Rối loạn hoảng sợ ở trẻ em ảnh hưởng như thế nào?
Rối loạn hoảng sợ ở trẻ em là một dạng rối loạn lo âu phổ biến, có thể ảnh hưởng đến các bé ở mọi lứa tuổi. Những cơn hoảng loạn đột ngột và dữ dội có thể khiến con cảm thấy căng thẳng tột độ. Vậy nên nắm rõ về về ảnh hưởng của rối loạn này sẽ giúp phụ huynh có thể hỗ trợ trẻ vượt qua thách thức về tâm lý tốt hơn.
Rối loạn hoảng sợ ở trẻ em là gì?
Rối loạn hoảng sợ ở trẻ em xảy ra khi trẻ trải qua những cơn hoảng loạn đột ngột mà không có nguyên nhân cụ thể. Những cơn hoảng sợ này có thể kéo dài từ 5 – 10 phút, nhưng ảnh hưởng của chúng là rất nghiêm trọng.
Khác với những cơn sợ hãi bình thường, rối loạn hoảng sợ khiến trẻ trải qua nỗi sợ hãi tột độ, kèm theo các triệu chứng thể chất như run rẩy, tim đập nhanh. Thống kê cho thấy khoảng 1,6% dân số bao gồm cả trẻ em, mắc phải tình trạng này và tỷ lệ có xu hướng tăng trong những năm gần đây.
Cơn hoảng sợ có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, gây ra những tác động nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của trẻ. Do đó, việc nhận diện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp trẻ vượt qua rối loạn và phát triển một cách khỏe mạnh.
Nguyên nhân hình thành rối loạn hoảng sợ ở trẻ em
Rối loạn hoảng sợ ở trẻ em dù nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên nghiên cứu vẫn cho thấy có một số yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh, cụ thể như sau:
- Yếu tố di truyền: Nghiên cứu cho thấy rối loạn hoảng sợ ở trẻ có thể có tính chất di truyền nếu trong gia đình có người mắc chứng bệnh này. Tỷ lệ mắc phải ở trẻ có gia đình từng có tiền sử mắc bệnh là khoảng 24,7%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ chung ở dân số.
- Yếu tố sinh học: Sự bất thường trong não bộ như suy giảm các thụ cảm thể benzodiazepine ở thùy trước trán và hồi hải mã cũng liên quan đến rối loạn hoảng sợ. Nồng độ GABA tại vùng chẩm của trẻ mắc bệnh thường thấp hơn so với người bình thường khoảng 22%, chúng ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát cảm xúc và phản ứng với stress.
- Yếu tố môi trường: Những trải nghiệm sống tiêu cực trong quá trình phát triển như bị lạm dụng, bạo hành, tai nạn, có thể làm tăng nguy cơ mắc rối loạn hoảng sợ ở trẻ. Căng thẳng do học tập, mâu thuẫn gia đình cũng có thể kích thích hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng này.
- Sang chấn tâm lý: Trẻ em có thể phát triển rối loạn hoảng sợ sau khi trải qua các sự kiện gây căng thẳng lớn như bị nhốt trong phòng tối, chứng kiến các tình huống đáng sợ,…
Triệu chứng rối loạn hoảng sợ ở trẻ em cha mẹ cần lưu ý
Rối loạn hoảng sợ ở trẻ em thường được biểu hiện qua những triệu chứng sau đây một cách bất ngờ, không có dấu hiệu cảnh báo trước và có thể kéo dài từ vài phút đến 1 giờ:
Triệu chứng tâm lý điển hình:
- Sợ hãi tột độ: Trẻ thường cảm thấy sợ hãi không thể kiểm soát, lo lắng rằng mình sẽ phát điên, chết, mất kiểm soát.
- Khóc lóc và la hét: Trong cơn hoảng loạn, trẻ có thể khóc, la hét dữ dội và không thể kiểm soát cảm xúc.
- Có cảm giác mất bình tĩnh: Bé có thể có biểu hiện cáu kỉnh, bực bội, không thể tập trung, luôn ở trong trạng thái lo âu.
- Tránh né và tách biệt: Các con có thể tránh những nơi, hoàn cảnh đã gây hoảng loạn trước đó, hạn chế các hoạt động xã hội, tự cô lập mình.
- Sợ phải rời xa cha mẹ: Trẻ có thể có xu hướng bám chặt cha mẹ và sợ phải ra ngoài một mình, đặc biệt là nơi đông người.
- Tăng mức độ nhạy cảm: Bé có thể trở nên nhạy cảm hơn với các tình huống bình thường và dễ giật mình.
Triệu chứng thể chất:
- Cảm thấy khó thở, thở nông và thở dốc trong cơn hoảng loạn.
- Tim đập mạnh và nhanh, đôi khi có cảm giác đau thắt ngực
- Cơ thể trẻ có thể ra mồ hôi nhiều, đặc biệt ở tay và chân
- Cảm thấy chóng mặt, choáng váng, mất thăng bằng, đứng không vững
- Có triệu chứng đau bụng, buồn nôn và rối loạn tiêu hóa
- Thay đổi nhiệt độ cơ thể như cảm thấy cơ thể nóng bừng hoặc lạnh cóng một cách đột ngột
Những ảnh hưởng của rối loạn hoảng sợ ở trẻ em
Rối loạn hoảng sợ ở trẻ em không chỉ gây ra sự khó chịu ngay lập tức mà còn dẫn đến những hệ lụy lâu dài nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Sau đây là những hệ lụy cụ thể của tình trạng này:
- Trẻ có thể khó tập trung vào việc học, làm giảm khả năng tiếp thu kiến thức và kết quả học tập.
- Sự sợ hãi và lo âu khiến trẻ tránh né các hoạt động xã hội, dẫn đến việc không có bạn bè và sống khép kín.
- Trẻ có thể phát triển các ám ảnh như sợ không gian hẹp, sợ đi thang máy, sợ đi máy bay do rối loạn này liên quan đến các trường hợp đã gây hoảng sợ trước đó.
- Cảm giác lo âu và căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến nguy cơ trầm cảm và các vấn đề tâm lý khác như rối loạn lo âu và stress
- Khi trưởng thành, trẻ có thể khó tìm việc làm và duy trì các mối quan hệ cá nhân do năng lực kém và tâm lý không ổn định.
- Cảm giác liên tục đối mặt với nỗi hoảng sợ làm suy giảm chất lượng cuộc sống và khả năng sinh hoạt bình thường của trẻ.
- Trẻ trở nên nhạy cảm, dễ bị kích động và có hành vi bốc đồng, không phù hợp với độ tuổi.
- Phụ thuộc quá mức vào cha mẹ và thiếu khả năng tự lập do lo lắng, nhút nhát
- Trẻ có thể thiếu hụt các kỹ năng mềm quan trọng do không tham gia vào các hoạt động xã hội và vui chơi cùng bạn bè.
- Trong những trường hợp nghiêm trọng, tình trạng căng thẳng có thể dẫn đến hành vi tự hại bản thân chẳng hạn như bứt tóc, đập đầu vào tường.
Cách xử lý rối loạn hoảng sợ ở trẻ em phụ huynh nên biết
Rối loạn hoảng sợ ở trẻ em cần được tiếp cận và điều trị một cách nghiêm túc để không làm ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển với các phương pháp sau đây:
1. Trị liệu tâm lý
Rối loạn hoảng sợ ở trẻ em có thể không chỉ làm suy giảm sức khỏe thể chất mà còn ảnh hưởng lớn đến tâm lý và cuộc sống hàng ngày của trẻ. Trị liệu tâm lý là một phương pháp điều trị hiệu quả để bé kiểm soát cảm xúc và cân bằng tâm lý. Một số liệu pháp tâm lý phổ biến được áp dụng bao gồm:
- Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT): Liệu pháp này hướng dẫn trẻ cách tập thở để kiểm soát nỗi sợ, thư giãn cơ thể với hiệu quả cho hơn 80% trẻ can thiệp trị liệu trong vòng 12 tuần. Đồng thời giúp trẻ nâng cao nhận thức và giải thích được các triệu chứng bản thân gặp phải để qua đó giảm cảm giác sợ hãi tột độ, hạn chế tái phát và cải thiện đáng kể triệu chứng thể chất trong cơn hoảng sợ.
- Liệu pháp gia đình: Liệu pháp gia đình giúp cha mẹ hiểu rõ về rối loạn hoảng sợ và cách giúp con hiệu quả. Thông qua các buổi trị liệu, phụ huynh được trang bị kiến thức, kỹ năng để hỗ trợ bé vượt qua nỗi sợ hãi.
- Liệu pháp động thái tâm lý: Liệu pháp động thái tâm lý được thực hiện sau khi trẻ đã kiểm soát các cơn hoảng sợ bằng thuốc. Phương pháp này giúp cải thiện các rối loạn hành vi, cảm xúc và được thực hiện 2 lần/tuần trong ít nhất 3 tháng.
Liệu pháp tâm lý không chỉ giúp trẻ kiểm soát nỗi sợ và hành vi, mà còn trang bị cho các con kỹ năng cần thiết để dễ dàng hòa nhập và giao tiếp với mọi người xung quanh. Điều này đặc biệt quan trọng trong những giai đoạn đầu đời, giúp trẻ phát triển toàn diện về năng lực, thể chất và nhân cách.
2. Sử dụng thuốc hỗ trợ
Việc sử dụng thuốc cần tuân thủ đúng liều lượng và hướng dẫn của bác sĩ. Gia đình nên theo dõi kỹ càng các phản ứng của trẻ trong suốt quá trình điều trị và báo ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ phản ứng bất thường nào xuất hiện.
Các thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần sau đây thường được sử dụng trong điều trị, mỗi loại có công dụng và hạn chế riêng:
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Thuốc chống trầm cảm 3 vòng như Imipramin, Desipramin, Doxepin được sử dụng khá phổ biến để ngăn chặn các cơn hoảng sợ kịch phát ở trẻ em. Nhóm thuốc này giúp hạn chế tần suất của các triệu chứng và cải thiện tình trạng lo âu.
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs): SSRIs là nhóm thuốc được ưa chuộng trong điều trị rối loạn hoảng sợ ở trẻ em do độ an toàn cao và ít tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, một số trường hợp SSRIs có thể thúc đẩy hành vi tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên nên cần sự giám sát chặt chẽ từ gia đình và bác sĩ.
- Thuốc an thần nhóm benzodiazepine: Benzodiazepine mang lại hiệu quả cao trong việc kiểm soát nỗi sợ và lo âu tức thì, giúp ổn định tinh thần và nâng cao chất lượng giấc ngủ cho trẻ. Tuy nhiên, do nguy cơ gây nghiện và ảnh hưởng đến khả năng học tập, trí nhớ nên loại thuốc này thường chỉ được sử dụng ngắn hạn trong thời gian chờ thuốc chống trầm cảm phát huy tác dụng.
3. Chăm sóc tại nhà
Mặc dù không thể ngăn ngừa hoàn toàn rối loạn hoảng sợ ở trẻ em, cha mẹ có thể thực hiện một số biện pháp để giảm nguy cơ mắc bệnh và hỗ trợ con trong quá trình điều trị như sau:
- Đảm bảo trẻ cảm thấy an toàn và được yêu thương bằng cách khuyến khích con nói ra nỗi sợ của mình và trò chuyện với con để hiểu rõ về nỗi sợ đó
- Hướng dẫn con thực hiện các biện pháp thư giãn như thiền, yoga, các liệu pháp hít thở
- Giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội và kỹ năng mềm cần thiết
- Hướng dẫn con trong việc học tập mà không đặt áp lực về thành tích
- Khuyến khích, tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí và học cách kết bạn
- Cùng trẻ luyện tập thể dục thể thao hàng ngày để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần
- Cho phép con nuôi thú cưng và tổ chức các trò chơi tập thể
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, ưu tiên các thực phẩm lành mạnh như rau củ, trái cây, các loại hạt, sữa chua
- Hạn chế thức ăn chứa nhiều đường, chất béo bão hòa và đồ ăn nhanh
- Duy trì chế độ sinh hoạt đều đặn, bao gồm ngủ đủ giấc và ăn uống đúng bữa
- Động viên con kiên trì điều trị và không nói nặng lời, không so sánh với trẻ khác
- Điều chỉnh việc học tập để nâng cao kết quả theo đúng năng lực của con sau khi vượt qua trạng thái hoảng loạn
- Phụ huynh nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ và chuyên gia để có hướng chăm sóc trẻ tại nhà một cách hiệu quả.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý nếu trẻ có các dấu hiệu của rối loạn hoảng sợ
- Đảm bảo tuân thủ đúng liều lượng, cách dùng thuốc theo đơn thuốc của bác sĩ
Rối loạn hoảng sợ ở trẻ em cần được tiếp cận và điều trị một cách nghiêm túc để không làm ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của bé. Hãy tạo ra một môi trường đầy đủ sự hỗ trợ và chăm sóc để các con có thể phát triển khỏe mạnh và hạnh phúc.
Có thể bạn quan tâm:
- Chứng rối loạn giác quan ở trẻ tự kỷ và các biểu hiện nhận biết
- Trẻ bị rối loạn xử lý các cảm giác: Dấu hiệu và cách khắc phục
- Rối loạn tâm lý ở trẻ mầm non: Biểu hiện và Hướng can thiệp
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!