10 Cách dạy trẻ chậm phát triển ngôn ngữ đơn giản, hiệu quả
Phát triển ngôn ngữ là một trong các kỹ năng quan trọng cần được ưu tiên giáo dục cho trẻ trong những năm tháng đầu đời. Chính vì thế, rất nhiều bậc phụ huynh đang loay hoay tìm kiếm cách dạy trẻ chậm phát triển hiệu quả, đơn giản tại nhà để giúp trẻ từng bước cải thiện khả năng ăn nói, giao tiếp linh hoạt hơn.
Cách giúp bạn dạy trẻ chậm phát triển ngôn ngữ hiệu quả
Chậm phát triển ngôn ngữ hiện đang là một trong các vấn đề xuất hiện phổ biến ở nhiều trẻ nhỏ và khiến cho các bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng. Cũng bởi, ngôn ngữ là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng, nó góp phần lớn trong sự phát triển toàn diện của trẻ và chính là công cụ chính để giúp trẻ giao tiếp, kết nối, học tập hiệu quả trong tương lai.
Thông thường, trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi đã bắt đầu hình thành khả năng giao tiếp, trẻ biết lắng nghe, hóng chuyện và đáp lại lời nói của người khác bằng những âm thanh đơn giản. Ở từng độ tuổi khác nhau, khả năng ngôn ngữ của trẻ nhỏ sẽ có sự phát triển riêng. Tuy nhiên, nhiều trẻ bị chậm nói, chậm phát triển lại gặp nhiều khó khăn hơn trong việc sử dụng lời nói, ngôn ngữ để tương tác, giao tiếp với mọi người xung quanh.
Tình trạng này gây ra rất nhiều cản trở đối với sự phát triển toàn diện của mỗi trẻ nhỏ. Chính vì thế, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ, các bậc phụ huynh cũng nên chủ động cho con đến thăm khám và tìm hiểu nguyên nhân cụ thể tại các trung tâm, bệnh viện chuyên khoa uy tín.
Đối với những trẻ chậm nói đơn thuần, cha mẹ có thể nhanh chóng áp dụng các cách dạy trẻ chậm phát triển ngôn ngữ sau đây để giúp trẻ từng bước cải thiện khả năng ăn nói, sử dụng lời nói linh hoạt và hiệu quả hơn.
1. Dành nhiều thời gian trò chuyện với trẻ
Trò chuyện trực tiếp chính là phương pháp hiệu quả và đơn giản nhất có thể giúp trẻ nhỏ phát triển ngôn ngữ một cách nhanh chóng. Các chuyên gia luôn khuyến khích phụ huynh nên dành nhiều thời gian để giao tiếp, tương tác với trẻ nhỏ, đặc biệt là trong những năm tháng đầu đời.
Dù trẻ vẫn chưa biết nói nhưng việc được lắng nghe, quan sát cũng sẽ giúp trẻ được kết nối và kích thích nhu cầu được giao tiếp ở trẻ. Đặc biệt với những trẻ chậm nói, thời gian được tương tác với những người xung quanh là vô cùng cần thiết. Dù trẻ có phản ứng lại hay không, cha mẹ cũng nên kiên trì để cùng trò chuyện với con, tạo cho con sự kích thích về nhu cầu được nói.
Khi nói chuyện với trẻ, các bậc phụ huynh cũng nên lựa chọn chủ đề phù hợp với sở thích của từng trẻ. Hãy nói về những điều gần gũi, quen thuộc xoay quanh cuộc sống hoặc tốt hơn là những gì trẻ đang quan tâm, chú ý đến. Cha mẹ cũng cần lựa chọn từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, nói chậm, rõ để trẻ dễ dàng tiếp thu, học hỏi và bắt chước tốt hơn.
2. Kích thích ngôn ngữ thông qua hình ảnh
Sử dụng hình ảnh cũng là một trong các cách dạy trẻ chậm phát triển ngôn ngữ hiệu quả và đơn giản mà các bậc phụ huynh có thể tự áp dụng tại nhà cho trẻ. Thông qua hình ảnh, các con có thể dễ dàng hình dung được các sự vật, sự việc xung quanh. Đồng thời, trẻ cũng sẽ dần học được các từ vựng bổ ích dựa trên những hình ảnh thiết thực, điều này cũng giúp trẻ dễ dàng ghi nhớ và ứng dụng trong giao tiếp hiệu quả hơn.
Đối với những trẻ chậm nói, khả năng sử dụng ngôn ngữ còn gặp nhiều hạn chế hơn so với lứa tuổi thì các bậc phụ huynh có thể tìm mua các thẻ học với đa dạng những chủ đề khác nhau. Khi cho trẻ xem những hình ảnh đó, cha mẹ hãy chỉ cho trẻ cách gọi tên để trẻ mở rộng vốn từ ngữ tốt hơn.
Hoặc đơn giản, thông qua những đồ vật có sẵn xung quanh cuộc sống, cha mẹ hãy thường xuyên cho trẻ quan sát, giới thiệu về tên gọi, công dụng, màu sắc,…để trẻ học hỏi thêm nhiều từ ngữ thú vị và bổ ích. Nhờ vào việc quan sát hình ảnh, trẻ sẽ cảm thấy hứng thú hơn với mọi thứ xung quanh, kích thích sự tò mò và muốn học hỏi, tìm hiểu thêm nhiều từ ngữ mới mẻ hơn.
3. Đọc sách cho trẻ nghe
Khi nhắc đến cách dạy trẻ chậm phát triển ngôn ngữ thì nhiều người thường nghĩ ngay đến sách. Sách chính là kho tàng kiến thức quý giá của toàn nhân loại và nó cũng là một trong các phương pháp hiệu quả có thể giúp trẻ nhỏ phát triển ngôn ngữ, giao tiếp một cách nhanh chóng, tạo nền tảng vững chắc để trẻ rèn luyện tốt các kỹ năng quan trọng.
Các bậc phụ huynh nên lựa chọn những quyển sách, truyện tranh phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Các cuốn sách cũng nên có nhiều hình ảnh, màu sắc minh họa hấp dẫn để thu hút sự quan tâm, thích thú ở trẻ. Khi đọc sách, kể chuyện cùng trẻ, cha mẹ cũng nên sử dụng tông giọng lôi cuốn, đóng vai nhiều nhân vật khác nhau để trẻ cảm thấy thú vị hơn.
Các chuyên gia khuyến khích rằng, mỗi ngày cha mẹ nên dành ra một khung giờ để cùng trẻ khám phá những câu chuyện có trong sách. Đồng thời, cũng nên tôn trọng nhu cầu và sở thích của trẻ, không nên quá bắt ép trẻ phải đọc sách liên tục trong nhiều giờ liền mà hãy tạo ra không gian thoải mái, tích cực để trẻ cảm thấy dễ chịu hơn, từ đó cũng dễ dàng tiếp thu hơn.
4. Phát triển ngôn ngữ bằng âm nhạc
Để giúp trẻ phát triển ngôn ngôn ngữ một cách vượt bậc, cha mẹ cũng nên cho con tiếp xúc với âm nhạc ngay khi còn bé. Các bậc phụ huynh hãy hát cho con nghe hoặc bật cho con nghe những bản nhạc thiếu nhi với giai điệu vui nhộn, lời lẽ đơn giản, dễ hiểu. Bằng những giai điệu hấp dẫn, trẻ nhỏ có thể dễ dàng tiếp thu và ghi nhớ một cách hiệu quả hơn, đồng thời trẻ cũng có xu hướng lẩm nhẩm hát theo lời bài hát và dần gia tăng vốn từ.
Nhà nghiên cứu Nina Kraus – chủ nhiệm phòng thí nghiệm Auditory Neurosciences của Đại học Northwestern Illinois (Mỹ) từng chia sẻ rằng, khi con người nghe một âm thanh nào đó thì sóng não sẽ có khả năng ghi âm lại và phản xạ bằng một âm thanh tương tự như thế. Do đó, việc cho trẻ nhỏ nghe nhạc cũng góp phần lớn trong việc phát triển ngôn ngữ, cải thiện khả năng giao tiếp linh hoạt ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Ngoài lợi ích giúp gia tăng vốn từ, âm nhạc còn hỗ trợ trẻ rèn luyện kỹ năng lắng nghe, phân tích, ghi nhớ. Khi được nghe những âm thanh, giai điệu, tiết tấu đúng với sở thích, trẻ nhỏ sẽ có sự tò mò và thích khám phá nhiều hơn. Đồng thời, nhờ vào âm nhạc mà trẻ cũng dễ dàng rèn luyện phát âm ngay từ nhỏ, tránh được tình trạng nói ngọng, nói đớt.
5. Khuyến khích trẻ tự giải quyết nhu cầu
Một trong nhiều lý do khiến trẻ nhỏ hiện nay bị chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ đó chính là sự bao bọc, giúp đỡ quá mức từ cha mẹ, người thân. Đôi khi trẻ chỉ cần cau mày, la hét, khóc lóc một chút thì cha mẹ đã vội vàng đáp ứng ngay những yêu cầu của trẻ, thậm chí có thể thay trẻ giải quyết mọi nhu cầu khi trẻ chưa lên tiếng.
Điều này khiến cho một số trẻ không ý thức được rõ ràng về mức độ quan trọng của lời nói, từ đó trẻ trở nên lười nói, không muốn giao tiếp với mọi người xung quanh. Do đó, cách tốt nhất để dạy trẻ chậm phát triển ngôn ngữ đó chính là khuyến khích và tạo cơ hội để trẻ được tự giải quyết các vấn đề của riêng mình.
Ví dụ, khi trẻ muốn uống nước, cha mẹ hãy chỉ cho con cách để tự lấy nước uống hoặc dạy con nói “Nước”, “Uống nước”, “Con muốn uống nước”, sau đó mới bắt đầu đáp ứng nguyện vọng của trẻ. Nhiều lần như thế, trẻ nhỏ sẽ nhận thức được rằng, khi trẻ nói ra nhu cầu và mong muốn của bản thân, trẻ sẽ được đáp ứng một cách tốt nhất, từ đó trẻ cũng sẽ cố gắng hơn trong việc học ngôn ngữ và nói tốt hơn.
6. Tạo cơ hội để trẻ giao lưu
Để con có thể phát triển một cách toàn diện, đặc biệt là kỹ năng sử dụng ngôn ngữ thì các bậc phụ huynh cũng cần tạo cho con môi trường sống lành mạnh, mở ra những cơ hội để con được gặp gỡ, giao lưu với nhiều bạn bè xung quanh. Đôi khi việc giao tiếp với người lớn khiến trẻ không cảm thấy quá hứng thú bằng việc có thể vui chơi, trò chuyện cùng các bạn đồng trang lứa.
Vì thế, cha mẹ hãy tích cực cho con được giao tiếp với những người xung quanh, tạo cho con môi trường vui chơi, phát triển thoải mái. Trẻ nhỏ khi được cùng chơi đùa, tương tác với nhau sẽ thúc đẩy tốt khả năng phát triển ngôn ngữ, trẻ cũng dễ dàng học hỏi từ bạn bè và muốn trò chuyện nhiều hơn nữa.
Các bậc phụ huynh có thể cho con đến chơi tại các khu vui chơi, công viên giải trí hoặc đơn giản là cùng giao lưu với các trẻ nhỏ gần nhà, xung quanh nơi ở. Trong lúc con tương tác với bạn bè, cha mẹ nên ngồi quan sát để có thể hỗ trợ hoặc cùng vui đùa với con, từ đó cũng tạo nên sự gần gũi giữa cha mẹ và con cái.
7. Hạn chế cho trẻ sử dụng điện thoại
Với sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc của công nghệ, hiện nay phần lớn những trẻ nhỏ đã có cơ hội được tiếp xúc sớm với các thiết bị điện tử. Mặc dù những thiết bị này mang đến nhiều lợi ích cho đời sống và cả sự phát triển của trẻ, tuy nhiên việc lạm dụng quá mức cũng chính là một trong các lý do phổ biến nhất khiến trẻ nhỏ chậm nói.
Chính vì thế, trong quá trình dạy trẻ chậm ngôn ngữ, các bậc phụ huynh cũng nên chú ý nhiều đến việc quản lý thời gian sử dụng điện thoại, tivi, iPad,…của trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi không nên cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị này. Theo nghiên cứu, khi trẻ nhỏ xem điện thoại quá nhiều sẽ khiến trẻ giảm đi nhu cầu được tương tác trực tiếp, từ đó khả năng ngôn ngữ dần bị hạn chế.
Thay vào đó, các bậc phụ huynh nên tăng cường thời gian để trẻ được trải nghiệm những hoạt động thư giãn, giải trí lành mạnh. Cha mẹ có thể khuyến khích con cùng tham gia vào các công việc hàng ngày như lau dọn nhà cửa, sắp xếp đồ đạc,…hoặc cùng con chơi những món đồ chơi như lego, xếp hình, vẽ tranh,…Tùy vào độ tuổi và khả năng của trẻ, các bậc phụ huynh hãy tạo ra nhiều hoạt động bổ ích, phù hợp để trẻ vừa được thư giãn, vừa có thể học tập, phát triển toàn diện nhất.
8. Không cười nhạo lời nói của trẻ
Khi mới bập bẹ biết nói, trẻ nhỏ sẽ khó có thể phát âm không chuẩn, nói ngọng, nói không rõ từ,…Tuy nhiên, cha mẹ tuyệt đối không nên cười nhạo, chê bai trước lời nói của trẻ. Cũng bởi, nếu trẻ bị chê cười, trẻ sẽ dần hình thành tâm lý xấu hổ và không muốn tiếp tục sử dụng lời nói nữa, từ đó sẽ khiến cho tình trạng chậm nói của trẻ càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Do đó, lời khuyên tốt nhất dành cho các bậc phụ huynh đang có con trong giai đoạn tập nói đó chính là thường xuyên khuyến khích, động viên trẻ nói nhiều hơn. Nếu trẻ nói chưa đúng hoặc sử dụng từ ngữ không phù hợp với hoàn cảnh, tình huống thì cha mẹ nên nhẹ nhàng phân tích, chỉnh sửa để trẻ có thể khắc phục tốt hơn.
Đồng thời, để gia tăng sự hứng thú của trẻ, cha mẹ cũng có thể đưa ra những phần thưởng nhỏ để trẻ có thể cố gắng hơn. Ví dụ, để có được một cái bánh mà trẻ yêu thích, trẻ cần phải nói được vài từ đơn giản như “bánh”, “ăn bánh”, “bánh ngọt”,…Khi trẻ nói được, cha mẹ cũng đừng quen dành cho trẻ những lời khen, những tràng vỗ tay để khích lệ tinh thần học hỏi của trẻ.
9. Tường thuật việc bạn đang làm bằng lời nói
Trẻ nhỏ rất thích khám phá những điều mới mẻ xoay quanh cuộc sống, trẻ rất tò mò về những điều xung quanh nên các bậc phụ huynh hãy luôn chia sẻ và tường thuật lại những công việc hàng ngày bằng lời nói để giúp trẻ hiểu, học hỏi tốt hơn. Ví dụ, khi bạn đang nấu ăn, hãy nói cho trẻ nghe “Mẹ đang nấu ăn, hôm nay mẹ sẽ làm món cá chiên nhé”. Khi trẻ vừa quan sát, vừa lắng nghe, trẻ cũng sẽ hiểu rõ hơn về hoạt động đó, ghi nhớ từ ngữ và ứng dụng hiệu quả hơn.
Trong giai đoạn này, cha mẹ hãy cố gắng dạy con học nói thông qua những hoạt động quen thuộc, gần gũi xoay quanh đời sống hàng ngày. Trẻ sẽ dễ dàng hiểu rõ những khái niệm, từng bước mở rộng vốn từ của bản thân để có thể giao tiếp, tương tác hiệu quả hơn với những người xung quanh.
10. Luôn trả lời trẻ
Với xã hội hiện đại ngày nay, con người phải đối mặt với rất nhiều áp lực trong cuộc sống và phần lớn các bậc cha mẹ đều phải dành thời gian để lo cơm áo gạo tiền. Nhiều bậc phụ huynh do quá bận rộn nên quên lãng đi việc phải cùng con trưởng thành. Tuy nhiên, trong những tháng năm đầu đời, con cái luôn rất cần sự quan tâm, dạy dỗ và yêu thương từ chính những bậc sinh thành.
Đặc biệt là những trẻ đang gặp vấn đề về phát triển ngôn ngữ, nếu trẻ không được tương tác, giao tiếp tốt thì trẻ sẽ khó có thể cải thiện được khả năng sử dụng lời nói. Vì thế, để dạy trẻ chậm phát triển ngôn ngữ hiệu quả, cha mẹ nên quan tâm và luôn kiên nhẫn để trả lời những thắc phản của trẻ. Trẻ cần được phản hồi một cách tích cực, chính xác nhất để duy trì sự giao tiếp qua lại, từ đó thúc đẩy tốt khả năng ngôn ngữ.
Bài viết trên đây đã chia sẻ về những thông tin bổ ích giúp bạn có thể biết thêm những cách dạy trẻ chậm phát triển ngôn ngữ hiệu quả, đơn giản ngay tại nhà. Tuy nhiên, khi nhận thấy dấu hiệu chậm nói ở trẻ, các bậc phụ huynh cũng cần cho trẻ đến thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa uy tín để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất của bác sĩ.
Có thể bạn quan tâm:
- 6 phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non hiệu quả
- 5 Cách dạy trẻ bị rối loạn ngôn ngữ cha mẹ nên áp dụng ngay
- Những đồ chơi cho trẻ chậm nói giúp bé phát triển ngôn ngữ
- 5 Cách dạy trẻ bị rối loạn ngôn ngữ cha mẹ nên áp dụng ngay
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!