Cha mẹ cần làm gì khi trẻ tăng động bị bạn bè xa lánh, bắt nạt?
Trẻ tăng động giảm chú ý thường có những hành vi, cảm xúc khác lạ hơn so với bình thường nên trẻ dễ trở thành đối tượng bị bạn bè bắt nạt, ức hiếp. Tình trạng này gây ra những ảnh hưởng tâm lý vô cùng to lớn đối với trẻ nhỏ và có thể khiến tình trạng bệnh lý của trẻ càng trở nên nghiêm trọng. Vậy cha mẹ cần làm gì khi trẻ tăng động bị bạn bè xa lánh, bắt nạt?
Vì sao trẻ tăng động thường bị bắt nạt, xa lánh khi đi học?
Trẻ tăng động thường có xu hướng nghịch phá hơn mức bình thường và đây cũng là một trong các biểu hiện của chứng rối loạn phát triển thường gặp ở nhiều trẻ nhỏ hay còn được gọi với tên đầy đủ là rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Những đứa trẻ mắc phải tình trạng bệnh lý này thường có sự suy giảm nghiêm trọng về khả năng chú ý, tập trung và trẻ có những biểu hiện phá phách, hoạt động quá mức.
Phần lớn những đứa trẻ bị tăng động sẽ khó có thể ngồi yên một chỗ, trẻ hay chạy nhảy, nghịch phá, leo trèo dù ở bất kỳ không gian, hoàn cảnh nào. Trẻ dường như bị dư thừa năng lượng, hoạt động một cách không ngừng nghỉ và không màn đến những lời khuyên bảo, đe dọa của những người xung quanh.
Bên cạnh đó, khả năng tập trung và chú ý của trẻ cũng kém hơn so với những bạn bè đồng trang lứa. Trẻ không có sự kiên trì và nhẫn nại trong bất kỳ công việc nào, dễ bị phân tâm và gặp nhiều khó khăn trong quá trình giao tiếp, kết nối với mọi người.
Ngoài ra, một số trẻ còn có sự bốc đồng, hấp tấp và có xu hướng hay chen ngang vào lời nói của người khác, khó kiểm soát được cảm xúc và hành vi của bản thân. Tình trạng này gây nên nhiều cản trở đối với các sinh hoạt hàng ngày và cả kết quả học tập của trẻ cũng bị suy giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chính những điều này khiến cho nhiều bậc phụ huynh cảm thấy e ngại trong việc cho trẻ ADHD đi học và hòa nhập cùng bạn bè đồng trang lứa. Trong thực tế, các chuyên gia khuyến khích những trẻ tăng động giảm chú ý ở mức độ nhẹ, trẻ vẫn có khả năng hòa nhập với bạn bè thì phụ huynh cũng nên tạo điều kiện để trẻ đến trường, thầy cô, nhà trường cũng nên nhiệt tình chào đón và giúp đỡ trẻ.
Tuy nhiên, việc cho trẻ tăng động đến trường hiện cũng đang vướng phải nhiều vấn đề khó khăn, phổ biến nhất là tình trạng trẻ hay bị bạn bè bắt nạt và xa lánh. Dựa vào một số khảo sát thực tế cho thấy rằng, phần lớn những trẻ tăng động giảm chú ý sẽ thường xuyên trở thành đối tượng bị bạn bè xa lánh, bắt nạt về cả thể chất lẫn tinh thần.
Các nhà khảo sát cho biết rằng, tỷ lệ trẻ ADHD bị bắt nạt cao hơn rất nhiều so với những trẻ bình thường, con số này chiếm đến gần 80%. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này đó chính là do sự khác biệt đôi chút về hành vi của trẻ đã tạo nên khoảng cách giữa trẻ và các bạn đồng trang lứa.
Một số trẻ tăng động giảm chú ý thường dễ bị kích động và khó kiểm soát về hành vi của bản thân, thậm chí trẻ có thể sử dụng vũ lực để đối xử với bạn bè. Điều này khiến cho các bạn dần trở nên xa lánh và không muốn gần gũi, tiếp xúc với trẻ vì sợ bị xô đẩy, đánh đấm.
Ngoài ra, một số tình trạng trẻ tăng động cũng trở thành nạn nhân của những trò chơi bắt nạt, trêu chọc tại lớp học. Nhiều bạn bè xem trẻ là “kẻ quái dị” và liên tục sử dụng những lời lẽ chửi rủa, chọc ghẹo, chỉ trích, khinh thường khiến trẻ bị tổn thương tâm lý nặng nề. Vì thế cần được hỗ trợ can thiệp và khắc phục thật sớm để tránh gây ra những hệ lụy nguy hiểm hơn.
Cha mẹ nên làm gì khi trẻ tăng động bị bạn bè xa lánh, ức hiếp?
Như đã chia sẻ, tình trạng trẻ tăng động bị bạn bè xa lánh và bắt nạt có thể xảy ra thường xuyên và gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với tâm lý, quá trình phục hồi sức khỏe của trẻ. Và đặc biệt hơn là không có bất kỳ bậc phụ huynh nào mong muốn con cái của mình bị ức hiếp, cô lập trong tập thể.
Tuy nhiên, vào những thời điểm này, các bậc phụ huynh cần phải giữ bình tĩnh và thực sự khéo léo trong vấn đề đưa ra giải pháp hỗ trợ để con yêu có thể tự tin đối phó và thoát khỏi tình huống khó khăn, rắc rối này để hòa nhập tốt hơn với bạn bè đồng trang lứa. Cụ thể một số điều cha mẹ cần làm khi phát hiện trẻ tăng động bị bắt nạt, xa lánh như:
1. Tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ bị bạn bè xa lánh
Dù là những trẻ bị tăng động hay là trẻ có khả năng phát triển bình thường thì khi trẻ bị bắt nạt, ức hiếp đều sẽ tồn tại một vài lý do cụ thể nào đó. Phần lớn trẻ tăng động bị bạn bè xa lánh là do một số biểu hiện khác biệt của trẻ ở trường lớp hoặc sự thiếu nhận thức, hiểu biết của các bạn bè về chứng rối loạn phát triển này nên gây ra một số tình trạng tiêu cực nơi học đường.
Vì thế, các bậc phụ huynh cần phải tìm hiểu thật kỹ lưỡng về nguyên nhân khiến con bị các bạn cùng lớp bắt nạt. Đôi lúc vấn đề này lại xuất phát do tâm lý chung của mỗi trẻ nhỏ, trẻ thường thích “hùa” theo số đông và có thể đây không phải là lỗi ở con bạn.
Do đó, đừng nên cố đổ mọi trách nhiệm lên con của bạn mà hãy bình tĩnh để tìm hiểu về lý do trẻ bị cô lập, từ đó bạn cũng sẽ biết cách để giải quyết và khắc phục nó hiệu quả hơn. Đồng thời, thay vì chửi mắng, la rầy con cái thì bạn hãy nhẹ nhàng động viên, an ủi và cho trẻ hiểu rằng cha mẹ luôn ở bên để bảo vệ con.
2. Động viên và dành sự quan tâm đến trẻ
Khi trẻ trải qua việc bị bạn bè xa lánh và bắt nạt thì chắc chắn trẻ đã phải đối mặt với những giai đoạn bị tổn thương tâm lý nặng nề. Chính vì thế, lúc này trẻ rất cần sự quan tâm, cảm thông và động viên từ chính những người thân yêu bên cạnh, đặc biệt là cha mẹ.
Vì thế, các bậc phụ huynh hãy dành nhiều thời gian để tâm sự và chia sẻ với con, hỏi xem con đang cảm thấy thế nào và lắng nghe những chia sẻ, tâm tư của con. Những trẻ tăng động giảm chú ý thường bị hạn chế về khả năng giao tiếp nên các bậc phụ huynh cần phải có sự kiên trì, nhẫn nại để có thể thấu hiểu, san sẻ những lo lắng, buồn phiền của con.
3. Hỗ trợ con giải quyết vấn đề
Đối với những trẻ thông thường, khi rơi vào tình trạng bị bạn bè cô lập, đả kích thì các bậc phụ huynh hãy động viên con tự tìm ra cách giải quyết, khuyến khích con khắc phục tốt những mâu thuẫn của bản thân. Tuy nhiên, nếu trẻ bị ADHD thì đôi khi trẻ sẽ cần sự hỗ trợ và giúp đỡ thì cha mẹ, thầy cô và những người xung quanh.
Phụ huynh có thể đưa ra một số ví dụ cụ thể và minh họa cho trẻ về một số cách giải quyết phù hợp với khả năng của trẻ nhỏ. Hoặc nếu tình trạng trẻ bị bắt nạt không xuất phát từ trẻ mà do chính những hành động sai lệch của các bạn thì cha mẹ cũng nên cân nhắc đến bạn đưa ra lời khuyên cụ thể dành cho con, tạo điều kiện để con làm quen và bắt đầu các mối quan hệ tích cực hơn.
4. Khen ngợi và khích lệ con chống lại kẻ bắt nạt
Dù nguyên nhân đến từ bất kỳ điều gì thì hành vi bắt nạt, cô lập bạn bè là không phù hợp và đúng đắn. Do đó, ba mẹ hãy hướng dẫn cho con về những cách phản ứng tích cực, phù hợp trước sự chọc phá, trêu ghẹo của bạn bè xung quanh để giúp con mau chóng thoát khỏi những tổn thương về mặt tinh thần lẫn thể chất.
Đồng thời, bạn cũng không thể nào kề vai sát cánh với con trong tất cả các tình huống, đặc biệt là ở môi trường học tập. Vì thế, hãy khuyến khích con có đủ sự tự tin để chống lại tình trạng “bạo lực học đường” và dành cho con những lời khen tích cực khi con có đủ dũng cảm làm được việc đó.
5. Trao đổi với thầy cô và nhà trường
Liên hệ trực tiếp với thầy cô và nhà trường là một trong những cách cần thiết mà các bậc phụ huynh cần làm khi phát hiện con trẻ bị bắt nạt, ức hiếp tại trường học. Cha mẹ cần gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với giáo viên giảng dạy trẻ để nắm rõ tình trạng thực tế và cùng nhau đưa ra cách khắc phục, bảo vệ tốt quyền lợi của trẻ nhỏ.
Đồng thời, các bậc phụ huynh cũng nên khéo léo trong việc trao đổi với giáo viên phụ trách giảng dạy cho trẻ. Các buổi gặp mặt nên được thực hiện kín đáo để tránh tình trạng biến trẻ trở thành một người hay mách lẻo, nói xấu bạn bè và khiến cho tình trạng bị cô lập càng diễn ra nghiêm trọng hơn.
6. Trao đổi với phụ huynh của trẻ bắt nạt
Việc để một đứa trẻ tăng động giảm chú ý có thể học tập và sinh hoạt cùng với những trẻ bình thường thực là điều vô cùng khó khăn và đây cũng chính là niềm trăn trở của rất nhiều bậc phụ huynh. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tạo điều kiện thuận lợi và giang rộng cánh tay để giúp đỡ, hỗ trợ tốt cho tất cả các trẻ có được một môi trường phát triển lành mạnh, tích cực.
Vì thế, nếu con bạn đang là nạn nhân của tình trạng bị bạn bè bắt nạt thì bạn cũng có thể cân nhắc đến việc liên lạc, gặp gỡ phụ huynh của những trẻ đang tẩy chay con bạn. Khi trò chuyện bạn hãy chia sẻ cụ thể về tình trạng bệnh lý của con yêu để có thể nhận được sự đồng cảm và giúp đỡ từ các bậc cha mẹ khác. Từ đó nhờ đến sự hỗ trợ của họ trong việc giáo dục, răn đe và điều chỉnh các hành vi chưa phù hợp của trẻ, giúp hạn chế tối đa tình trạng bắt nạt bạn bè.
Cần làm gì để phòng tránh tình trạng bắt nạt ở trẻ tăng động?
Việc để trẻ tăng động giảm chú ý tham gia học tập và sinh hoạt cùng các bạn đồng trang lứa có sự phát triển bình thường thực sự là một thử thách lớn đối với gia đình, nhà trường. Tuy nhiên, đối với những trẻ tăng động ở mức độ nhẹ và có thể hòa nhập với xã hội thì chúng ta cũng nên tạo mọi điều kiện thuận lợi để trẻ được học tập, vui chơi, hòa nhập như các bạn đồng trang lứa.
Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng trẻ bị bạn bè cô lập, xa lánh và bắt nạt thì các bậc phụ huynh cũng cần trang bị cho trẻ những kỹ năng, kiến thức cơ bản để phòng tránh và ngăn chặn tốt hành vi tiêu cực này trước khi nó xảy ra. Cụ thể một số điều cần dạy trẻ như:
- Áp dụng các tình huống giả tưởng để con có thể hình dung ra các trường hợp tiêu cực và tìm cách đối phó hiệu quả. Cha mẹ có thể đóng vai người bắt nạt và dạy cho trẻ những cách phản ứng, chống lại sự ức hiếp đó.
- Dạy con cách nói ra cảm xúc và suy nghĩ của bản thân để mọi người xung quanh có thể thấu hiểu, đồng cảm và san sẻ nhiều hơn.
- Trẻ tăng động giảm chú ý cần phải rèn luyện sự tự tin của bản thân để tránh được những hành vi bắt nạt của bạn bè. Cha mẹ nên tạo điều kiện để trẻ tham gia vào nhiều hoạt động ngoại khóa để gia tăng sự kết nối, giúp trẻ được tiếp xúc với nhiều người và dần tự tin hơn vào chính bản thân.
- Giúp trẻ biết cách đáp trả lại các hành vi bắt nạt, dạy trẻ cách giữ bình tĩnh và kiên quyết với những điều tiêu cực. Trước những sự ức hiếp của bạn bè, cha mẹ hãy dạy cho con cách lên tiếng phản kháng phù hợp để ngăn chặn tốt hành vi tồi tệ ngay lúc đầu.
- Khuyến khích trẻ chia sẻ về những điều xảy ra xung quanh cuộc sống, đặc biệt là khi trẻ bị bắt nạt. Hãy luôn nói với con về việc cha mẹ sẽ luôn đồng hành và chia sẻ khi con gặp khó khăn và hãy nói với cha mẹ về những cảm xúc, khó khăn mà con đang gặp phải.
- Ngoài ra, đối với trẻ tăng động, các bậc phụ huynh cũng cần hỗ trợ giáo dục và cải thiện tốt các hành vi bốc đồng, quá khích của trẻ để tránh gây ra những mâu thuẫn khi trẻ sinh hoạt cùng bạn bè.
Bài viết trên đây đã giúp bạn đọc hiểu thêm về những điều mà cha mẹ nên làm khi phát hiện trẻ tăng động bị bạn bè xa lánh, bắt nạt. Các bậc phụ huynh cần phải giữ được sự bình tĩnh và áp dụng các biện pháp xử lý khéo léo để giúp con mau chóng thoát khỏi những tình huống tiêu cực này và gia tăng sự hòa nhập đối với bạn bè đồng trang lứa, giúp trẻ học tập và phát triển tốt hơn.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!