Trẻ tự kỷ có nói được không? Cách giúp bé phát triển ngôn ngữ
Tự kỷ là một chứng rối loạn phát triển thần kinh được đặc trưng bởi sự hạn chế, khiếm khuyết về khả năng giao tiếp, tương tác xã hội. Chính vì thế, trẻ tự kỷ có nói được không là vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm hàng đầu.
Trẻ tự kỷ có nói được không?
Tự kỷ hay còn được gọi là rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disoder – ASD) là một trong các hội chứng rối loạn liên quan đến thần kinh thường gặp ở trẻ nhỏ. Các triệu chứng của tự kỷ thường khởi phát từ rất sớm, trước năm 3 tuổi và kéo dài dai dẳng cho đến khi trưởng thành hoặc thậm chí cả đời.
Phần lớn những trẻ nhỏ mắc phải tự kỷ sẽ liên tục đối diện với các trở ngại về giao tiếp, hành vi và khả năng tương tác xã hội yếu kém. Theo chia sẻ của các chuyên gia thì đây chính là tình trạng khiếm khuyết phát triển có liên quan đến những sự bất thường của não bộ và kéo dài vĩnh viễn.
Trẻ tự kỷ gặp rất nhiều trở ngại trong việc giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ. Trẻ khó có thể kết nối, tương tác với những người xung quanh bằng hầu hết các hình thức khác nhau từ giao tiếp lời nói, hành động, ánh mắt.
Cũng chính vì thế mà nhiều bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng, liên tục đưa ra thắc mắc về việc trẻ tự kỷ có nói được không. Trong thực tế, khả năng nói chuyện của trẻ tự kỷ còn phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, chủ yếu là mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Dựa vào nhiều khảo sát thực tế nhận thấy rằng, phần lớn những trẻ tự kỷ thường ít nói, trẻ chậm nói hoặc thậm chí không thể nói được. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp trẻ nhỏ vẫn có thể sử dụng ngôn ngữ, giao tiếp bằng lời nói với những người xung quanh nhưng vốn từ bị hạn chế hơn so với bình thường.
Số liệu thống kê cho biết, có đến hơn 40% các trường hợp trẻ tự kỷ không nói chuyện, không giao tiếp bằng lời nói trong một khoảng thời gian dài nếu không được hỗ trợ, can thiệp tốt. Bên cạnh đó, cũng có khoảng gần 30% số trẻ ASD có thể nói được một vài từ đơn giản, dễ hiểu khi trẻ hơn 1 tuổi nhưng sau đó có khả năng biến mất.
Ngoài ra, cũng có không ít trẻ tự kỷ chậm nói hoặc không nói bất cứ từ ngữ nào cho đến năm 3-4 tuổi nhưng sau khi lớn lên trẻ vẫn có thể nói chuyện và phát triển ngôn ngữ. Đặc biệt có không ít các trường hợp trẻ ASD có khả năng ghi nhớ tốt vốn từ, từ ngữ của trẻ vô cùng phong phú nhưng cách diễn đạt lại bị hạn chế, không rõ ràng, mạch lạc.
Như vậy có thể thấy rằng, phần lớn trẻ tự kỷ đều bị hạn chế về khả năng giao tiếp nhưng khó có thể xác định rằng trẻ tự kỷ có thể nói được hay không bởi mỗi tình trạng là mỗi đặc trưng riêng biệt. Tốt nhất các bậc phụ huynh nên quan tâm và kịp thời cho trẻ thăm khám để được hỗ trợ, tư vấn can thiệp hiệu quả cho trẻ ngay trong giai đoạn sớm.
Cách nói của trẻ tự kỷ có gì khác thường?
Như đã chia sẻ, trẻ tự kỷ gặp phải nhiều khó khăn và cản trở trong việc giao tiếp, tương tác xã hội với mọi hình thức khác nhau. Một số trẻ vẫn có khả năng học hỏi và ghi nhớ tốt các vốn từ nhưng vẫn không thể diễn đạt nó một cách trôi chảy, rõ ràng.
Bạn sẽ dễ nhận thấy rằng, những trẻ tự kỷ dù biết nói nhưng cách nói của trẻ có phần hơi khác thường. Giọng nói của trẻ thường to, không có âm đều, tiếng nói đều đều, vô cảm hoặc thậm chí có những trẻ liên tục nói lắp, nói ngọng, nói lơ lớ, khàn giọng, phát âm không rõ ràng.
Nếu chú ý quan sát, các bậc phụ huynh có thể nhận biết được sự bất thường trong lời nói của trẻ bởi trẻ tự kỷ khó có thể tự kiểm soát được giọng nói, cách nói chuyện của mình. Ví dụ như, bạn có thể thấy con liên tục nói chuyện, phát ra tiếng ồn ở những nơi không phù hợp như rạp chiếu phim, thư viện, các cuộc họp, chen ngang vào lời nói của người khác,….
Hơn thế, trẻ tự kỷ cũng có nhiều khả năng sử dụng từ ngữ không phù hợp với hoàn cảnh, cách sắp xếp câu lộn xộn, hay bỏ từ khi nói,…Khi giao tiếp với những người xung quanh, trẻ cũng khó có thể hiểu được những ngôn ngữ hình thể của người khác, không thể quan tâm và biết rõ về các biểu cảm trên gương mặt của đối phương.
Mặc dù vẫn có thể nói và giao tiếp nhưng trẻ tự kỷ sẽ luôn né tránh ánh mắt của người đối diện. Đồng thời, đôi khi trẻ cũng có những cử chỉ, hành vi khác lạ, không phù hợp với lời nói khi đang trò chuyện, chẳng hạn như gật đầu khi nói từ chối, cười khi nói về chuyện không vui.
Đặc biệt hơn, trẻ tự kỷ thường không có nhu cầu được chia sẻ, tương tác với mọi người xung quanh. Trẻ có thể nói nhưng không nhằm mục đích để giao tiếp với những người bên cạnh.
Phần lớn trẻ chỉ có hứng thú trò chuyện về một hoặc một số vấn đề, chủ đề mà trẻ cảm thấy yêu thích và quan tâm. Đồng thời, khi nói chuyện, trẻ cũng sẽ không quá quan tâm đến cảm xúc và nhu cầu của người nghe. Trẻ có thể nói luyên thuyên về một chủ đề trong khi người đối diện hoàn toàn không muốn tiếp thu.
Một số trẻ tự kỷ khác sẽ có nhiều xu hướng bắt chước và nhại lại lời của người khác. Khi nghe một ai đó nói, trẻ có thể nhại lại mà không cần biết đến ý nghĩa, trẻ hoàn toàn không hiểu được nội dung của lời nói đó.
Ngoài ra, phong cách nói chuyện của trẻ cũng có thể không phù hợp với độ tuổi. Nhiều trẻ tuy chỉ mới 5-10 tuổi nhưng cách nói chuyện có thể già dặn hơn rất nhiều. Trẻ có thể nói chuyện từ tốn, điềm đạm, sử dụng từ ngữ giống như “ông cụ non”.
Trẻ tự kỷ có thể gặp khó khăn trong việc giao tiếp, hiểu và diễn đạt bằng lời nói. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ sẽ có cách biểu hiện khác nhau nên các bậc phụ huynh cần chú ý quan sát để có thể kịp thời hỗ trợ, điều chỉnh tốt cho trẻ.
Vì sao trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong giao tiếp?
Một số trẻ tự kỷ có thể nói chuyện, giao tiếp và tương tác với mọi người xung quanh nhưng khả năng hiểu và diễn đạt vẫn gặp nhiều hạn chế. Song song với đó phần lớn những trẻ tự kỷ ít hoặc không nói chuyện, không sử dụng lời nói và cả các hình thức để giao tiếp khác.
Việc trẻ tự kỷ không nói có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể một số yếu tố tác động như:
- Sự bất thường về hoạt động của não bộ gây nên tình trạng rối loạn thần kinh. Điều này khiến cho khả năng nói và bắt chước từ ngữ, âm thanh của trẻ nhỏ bị cản trở và suy giảm nghiêm trọng.
- Tự kỷ mức độ nặng, các rối loạn não bộ và khiếm khuyết nặng sẽ khiến cho khả năng nói của trẻ bị giảm sút.
- Mức độ tự kỷ tăng dần theo thời gian chính là lý do khiến cho nhiều trẻ nói được vào những năm đầu đời nhưng sau đó dần mất đi ngôn ngữ.
Tuy nhiên, nếu có thể phát hiện và can thiệp ở giai đoạn sớm thì trẻ tự kỷ vẫn có nhiều khả năng phát triển ngôn ngữ, giao tiếp, tương tác bằng lời nói với mọi người xung quanh. Tuy rằng tự kỷ không thể điều trị dứt điểm nhưng các biện pháp can thiệp có thể giúp trẻ cải thiện và nâng cao các khiếm khuyết, hòa nhập tốt hơn trong cộng đồng.
Cách giúp trẻ tự kỷ phát triển ngôn ngữ cha mẹ nên biết
Các bậc phụ huynh không nên lo lắng quá nhiều về việc trẻ tự kỷ có nói được hay không bởi tình trạng này có thể được can thiệp và hỗ trợ cải thiện tốt. Nếu có thể phát hiện ở giai đoạn sớm và áp dụng tốt các biện pháp điều trị, giáo dục phù hợp thì trẻ nhỏ vẫn có khả năng phát triển ngôn ngữ và nói chuyện, giao tiếp với mọi người xung quanh.
Bên cạnh việc thực hiện tốt theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa thì các bậc phụ huynh cũng nên chú ý cải thiện ngôn ngữ cho trẻ bằng các biện pháp tại nhà như:
- Kích thích nhu cầu giao tiếp của trẻ bằng cách đặt ra các câu hỏi liên quan đến sở thích, mong muốn của trẻ. Đồng thời, cha mẹ cũng nên hạn chế việc đáp ứng ngay các nguyện vọng của trẻ. Thay vào đó hãy dạy cho trẻ nói ra những nhu cầu của mình.
- Thường xuyên trò chuyện, dành thời gian để chia sẻ, quan tâm trẻ nhiều hơn. Giao tiếp trực tiếp được xem là phương pháp hiệu quả và được nhiều chuyên gia khuyến khích áp dụng cho trẻ tự kỷ chậm nói hoặc không nói.
- Kết hợp giữa việc chơi và học để trẻ cảm thấy hứng thú hơn. Trong quá trình chơi đùa cùng trẻ, cha mẹ cũng nên cặn kẽ giải thích và giới thiệu về màu sắc, tên gọi, cách chơi và hướng dẫn trẻ nói nhiều hơn.
- Sử dụng hình ảnh, tranh vẽ, đồ vật thực tế để trẻ có thể dễ dàng tiếp thu, học hỏi ngôn ngữ hiệu quả.
- Tạo cho trẻ nhiều điều kiện tham gia vào các hoạt động vui chơi ngoài chơi, cho trẻ tiếp xúc với nhiều bạn bè đồng trang lứa.
- Khi trò chuyện cùng trẻ, hãy cố gắng phát âm chuẩn, nói chậm, rõ ràng với những âm điệu phù hợp để trẻ có thể học hỏi tốt hơn.
- Thường xuyên kể chuyện hoặc cho trẻ nghe nhạc để kích thích nhu cầu nói và gia tăng vốn từ cho trẻ tự kỷ.
- Tránh việc nhại lại lời trẻ nói hoặc cười cợt, chế giễu cách nói chuyện của trẻ. Thay vào đó, các bậc phụ huynh và gia đình nên nhẹ nhàng hướng dẫn và động viên trẻ nói nhiều hơn, giúp trẻ tự tin hơn trong giao tiếp.
Trẻ tự kỷ bị hạn chế nhiều về khả năng giao tiếp, một số trẻ thậm chí không nói, không muốn tương tác với mọi người xung quanh gây nên nhiều cản trở trong đời sống. Tình trạng này cũng có thể được hỗ trợ tốt tại các trung tâm giáo dục chuyên biệt dành cho trẻ đặc biệt.
Tại đây trẻ tự kỷ sẽ được chăm sóc, giáo dục bằng các biện pháp chuyên biệt và phù hợp với từng tình trạng khác nhau. Tùy vào tình trạng rối loạn ngôn ngữ, khó nói của trẻ mà các giáo viên sẽ cân nhắc đưa ra giáo án giảng dạy riêng, giúp trẻ đáp ứng tốt nhất.
Trên đây là một số thông tin giúp bạn đọc giải đáp được thắc mắc “Trẻ tự kỷ có nói được không?”. Trẻ ASD tuy gặp nhiều khó khăn về giao tiếp nhưng nếu có thể can thiệp và giáo dục tốt ở giai đoạn sớm thì trẻ vẫn có thể phát triển tốt ngôn ngữ, giao tiếp và tương tác với mọi người xung quanh.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!