Khuyết tật học tập là gì? Nguyên nhân và cách hỗ trợ trẻ
Khuyết tật học tập là những khó khăn nhỏ trong việc học và rào cản lớn đối với nhiều người trong giai đoạn phát triển bản thân. Vậy nên khi hiểu rõ về nó và có cách cải thiện thì người mắc phải sẽ vượt qua thách thức và đạt được thành công.
Khuyết tật học tập là gì?
Khuyết tật học tập (Learning Disabilities – LD) là một dạng rối loạn ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu và vận dụng các kỹ năng như đọc, viết, toán học và kỹ năng giao tiếp. Những người mắc phải khuyết tật này thường khó xử lý thông tin một cách hiệu quả, dù trí thông minh vẫn bình thường hoặc thậm chí vượt trội.
Trẻ em mắc khuyết tật học tập thấy khó hoàn thành bài tập mà với người khác có vẻ dễ dàng. Một phép tính đơn giản có thể trở thành thử thách lớn đối với các em. Sự thất vọng cùng cảm giác tự ti hình thành khi trẻ phải “vật lộn” với những bài học cơ bản, dù có trí thông minh hoàn toàn bình thường.
Mặc dù LD gây ra những khó khăn nhất định, nhưng nó không phải là giới hạn đối với sự phát triển của mỗi cá nhân. Trên thực tế, nhiều người nổi tiếng như Albert Einstein, Leonardo da Vinci, Thomas Edison đã từng gặp phải nhưng vẫn vươn lên đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc. Điều này chứng tỏ rằng với sự kiên trì, hướng đi đúng đắn thì bất kỳ ai cũng có thể vượt qua rào cản để phát huy hết tiềm năng của mình.
Các loại khuyết tật học tập
Mỗi người mắc khuyết tật học tập đều có những khó khăn riêng biệt trong việc tiếp thu kiến thức, xử lý thông tin như sau:
- Chứng khó đọc:
Chứng khó đọc khiến người mắc phải gặp khó khăn trong việc đọc, hiểu và sử dụng ngôn ngữ. Nó dẫn đến phát triển vốn từ vựng chậm và ảnh hưởng đến các kỹ năng khác như ngữ pháp và đọc hiểu. Người mắc chứng này thường phải rất nỗ lực để nắm bắt nội dung ngôn ngữ, dù trí thông minh không bị ảnh hưởng.
- Rối loạn viết:
Rối loạn viết khiến người mắc phải khó truyền tải suy nghĩ thành văn bản thông qua biểu hiện chữ viết tay kém, khó sắp xếp các từ, lỗi chính tả và ngữ pháp. Đặc biệt, trẻ mắc chứng này không biết cách kết hợp giữa tư duy và viết cùng lúc, khiến viết lách trở nên gian nan.
- Rối loạn tính toán:
Rối loạn tính toán, hay còn gọi là “rối loạn đọc toán,” gây ra khó khăn khi làm toán và xử lý các con số. Các bé mắc rối loạn khó hiểu được khái niệm cơ bản về toán học như đếm tiền, đọc giờ, tính nhẩm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống khi cần sử dụng các kỹ năng toán học đơn giản.
- Rối loạn xử lý thính giác (APD):
Rối loạn xử lý thính giác là một dạng khuyết tật khi bộ não không xử lý đúng thông tin thính giác nhận được. Khi đó người bệnh khó phân biệt giữa các âm thanh xung quanh và lời nói nên hiểu nhầm, bỏ lỡ thông tin quan trọng. Chúng còn gây khó khăn đặc biệt trong môi trường học tập, khi cần lắng nghe giáo viên giữa tiếng ồn.
- Rối loạn xử lý ngôn ngữ (LPD):
Đây là một dạng rối loạn thuộc nhóm rối loạn xử lý thính giác, nhưng tập trung vào khó khăn trong việc xử lý ngôn ngữ nói. Người mắc chứng này gặp vấn đề khi gắn ý nghĩa cho âm thanh nên ảnh hưởng đến khả năng hiểu và giao tiếp qua lời nói.
- Khuyết tật học tập phi ngôn ngữ (NVLD):
Khuyết tật học tập phi ngôn ngữ ảnh hưởng đến việc diễn giải các tín hiệu không lời như biểu cảm khuôn mặt, ngôn ngữ cơ thể và giọng điệu. Người mắc NVLD khó hiểu được thông tin như vậy dẫn đến hiểu sai thông điệp, cảm xúc từ người khác.
- Khiếm khuyết nhận thức thị giác/vận động thị giác:
Khiếm khuyết này ảnh hưởng đến khả năng phối hợp giữa mắt và tay, gây ra khó khăn trong các hoạt động như viết lách, đọc sách, điều hướng trong môi trường xung quanh. Khi mắc chứng này có thể nhầm lẫn các chữ cái, không sử dụng được các vật dụng như bút, keo dán, kéo và dễ dàng bị lạc hướng khi đọc hoặc viết.
Nguyên nhân gây khuyết tật học tập
Khuyết tật học tập là một vấn đề phức tạp mà nguyên nhân không chỉ đến từ một yếu tố duy nhất. Chúng xuất phát từ sự khác biệt trong cách mà bộ não xử lý và tiếp nhận thông tin. Dù khoa học chưa thể xác định chính xác nhưng nhiều giả thuyết đã được đề xuất như sau:
- Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình có thành viên mắc phải các vấn đề liên quan đến khuyết tật học tập, trẻ em trong thế hệ tiếp theo cũng có nguy cơ cao gặp phải tình trạng tương tự.
- Biến chứng trong quá trình sinh: Một số trẻ gặp phải khuyết tật học tập do biến chứng khi sinh như thiếu oxy lên não, quá trình chuyển dạ khó khăn, sự cố trong thời gian sinh.
- Yếu tố môi trường: Tiếp xúc với các chất độc hại như chì, thuốc trừ sâu, các hóa chất khác trong quá trình phát triển sớm có thể làm tăng nguy cơ khuyết tật học tập.
- Mẹ mắc bệnh thời kỳ mang thai: Nếu người mẹ mắc các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng trong thời gian mang thai, thai nhi có thể bị ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ.
- Chấn thương não: Trẻ em gặp phải chấn thương não do tai nạn, bị viêm màng não có nguy cơ cao bị khuyết tật học tập nhất là về ngôn ngữ, toán học, khả năng ghi nhớ.
- Suy dinh dưỡng: Sự thiếu hụt dinh dưỡng trong những năm đầu đời, đặc biệt là các chất cần thiết cho sự phát triển não bộ làm chậm quá trình phát triển thể chất, ảnh hưởng đến khả năng tư duy và tiếp nhận kiến thức của trẻ.
Dấu hiệu của khuyết tật học tập
Dấu hiệu của khuyết tật học tập thường không dễ nhận biết ngay từ đầu, nhưng với sự chú ý từ cha mẹ và giáo viên, những khó khăn trong quá trình học tập có thể dần lộ rõ như sau:
- Trẻ khó có thể học từ mới.
- Trẻ chậm phát âm và thường gặp vấn đề khi nói rõ từ.
- Gặp khó khăn khi cầm bút, thực hiện các thao tác nhỏ như cài cúc áo
- Kém tập trung khi học, khó làm theo chỉ dẫn dài từ người lớn
- Trẻ khó học và nhớ các con số, bảng chữ cái, những thứ đơn giản như màu sắc và hình dạng.
- Khó ghi nhớ và tuân theo thứ tự các công việc hàng ngày
- Trẻ thường lẫn lộn giữa các chữ cái, âm thanh trong khi đọc.
- Gặp khó khăn khi sắp xếp các suy nghĩ và diễn đạt chúng thành lời
- Thường xuyên viết sai chính tả và lặp lại lỗi cũ
- Chữ viết tay của trẻ không đều hoặc rất khó đọc
- Gặp khó khăn khi học các khái niệm toán học cơ bản
- Không thể ghi nhớ thứ tự các ngày trong tuần, các sự kiện đơn giản
- Trẻ có xu hướng đảo ngược thứ tự chữ cái trong khi viết.
- Thường không diễn giải được ý nghĩ của mình bằng lời nói, văn bản
- Không giữ cho phòng ngủ, đồ dùng học tập gọn gàng
- Khó duy trì tập trung trong các hoạt động yêu cầu thời gian lâu
- Trẻ thường gặp vấn đề khi đọc hiểu các câu chuyện, tài liệu đơn giản trong lớp
Chẩn đoán khuyết tật học tập
Quá trình chẩn đoán khuyết tật học tập thường bao gồm nhiều bước để đảm bảo độ chính xác. Trẻ gặp khó khăn trong học tập sẽ được đưa đến gặp chuyên gia để thực hiện các đánh giá cụ thể. Chuyên gia tâm lý, bác sĩ nhi khoa, nhà tâm lý học trẻ em sẽ bắt đầu bằng việc quan sát hành vi của con, sau đó phỏng vấn gia đình để thu thập thông tin về tiền sử bệnh án và các vấn đề liên quan đến sự phát triển.
Tiếp theo các bé sẽ được tiến hành các bài kiểm tra chuyên sâu như kiểm tra học thuật, IQ và kiểm tra hiệu suất xã hội. Toàn bộ quá trình này giúp các chuyên gia có cái nhìn tổng quan về khả năng học tập và tâm lý của trẻ để đưa ra kết luận chính xác.
Để chẩn đoán khuyết tật học tập, các chuyên gia sẽ sử dụng nhiều loại kiểm tra khác nhau nhằm đánh giá toàn diện tình trạng của trẻ:
- Đánh giá y khoa: Bác sĩ kiểm tra sức khỏe tổng quát và hệ thần kinh của trẻ để loại trừ các nguyên nhân bệnh lý.
- Đánh giá giáo dục và hiệu suất: Được thực hiện trong môi trường học tập, qua việc quan sát khả năng đọc, viết và toán của trẻ.
- Đánh giá nhận thức: Chuyên gia tiến hành thông qua bài kiểm tra IQ để xác định cách trẻ tiếp nhận và xử lý thông tin.
- Đánh giá tâm lý: Để phát hiện các vấn đề tâm lý như ADHD, trầm cảm hay đi kèm với khuyết tật học tập.
- Đánh giá tâm lý thần kinh: Áp dụng để kiểm tra các vùng não liên quan đến học tập của trẻ.
Cách hỗ trợ trẻ vượt qua khuyết tật học tập
Với sự hỗ trợ phù hợp từ cả gia đình và nhà trường, trẻ hoàn toàn có thể vượt qua những thách thức trong học tập và phát huy tiềm năng của mình.
1. Thuốc
Đối với một số trẻ mắc khuyết tật học tập, bác sĩ có thể đề xuất thuốc chống trầm cảm nhằm giảm bớt các triệu chứng tâm lý, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình học tập. Ngoài ra, thuốc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) giúp các bé tập trung tốt, cải thiện khả năng tiếp thu kiến thức trong môi trường học đường. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần được theo dõi cẩn thận bởi bác sĩ để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả.
2. Thay đổi trong lớp học
Những thay đổi trong lớp học hay còn gọi là sự điều chỉnh là điều rất cần thiết để tạo điều kiện cho trẻ vượt qua rào cản, phát triển khả năng học tập hiệu quả hơn:
- Cho thời gian dài hơn để hoàn thành bài kiểm tra, bài tập
- Giảm số lượng bài tập cho phù hợp với khả năng của bé
- Cho trẻ ngồi gần giáo viên để tập trung hơn
- Cho phép sử dụng các thiết bị hỗ trợ như máy tính để giải toán
- Sử dụng phần mềm chuyển văn bản thành giọng nói để bé nghe và đọc cùng lúc
- Hỗ trợ đem đến sách nói để trẻ có thể lắng nghe và hiểu bài học tốt hơn
- Đưa ra những hướng dẫn cụ thể hơn khi giao bài tập
- Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động nhóm để phát triển kỹ năng xã hội
3. Chương trình giáo dục cá nhân hóa (IEP)
Chương trình giáo dục cá nhân hóa (IEP) là kế hoạch giáo dục bằng văn bản, đặt ra các mục tiêu học tập rõ ràng và mang đến dịch vụ giáo dục đặc biệt cần thiết cho trẻ. Kế hoạch này được điều chỉnh dựa trên nhu cầu và khả năng của từng học sinh, nhằm giúp trẻ phát huy thế mạnh và bù đắp khó khăn trong học tập.
Hàng năm, kế hoạch IEP sẽ được xem xét lại để điều chỉnh phù hợp với tiến trình của trẻ, bao gồm:
- Liệt kê các mục tiêu học tập cụ thể của trẻ
- Chỉ rõ các dịch vụ mà bé sẽ nhận được
- Liệt kê các chuyên gia sẽ làm việc và hỗ trợ cho trẻ
- Đảm bảo trẻ nhận được các hỗ trợ đặc biệt từ giáo viên chuyên môn
- Tập trung vào phát huy thế mạnh và bù đắp các điểm yếu trong học tập
- Cung cấp môi trường học tập tốt nhất cho trẻ phát triển
4. Hỗ trợ tại nhà
Chăm sóc trẻ bị khuyết tật học tập tại nhà cần đến chiến lược hỗ trợ phù hợp trong môi trường đầy khuyến khích. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên chú ý đến các khía cạnh khác như dinh dưỡng, giao tiếp, chăm sóc sức khỏe tổng quát để con phát triển tốt hơn.
- Cha mẹ học cách xử lý cơn bộc phát cảm xúc của trẻ.
- Đảm bảo cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ để hỗ trợ sức khỏe tổng quát, tăng cường sức đề kháng và phát triển tốt
- Theo dõi tiến trình học tập của trẻ thường xuyên để kịp thời nhận thấy sự cải thiện hay khó khăn trong việc phát triển kỹ năng theo IEP
- Khuyến khích giao tiếp giữa cha mẹ, giáo viên và các chuyên gia y tế để đảm bảo hỗ trợ cho trẻ hiệu quả hơn
- Đưa trẻ đến gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần nếu gặp khó khăn về hành vi hoặc cảm xúc do khuyết tật học tập
- Cha mẹ dành thời gian để tự chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình, không làm ảnh hưởng đến con
- Khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động ngoại khóa để tăng kỹ năng sống
- Hỗ trợ công cụ học tập tại nhà như sách nói, ứng dụng học tập để bé tiếp cận kiến thức dễ dàng hơn
- Luôn thể hiện tình yêu và sự ủng hộ với trẻ
Trong hành trình đối mặt với khuyết tật học tập, hãy cùng nhau tìm kiếm giải pháp để tạo ra môi trường học tập tích cực nhằm giúp những người gặp khó khăn có thể tiến bộ và vươn xa hơn trong cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm:
- Nguyên nhân gây mất tập trung trong giờ học và cách cải thiện
- Vai trò của tâm lý học trong giáo dục và phát triển con người
Các nguồn tham khảo:
- vinmec.com, phuchoichucnangnhi.vn,…..
- https://www.verywellmind.com/learning-disabilities-types-causes-symptoms-and-treatment-6386232
- https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4865-learning-disabilities-what-you-need-to-know
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!