trong thực tế thì ngôn ngữ, lời nói vẫn sẽ được sử dụng nhưng đây không được xem là công cụ chính trong quá trình áp dụng Tâm vận động.
Mục tiêu chính của phương pháp này đó chính là hỗ trợ can thiệp để phát triển toàn diện cho trẻ nhỏ thông qua cơ thể và vận động. Theo đó, các chuyên gia cho biết rằng, Tâm vận động được xây dựng và hoạt động dựa trên sự thống nhất của Tâm – Thể – Trí, tức là tâm trí, trí tuệ và cội nguồn của cơ thể con người.
Phương pháp này sẽ chú trọng và nhấn mạnh đến những nguồn lực của trẻ để có thể hỗ trợ trẻ phát huy tốt các tiềm năng về cảm xúc, vận động, nhận thức cùng với các mối quan hệ xã hội. Đồng thời, niềm vui vận động luôn được xem là yếu tố quan trọng, chủ chốt trong việc tạo dựng thành sự thống nhất cơ thể cùng với quá trình biểu tượng hóa.
Theo lời khuyên của nhà sáng lập thì việc hỗ trợ tác động kịp thời, đúng lúc cho trẻ nhỏ sẽ giúp trẻ trang bị được tốt các kiến thức vững chắc phục vụ cho quá trình học tập và phát triển trong tương lai. Trẻ không chỉ cần được chơi để học mà nhờ vào khả năng học tập tốt trẻ mới có thể vui chơi, thư giãn hiệu quả.
Theo đó, phương pháp Tâm vận động sẽ hỗ trợ lấy cơ thể để làm trung tâm nhằm giúp thúc đẩy và phát triển các chức năng vận động, cảm giác, trương lực cơ và sự tưởng tượng của mỗi trẻ nhỏ. Cụ thể mục tiêu của phương pháp can thiệp này đó chính là:
- Phát triển vận động tinh: Giúp trẻ biết cách vận động và điều khiển hoạt động của bàn tay, các cơ ngón tay và khủy tay,…
- Phát triển vận động thô: Hỗ trợ trẻ rèn luyện và nâng cao các kỹ năng ngồi, trườn, bò, chạy, nhảy, lăng, đi đứng, giữ thăng bằng,…
- Phát triển tốt về ngôn ngữ, cảm xúc.
- Phát triển khả năng ứng xử, tương tác xã hội, làm chủ bản thân và biết cách chia sẻ, giúp đỡ.
- Phát triển các giác quan: Thính giác, vị giác, xúc giác, khứu giác, thị giác.
- Phát triển nhận thức, tư duy, sức sáng tạo.
Ngoài ra, đối với trẻ em, nhất là những trẻ đặc biệt khi được hỗ trợ can thiệp và giáo dục bằng phương pháp Tâm vận động còn giúp trẻ phát triển và bộc lộ tốt về con người thông qua việc sáng tạo, khám phá cơ thể, tạo dựng các mối quan hệ xã hội và biết các thể hiện cảm xúc, làm chủ bản thân, trở nên độc lập, tự chủ hơn.
Các cấp độ của phương pháp Tâm vận động
Dựa vào nghiên cứu và những chia sẻ của nhà sáng lập thì phương pháp Tâm vận động được chia thành 3 cấp độ thực hành, gồm có hỗ trợ giáo dục và phòng ngừa, hỗ trợ nhóm, trị liệu cá nhân. Cụ thể như sau:
1. Cấp độ 1 – Giáo dục Tâm vận động (Pratique psychomotricity éducative)
Quá trình thực hiện và áp dụng phương pháp Tâm vận động cho trẻ sẽ hỗ trợ tốt trong dự báo và phát hiện sớm các rối loạn phát triển ở trẻ nhỏ. Đây cũng được xem là một trong các điều không thể bỏ qua và thay thế để chuẩn bị tốt cho khả năng gia nhập xã hội, học tập của mỗi đứa trẻ.
Đối với cấp độ này, các chuyên gia, nhà tâm vận động thường hỗ trợ áp dụng hiệu quả cho từng nhóm lớn, khoảng 20 trẻ nhỏ bình thường hoặc những trẻ đang hỗ trợ can thiệp trong các trường mầm non hòa nhập. Quá trình này cần được hỗ trợ thực hành trong giai đoạn sớm để mang đến hiệu quả tốt nhất.
2. Cấp độ 2 – Hỗ trợ nhóm (Groupe d’aide)
Đối với những trẻ đặc biệt có các hành vi thái quá, thường xuyên lặp đi lặp lại và mất kiểm soát sẽ không được ưu tiên và hỗ trợ tham gia vào các nhóm thực hành mang tính giáo dục của phương pháp Tâm vận động. Trẻ thường sẽ không được hỗ trợ để vui chơi, tương tác với những trẻ khác mà thay vào đó cần phải áp dụng các biện pháp can thiệp mang tính chú ý, đặc biệt hơn được thực hiện bởi các nhà tâm vận động.
Tuy nhiên, những trẻ nhỏ thuộc nhóm này vẫn sẽ được hưởng lợi ích từ một số tình huống, hoạt động theo nhóm, vẫn có thể tương tác với mọi người xung quanh nhưng cần có sự theo dõi, quan sát kỹ lưỡng của nhà chuyên môn. Thông thường, các nhóm hỗ trợ ở cấp độ này sẽ ít hơn so với cấp độ 1, bao gồm khoảng 3 đến 6 trẻ nhỏ có sự hạn chế về mặt cảm xúc.
3. Cấp độ 3 – Trị liệu cá nhân (Thérapie individuelle)
Đối với các trường hợp trẻ nhỏ gặp phải các khó khăn cần đến sự hỗ trợ, điều chỉnh về hệ thống thái độ của các nhà tâm vận động thì sẽ được cân nhắc áp dụng trị liệu cá nhân. Trẻ nhỏ không thể thoát ra hoàn toàn khỏi thế giới cũ mà sẽ tái hiện nó bằng các vận động. Trẻ có thể đối mặt với các tình trạng rối loạn trương lực, vận động, ức chế các vận động, xuất hiện các cử chỉ, ý nghĩ không phù hợp,….
Bên cạnh đó, sự thiếu vắng tình yêu thương và các sự hạn chế trong hành vi cũng có thể là biểu hiện của sự rối loạn, tắc nghẽn trong quá trình phát triển của mỗi trẻ nhỏ. Theo đó, tùy vào mức độ nghiêm trọng của mỗi trẻ đặc biệt mà các nhà tâm vận động sẽ cân nhắc hỗ trợ bằng những biện pháp khác nhau, mang đến hiệu quả vượt trội nhất.
Ứng dụng tâm vận động trong giáo dục và can thiệp cho trẻ đặc biệt
Như đã chia sẻ, phương pháp Tâm vận động hiện đang được ứng dụng rất phổ biến trong việc giáo dục và can thiệp cho trẻ đặc biệt. Tùy vào mức độ nghiêm trọng và những khó khăn cần được cải thiện của trẻ mà các nhà trị liệu sẽ hỗ trợ đưa ra các biện pháp giáo dục phù hợp, giúp mang đến hiệu quả tốt nhất.
Khi nhận được lời đề nghị và chấp thuận của gia đình, nhà tâm vận động, giáo viên, chuyên gia, bác sĩ sẽ tiến hành trao đổi và làm việc trực tiếp với gia đình, người thân của trẻ. Tiếp đến, họ sẽ đề nghị gia đình thực hiện việc quan sát trẻ nhỏ trong vòng 3 buổi tại phòng tâm vận động để có thể lượng giá chính xác về tình trạng của trẻ, đưa ra kết luận xem trẻ có nên áp dụng cấp độ trị liệu cá nhân hay không.
Sau đó, nhà trị liệu tâm vận động sẽ tiếp tục trao đổi lại một lần nữa với gia đình, báo rõ cho họ về tình hình sức khỏe của trẻ nhỏ. Nếu gia đình vẫn chấp nhận cho trẻ được áp dụng phương pháp này thì chuyên gia sẽ bắt đầu lên kế hoạch giáo dục, can thiệp phù hợp cho mỗi cá nhân.
Quá trình trị liệu tâm vận động sẽ được tiến hành 1 đến 2 lần cho một tuần. Bên cạnh đó, cứ mỗi 3 tháng, nhà tâm vận động sẽ trao đổi cùng với giáo viên và gia đình của trẻ để trình bày về sự tiến triển và các khó khăn mà trẻ đang gặp phải.
Theo đó, một cuộc trị liệu tâm vận động cho trẻ đặc biệt có thể kéo dài trong khoảng 1 hoặc vài năm tùy vào mức độ nghiêm trọng và các khó khăn mà trẻ đang gặp phải. Để quá trình can thiệp đạt được hiệu quả vượt trội, gia đình cần phải cam kết theo đúng liệu trình và đồng hành, hỗ trợ tốt cho trẻ trong suốt thời gian này.
Tính đến thời điểm hiện tại, phương pháp Tâm vận động đã được áp dụng hiệu quả tại nhiều nước trên thế giới và có cả Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ năm 2009 cho đến năm 2016, Trường thực hành tâm vận động Aucouturier Vương quốc Bỉ (École de Pratique de Psychomotricité Aucouturier de Belge (EPPAB)) đã tạo điều kiện và tổ chức 2 khóa đào tạo trị liệu Tâm vận động tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho trẻ em tại Tp. Hồ Chí Minh.
Được biết, đây chính là chương trình hỗ trợ đào tạo đầu tiên về Tâm vận động được tổ chức tại nước ta. Thời gian đào tạo cũng kéo dài, mỗi khóa khoảng 3 năm để cung cấp đầy đủ kiến thức và thông tin về lý thuyết, cách thực hành, ứng dụng.
Sau đó, vào tháng 8 năm 2016, chương trình đào tạo thứ 3 tiếp tục được thực hiện và tổ chức tại Hà Nội, nhận được nhiều sự tham gia và ủng hộ của giới chuyên môn cùng các chuyên gia, nhà trị liệu khắp cả nước. Tuy nhiên, hiện nay các trường Đại hoặc hoặc các Viện nghiên cứu tại Việt Nam vẫn chưa mở ra chương trình đào tạo chuyên nghiệp, bài bản dành cho Tâm vận động.
Chính vì thế, mà tại các viện nghiên cứu, có thể kể đến như Viện khoa học giáo dục Việt Nam đã tổ chức các chuyên đề nhằm giúp tìm hiểu rõ hơn về tâm vận động, phát triển phương pháp này rộng rãi trong cả nước. Hiện nay, phương pháp can thiệp và giáo dục này được ứng dụng phổ biến tại các trường học chuyên biệt, bệnh viện nhi, trung tâm can thiệp cho trẻ nhỏ để giúp trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật, trẻ chậm nói, bại não, chậm phát triển trí tuệ cải thiện tốt các khiếm khuyết.
Mặt dù đây là phương pháp còn khá mới và chỉ phổ biến tại Việt Nam trong những năm trở lại đây nhưng hiện đã có nhiều trường học, trung tâm ứng dụng hiệu quả Tâm vận động trong việc giáo dục và can thiệp cho trẻ đặc biệt. Các bậc phụ huynh cũng cảm thấy tin tưởng và hài lòng với quá trình trị liệu, nhận thấy sự tiến triển rõ rệt và an toàn của trẻ qua từng giai đoạn khác nhau.
Thông tin bài viết trên đây đã giúp bạn đọc hiểu thêm về phương pháp Tâm vận động trong giáo dục và can thiệp cho trẻ đặc biệt. Trẻ nhỏ cần được hỗ trợ trong giai đoạn sớm để có thể khắc phục và nâng cao tốt các kỹ năng, khiếm khuyết, từ đó hòa nhập và tự chủ hơn trong cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!