Chứng khó học ở trẻ: Dấu hiệu, Chẩn đoán và Can thiệp sớm
Chứng khó học ở trẻ là một căn bệnh liên quan đến khả năng học tập, tiếp thu của trẻ nhỏ khiến cho nhiều bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng. Tình trạng này nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến kết quả học tập, khiến trẻ bị thụt lùi so với các bạn cùng trang lứa.
Chứng khó học ở trẻ là gì?
Chứng khó học hay còn được nhiều người biết đến với tên gọi khác là rối loạn học tập. Tình trạng này thường xuyên xảy ra ở trẻ nhỏ và gây nên nhiều cản trở đối với quá trình học tập, trẻ khó có thể tiếp thu kiến thức theo các phương pháp giáo dục thông thường.
Trẻ nhỏ mắc phải chứng bệnh này sẽ đối diện với một vài rối loạn nhất định làm cho trẻ không thể học, hiểu và ghi nhớ nhanh chóng các thông tin vừa được truyền đạt. Các biểu hiện của căn bệnh này thường sẽ phát triển và rõ ràng hơn khi trẻ đến tuổi đi học.

Theo đó, chứng khó học sẽ gây ảnh hưởng chủ yếu đến 3 lĩnh vực học tập, cụ thể đó là viết, đọc và tính toán. Đây đều là những nền tảng cần thiết và quan trọng đối với mỗi đứa trẻ, vì thế khi mắc chứng bệnh này, trẻ nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn trong đời sống.
Các kết quả lấy từ thống kê nhận thấy rằng, chứng rối loạn học tập ở trẻ nhỏ đang là một trong các vấn đề phổ biến đáng được quan tâm. Trong đó, rối loạn viết chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng gần 20%), kế đó là rối loạn đọc (khoảng hơn 15%), rối loạn tính toán (khoảng gần 6%),…
Theo như chia sẻ của Viện trưởng Viện Di truyền Y học – GS. Trương Đình Kiệt thì chứng khó học được xếp vào các biểu hiện bất thường của chứng rối loạn thần kinh. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến gần 15% các trẻ em đang ở độ tuổi đến trường và kéo dài dai dẳng nếu không có biện pháp can thiệp phù hợp.
Tại Hoa Kỳ, hiện đang có khoảng 2.9 triệu người mắc phải chứng rối loạn học tập. Tuy nhiên, tại Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ số liệu thống kê chính xác nào về tình trạng đáng được quan tâm này.
Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc chứng khó học
Hiện nay, chứng khó học đang ngày càng ảnh hưởng sâu rộng đến khả năng học tập và làm cản trở sự phát triển tự nhiên của mỗi đứa trẻ. Tuy nhiên, các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh lại khá khó nhận biết khiến cho nhiều bậc phụ huynh cảm thấy vô cùng lo ngại.
Thông thường, những trẻ khó học sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu các thông tin, khó đọc, viết, tính toán tốt như các bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên, ở mỗi đứa trẻ lại có những biểu hiện khác nhau cần phải chú ý quan sát trong một thời gian mới có thể phát hiện được cụ thể.
Nhiều bậc phụ huynh khi nhận thấy con bị hạn chế về khả năng học tập thường cho rằng do trẻ kém thông minh, chậm tiếp thu hơn các bạn. Thậm chí có nhiều trường hợp cho rằng trẻ lười biếng, không chịu cố gắng nên mới có thành tích thua kém bạn bè.

Chính vì thế, để có thể phân biệt và kịp thời phát hiện các dấu hiệu cảnh báo về chứng khó học, các bậc phụ huynh nên nắm rõ những biểu hiện đặc trưng sau đây:
- Khả năng ghi nhớ kém, hay quên. Trẻ không thể ghi nhớ được một lượng thông tin quá lớn, có thể mau quên những gì đã được truyền đạt trước đó.
- Thường xuyên mất tập trung, không thể chú ý vào những công việc đang thực khiến cho quá trình học tập dễ bị gián đoạn.
- Trẻ gặp vấn đề và hạn chế về khả năng đọc viết so với các bạn cùng lứa tuổi. Trẻ không thể ghi nhớ và phân biệt các mặt chữ cái, khó có thể đọc và phát âm đúng các từ ngữ. Từ đó kéo theo việc trẻ không thể viết hoặc liên tục viết sai chính tả, không dùng đúng ngữ pháp câu,…
- Khó khăn trong việc tính toán, không thể đếm số, tính nhẩm, thực hiện các phép tính dù là đơn giản. Những đứa trẻ này cũng sẽ bị hạn chế về khả năng học toán, không thể nhận biết và sử dụng đúng các kí hiệu toán học, không thuộc bảng cửu chương, không phân biệt được chữ số,…
- Trẻ khó có thể tuân thủ và thực hiện theo một nguyên tắc, kế hoạch nhất định.
- Trẻ mắc chứng khó học thường sẽ vụng về, các hành động và cử chỉ đều hơi lúng túng, không tự tin, dứt khoát.
- Không có khả năng để lên kế hoạch, sắp xếp các công việc hay thời gian trong ngày theo đúng quy trình.
- Trẻ rối loạn học tập cũng không thể đúng chính xác giờ được biểu thị trên đồng hồ.
Các biểu hiện của chứng khó học ở trẻ có thể biểu hiện rõ ràng nhưng lại dễ bị nhầm lẫn với tình trạng kém thông minh, chậm phát triển. Do đó, các bậc phụ huynh cần quan tâm, chú ý nhiều hơn ở trẻ để có thể kịp thời nhận biết các biểu hiện bất thường, từ đó tiến hành thăm khám và có biện pháp can thiệp đối với trẻ.
Nguyên nhân gây ra chứng khó học ở trẻ
Theo chia sẻ của các nhà nghiên cứu thì chứng khó học ở trẻ có thể là bẩm sinh hoặc khởi phát trong quá trình phát triển. Đây được xem là một chứng rối loạn phát triển thần kinh thường xuất hiện từ rất sớm, ngay khi thời thơ ấu và biểu hiện rõ ràng ở tuổi đến trường.
Thông thường, các khó khăn về mặt học tập sẽ có liên quan đến những vấn đề tổn thương, rối loạn ở hệ thống hệ thần kinh, cấu trúc não bộ bị ảnh hưởng và tác động. Tình trạng này gây cản trở đến quá trình tiếp cận, xử lý thông tin của trẻ nhỏ, khiến cho trẻ không thể truyền đạt thông tin một cách nhanh chóng.

Bên cạnh đó, các chuyên gia còn đề cập thêm các yếu tố ảnh hưởng từ di truyền, chẳng hạn như tình trạng mẹ bầu mắc phải các bệnh nguy hiểm hoặc sử dụng các loại thuốc độc hại trong quá trình mang thai. Các biến chứng trong và sau thai kỳ cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng não bộ của trẻ nhỏ.
Ngoài ra, nếu trẻ sinh non, sinh nhẹ cân hoặc mắc phải các vấn đề vàng da, suy hô hấp sau sinh thì cũng có nhiều khả năng khởi phát chứng khó học. Đồng thời, nếu trong quá trình phát triển, trẻ nhỏ bị tác động bởi các yếu tố môi trường, thường xuyên tiếp xúc với những chất độc hại, nhiễm khuẩn hệ thần kinh, suy dinh dưỡng, hoàn cảnh thiếu thốn thì nguy cơ mắc bệnh cũng tăng cao.
Chẩn đoán chứng khó học ở trẻ
Thông thường, một trẻ được nghi ngờ và xác định mắc chứng khó học là khi trẻ có sự chênh lệch giữa thành tích học tập và tiềm năng học tập của bản thân. Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp trẻ bị rối loạn học tập nhưng bị phớt lờ, cho qua bởi nhiều người cho rằng trẻ kém thông minh, lười nhác.
Tuy nhiên, khi nhận thấy các biểu hiện bất thường và sự khác biệt quá lớn đối với việc học tập của trẻ thì các bậc phụ huynh cũng nên nhanh chóng cho trẻ tiến hành thăm khám, chẩn đoán chính xác. Nếu nghi ngờ trẻ mắc chứng khó học, các chuyên gia, bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá toàn diện về khả năng nhận thức, tư duy, ngôn ngữ, lời nói, hành vi, cảm xúc, y tế của trẻ nhỏ.

Việc chẩn đoán chứng khó học ở trẻ thường sẽ được dựa theo bảng Chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần,Tái bản lần thứ năm (DSM-5). Các biểu hiện tiêu chuẩn để chẩn đoán trẻ bị rối loạn học tập như:
- Khó đánh vần
- Phát âm không chuẩn, không chính xác
- Chậm và tốn rất nhiều thời gian để đọc
- Khó viết, viết sai chính tả, sai cú pháp, không biết dùng dấu câu, diễn tả câu văn rời rạc, không có nghĩa.
- Không hiểu rõ về các con số, phép toán, không phân biệt được sự lớn nhỏ trong toán học, số lượng.
- Gặp nhiều khó khăn trong việc lập luận toán học, không hiểu các khái niệm, không biết cách sử dụng các kí hiệu toán học.
Nếu trẻ có ít nhất một trong các rối loạn nêu trên và chúng kéo dài dai dẳng trên 6 tháng dù đã được can thiệp và điều trị thì có nhiều khả năng trẻ đang mắc phải chứng khó học. Lúc này các bậc phụ huynh cần kết hợp cùng với bác sĩ chuyên khoa để tìm ra được biện pháp can thiệp, khắc phục hiệu quả dành cho trẻ.
Các can thiệp sớm đối với trẻ mắc chứng khó học
Như đã chia sẻ, việc nhận biết và chẩn đoán chứng khó học ở trẻ nhỏ không phải là một điều dễ dàng. Cũng bởi, trí thông minh và khả năng học tập, tiếp thu của mỗi trẻ là khác nhau nên khó có thể đánh giá một trẻ bị rối loạn học tập dựa vào kết quả học của trẻ.
Thông thường, đối với những trẻ bị chậm phát triển trí tuệ sẽ có chỉ số IQ thấp hơn so với mức bình thường. Tuy nhiên, trẻ khó học lại khác hoàn toàn, một số trẻ vẫn có IQ tốt nhưng do bị ảnh hưởng của bệnh nên trẻ không thể phát huy một cách toàn diện.
Không ít các trường hợp khi nhận thấy kết quả học tập của trẻ yếu kém, trẻ chậm tiếp thu đã vội vã cho rằng trẻ lười học, cha mẹ không chú trọng đến việc học của trẻ hay trẻ mắc phải các khuyết tật trí tuệ. Chính sự suy đoán sai lầm này đã dẫn đến việc áp dụng các biện pháp can thiệp không phù hợp hoặc thậm chí có nhiều bậc phụ huynh liên tục thúc ép, tạo áp lực học tập ở trẻ nhỏ.

Vì thế, nếu nhận thấy các biểu hiện khó học và nghi ngờ trẻ đang mắc chứng rối loạn học tập thì các bậc phụ huynh cần cho con tiến hành thăm khám. Sau khi trẻ được chẩn đoán mắc chứng khó học thì bạn nên áp dụng các biện pháp can thiệp sau đây:
1. Tìm kiếm phương pháp học phù hợp cho trẻ
Trẻ mắc chứng khó học sẽ gặp nhiều trở ngại trong việc học tập và tiếp thu kiến thức theo các phương pháp phổ biến. Chính vì thế, để trẻ có thể trau dồi kiến thức tốt hơn thì các bậc phụ huynh cần tìm ra phương pháp học phù hợp và hiệu quả đối với trẻ.
Thông qua quá trình quan sát việc đọc, viết, tiếp cận thông tin của trẻ, các bậc phụ huynh hãy liệt kê và thử áp dụng các biện pháp giáo dục cho trẻ nhỏ. Có thể bạn sẽ không đạt được thành công ngay từ lần đầu áp dụng. Tuy nhiên, hãy cố gắng kiên trì và nhẫn nại để thay đổi từng biện pháp khác nhau để tìm ra cách dạy trẻ hiệu quả nhất.
Khi bạn đã có thể tìm được cách giúp trẻ học tập tốt thì bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc nâng cao thành tích học tập cho trẻ nhỏ. Có thể trẻ rối loạn học tập sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc học hỏi thông qua thính giác nhưng lại linh hoạt hơn trong việc tiếp cận qua thị giác, xúc giác.
Cụ thể, bạn có thể cho trẻ xem các video, hình ảnh hoặc các đồ vật thực tế để trẻ có thể gọi tên, ghi nhớ hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể hỗ trợ con bằng cách sử dụng các kí hiệu, dòng chữ, hình ảnh đầy màu sắc để con có thể được kích thích và hiểu rõ hơn về những thông tin chính cần nắm bắt.
2. Giúp trẻ xây dựng khả năng nhận thức, nâng cao tự tin
Những đứa trẻ mắc chứng khó học sẽ cảm thấy vô cùng tự tin bởi trẻ cho rằng mình kém thông minh, không thể sánh bằng các bạn cùng trang lứa. Chính vì thế, nhiều trẻ có xu hướng sợ trường học, sợ phải học tập các kiến thức, thông tin mới.
Trẻ dễ hình thành tâm lý lo sợ, căng thẳng quá mức và liên tục nghi ngờ về năng lực của chính bản thân. Một số trẻ còn tự thu mình, ngại tiếp xúc và e ngại việc người khác sẽ cười chê, chế nhạo mình.
Do đó, để hỗ trợ trẻ, các bậc phụ huynh nên trò chuyện, chia sẻ với trẻ nhiều hơn. Từ thói quen này, bạn cũng sẽ dễ dàng khai thác tốt về những cảm xúc, suy nghĩ và mong muốn của trẻ. Đồng thời, các ông bố bà mẹ cũng có thể nhận thấy được các ưu và nhược điểm của trẻ nhỏ.
Sau khi nắm được các thông tin đó, bố mẹ cũng nên bắt đầu giao cho con những nhiệm vụ, công việc đơn giản và phù hợp với năng lực của con. Khi con có thể hoàn thành tốt điều đó, con cũng sẽ cần tự tin hơn về khả năng của mình. Lúc này bạn cũng đừng quên dành cho con những lời khen và động viên chân thành để con có thể cố gắng và nỗ lực hơn.
3. Hỗ trợ trẻ thay đổi lối sống lành mạnh
Thể trạng, các sinh hoạt đời sống và môi trường xung quanh cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập, tiếp thu của trẻ nhỏ. Chính vì thế, các bậc phụ huynh cũng nên chú ý để giúp trẻ dần xây dựng nên lối sống lành mạnh, tích cực hơn.
Cụ thể một số điều cần làm cho trẻ như:
- Tạo nhiều điều kiện để trẻ tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp với sở thích, năng lực của trẻ.
- Rèn luyện thói quen tập luyện thể dục thể thao. Mỗi ngày chỉ cần 30 phút tập luyện cũng có thể giúp trẻ nâng cao tốt sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, gia tăng sự tập trung và cải thiện khả năng sáng tạo, tư duy.
- Chú trọng đến chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ, tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe não bộ. Đồng thời hạn chế các món ăn chứa nhiều dầu mỡ, thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn.
- Giúp trẻ nâng cao chất lượng giấc ngủ, đảm bảo ngủ đủ giấc, ngủ đúng giờ.
- Cho trẻ được tiếp xúc, giao lưu cùng nhiều bạn bè mới để trẻ gia tăng sự tự tin và trong quá trình vui chơi, trẻ cũng dễ dàng học tập từ những điều bổ ích ở bạn bè.
4. Cho trẻ can thiệp tại các trường giáo dục chuyên biệt
Hiện nay có rất nhiều các trung tâm, trường học giáo dục chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ, trẻ chậm nói, chậm phát triển trí tuệ hay những trẻ mắc phải chứng khó học. Tại đây, trẻ nhỏ sẽ được chăm sóc, hướng dẫn và dạy dỗ bởi các giáo viên, chuyên gia giàu kinh nghiệm và có kiến thức sâu rộng về các tình trạng đặc biệt thường gặp ở trẻ nhỏ.
Đồng thời, trẻ cũng có thể gặp gỡ và kết nối với những bạn cùng trang lứa đang mắc phải căn bệnh giống mình, từ đó giảm bớt sự căng thẳng, lo lắng, tự ti để trở nên cởi mở, hòa đồng hơn. Trong thực tế, chứng khó học ở trẻ chỉ gây cản trở trong quá trình học tập, trẻ nhỏ vẫn có khả năng sinh hoạt, giao tiếp như những đứa trẻ khác.
Tùy vào tình trạng và mức độ nghiêm trọng của mỗi đứa trẻ mà giáo viên sẽ cân nhắc để đưa ra liệu pháp can thiệp phù hợp nhất. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng nên đồng hành và phối hợp tốt với chuyên gia để có thể hỗ trợ trẻ một cách hiệu quả nhất, giúp trẻ dần nâng cao được khả năng học tập của bản thân.
Trên đây là một số thông tin chia sẻ về chứng khó học thường gặp ở trẻ nhỏ. Tình trạng này gây nên nhiều cản trở trong quá trình học tập và phát triển của mỗi đứa trẻ nên các bậc phụ huynh cần phải tìm hiểu và nắm rõ các biểu hiện cảnh báo để kịp thời phát hiện, can thiệp cho trẻ.
Có thể bạn quan tâm:
Bình luận (1)