Con không tập trung học trước quên sau nguyên nhân do đâu?
Con không tập trung học trước quên sau là một trong các vấn đề khiến cho nhiều bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng và mong muốn tìm kiếm được phương pháp khắc phục cho trẻ. Tình trạng này gây nên ảnh hưởng to lớn đối với quá trình học tập của trẻ, đồng thời các sinh hoạt hàng ngày cũng sẽ bị hạn chế, khiến trẻ không thể phát triển tốt các tiềm năng của bản thân.
Nguyên nhân khiến con không tập trung học trước quên sau
Con không tập trung hay quên trước quên sau thường xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Nó có thể do bản thân trẻ nhỏ nhưng đôi lúc cũng do các yếu tố tác động từ bên ngoài, những thói quen sinh hoạt không lành mạnh được hình thành ngay từ bé.
Tuy nhiên, dù tình trạng này khởi phát từ bất kỳ lý do nào thì các bậc phụ huynh cũng cần phải thực sự chú ý và quan tâm để kịp thời đưa ra các biện pháp can thiệp phù hợp, giúp trẻ cải thiện để học tập và sinh hoạt hiệu quả hơn. Cụ thể, một số nguyên nhân thường gặp như:
1. Do thiếu ngủ, mất ngủ thường xuyên
Thiếu ngủ, mất ngủ được xem là nguyên nhân hàng đầu có thể gây ra tình trạng mất tập trung, hay quên ở nhiều trẻ nhỏ. Giấc ngủ đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với quá trình phát triển tự nhiên của mỗi con người. Theo đánh giá và lời khuyên của các chuyên gia thì mỗi người trưởng thành cần đảm bảo giấc ngủ tốt từ 7 đến 8 tiếng. Đối với trẻ nhỏ thì nhu cầu ngủ sẽ nhiều hơn tùy thuộc vào độ tuổi của từng trẻ.
Dựa vào kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu, việc thiếu ngủ, mất ngủ thường xuyên sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ và gây ra tình trạng kém tập trung, suy giảm trí nhớ. Giấc ngủ không được đảm bảo tốt, lâu ngày sẽ làm tích tụ nhiều loại protein amyloid beta trong não và làm gia tăng nguy cơ mắc Alzheimer khiến cho trí nhớ càng bị suy giảm nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, sau một ngày làm việc, học tập và hoạt động mệt mỏi, cơ thể con người cần có thời gian nghỉ ngơi để phục hồi lại tình trạng sức khỏe, lấy lại nguồn năng lượng tích cực. Vì thế, nếu không ngủ đủ giấc, giấc ngủ không đảm bảo chất lượng sẽ khiến cho trẻ nhỏ thức dậy với trạng thái mệt mỏi, liên tục cảm thấy buồn ngủ và khó có thể tập trung, ghi nhớ tốt bất kỳ vấn đề gì.
2. Chế độ dinh dưỡng không được đảm bảo tốt
Chế độ dinh dưỡng không lành mạnh cũng chính là một trong các yếu tố liên quan có thể góp phần làm cho nhiều trẻ nhỏ mất tập trung, quên trước quên sau, không thể học tập tốt. Theo đó, chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ nhỏ cần phải được đảm bảo cung cấp tốt các chất dinh dưỡng cần thiết thông qua các thực phẩm bổ dưỡng, phù hợp.
Việc trẻ bị thiếu hụt dưỡng chất, ăn uống không điều độ, chế độ ăn không đảm bảo, đặc biệt là tình trạng thiếu đạm và chất béo sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của trí não và làm cho trẻ mất tập trung, suy giảm trí nhớ. Cơ thể không được cung cấp đủ khoáng chất, vitamin và các chất có lợi cho sức khỏe sẽ khiến cho hoạt động của những bộ phận trong cơ thể bị đình trệ, suy kém, từ đó làm cho trẻ bị hạn chế các hoạt động sinh hoạt, học tập hàng ngày.
3. Căng thẳng, tâm lý không thoải mái
Tâm lý căng thẳng, lo lắng cũng gây ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng tập trung và trí nhớ của trẻ nhỏ. Đặc biệt, đối với các chương trình học tập dày đặc của hiện nay, trẻ nhỏ phải liên tục đối diện với các áp lực, căng thẳng đến từ nhà trường và cả gia đình.
Các bậc phụ huynh và giáo viên thường đặt kỳ vọng quá lớn ở các em học sinh, đồng thời xem trọng điểm số khiến cho nhiều trẻ cảm thấy ngột ngạt và mệt mỏi với việc học tập. Bên cạnh đó, có không ít gia đình còn liên tục so sánh trẻ với những bạn bè cùng trang lứa, thường xuyên chê bai, trách móc và dành cho trẻ những lời lẽ khó nghe khiến trẻ cảm thấy tổn thương, tự ti về chính mình
Trẻ em thường rất nhạy cảm và có khả năng chịu đựng kém hơn so với người trưởng thành nên khi tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng, trẻ sẽ khó có thể học tập và sinh hoạt được như bình thường. Chính vì thế mà có không ít các trường hợp trẻ nhỏ bị mất tập trung, hay quên trước quên sau khiến cho kết quả học tập bị thua kém bạn bè, hạn chế về các đời sống sinh hoạt hàng ngày.
4. Do thói quen sinh hoạt không lành mạnh
Thói quen sinh hoạt của trẻ nhỏ thường xoay quanh các yếu tố giấc ngủ, chế độ ăn uống và khả năng vận động. Nếu trẻ nhỏ lười vận động, không tập luyện thể dục thể thao hoặc không tham gia vào các hoạt động vui chơi, thư giãn ngoài trời sẽ khiến cho trẻ luôn ở trong trạng thái mệt mỏi, ù lì, thiếu sức sống.
Dựa vào kết quả của rất nhiều cuộc nghiên cứu nhận thấy rằng, khi cơ thể được vận động đúng cách sẽ giúp sản sinh ra nguồn năng lượng tích cực để thúc đẩy tốt các hoạt động của cơ thể, đặc biệt là não bộ. Do đó, những đứa trẻ không thường xuyên vận động, có thói quen lười nhác, thường xuyên nằm ì một chỗ xem tivi, điện thoại cũng có nhiều khả năng bị suy giảm trí nhớ, sự tập trung yếu kém hơn so với bình thường.
Các chuyên gia cho biết rằng, thói quen sử dụng các thiết bị công nghệ ngay từ nhỏ gây nên rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với trẻ. Nhiều bậc phụ huynh do quá bận rộn nên thường xuyên cho con ngồi hàng giờ đồng hồ để chơi game, lướt điện thoại, máy tính. Điều này không chỉ hạn chế vận động của trẻ mà còn tác động đến khả năng tư duy, sáng tạo, ngôn ngữ, trí não của mỗi trẻ nhỏ.
5. Trẻ không tập trung do thiếu sự hứng thú
Mỗi đứa trẻ sẽ có sở thích và thế mạnh riêng của mình về một hoặc một số lĩnh vực khác nhau. Có thể trẻ yêu thích những môn học tính toán, đòi hỏi nhiều sự tư duy, logic nhưng lại không quá giỏi về những môn xã hội, cần nhiều sự ghi nhớ.
Đây được xem là một trong các tình trạng bình thường của trẻ nhỏ và cả người lớn bởi ai cũng sẽ có những thế mạnh khác nhau. Theo đó, đây cũng chính là một trong các nguyên nhân có thể khiến các con cảm thấy không tập trung, hay quên trước quên sau ở những môn học mà bản thân không yêu thích.
Một số trẻ nhỏ còn tự đặt ra câu hỏi vì sao bản thân phải học môn học đó, nó mang đến lại ích gì cho công việc và cuộc sống sau này. Tình trạng này khiến cho trẻ cảm thấy chán học, không thể tập trung vào môn học và không thể tiếp thu kiến thức, ghi nhớ bài giảng một cách hiệu quả.
Ngoài ra, nội dung bài học không hấp dẫn, cách dạy nhàm chán, khô khan cũng khiến cho trẻ nhỏ dễ bị xao nhãng và không hứng thú để tập trung vào môn học. Khi cách truyền đạt của giáo viên không được lôi cuốn sẽ khiến cho trẻ cảm thấy không hào hứng với việc học, khó tiếp thu bài vở và mất tập trung trong giờ học, gây ra tình trạng suy giảm kết quả học tập.
6. Bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài
Trẻ nhỏ thường hay ham chơi và dễ bị tác động, xao nhãng với các yếu tố tác động từ bên ngoài. Trẻ dễ bị chi phối giữa việc chơi và học, khiến cho trẻ khó có thể tập trung hoàn toàn vào việc học tập nếu như có các yếu tố gây nhiễu từ bên ngoài.
Cụ thể, nếu như lớp học hoặc không gian học tập của trẻ có quá nhiều tiếng ồn hoặc xung quanh có nhiều hoạt động xảy ra sẽ khiến cho trẻ khó có thể chú ý hoàn toàn vào bài giảng của giáo viên, từ đó khó có thể hiểu và ghi nhớ bài tốt. Điều này khiến cho nhiều trẻ nhỏ dễ bỏ lỡ các phần kiến thức quan trọng, con hay quên và khó đạt được kết quả học tập tốt.
7. Trẻ mắc phải một số rối loạn phát triển, rối loạn tập trung
Các rối loạn tập trung, rối loạn phát triển chính là nguyên nhân có thể khiến cho con mất tập trung hay quên trước quên sau và khó có thể ghi nhớ, tiếp nhận thông tin hiệu quả. Một số trẻ còn tăng động quá mức, không thể kiểm soát tốt về hành vi, lời nói, cảm xúc, suy nghĩ của bản thân và khó có thể giữ được sự tập trung vào bất cứ điều gì.
Tình trạng này gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với học tập và đời sống của trẻ. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ can thiệp và điều trị cũng gặp nhiều khó khăn hơn so với các trường hợp khác. Trẻ nhỏ, gia đình, nhà trường cần có sự kết hợp chặt chẽ với bác sĩ chuyên khoa để đề ra biện pháp khắc phục, kiên trì nỗ lực trong khoảng thời gian dài.
Cách giúp trẻ cải thiện tình trạng học trước quên sau
Việc con không tập trung học trước quên sau cần phải được cải thiện càng sớm càng tốt bởi tình trạng này không chỉ gây ra các ảnh hưởng về học tập mà còn làm cản trở đến quá trình sinh hoạt, khiến cho trẻ không thể phát huy tốt các tiềm năng và những kỹ năng cần thiết khác. Nếu nhận thấy con gặp vấn đề về khả năng tập trung, ghi nhớ thì các bậc phụ huynh nên chú ý và áp dụng các biện pháp cải thiện hiệu quả sau đây:
1. Tạo môi trường học thoải mái cho trẻ
Môi trường học là yếu tố quan trọng và cần thiết để trẻ nhỏ có thể học tập tốt và tập trung hoàn toàn vào việc tiếp thu, ghi nhớ kiến thức. Trẻ cần được học ở những nơi có không gian thoáng mát, ánh sáng tốt và đặc biệt là cần sự yên tĩnh, tránh tiếng ồn hoặc các yếu tố tác động từ bên ngoài.
Khi học tập tại trường, trẻ cần được đảm bảo đầy đủ về cơ sở vật chất, không gian để có thể học tập và phát triển toàn diện. Góc học tập tại nhà cũng cần được đầu tư và sắp xếp kỹ lưỡng. Ba mẹ nên cho trẻ học ở không gian gần cửa sổ đến đón ánh nắng tự nhiên, phòng học cũng cần là nơi yên tĩnh, bố trí đơn giản, gọn gàng và ngăn nắp.
2. Chia nhỏ bài học, nhấn mạnh nội dung quan trọng
Đối với những trẻ không có trí nhớ tốt, thường hay mất tập trung khi phải học tập trong thời gian dài thì các bậc phụ huynh và giáo viên giảng dạy trẻ cũng nên cân nhắc áp dụng biện pháp chia nhỏ từng bài giảng để trẻ dễ tiếp thu hơn. Một số trẻ chỉ có thể giữ được sự tập trung trong khoảng từ 15 đến 20 phút, sau đó trẻ khó có thể tiếp tục chú ý vào bài giảng.
Vì thế, cách tốt nhất hãy chia nhỏ từng bài học và chú trọng vào những nội dung quan trọng. Khi dạy trẻ học, ba mẹ nên chia nhỏ từng nhiệm vụ và giải thích cặn kẽ cho trẻ nghe về thông tin đó, đồng thời cần nhấn mạnh những điều quan trọng để trẻ có thể ghi nhớ tốt hơn.
Bên cạnh đó, khi bắt đầu dạy một kiến thức mới, thầy cô hoặc ba mẹ cũng cần giúp trẻ ôn tập lại bài cũ để trẻ có thể ghi nhớ thêm một lần nữa, từ đó gia tăng khả năng học tập của trẻ nhỏ. Đối với những phần trọng tâm, bạn có thể dạy cho trẻ cách ghi nhớ bằng việc sử dụng bút dạ để tạo sự chú ý hơn khi học bài.
3. Dạy trẻ học thông qua các giác quan
Để tạo sự hứng thú và cải thiện khả năng ghi nhớ cho trẻ, bạn cần tạo mối liên hệ giữa các giác quan cùng với bài học để trẻ hiểu, cảm nhận rõ hơn. Nếu chỉ thông qua việc nghe giảng trên lớp thì đôi khi trẻ sẽ không thể hiểu rõ được bản chất của vấn đề, dẫn đến việc ghi nhớ sai hoặc không thể nhớ được cụ thể các thông tin cần thiết.
Cụ thể, khi dạy cho trẻ về cách tính toán, cộng trừ nhân chia thì thay vì chỉ hướng dẫn cho trẻ qua những con số thì các bậc phụ huynh và thầy cô nên áp dụng vào các hoạt động đời thực. Khi trẻ ăn cơm hãy hỏi về số lượng người đang ngồi trên bàn, nếu có thêm mẹ và ba thì sẽ có tổng bao nhiêu người. Bằng các ví dụ thực tế, trẻ sẽ dễ dàng hiểu và áp dụng bài học một cách linh hoạt, hiệu quả hơn.
Khi dạy trẻ về những kiến thức xoay quanh cuộc sống như các loài động vật, các loài hoa hãy cho trẻ trải nghiệm thực tế, ngắm nhìn, chạm, ngửi và quan sát để trẻ có thể ghi nhớ tốt hơn. Bằng các hoạt động này, trẻ nhỏ cũng cảm thấy hứng thú và hấp dẫn hơn với việc học, từ đó gia tăng sự tập trung, học tập hiệu quả.
4. Giúp trẻ hiểu thay vì chỉ ghi nhớ
Một số trẻ hay học trước quên sau đó chính là do trẻ chỉ ghi nhớ những thông tin xáo rỗng mà bản chất không thể hiểu được ý nghĩa cụ thể của những điều được được học. Điều này khiến cho trẻ chỉ như đang “học vẹt”, học xong sẽ quên ngay sau đó và khó có thể vận dụng tốt trong đời sống, công việc sau này.
Do đó, để giúp trẻ có thể học tập tốt, ghi nhớ tốt thì thay vì dạy cho trẻ cách ghi nhớ, bạn hãy giúp cho trẻ hiểu rõ được vấn đề đang được truyền đạt. Khi trẻ có thể hiểu rõ được bài giảng, trẻ sẽ có sự ghi nhớ tốt hơn, đôi khi không cần phải học thuộc mà vẫn có thể diễn giải vấn đề một cách chính xác, rành mạch.
5. Học đi đôi với thực hành
Theo chia sẻ của các chuyên gia, khi học tập, nếu các kiến thức được truyền tải trên lớp học được vận dụng vào thực tế sẽ giúp cho trẻ có được sự ghi nhớ tốt hơn. Đồng thời, việc học đi đôi với hành sẽ giúp trẻ gia tăng nhiều sự hứng thú đối với môn học, nhờ đó mà trẻ dễ dàng tập trung, chú ý để phát triển bản thân hơn.
Vì thế, thay vì truyền tải kiến thức thông qua lời nói hoặc sách vở một cách nhàm chán, khuôn khổ bạn có thể vận dụng thêm hình ảnh, âm thanh để gia tăng sự sinh động cho buổi học. Đồng thời, sau các tiết học, hãy giao cho trẻ những bài tập thực hành để trẻ có thể áp dụng nó vào thực tế, từ đó giúp trẻ ghi nhớ tốt hơn. Ngược lại, qua những hoạt động bên ngoài đời sống, các bậc phụ huynh cũng cần đúc kết cho trẻ những bài học quý báu để dạy trẻ thêm những điều hay lẽ phải.
6. Tạo không gian thư giãn, vui chơi lành mạnh cho trẻ
Bên cạnh việc học tập, giáo viên và các bậc phụ huynh cũng nên tạo cho trẻ không gian vui chơi, thư giãn thoải mái đúng với lứa tuổi. Trẻ em cần được có những khoảng thời gian vui đùa, chạy nhảy để ghi dấu lại những kỷ niệm tuổi thơ và phát triển một cách toàn diện nhất.
Sau những giờ học mệt mỏi và căng thẳng, bạn hãy tạo cho trẻ những không gian thư giãn, nô đùa cùng bạn bè để trẻ cảm thấy thoải mái hơn. Đồng thời, hãy tạo điều kiện để trẻ được tham gia vào các hoạt động tập thể, những câu lạc bộ thú vị giúp trẻ gia tăng tính chủ động, tự giác để học tập hiệu quả, năng suất hơn.
Bài viết trên đây đã chia sẻ một số thông tin về việc con không tập trung học trước quên sau khiến cho kết quả học tập bị sa sút. Các bậc phụ huynh cần có sự kết hợp chặt chẽ với nhà trường, giáo viên trực tiếp giảng dạy trẻ để đề ra các biện pháp hỗ trợ, cải thiện phù hợp, từ đó giúp trẻ nâng cao tốt các kỹ năng và học tập, phát triển toàn diện hơn.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!