10 Phương pháp dạy trẻ kém tập trung khoa học và hiệu quả nhất
Lơ là, xao nhãng, dễ mất tập trung trong việc học tập và hầu hết các sinh hoạt đời sống hàng ngày là vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ khiến cho nhiều ông bố bà mẹ cảm thấy lo lắng. Chính vì thế mà có rất nhiều bậc phụ huynh luôn muốn tìm kiếm các phương pháp dạy trẻ kém tập trung để có thể hỗ trợ nâng cao khả năng chú ý của trẻ, tạo tiền đề vững chắc để giúp trẻ phát triển kỹ năng, học tập, thành công hơn.
Biểu hiện của trẻ kém tập trung ba mẹ cần lưu ý
Khả năng tập trung của trẻ nhỏ thường kém hơn so với người trưởng thành, trẻ khó có thể duy trì sự chú ý quá lâu vào bất cứ công việc nào, thậm chí đó là những hoạt động mà trẻ yêu thích. Đồng thời, ở độ tuổi này, trẻ rất dễ bị hấp dẫn bởi những điều mới lạ, thú vị nên dễ bị xao nhãng khi có các yếu tố tác động từ bên ngoài.
Việc trẻ thiếu sự tập trung có thể gây ra một vài cản trở đối với quá trình học tập, sinh hoạt hàng ngày của trẻ nhỏ. Tình trạng này nếu không sớm khắc phục sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến năng lực học tập, tiếp thu và phát triển các tiềm năng của mỗi đứa trẻ, làm cho trẻ mất đi nhiều cơ hội để đạt được những thành quả đáng mong đợi.
Chính vì thế, trong những năm tháng đầu đời, đặc biệt là giai đoạn trẻ bước vào môi trường học tập, các bậc phụ huynh cần phải chú ý quan sát để có thể kịp thời phát hiện ra những dấu hiệu kém tập trung ở trẻ nhỏ, từ đó có phương pháp hỗ trợ cải thiện phù hợp, hiệu quả. Cụ thể một số biểu hiện thường thấy ở trẻ kém tập trung như:
- Trẻ không thể tập trung quá lâu vào bất cứ công việc gì.
- Trẻ dễ bị xao nhãng bởi các yếu tố tác động từ bên ngoài như tiếng chim hót, âm thanh, tiếng động lạ.
- Trẻ hay quên, hay làm thất lạc đồ đạc.
- Trẻ học trước quên sau, bị hạn chế về khả năng ghi nhớ.
- Rất hay tò mò, muốn khám phá mọi thứ xung quanh nhưng lại mau cảm thấy chán và dễ bỏ ngang.
- Trẻ khó có thể hoàn nhập cùng với các bạn đồng trang lứa.
- Kết quả học tập của trẻ thua kém các bạn học.
Tình trạng kém tập trung của trẻ nhỏ có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Đó có thể là do ảnh hưởng từ các thói quen sinh hoạt kém lành mạnh hàng ngày như ngủ không đủ giấc, thường xuyên sử dụng các thiết bị công nghệ, ăn uống không lành mạnh, phương pháp giáo dục không phù hợp,…Ngoài ra, sự kém tập trung ở nhiều đứa trẻ cũng có nguy cơ là dấu hiệu cảnh báo về một số bệnh lý nguy hiểm, phổ biến nhất là chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ (ADHD).
Tình trạng thiếu tập trung ở trẻ cần phải được hỗ trợ can thiệp sớm để có thể hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực đối với quá trình học tập, sinh hoạt hàng ngày của trẻ nhỏ. Đồng thời, sự tập trung là yếu tố rất cần thiết đối với sự phát triển toàn diện của mỗi trẻ nhỏ, nó được xem là tiền đề vững chắc để giúp trẻ tiếp thu, học hỏi và nâng cao kiến thức, kỹ năng để đạt được những thành công vang dội trong cuộc sống.
Gợi ý 10 phương pháp dạy trẻ kém tập trung hiệu quả, đơn giản tại nhà
Như đã chia sẻ, tình trạng kém tập trung của nhiều trẻ nhỏ sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng học tập, phát triển chất lượng cuộc sống nên cần được hỗ trợ can thiệp, cải thiện trong giai đoạn sớm. Các bậc phụ huynh cần chú ý quan tâm và tìm kiếm các phương pháp dạy trẻ kém tập trung khoa học, hiệu quả, đơn giản để thuận tiện áp dụng cho trẻ mọi lúc mọi nơi, giúp trẻ dần nâng cao khả năng chú ý và phát triển hiệu quả hơn.
Dưới đây là một số phương pháp hiệu quả, phù hợp mà các bậc phụ huynh có thể áp dụng để giúp trẻ dần cải thiện tốt khả năng tập trung, chú ý của mình.
1. Tạo môi trường yên tĩnh, thoải mái cho trẻ
Trẻ nhỏ thường dễ mất tập trung khi có sự tác động từ các yếu tố bên ngoài. Khi học tập, chỉ cần nghe thấy những âm thanh nhỏ phát ra từ tivi, giọng nói của mọi người xung quanh, tiếng chim hót, tiếng xe cộ qua lại cũng có thể khiến trẻ bị xao nhãng và khó có thể tiếp tục học tập tốt.
Chính vì thế, cách tốt nhất để giúp trẻ nhỏ nâng cao khả năng tập trung, dễ dàng hoàn thành tốt các công việc, nhiệm vụ của bản thân đó chính là hãy tạo cho trẻ một không gian yên tĩnh, thoải mái. Góc học tập của trẻ cần được bố trí một cách gọn gàng, hạn chế quá nhiều chi tiết, chủ yếu chỉ nên có bàn ghế, sách vở, dụng cụ học tập để trẻ có được không gian thoải mái, sạch sẽ.
Ngoài ra, khi trẻ đang tập trung vào bất kỳ công việc nào, kể cả học tập và làm những nhiệm vụ hàng ngày thì ba mẹ cũng nên tạo cho trẻ không gian yên tĩnh, hạn chế tối đa các tiếng ồn xung quanh. Hãy tắt tivi, điện thoại và những tiếng ồn có thể quấy rầy đến sự tập trung của con để con có thể dành hết tâm trí cho công việc hiện tại của mình.
Hoặc nếu môi trường sống của bạn có quá nhiều tiếng ồn và khó có thể ngăn chặn được những âm thanh phát ra từ bên ngoài thì bạn cũng có thể cho trẻ đeo tai phone mỗi khi học tập. Hãy bật một vài bản nhạc không lời, những giai điệu nhẹ nhàng để trẻ không bị làm phiền bởi các tiếng động bên ngoài và đây cũng là một trong các phương pháp hữu hiệu có thể giúp trẻ tập trung tốt hơn.
2. Giúp trẻ chia nhỏ các nhiệm vụ
Chia nhỏ nhiệm vụ là một trong các phương pháp được khuyến khích áp dụng hiệu quả trong quá trình dạy trẻ kém tập trung. Các chuyên gia cho biết rằng, trẻ nhỏ khó có thể đáp ứng tốt với khối lượng công việc quá lớn và điều này có thể làm trẻ cảm thấy vô cùng căng thẳng, không biết nên bắt đầu từ đâu và không thể tập trung để hoàn thành nó.
Vì thế, cách tốt nhất là hãy giúp trẻ chia nhỏ những nhiệm vụ cần phải thực hiện, sắp xếp chúng theo thứ tự hợp lý, ưu tiên những việc quan trọng và cần thiết. Điều này sẽ hỗ trợ xác định rõ được mục tiêu mà mình cần phải làm, tập trung trong thời gian ngắn để hoàn thành từng nhiệm vụ.
Ví dụ, khi trẻ cần phải hoàn thành các bài tập về nhà, thay vì bắt ép trẻ phải ngồi hàng tiếng đồng hồ để thực hiện xong các bài tập từ toán, văn, anh văn thì phụ huynh nên chia nhỏ từng môn cụ thể. Hãy hướng dẫn cho trẻ cách hoàn thành những bài toán khó, sau đó sẽ dần chuyển sang các bài tập văn, tiếng việt và cuối cùng là anh văn. Ở giữa mỗi môn học cần có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi để trẻ lấy lại nguồn năng lượng tích cực và tập trung tốt hơn.
3. Đặt ra thời gian quy định cho các công việc của trẻ
Để gia tăng sự tập trung của trẻ, các bậc phụ huynh nên đặt ra thời gian quy định cụ thể cho các công việc, nhiệm vụ mà trẻ cần phải thực hiện. Điều này sẽ giúp trẻ có ý thức hơn trong việc cần phải gia tăng sự tập trung của mình để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Các bậc phụ huynh cũng có thể đưa ra các phần thưởng phù hợp để gia tăng sự thích thú và đáp ứng tốt của trẻ nhỏ. Đồng thời, cũng cần có những hình thức xử lý nghiêm khắc để giúp trẻ ý thức và cố gắng hơn cho lần sau.
Ví dụ, trong việc ăn uống, ba mẹ nên có quy định thời gian cho từng bữa ăn. Nếu là ăn những bữa chính thì trẻ cần ăn xong trong vòng 30 phút và sau 30 phút đó nếu trẻ vẫn chưa ăn hết thì ba mẹ nên kiên quyết thu lại thức ăn. Phương pháp này sẽ giúp trẻ tránh việc xao nhãng trong lúc ăn uống, tập trung ăn trong thời gian quy định để tránh bị đói nếu chưa ăn xong.
Ngược lại, nếu trẻ có thể ăn tốt, ăn sạch thức ăn trong thời gian đã quy định thì ba mẹ cũng có thể thưởng cho trẻ bằng cách để trẻ xem tivi khoảng 10-15 phút hoặc chơi các trò chơi mà trẻ yêu thích. Những phần thưởng có thể linh hoạt thay đổi tùy thuộc vào sở thích của mỗi đứa trẻ nhưng các bậc phụ huynh cũng đừng nên quá lạm dụng để tránh việc trẻ sẽ mặc định rằng khi có thưởng mới cần hoàn thành tốt nhiệm vụ.
4. Rèn luyện tính tập trung của trẻ qua các trò chơi
Quá trình vui chơi hàng ngày cũng có thể hỗ trợ rất tốt trong việc nâng cao khả năng tập trung của mỗi trẻ nhỏ. Bất kỳ đứa trẻ nào cũng cảm thấy thích thú đối với những trò chơi, hoạt động giải trí nên các bậc phụ huynh có thể dễ dàng vận dụng việc vừa chơi vừa học để hỗ trợ trẻ nhỏ rèn luyện tốt khả năng tập trung, cải thiện năng lực của chính mình.
Các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian để cùng trẻ tham gia, khám phá các trò chơi hữu ích như tìm kiếm điểm khác biệt, chơi lego, chơi câu cá, chơi đánh trống, chơi tìm kiếm đồ vật bị mất,….Đây đều là những trò chơi có thể hỗ trợ trẻ gia tăng được khả năng tập trung, rèn luyện được kỹ năng quan sát, chú ý và giúp trẻ năng động, sáng tạo tốt hơn.
Tuy nhiên, việc vui chơi cần phải dựa vào sở thích và nhu cầu của mỗi đứa trẻ. Trẻ chỉ có thể phát huy tốt sự tập trung nếu bản thân thực sự hứng thú và hấp dẫn bởi trò chơi đó. Vì thế, các bậc phụ huynh cũng nên biết cách lựa chọn các trò chơi phù hợp với mỗi đứa trẻ, tránh việc bắt ép trẻ phải chơi theo khuôn khổ sẽ làm trẻ cảm thấy khó chịu, căng thẳng nhiều hơn.
5. Đồng hành cùng trẻ
Để giúp trẻ có thể tập trung, chú ý tốt hơn thì ba mẹ chính là người đóng vai trò quan trọng, chủ chốt nhất. Theo rất nhiều các nghiên cứu khoa học đã chứng minh được rằng, việc ba mẹ thường xuyên trò chuyện, tương tác, trao đổi với trẻ chính là phương pháp dạy trẻ kém tập trung khoa học, hiệu quả và đơn giản nhất.
Khi được chơi đùa, gần gũi, chia sẻ cùng với ba mẹ, người thân, trẻ nhỏ sẽ có cảm giác dễ chịu, thoải mái và vô cùng an toàn, yên tâm. Điều này giúp cho trẻ dễ dàng tập trung hơn vào công việc mà mình đang thực hiện, thúc đẩy tốt sự hứng thú, vui thích của trẻ trong hầu hết các hoạt động ngày thường, kể cả học tập.
Ngoài ra, sự dẫn dắt tốt của ba mẹ cũng có thể giúp trẻ dễ dàng hơn trong việc xác định những mục tiêu, biết cách đưa ra giải pháp thích hợp để hoàn thành công việc một cách hiệu quả hơn. Mỗi lúc trẻ mất tập trung, xao nhãng, các bậc phụ huynh chính là người điều chỉnh, thúc giục và động viên trẻ để trẻ lấy lại tinh thần, sự tỉnh táo và chú ý tốt hơn nữa.
Sự động viên và những lời khen ngợi của ba mẹ cũng chính là động lực to lớn để mỗi đứa trẻ càng thêm nỗ lực, cố gắng nhiều hơn. Đặc biệt là những trẻ nhỏ đang ở cấp tiểu học, trẻ rất mong muốn nhận được sự công nhận, đánh giá tích cực từ gia đình nên việc được ba mẹ động hành, dành nhiều lời khen tặng sẽ giúp trẻ có thêm nhiều động lực để phấn đấu, điều chỉnh bản thân.
6. Sắp xếp thời gian thư giãn, nghỉ ngơi phù hợp cho trẻ
Phương pháp dạy trẻ kém tập trung khoa học, lành mạnh nhất đó chính là cần cho trẻ có được thời gian nghỉ ngơi, thư giãn phù hợp với lứa tuổi. Để có thể rèn luyện được khả năng tập trung, chú ý ở trẻ nhỏ cần phải có một quá trình dài và sự giáo dục phù hợp. Đồng thời, trẻ nhỏ vẫn còn rất ham chơi, chưa có đầy đủ hiểu biết và nhận thức như người lớn nên việc trẻ dễ bị xao nhãng, khó tập trung là điều vô cùng dễ hiểu.
Các bậc phụ huynh cũng không nên bắt ép con nhỏ quá nhiều, thay vào đó hãy dành cho trẻ được nghỉ ngơi, vui chơi thoải mái hơn. Khi trẻ được thư giãn, được giải trí lành mạnh sẽ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu, vui vẻ, từ đó gia tăng được những cảm xúc tích cực, mang đến nguồn năng lượng dồi dào và tăng cường hiệu quả về sự tập trung, chú ý cho các công việc tiếp theo trong ngày.
Cụ thể, bạn không thể bắt trẻ ngồi hàng giờ đồng hồ để giải quyết một đống bài tập khổng lồ. Thay vào đó, sau khoảng 20 phút học tập căng thẳng, mệt mỏi thì trẻ nhỏ cần có thời gian nghỉ ngơi khoảng 5 phút để có thể lấy lại sự tập trung của bản thân. Chính vì thế, ở bất kỳ môi trường học tập nào trẻ nhỏ cũng sẽ có thời gian nghỉ giữa tiết, giải lao để có thể vui chơi, ăn uống, thư giãn, từ đó học tập hiệu quả, tích cực hơn.
7. Đặt ra mục tiêu cụ thể, chi tiết để trẻ tập trung hơn
Đặt mục tiêu là một trong các phương pháp không thể thiếu trong quá trình dạy trẻ kém tập trung. Đối với mỗi công việc mà trẻ cần hoàn thành, các bậc phụ huynh nên đưa ra mục tiêu cụ thể và dặn dò trẻ kỹ lưỡng về mục tiêu mà trẻ cần phải hoàn thành để trẻ có thể ý thức rõ hơn về công việc mà mình đang thực hiện.
Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ sẽ có những năng lực khác nhau, ba mẹ cũng cần quan sát và biết cách đặt mục tiêu phù hợp với khả năng của mỗi đứa trẻ để tránh việc khiến trẻ cảm thấy áp lực, mệt mỏi quá mức. Ba mẹ cũng không nên quá đặt kỳ vọng ở trẻ để tránh việc đưa ra mục tiêu quá cao và làm ảnh hưởng đến tinh thần, tâm lý của mỗi trẻ nhỏ.
Ví dụ, đối với việc học tập của trẻ lớp 1, ba mẹ có thể đặt ra mục tiêu cho trẻ về việc mỗi ngày cần ghi nhớ và học thuộc 5 chữ cái và 5 con số trong 30 phút của buổi tự học tại nhà. Điều này vừa giúp trẻ gia tăng sự tập trung vừa hỗ trợ nâng cao ý thức của trẻ về việc phải hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao phó. Sau khi trẻ có thể hoàn thành tốt, ba mẹ cũng nên dần nâng cao mục tiêu phù hợp để trẻ càng phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn.
8. Lắng nghe, chia sẻ và khen ngợi trẻ
Trong thời gian dạy trẻ cải thiện khả năng tập trung thì các bậc phụ huynh cũng cần học cách lắng nghe, chia sẻ, động viên và khen ngợi con nhiều hơn. Trẻ nhỏ cũng luôn có những mong muốn, nhu cầu và nguyện vọng cá nhân của mình nên ba mẹ hãy dành thời gian để chia sẻ, tâm sự để thấu hiểu hơn những điều mà con đang thực sự hướng đến.
Đồng thời, không nên dạy con bằng đòn roi hay sử dụng những lời chửi mắng, la rầy đối với trẻ nhỏ. Cơn thịnh nộ của ba mẹ không thể giúp con trở nên tốt hơn mà ngược lại chỉ khiến con cảm thấy hoảng sợ, lo lắng hoặc thậm chí dần hình thành tâm lý tự ti, nhút nhát và cho rằng bản thân là kẻ vô dụng, bất tài.
Vì thế, hãy luôn dùng sự cảm thông, chia sẻ để cùng con học tập, cùng con khắc phục tốt những khiếm khuyết của bản thân và trở nên tốt đẹp hơn. Ngoài ra, ba mẹ cũng cần trao quyền làm chủ cho trẻ nhỏ, tránh việc để trẻ mãi nương tựa, dựa dẫm vào những người xung quanh sẽ khiến trẻ dần mất đi sự cố gắng và tập trung.
9. Hạn chế thời gian sử dụng điện thoại của trẻ
Với sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc của công nghệ thì hiện nay con người đã có nhiều cơ hội được tiếp xúc với các thông tin đại chúng thông qua một chiếc điện thoại nhỏ gọn. Việc sử dụng smartphone thực sự mang đến rất nhiều lợi ích cho cuộc sống của con người. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách thì nó cũng có thể trở thành một công cụ gây hại, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của mỗi chúng ta, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Hiện nay, trẻ em từ 2-3 tuổi đã được tiếp xúc với các thiết bị công nghệ, đặc biệt là điện thoại, iPad. Nhiều bậc phụ huynh do quá bận rộn nên thường xuyên cho con sử dụng điện thoại như một công cụ để giải trí và chăm nom trẻ nhỏ. Tuy nhiên, việc để trẻ sử dụng điện thoại quá mức sẽ gây tác động lớn đến quá trình phát triển của trẻ, trong đó có khả năng duy trì sự tập trung, chú ý.
Do đó, phương pháp tốt nhất để khắc phục được sự xao nhãng, mất tập trung của nhiều trẻ em hiện nay đó chính là quản lý và hạn chế tối đa thời gian mà trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ. Thay vào đó, các bậc phụ huynh hãy tạo điều kiện thuận lợi để trẻ có thể tham gia tích cực vào các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh ngoài trời để gia tăng các kỹ năng cần thiết cho trẻ và giúp trẻ rèn luyện năng lực tập trung hiệu quả hơn.
10. Cải thiện sự tập trung nhờ vào chế độ dinh dưỡng
Một chế độ dinh dưỡng phù hợp và lành mạnh mỗi ngày cũng là một trong các giải pháp hữu hiệu và khoa học có thể giúp trẻ nhỏ gia tăng sự tập trung, chú ý của mình. Theo đánh giá của các chuyên gia dinh dưỡng thì một số loại thực phẩm ăn uống hàng ngày cũng có tác dụng tốt trong việc cải thiện năng lực tập trung của trẻ nhỏ, giúp trẻ phát triển trí não, rèn luyện tư duy hiệu quả, an toàn.
Vì thế, các bậc phụ huynh cần chú ý tìm hiểu, tham khảo ý kiến chuyên gia về việc xây dựng chế độ ăn uống hàng ngày cho trẻ, tăng cường bổ sung các thực phẩm chống oxy hóa, chứa nhiều protein, vitamin để giúp trẻ phát triển nhận thức, tăng sự tập trung tốt. Trẻ nhỏ cũng cần rèn luyện thói quen ăn nhiều rau xanh, các loại trái cây bổ dưỡng, thịt, cá, trứng, những loại hạt để giúp trẻ thông minh, học tập tốt hơn.
Đồng thời, trẻ kém tập trung cần phải hạn chế những loại đồ ăn đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn vặt nhiều đường, thức uống có gas, chứa nhiều caffeine. Đây chính là những loại đồ ăn, thức uống được xem là kẻ thù của sự tập trung và nó còn có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với hoạt động của não bộ, gia tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường ở nhiều trẻ nhỏ.
Hy vọng những phương pháp dạy trẻ kém tập trung được giới thiệu trong bài viết này sẽ giúp cho các bậc phụ huynh dễ dàng lựa chọn và áp dụng hiệu quả cho trẻ nhỏ ngay tại nhà. Việc hỗ trợ cho trẻ cần phải có sự kiên trì, nhẫn nại trong khoảng thời gian nhất định vì thế ba mẹ cần đồng hành và nỗ lực cùng con để giúp trẻ cải thiện tốt hơn.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!