Phương pháp PECS trong can thiệp trẻ tự kỷ và rối loạn ngôn ngữ
Phương pháp PECS là hình thức dạy trẻ tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ bằng hình ảnh với mục đích giúp trẻ nhỏ dần nâng cao khả năng nhận thức, giao tiếp, tương tác xã hội. Nhờ vào sự tiếp cận bằng hình ảnh chân thực, trẻ nhỏ có thể dần bổ sung và cải thiện tốt khả năng ngôn ngữ, gia tăng trí nhớ và học tập hiệu quả hơn.
Phương pháp PECS là gì?
Phương pháp PECS có tên khoa học là Picture Exchane Communication System hay còn được nhiều người biết đến với tên gọi dễ nhớ là phương pháp trao đổi hình ảnh dành cho trẻ tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ. Đây là hình thức can thiệp, giáo dục trẻ tự kỷ hiệu quả thông qua các hình ảnh để giúp trẻ cải thiện tốt khả năng sử dụng ngôn ngữ, giao tiếp và tương tác xã hội.
Phần lớn những trẻ tự kỷ đều gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình dùng ngôn ngữ để giao tiếp với những người xung quanh. Có những trẻ chậm nói, nói lắp, nói ngọng, phát âm không rõ ràng hoặc thậm chí là không nói. Đồng thời, trẻ tự kỷ cũng bị hạn chế về mặt nhận thức, trí tuệ, trí nhớ kém.
Chính vì thế mà việc cho trẻ tiếp cận với hình ảnh được xem là phương pháp an toàn và mang lại hiệu quả tốt đối với những trẻ tự kỷ, trẻ chậm nói đơn thuần hoặc gặp phải các rối loạn phát triển có liên quan đến khả năng ngôn ngữ. Hiểu theo một cách đơn giản, PECS chính là hình thức giao tiếp thay thế nhằm giúp trẻ nhỏ được thúc đẩy tổn về mặt tương tác, sử dụng lời nói.
Hình ảnh được xem như công cụ trung gian để trẻ tự kỷ có thể cải thiện tốt mối quan hệ giao tiếp của mình. Đây cũng chính là bước đệm tốt để trẻ có thể dần phát triển ngôn ngữ, kích thích khả năng tư duy, nhận thức và tạo tiền để để trẻ nhỏ tương tác hiệu quả hơn.
Khi trẻ được tiếp xúc nhiều với các hình ảnh trực quan, trẻ sẽ dễ dàng mường tượng và ghi nhớ tốt hơn về ý nghĩa, mục đích sử dụng của nó. Đồng thời, phương pháp PECS còn thường xuyên được kết hợp cùng phương pháp AAC (phương pháp giao tiếp tăng cường và thay thế) để hỗ trợ trị liệu tốt cho trẻ tự kỷ bị rối loạn ngôn ngữ.
Lịch sử ứng dụng phương pháp PECS trong can thiệp trẻ tự kỷ
Theo như chia sẻ của các nhà khoa học thì phương pháp PECS được đề ra từ năm 1985 bởi Andrew Bondy (nhà tâm lý nhi) và Lori Frost (nhà âm ngữ trị liệu) đề ra trong Chương trình tự kỷ Delaware. PECS được tìm hiểu và ứng dụng giống như một công cụ giáo dục dành cho người bệnh tự kỷ hoặc những ai đang gặp khó khăn về vấn đề sử dụng ngôn ngữ giao tiếp.
Phương pháp này được nghiên cứu dựa trên phương pháp ABA (Applied Behaviour Analysis – Ứng dụng phân tích hành vi) để có thể thay đổi hình ảnh, đáp ứng tốt những gì mà trẻ mong muốn. Ban đầu, PECS được ứng dụng và hoạt động với hình thức vô cùng đơn giản, trẻ nhỏ sẽ được can thiệp sử dụng các đồ vật, hình ảnh, tranh vẽ dựa vào những sở thích cá nhân.
Thay vì sử dụng lời nói trực tiếp, khi trẻ muốn bộc lộ một cảm xúc hoặc yêu cầu nào đó thì trẻ sẽ tìm kiếm bức tranh có hình ảnh mô tả tương tự để đưa cho người đối diện. Người trực tiếp giao tiếp với trẻ sau khi nhận được thông điệp từ hình ảnh cũng sẽ đáp ứng tốt về mong muốn mà trẻ đã chia sẻ, nhờ đó mà mối quan hệ giao tiếp của cả đôi bên được củng cố và duy trì hiệu quả.
Bên cạnh đó, PECS còn có thể thúc đẩy khả năng khám phá và đưa ra nhận định của trẻ từ việc quan sát thế giới bên ngoài. Trẻ tự kỷ, chậm giao tiếp cho thể chú ý đến các hình ảnh, sự vật, con vật xuất hiện xung quanh và khi bị hấp dẫn bởi điều đó, trẻ cũng có nhu cầu muốn tương tác với người bên cạnh bằng cách đưa cho họ thông điệp bằng hình ảnh.
Các chuyên gia cho biết rằng, chúng ta hoàn toàn có hy vọng khi trẻ dần thích ứng tốt với việc tương tác xã hội và khi trẻ bị thúc đẩy giao tiếp, trẻ hoàn toàn có khả năng giao tiếp một cách tự nhiên và hiệu quả. Hiện nay, phương pháp PECS được ứng dụng rộng rãi tại các nước Châu Úc, Châu Mỹ, Châu Âu trong quá trình điều trị ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ và nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới chuyên môn lẫn người bệnh.
Khoa Tâm bệnh của Bệnh viện Nhi Trung Ương đã ứng dụng hệ thống giao tiếp bằng tranh – PECS vào năm 2011 và nhận được nhiều sự đánh giá tốt, kết quả thực tế mang đến cũng đáng kể. Phần lớn các trẻ tự kỷ sau khi được tiếp cận PECS đều đã được nâng cao tốt về nhận thức, kỹ năng sống, đặc biệt là khả năng giao tiếp xã hội.
Mục tiêu của chương trình tiếp cận PECS cho trẻ tự kỷ
Hiệu quả và khả năng ứng dụng rộng rãi của phương pháp PECS đã được chứng thực cụ thể qua rất nhiều các công trình nghiên cứu, điển hình nhất có thể kể đến Ganz và Simpson, 2004 và Liddle 2001. Sau nhiều năm được tìm hiểu và phát triển, hệ thống giao tiếp trao đổi hình ảnh đã được ứng dụng thành công trong nhiều trường hợp hỗ trợ cho trẻ tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ.
Mục đích chính của phương pháp này đó chính là giúp trẻ nhỏ nâng cao được kỹ năng giao tiếp, thúc đẩy nhu cầu được tương tác xã hội của trẻ từ đó giúp trẻ cải thiện tốt chức năng ngôn ngữ của bản thân. Theo đánh giá của các chuyên gia thì việc ứng dụng PECS nên được áp dụng trước độ tuổi trẻ đến trường, cụ thể là trước 6 tuổi để mang đến hiệu quả rõ ràng và vượt trội hơn.
Một cuộc nghiên cứu thực hiện trên những trẻ mầm non bị chậm phát triển ngôn ngữ và tự kỷ. Những đứa trẻ này sẽ được áp dụng phương pháp can thiệp PECS một cách có hệ thống và bày bản. Đồng thời, có sự phối hợp và hỗ trợ chặt chẽ từ phía gia đình, nhà trường.
Kết quả nhận thấy rằng, sau 1 năm kiên trì hỗ trợ cho trẻ thì các bé đã dần cải thiện tốt khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ mà không cần đến sự hỗ trợ của hình ảnh. Trong nhiều cuộc nghiên cứu khác, phương pháp PECS cũng mang đến nhiều hiệu quả tích cực và được xem là công cụ tích cực giúp trẻ phát triển giao tiếp một cách tự nhiên.
Nếu có thể hoàn thành tốt mục tiêu ban đầu đã đặt ra khi áp dụng PECS là cải thiện khả năng sử dụng ngôn ngữ, giao tiếp bằng lời nói ở trẻ tự kỷ thì trẻ cũng sẽ có nhiều cơ hội để phát triển tốt các kỹ năng cần thiết khả. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để trẻ tự kỷ, chậm phát triển ngôn ngữ dần phục hồi và nâng cao các kỹ năng cần thiết, hòa nhập tốt hơn với cộng đồng.
Vì sao nên áp dụng phương pháp PECS cho trẻ tự kỷ?
Phần lớn những trẻ mắc phải chứng tự kỷ đều gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp và tương tác với mọi người xung quanh. Đồng thời, trẻ cũng bị cản trở nhiều về nhận thức, khả năng học tập, tiếp thu thông tin thua kém các bạn cùng trang lứa.
Tình trạng này làm cho trẻ dần trở nên tách biệt so với xã hội. Đồng thời, do bị hạn chế về giao tiếp, trẻ tự kỷ hay rối loạn ngôn ngữ thường không thể bày tỏ và chia sẻ cụ thể về những suy nghĩ, mong muốn của bản thân nên dễ dẫn đến việc rối loạn cảm xúc, thường xuyên căng thẳng, lo lắng quá mức.
Trẻ tự kỷ có xu hướng chỉ thích chơi một mình, không quan tâm đến những điều xảy ra xung quanh đời sống hàng ngày. Mỗi trẻ chỉ có một hoặc một vài mối quan tâm cụ thể về một vấn đề nào đó. Trẻ dần thu mình trong thế giới riêng của mình và dần mất đi các kỹ năng cần thiết để tự chăm sóc tốt cho chính mình.
Cũng chính vì thế mà trẻ tự kỷ hay những trẻ đang bị rối loạn về ngôn ngữ, chậm nói cần được hỗ trợ và can thiệp bằng hình ảnh, cụ thể là phương pháp PECS. Thông qua hình thức này, trẻ nhỏ sẽ dần được kích thích nhu cầu được tương tác, từ đó gia tăng khả năng giao tiếp tự nhiên với mọi người xung quanh.
Ưu điểm và nhược điểm của phương pháp PECS
Phương pháp PECS hiện nay đang được ứng dụng rộng rãi trong việc hỗ trợ cải thiện khả năng ngôn ngữ, giao tiếp cho trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển. Trong thực tế, phương pháp này đã mang lại rất nhiều hiệu quả và tạo điều kiện tốt cho trẻ nhỏ dần phát triển khả năng giao tiếp của mình, từ đó trẻ cũng nâng cao được kỹ năng học tập và cải thiện tốt về trí nhớ.
Tuy nhiên, bất kỳ phương pháp nào cũng có tính 2 mặt. Bên cạnh những ưu điểm và lợi ích vượt trội mà PECS mang đến thì hình thức can thiệp này vẫn còn tồn đọng một số nhược điểm cần được khắc phục.
Cụ thể một số ưu và nhược điểm của phương pháp PECS trong can thiệp trẻ tự kỷ, trẻ rối loạn ngôn ngữ như sau:
Ưu điểm:
- Phương pháp sử dụng hình ảnh trực quan, có tính sinh động và chân thực cao nên trẻ có thể dễ dàng tiếp cận và chủ động hơn trong việc học tập.
- Chi phí trang bị các giáo cụ và đồ dùng học tập thấp nên có thể ứng dụng tốt cho nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khác nhau.
- Giúp trẻ tự kỷ giao tiếp và cải thiện khả năng ngôn ngữ nhanh chóng, tự nhiên.
- Kích thích nhu cầu giao tiếp của trẻ và duy trì mối quan hệ giao tiếp thông qua hình ảnh.
- Có thể mở rộng không gian giao tiếp ở nhiều môi trường, đối tượng khác nhau.
- Hình thức ứng dụng dễ dàng, đơn giản, có thể linh hoạt thực hiện trong nhiều môi trường khác nhau.
Nhược điểm:
- Quá trình ứng dụng phương pháp PECS cho trẻ tự kỷ cần phải mất nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị tài liệu, hình ảnh.
- Cần có sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình và những người thân bên cạnh.
- Chỉ tập trung duy nhất vào khả năng giao tiếp, không thể cải thiện về những khiếm khuyết khác liên quan đến vận động, học tập,…
Về những ưu và nhược điểm của phương pháp PECS, hiện nay giới chuyên môn vẫn còn vướng phải nhiều tranh cãi và những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, về hiệu quả của hình thức can thiệp này đã được chứng minh cụ thể bằng nhiều nghiên cứu, công trình khoa học nên các chuyên gia vẫn luôn khuyến khích áp dụng cho trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ.
Cơ sở khoa học của phương pháp PECS
Điểm cốt lõi của phương pháp PECS đó chính là khuyến khích và tạo nhiều điều kiện để trẻ có thể giao tiếp bằng chính những hình ảnh trực quan. Khi trẻ sử dụng hình ảnh để bày tỏ những mong muốn của mình thì sẽ được người trực tiếp giao tiếp đáp ứng, từ đó giúp trẻ cảm thấy phấn khích hơn.
Mặc dù trẻ nhỏ hoàn toàn không sử dụng ngôn ngữ để chia sẻ về những cảm xúc hay mong muốn cá nhân của mình nhưng trẻ vẫn có thể duy trì tốt cuộc hội thoại và được đáp ứng tốt các mong muốn của bản thân. Khi ấy, trẻ sẽ vô cùng cảm thấy hài lòng và xem đó như một phần thưởng quý giá, một sự động viên to lớn từ những người bên cạnh.
Khi trẻ có thể liên tục đạt được những mong muốn của bản thân thông qua việc trao đổi hình ảnh thì sẽ cũng sẽ cảm thấy thích thú và hào hứng hơn với việc đó. Quá trình này được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ giúp trẻ gia tăng nhu cầu được kết nối và tương tác nhiều hơn với những người bên cạnh.
Ngoài ra, việc có thể giao tiếp tốt bằng hình ảnh sẽ giúp cho trẻ giảm thiểu được tối đa các cảm xúc tiêu cực bị dồn nén. Trẻ sẽ không còn cảm thấy khó chịu, bức bối hay căng thẳng quá mức, thay vào đó là sự cởi mở, hài lòng. Nhờ thế mà trẻ nhỏ cũng hạn chế được những hành vi tiêu cực, mất kiểm soát của bản thân.
Cấu trúc của phương pháp dạy trẻ tự kỷ bằng hình ảnh (PECS)
Tùy vào độ tuổi và khả năng đáp ứng của mỗi trẻ nhỏ mà chuyên gia, phụ huynh có thể chuẩn bị các giáo cụ và tiến trình can thiệp phù hợp. Tuy nhiên, để có thể ứng dụng hiệu quả phương pháp PECS trong quá trình can thiệp cho trẻ tự kỷ cải thiện khả năng ngôn ngữ, chúng ta cần thực hiện đầy đủ 6 giai đoạn sau đây:
Giai đoạn 1: Giao tiếp như thế nào?
Bước đầu tiên cần thực hiện để có thể áp dụng hiệu quả PECS cho trẻ tự kỷ đó chính là cho trẻ tiếp xúc và giao tiếp thông qua hình ảnh riêng lẻ. Ví dụ như bố mẹ có thể đưa ra những đồ vật cụ thể mà trẻ yêu thích, sau đó tìm kiếm hình ảnh mô tả cụ thể để trẻ có thể quan sát tốt hơn.
Sau đó, hãy hướng dẫn cho trẻ bằng cách yêu cầu trẻ tìm và lấy hình ảnh mà trẻ muốn có được đưa cho người đối diện để đổi lại món đồ vật thực tế. Ngoài ra, trong giai đoạn này, người thực hiện cùng trẻ cần lưu ý một số điều sau đây:
- Cần có tối thiểu 2 người hỗ trợ và cùng thực hiện với trẻ. Một người sẽ là đối tác chính trong quá trình giao tiếp với trẻ và một người sẽ đưa ra những gợi ý về thể chất và không giao tiếp với trẻ. Khi mới bắt đầu, người giao tiếp ngồi đối diện với trẻ và đưa ra những món đồ vật để kích thích trẻ nhỏ. Còn người thứ 2 sẽ ngồi ở phía sau và cầm tay trẻ hướng dẫn lấy hình ảnh để trao đổi với đối phương. Khi trẻ đã dần quen với việc đó thì hãy giảm bớt sự hỗ trợ.
- Nên hạn chế việc sử dụng quá nhiều lời nói để gợi ý cho con.
- Khi đưa ra một hình ảnh mới thì cần giới thiệu cho con biết đó là gì.
- Không nên bắt ép trẻ mà hãy phân chia thời gian cụ thể để trẻ có thể tập trung tối đa vào bài học. Mỗi ngày nên duy trì giao tiếp bằng PECS khoảng 30 đến 40 phút.
- Chuẩn bị hình ảnh, tranh vẽ phù hợp với kích thước tay của trẻ.
Giai đoạn 2: Khoảng cách và kiên trì
Trong giai đoạn này, trẻ nhỏ cần được kích thích nhu cầu tìm kiếm sách vở, tập vẽ, hình ảnh và tạo dựng mối quan hệ tốt với người giao tiếp. Trẻ sẽ dần rút ngắn khoảng cách để chủ động tìm hình ảnh đưa cho người đối diện nhằm thể hiện nhu cầu của bản thân.
Quy trình thực hiện cũng sẽ được làm tương tự như giai đoạn 1 nhưng cần thay thế luân phiên giữa những người giao tiếp để trẻ mở rộng thêm mối quan hệ. Ngoài ra, cũng có thể cân nhắc đến việc thay đổi môi trường tiếp xúc cho trẻ, cụ thể là từ lớp học đến không gian nhà ở. Vị trí tranh ảnh cũng có thể được đặt ra hơn tầm tay của trẻ để thúc đẩy trẻ chủ động thực hiện.
Giai đoạn 3: Phân biệt tranh
Mục tiêu chính của giai đoạn này đó chính là trẻ sẽ chủ động tìm đến các hình ảnh và lựa chọn ra đúng bức ảnh mà mình muốn thể hiện để đưa cho người cần giao tiếp. Trong giai đoạn này, cần hướng dẫn trẻ theo các cách sau đây:
- Bước 1: Người hướng dẫn nên lựa chọn hình ảnh của 2 đồ vật, 1 bức thể hiện món đồ mà trẻ cực kỳ yêu thích và 1 bức là món đồ trẻ không thích. Khi trẻ chọn đúng món đồ mà mình thích thì hãy tuyên dương, khen ngợi và thưởng cho trẻ bằng món đồ đó.
- Bước 2: Khi trẻ đáp ứng tốt ở bước 1 thì người hướng dẫn nên nâng cấp mức độ phức tạp lên bằng cách kết hợp cả hai hình ảnh về đồ vật mà trẻ yêu thích. Khi trẻ chọn 1 hình ảnh cụ thể thì hãy để trẻ tự lựa món đồ tương ứng với hình ảnh đó. Nếu trẻ lấy sai thì hãy chỉ vào bức ảnh và đưa ra gợi ý cho trẻ, hướng trẻ về những đặc điểm nhận dạng.
Giai đoạn 4: Nguyên câu
Hiểu theo cách đơn giản thì đây là giai đoạn hỗ trợ trẻ nhỏ thể hiện nguyên câu về những mong muốn, nhu cầu của bản thân thay vì chỉ sử dụng những hình ảnh đơn lẻ. Phụ huynh cần chuẩn bị các hình ảnh hoặc mảnh giấy với dòng chữ “Con muốn” hoặc “Cho con” để trẻ có thể kết hợp với những hình ảnh khác để tạo thành 1 câu giao tiếp hoàn chỉnh. Ví dụ như “Con muốn ăn nho” thì trẻ cần tìm 3 mảnh ghép biểu hiện “con muốn”, “ăn”, “nho” để ghép lại thành câu.
Để thực hiện được tốt giai đoạn này, phụ huynh cần hoàn thành các bước sau:
- Bước 1: Thay vì đưa hình ảnh trẻ muốn cho người giao tiếp cùng trẻ thì hãy hướng dẫn trẻ đặt tấm hình đó lên bảng “Cho con”. Để thực hiện được bước này, cần có người hướng dẫn và dạy trẻ thực hiện thao tác. Sau khi trẻ hoàn thành, người giao tiếp hãy đọc to và rõ nguyên câu, ví dụ như “Cho con kẹo” và đáp ứng theo nguyện vọng của trẻ.
- Bước 2: Trẻ sẽ dùng bảng “Cho con” để đặt lên hình ảnh miêu tả về đồ vật mà trẻ muốn. Sau đó, người giao tiếp sẽ đưa hình ảnh cho trẻ và hô to “Cho con”.
- Bước 3: Khi trẻ đã quen thuộc với bước 1 và 2 thì người giao tiếp cho thể gợi ý cho trẻ đọc mong muốn bằng lời nói. Tuy nhiên, đừng bắt ép trẻ phải đọc trọn vẹn cả câu mà chỉ nên gợi ý cho trẻ nói những từ đơn giản. Ví dụ như bạn có thể nói “Cho con”, còn trẻ sẽ nói “Gấu” hoặc ngược lại. Tuy nhiên, giai đoạn này có thể không dễ dàng thực hiện. Nếu trẻ vẫn không chịu nói thì hãy kiên trì cùng trẻ thực hiện việc giao tiếp bằng hình ảnh.
Ngoài ra, cần lưu ý một số điều trong giai đoạn này:
- Trong quá trình áp dụng phương pháp PECS cho trẻ thì các bậc phụ huynh hoặc người giao tiếp với trẻ nên hạn chế nói “Không”. Cụ thể, nếu trẻ muốn đòi một món đồ nào đó thì thay vì nói “Không cho”, “Không có” thì hãy nói “Hết rối” và chuyển trẻ sang một hoạt động, đồ vật khác.
- Để có thể gia tăng khả năng ghi nhớ và phân biệt ở trẻ, bạn cũng có thể dần giảm bớt cỡ tranh so với giai đoạn đầu.
Giai đoạn 5: “Con muốn gì?”
Đây là giai đoạn quan trọng và cũng chính là cột mốc phát triển tốt ở trẻ tự kỷ sau khi áp dụng phương pháp PECS trong một thời gian nhất định. Mục tiêu của giai đoạn này đó chính là thúc đẩy sự chủ động của trẻ, giúp trẻ có thể trả lời tốt câu hỏi “Con muốn gì?”.
Nhờ đó mà trẻ nhỏ sẽ được gia tăng hiệu quả về khả năng giao tiếp, rút ngắn được khoảng cách giữa trẻ và người giao tiếp, trẻ nhỏ cũng trở nên chủ động và phát triển kỹ năng tốt hơn. Cụ thể các bước thực hiện như sau:
- Bước 1: Kết hợp giữa việc đưa ra gợi ý và hỏi “Con muốn gì?”. Ví dụ như bạn có thể chỉ vào bảng “Cho con” và cầm hình ảnh gấu để xem con có thể nhớ ra bản thân nên làm gì hay không. Nếu trong lần đầu trẻ vẫn chưa thể kịp phản ứng, hãy nhẹ nhàng hướng dẫn con.
- Bước 2: Khi hỏi “Con muốn gì?” bạn hãy kiên nhẫn chờ đợi trong vài phút để trẻ có thể suy nghĩ và định hình bản thân nên làm gì tiếp theo. Nếu trẻ vẫn chưa thể nhớ ra thì hãy chỉ vào bản “Cho con” để gợi ý cho trẻ những bước tiếp theo.
- Bước 3: Thay vì liên tục đặt ra câu hỏi, đôi khi các bậc phụ huynh cũng cần cho con chủ động yêu cầu hoặc đòi hỏi một món đồ nào đó.
Giai đoạn 6: Bình luận
Mục tiêu chính của giai đoạn này đó chính là mở rộng sự hiểu biết của con thông qua đa dạng các câu hỏi khác nhau. Thay vì cứ mãi hỏi “Con muốn gì”, các bậc phụ huynh cũng có thể thay đổi một số mẫu câu tùy thuộc vào từng trường hợp khác nhau. Ví dụ như “Con cảm thấy thế nào?”, “Con đang có gì?”, “Con nghe thấy gì?”,…
Một số lưu ý ở giai đoạn bình luận như:
- Bổ sung đa dạng các tấm bảng, bức tranh với nội dung mới mẻ hơn, ví dụ như “Con thấy”, “Con có”, “Con nghe”,…
- Dạy con phân biệt giữa ý nghĩa của các câu và sử dụng chúng trong các hoàn cảnh khác biệt.
- Giữa các câu hỏi nên có khoảng cách về thời gian để trẻ có thể suy nghĩ và thực hiện tốt.
Bên cạnh 6 giai đoạn chính được nêu trên thì một số trung tâm, trường học giáo dục chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ cũng áp dụng tốt phương pháp PECS thông qua các bước sau đây:
- Bước 1: Dạy trẻ đọc tên đồ vật được miêu tả trong hình ảnh.
- Bước 2: Giải thích cho trẻ về ý nghĩa của từng hình ảnh.
- Bước 3: Hướng dẫn trẻ cách đưa ra mong muốn, yêu cầu thông qua hình ảnh.
- Bước 4: Dạy cho trẻ cách kết nối giữa hình ảnh và đồ vật
- Bước 5: Hướng dẫn trẻ cách kết nối giữa hình ảnh và các ý tưởng.
Theo chia sẻ của các chuyên gia thì phương pháp PECS mang đến hiệu quả tốt đối với trẻ tự kỷ, chậm phát triển trước khi trẻ bước vào độ tuổi học mẫu giáo. Đây được xem như giai đoạn vàng và phù hợp nhất để trẻ có thể học tập và tiếp thu các phương pháp cải thiện thông qua hình ảnh.
Hiện nay có rất nhiều các trung tâm và trường học chuyên biệt ứng dụng hiệu quả phương pháp PECS trong quá trình cải thiện ngôn ngữ cho trẻ nhỏ. Vì thế, các bậc phụ huynh nên tìm hiểu và tham khảo thông tin chi tiết để có thể sớm cho trẻ tiến hành can thiệp ở giai đoạn càng sớm càng tốt.
Phương pháp PECS mang đến nhiều hiệu quả trong việc cải thiện và can thiệp cho trẻ tự kỷ, giúp trẻ nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ và phát triển tốt các kỹ năng tương tác, giao tiếp. Hy vọng qua thông tin của bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu thêm về PECS và có cách ứng dụng hiệu quả cho trẻ nhỏ.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!