Mẹo chữa chậm nói bằng đậu đỏ dễ làm nhưng có thực sự hiệu quả?
Mẹo chữa chậm nói bằng đậu đỏ là phương pháp dân gian được mọi người thường xuyên truyền tai nhau và cũng có không ít các bậc phụ huynh thử áp dụng cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cảm thấy hoài nghi về hiệu quả thực sự của nó, liệu rằng biện pháp này có thực sự giúp trẻ phát triển ngôn ngữ?
Hướng dẫn cách chữa chậm nói bằng đậu đỏ
Đậu đỏ là một nguyên liệu quen thuộc thường được sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng. Bên cạnh đó, loại đậu này còn được xem là một loại dược liệu có thể mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe và hỗ trợ tốt trong quá trình điều trị bệnh theo Đông y.
Ngoài công dụng thanh nhiệt, dưỡng huyết, lợi tiểu, kháng khuẩn, bổ máu, chống loãng xương thì đậu đỏ còn được dân gian lưu truyền với tác dụng chữa chậm nói cho trẻ nhỏ. Cụ thể cách thực hiện như sau:
- Chuẩn bị sẵn 1 đến 2g đậu đỏ và rượu trắng.
- Rửa và ngâm đậu đỏ với nước sạch trong khoảng 5-10 phút rồi vớt ra, để cho ráo nước.
- Dùng máy xay để xay đậu đỏ thành dạng bột mịn (nếu không có máy xay, bạn cũng có thể dùng cối để giã nhuyễn).
- Sau đó, trộn bột đậu đỏ cùng với 1 đến 2 muỗng cà phê rượu trắng.
- Trộn đều cho đến khi thu được một hỗn hợp sền sệt.
- Sử dụng hỗn hợp này để bôi vào phần dưới lưỡi của trẻ nhỏ.
- Duy trì thực hiện 2 lần mỗi ngày để đạt được kết quả tốt nhất.
Mẹo chữa chậm nói bằng đậu đỏ có thực sự hiệu quả?
Mẹo chữa chậm nói bằng đậu đỏ được áp dụng khá phổ biến nhưng cho đến hiện nay vẫn chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào chứng minh cụ thể về hiệu quả của phương pháp dân gian này. Trong thực tế, đây chỉ là những kinh nghiệm hoặc những lời truyền miệng từ đời này sang đời khác mà chưa từng có kiểm chứng khoa học.
Các chuyên gia cho biết rằng, chậm nói là tình trạng xảy ra phổ biến ở nhiều trẻ nhỏ và nó có thể khởi phát bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Chậm nói có thể chỉ là biểu hiện đơn thuần của sự chậm phát triển ngôn ngữ và trẻ nhỏ có thể dần cải thiện tốt theo thời gian mà không cần can thiệp quá nhiều các biện pháp điều trị.
Bên cạnh đó, chậm nói còn có liên quan đến các vấn đề như:
- Những bệnh lý về thực thể như dính thắng lưỡi, hở hàm ếch,…
- Sự suy giảm về khả năng nghe.
- Yếu tố tác động từ môi trường như thiếu sự yêu thương của người thân, không được quan tâm, chia sẻ, trẻ thường xuyên sử dụng điện thoại hay các thiết bị thông minh,…
- Chậm nói còn là biểu hiện của trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển, trầm cảm,….
Tùy vào tình trạng và các nguyên nhân hình thành nên chứng chậm nói mà trẻ cần được hỗ trợ can thiệp bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả. Chính vì thế, không có bất kỳ căn cứ nào có thể khẳng định về hiệu quả và những lợi ích của mẹo chữa chậm nói bằng đậu đỏ.
Do đó, thay vì cứ mãi chạy theo các mẹo dân gian chưa được nghiên cứu thì các bậc phụ huynh hãy nhanh chóng đưa trẻ đến thăm khám và chẩn đoán tại các cơ sở chuyên khoa uy tín để tìm ra hướng khắc phục, cải thiện hiệu quả nhất. Hiện nay y học có rất nhiều các biện pháp hỗ trợ tốt cho trẻ chậm nói, nếu trẻ được can thiệp ở giai đoạn sớm thì khả năng phát triển ngôn ngữ, hòa nhập cộng đồng sẽ đạt được cao hơn.
Phụ huynh nên làm gì khi con bị chậm nói?
Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp chủ yếu của mỗi con người. Chính vì thế, nếu tình trạng chậm nói ở trẻ không được sớm cải thiện sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng đối với đời sống, hạn chế sự tương tác xã hội và làm suy giảm khả năng học tập, phát triển của mỗi đứa trẻ.
Vì thế, ngay khi nhận thấy các biểu hiện chậm nói của trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh nên chủ động đưa con đi thăm khám và chẩn đoán chính xác. Đối với các trường hợp chậm nói do tác động bệnh lý thì cần kiên trì áp dụng tốt các biện pháp chuyên khoa theo chỉ định của bác sĩ để giúp trẻ cải thiện tốt hơn.
Đồng thời, các bậc phụ huynh cũng nên thực hiện các biện pháp hỗ trợ tại nhà như:
- Thường xuyên trò chuyện, giao tiếp với trẻ nhiều hơn để kích thích nhu cầu được tương tác, gắn kết của trẻ nhỏ. Bố mẹ có thể kể chuyện, ca hát, cùng chơi đùa để giúp con mở rộng thêm vốn từ và cải thiện khả năng nói tốt hơn. Trong lúc tương tác với con, bố mẹ cũng nên đặt ra các câu hỏi, gợi ý về những hoạt động, sự vật xung quanh để gia tăng sự tò mò, hứng thú ở trẻ nhỏ.
- Tạo cho trẻ nhiều cơ hội để được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí bên ngoài. Điều này sẽ giúp cho trẻ khám phá được nhiều điều mới lạ xoay quanh cuộc sống. Đồng thời trẻ cũng có thêm nhiều cơ hội để được tiếp xúc với bạn bè, những người xung quanh, từ đó dễ dàng phát triển khả năng giao tiếp bằng lời nói.
- Trẻ chậm nói có thể học hỏi và tiếp thu chậm thông qua khả năng nghe nhưng lại nhạy bén hơn đối với việc nhìn, quan sát. Do đó, để gia tăng vốn từ cho trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cũng có thể giáo dục con bằng các hình ảnh, tranh vẽ, video minh họa hoặc từ những đồ vật có sẵn xung quanh cuộc sống để con có thể ghi nhớ tốt hơn.
- Để hỗ trợ tốt nhất cho trẻ chậm nói, bố mẹ hay những người thân xung quanh tuyệt đối không được cười chê, chọc ghẹo mỗi khi trẻ nói hoặc phát âm sai từ. Thay vào đó hãy dành cho trẻ những lời động viên, nhẹ nhàng hướng dẫn và làm mẫu để trẻ có thể dần điều chỉnh tốt hơn. Bên cạnh đó, trong lúc trò chuyện, tương tác với trẻ thì hãy chú ý nhiều hơn về phát âm, nói chuyện to rõ, chậm rãi, sử dụng câu từ đơn giản, mạch lạc, dễ hiểu.
- Thường xuyên cho trẻ nghe nhạc cũng là biện pháp hiệu quả giúp trẻ chậm nói gia tăng vốn từ, kích thích ngôn ngữ. Bố mẹ nên lựa chọn những bài hát phù hợp với lứa tuổi với những giai điệu vui tươi, hấp dẫn, ca từ đơn giản để trẻ tiếp thu nhanh chóng hơn.
- Chế độ dinh dưỡng hàng ngày cũng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển ngôn ngữ của mỗi trẻ nhỏ. Vì thế, các ông bố bà mẹ cũng nên quan tâm và cân bằng dinh dưỡng cho trẻ chậm nói, tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu Omega-3, vitamin, khoáng chất, các nguyên tố vi lượng cho lợi cho sức khỏe và sự phát triển của não bộ.
Bài viết trên đây đã giúp bạn đọc hiểu hơn về mẹo chữa chậm nói bằng đậu đỏ. Tuy nhiên, phương pháp dân gian này vẫn chưa được chứng thực bằng các nghiên cứu khoa học nên không thể đảm bảo về tính hiệu quả. Do đó, các bậc phụ huynh nên chủ động đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!