Tại sao trẻ tự kỷ khó ngủ? Tìm hiểu cách khắc phục
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sinh hoạt của mỗi con người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu khoa học nhận thấy rằng, trẻ mắc chứng tự kỷ lại thường khó ngủ, bứt rứt, căng thẳng không thể ngủ được.
Nguyên nhân khiến trẻ tự kỷ khó ngủ
Dựa vào số liệu ước tính nhận thấy rằng, có từ 40 đến 80% các trường hợp trẻ nhỏ mắc chứng tự kỷ rơi vào trạng thái rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là khó ngủ, trằn trọc không ngủ được. Các chuyên gia còn cho biết thêm, những vấn đề liên quan đến giấc ngủ thường xuất hiện phổ biến hơn ở người mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, tỷ lệ chiếm gấp 2 lần so với những người bình thường.
Các bậc phụ huynh sẽ dễ dàng nhận thấy trẻ tự kỷ thường hay khó chịu, bồn chồn, căng thẳng và mất rất nhiều thời gian để đi vào giấc ngủ. Thói quen ngủ của trẻ thường cũng không được nhất quán, chất lượng giấc ngủ không đảm bảo. Tình trạng này gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt hàng ngày của trẻ.
Tuy nhiên cho đến hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định chắc chắn về nguyên nhân khiến nhiều trẻ tự kỷ bị khó ngủ. Một vài giả thuyết đã chỉ ra những yếu tố có liên quan như:
1. Do rối loạn giác quan
Trẻ tự kỷ khó ngủ có thể đến từ những sự nhạy cảm quá mức đối với các sự kiện, tình huống, hình ảnh kích thích bên ngoài môi trường. Theo chia sẻ của các chuyên gia về tự kỷ thì trẻ nhỏ mắc phải chứng rối loạn phát triển này thường có sự nhạy cảm rất lớn đối với những thứ xảy ra xung quanh, ví dụ cụ thể như ánh sáng hoặc âm thanh, tiếng động của côn trùng, xe cộ.
Chính vì thế, nếu không gian ngủ của trẻ có quá nhiều ánh sáng hoặc phòng ngủ quá ồn, bên ngoài bị ảnh hưởng từ các âm thanh gây nhiễu thì trẻ cũng rất khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc. Ngoài ra, khi gặp căng thẳng, hay lo lắng quá mức cũng khiến cho nhiều trẻ khó ngủ, giấc ngủ chập chờn, hay tỉnh giấc nhiều lần trong đêm.
2. Do rối loạn hormone melatonin
Hormone melatonin là một loại hormone quan trọng nắm giữ vai trò giúp điều chỉnh và cân bằng chu kỳ giấc ngủ của con người. Loại hormone này sẽ được tạo ra nhờ vào một loại axit amin có tên là tryptophan. Tuy nhiên, theo nghiên cứu thì cơ thể của những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ sẽ có hàm lượng hormone melatonin không đảm bảo, có thể thấp hơn hoặc cao hơn so với mức yêu cầu thông thường.
Chính vì lý do đó mà nhiều đứa trẻ mắc phải căn bệnh này bị rối loạn giấc ngủ một cách trầm trọng. Khi nồng độ hormone giảm dần trong cơ thể sẽ khiến cho trẻ cảm thấy tỉnh táo, không thể nào ngủ ngon giấc. Một vào cuộc khảo sát và nghiên cứu nhận thấy, nồng độ hormone melatonin của con người thường sẽ tăng cao vào ban đêm và hạ thấp dần vào ban ngày. Nhưng đối với trẻ tự kỷ thì hoàn toàn ngược lại, trẻ sẽ có hàm lượng hormone tăng cao vào ban ngày và giảm dần khi đêm đến, sự thay đổi này cũng khó có thể xác định được cụ thể thời gian.
3. Do sự cản trở trong giao tiếp
Đặc trưng nổi bật nhất của những trẻ tự kỷ đó chính là sự hạn chế về khả năng giao tiếp, trẻ dường như không thể trò chuyện, chia sẻ hay vui đùa với những người bên cạnh, kể cả những người thân thiết trong gia đình. Trẻ gặp nhiều sự cản trở trong giao tiếp và khó có thể hiểu rõ các tín hiệu từ xã hội.
Đối với những đứa trẻ bình thường, trẻ sẽ hiểu rằng bản thân cần phải đi ngủ vào ban đêm và thức dậy khi trời sáng. Đây là nhịp sống sinh học bình thường của mỗi con người và nó phù hợp với chu kỳ thay đổi của tự nhiên. Bên cạnh đó, những đứa trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng và làm theo các tín hiệu của xã hội. Chẳng hạn như trẻ sẽ đi ngủ khi nhận thấy những người xung quanh đã đi ngủ. Tuy nhiên, do sự hạn chế về giao tiếp nên trẻ tự kỷ dường như không bị tác động bởi yếu tố này.
4. Do ảnh hưởng từ các bệnh lý liên quan
Trẻ bị tự kỷ có khả năng bị kèm theo các bệnh lý về sức khỏe khác, chẳng hạn như động kinh, hen suyễn hay viêm tai hoặc các rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi. Các triệu chứng của bệnh sẽ làm ảnh hưởng và khiến cho chất lượng giấc ngủ bị suy giảm đáng kể. Đồng thời, trong quá trình sử dụng thuốc để điều trị cũng có thể khiến cho giấc ngủ bị tác động tiêu cực, gây nên nhiều tác dụng phụ ngoài ý muốn, trong đó có tình trạng khó ngủ.
Cách nhận biết trẻ tự kỷ đang bị rối loạn giấc ngủ
Chất lượng giấc ngủ chiếm phần đối với quá trình phát triển của mỗi trẻ nhỏ. Bên cạnh việc ăn uống, sinh hoạt, vận động thì thời gian ngủ của trẻ cũng cần được quan tâm và điều chỉnh thích hợp theo từng lứa tuổi. Trẻ càng nhỏ thì thời gian ngủ càng nhiều. Các chuyên gia cho biết, cứ sau khoảng 1 năm thì thời lượng giấc ngủ trung bình của trẻ nhỏ sẽ giảm đều khoảng 15 phút. Cụ thể như sau:
- Trẻ nhỏ từ 1 đến 3 tuổi sẽ cần khoảng 12 đến 14 tiếng mỗi ngày để ngủ.
- Trẻ từ 6 tuổi cần có giấc ngủ đủ từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày.
- Trẻ từ 12 tuổi sẽ cần có giấc ngủ đủ từ 10 đến 11 giờ mỗi ngày
- Trẻ trên 16 tuổi sẽ cần ngủ từ 8 đến 8,5 giờ mỗi ngày.
Tuy nhiên, những con số này chỉ là ước tính chung của trẻ nhỏ bởi thời gian ngủ của từng trẻ còn phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Mặc dù thế, mỗi trẻ cùng cần đảm bảo đủ thời gian giấc ngủ của mình, tránh tình trạng thiếu hụt quá mức hoặc ngủ quá nhiều cũng sẽ gây nên nhiều tác động xấu đối với sức khỏe tổng thể và làm cản trở đến sinh hoạt đời sống hàng ngày.
Trẻ em và ngay cả người trưởng thành cũng nên tập trung giấc ngủ vào ban đêm, duy trì thói quen ngủ trước 11 giờ mỗi ngày để có một sức khỏe ổn định, một tinh thần thoải mái và tràn đầy năng lượng. Riêng đối với trẻ tự kỷ, thường sẽ dễ bị rối loạn giấc ngủ, trẻ cảm thấy khó ngủ và trằn trọc không thể đi vào giấc ngủ.
Các bậc phụ huynh nếu có con mắc phải chứng rối loạn phổ tự kỷ thì nên chú ý đến giấc ngủ của trẻ nhiều hơn. Cần kịp thời nhận biết sự suy giảm về chất lượng giấc ngủ của trẻ thông qua các biểu hiện như sau:
- Khi đến giờ ngủ, trẻ thường trằn trọc, căng thẳng, lo lắng, bứt rứt không thể ngủ được.
- Trẻ mất rất nhiều thời gian để có thể đi vào giấc ngủ.
- Thời gian ngủ của trẻ ngắn, trẻ thường giật mình thức vào giữa đêm và khó có thể ngủ lại ngon giấc.
- Trẻ ngủ muộn, thức sớm.
- Vào ban ngày trẻ thường ở trong trạng thái lờ đờ, thiếu sức sống, mệt mỏi, chán chường.
- Do thiếu ngủ quá mức nên trẻ cũng dễ cáu gắt, nóng nảy, kích động.
Nếu nhận thấy trẻ tự kỷ có những biểu hiện này thì cha mẹ cũng nên nhanh chóng tìm kiếm biện pháp để giúp trẻ cải thiện và nâng cao chất lượng giấc ngủ. Hoặc nếu tình trạng này liên tục kéo dài và gây ảnh hưởng nghiêm trọng thì nên cân nhắc đưa trẻ đến gặp các chuyên gia, bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Trẻ tự kỷ khó ngủ có ảnh hưởng gì không?
Như đã chia sẻ, giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với đời sống của mỗi con người, nhất là những trẻ em đang mắc phải chứng tự kỷ. Cũng bởi những đứa trẻ tự kỷ thường hay khó ngủ, đa phần trẻ dễ bị căng thẳng, lo lắng, bồn chồn khiến cho thói quen ngủ liên tục bị đảo lộn và gây nên nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng.
Khi chất lượng giấc ngủ không được đảm bảo, trẻ liên tục thiếu ngủ sẽ khiến cho sức khỏe thể chất dần bị suy kiệt nghiêm trọng. Cơ thể không được nghỉ ngơi để lấy lại nguồn năng lượng đã được tiêu hao trong một ngày nên thường xuyên rơi vào trạng thái mệt mỏi, ủ rũ, lờ đờ, không có sức sống. Đồng thời, khi ngủ không đủ giấc có thể khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm nghiêm trọng và là cơ hội để các loại virus, vi khuẩn tấn công cơ thể, khiến trẻ càng gia tăng các bệnh lý thể chất khác như cảm cúm, đau đầu, nóng sốt,…
Bên cạnh đó, nếu trẻ liên tục khó ngủ, thiếu ngủ kéo dài cũng sẽ làm ảnh hưởng đối với đời sống tinh thần của trẻ nhỏ. Những đứa trẻ tự kỷ thường dễ bị rối loạn cảm xúc, khó kiềm chế bản thân và nếu trẻ rơi vào trạng thái mất ngủ thì tình trạng này sẽ càng gia tăng đáng kể. Theo nghiên cứu, trẻ tự kỷ khó ngủ có thể làm cho trẻ trở nên kích động, cáu gắt, bứt rứt, hiếu động quá mức, kèm theo đó có thể là các vấn đề về rối loạn hành vi.
Ngoài ra, tình trạng khó ngủ, rối loạn giấc ngủ của trẻ tự kỷ cũng có thể làm gia tăng các triệu chứng của bệnh, khiến trẻ nhỏ càng bị hạn chế hơn về mặt ngôn ngữ, nhận thức, hành vi và trí tuệ. Điều này gây ra những sự cản trở to lớn trong việc học tập và cải thiện sức khỏe của nhiều trẻ nhỏ.
Chăm sóc một đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ là một điều không đơn giản. Khi trẻ bị khó ngủ, mất ngủ thì việc hỗ trợ và chăm sóc trẻ càng gặp nhiều khó khăn hơn. Chính vì thế, nếu tình trạng trẻ tự kỷ khó ngủ không được sớm khắc phục tốt cũng sẽ làm ảnh hưởng và suy giảm sức khỏe của cha mẹ hoặc những người chăm sóc trẻ. Họ khó có thể có được giấc ngủ chất lượng và dễ sinh ra những bệnh lý về thể chất và cả tinh thần.
Tìm hiểu thêm: Trẻ tự làm đau mình: Hành vi nguy hiểm bố mẹ cần cảnh giác
Cách khắc phục hiệu quả cho trẻ tự kỷ khó ngủ
Trẻ tự kỷ khó ngủ kéo dài dai dẳng sẽ gây nên rất nhiều các ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống và sức khỏe của trẻ. Chính vì thế, ngay khi phát hiện ra những sự bất ổn về giấc ngủ của trẻ, cha mẹ nên nhanh chóng tìm cách để cải thiện và khắc phục hiệu quả, giúp trẻ có được giấc ngủ trọn vẹn nhất.
Dưới đây là một số biện pháp hiệu quả và an toàn có thể giúp trẻ tự kỷ nâng cao chất lượng giấc ngủ, thoát khỏi tình trạng khó ngủ:
1. Thiết kế không gian ngủ sạch sẽ và thoải mái cho trẻ
Trẻ tự kỷ vô cùng nhạy cảm với những âm thanh, ánh sáng bên ngoài nên các bậc phụ huynh nên ưu tiên tạo cho trẻ một phòng ngủ thoải mái và đáp ứng tốt các nhu cầu thư giãn của trẻ. Cần cho trẻ biết rằng đó chính là giường và không gian ngủ riêng của con để con sử dụng đúng với mục đích.
Kèm theo đó là một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình thiết kế chỗ ngủ của trẻ tự kỷ:
- Lựa chọn phòng ngủ yên tĩnh, không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi tiếng ồn xe cộ hoặc các thiết bị công nghệ trong nhà như tivi, radio,…Trẻ tự kỷ có thể cảm nhận rất nhạy với các tiếng ồn trắng hoặc những âm thanh vô cùng nhỏ trong không gian yên tĩnh, chẳng hạn như tiếng đồng hồ kêu, tiếng quạt trần, tiếng nước chảy,…Vì thế, cha mẹ cần chú ý lựa chọn không gian ngủ thật yên tĩnh để tránh việc trẻ bị khó ngủ do tiếng ồn, âm thanh bên ngoài.
- Phòng ngủ cũng cần điều chỉnh ánh sáng phù hợp. Nhiều trẻ thường cảm thấy dễ ngủ hơn trong không gian tối nhưng cũng có một vài trường hợp cần một chút ánh sáng dịu nhẹ ở góc giường.
- Giường ngủ cần được vệ sinh thường xuyên, ga giường phải luôn sạch sẽ. Trong phòng cũng có thể bố trí thêm máy xông tinh dầu để tạo mùi hương dễ chịu, giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ sâu.
2. Giúp trẻ xây dựng thói quen lành mạnh về giấc ngủ
Hãy bắt đầu tập ra thói quen ngủ và thức dậy cùng một giờ nhất định để con có thể tuân thủ một cách lành mạnh nhất. Vào ban ngày, cha mẹ hãy giúp con thực hiện các hoạt động thường nhật, giúp con hoàn thành tốt các công việc và nhiệm vụ được giao phó trong ngày. Đồng thời, hãy hướng dẫn con một số biện pháp thư giãn, giải tỏa căng thẳng bằng cách nghe nhạc, tập yoga, đọc sách, chăm sóc cây cảnh hoặc bất kỳ hoạt động nào mà trẻ yêu thích.
Tính ổn định của các hoạt động trong ngày sẽ giúp cho trẻ cảm thấy dễ chịu và bớt căng thẳng hơn khi về đêm. Đồng thời, hãy đặt ra giờ quy định cho giấc ngủ và cùng trẻ thực hiện nghiêm túc về vấn đề đó. Ví dụ nếu bạn muốn cho trẻ ngủ vào lúc 9 giờ tối thì khoảng 1 tiếng trước đó bạn không nên cho trẻ tiếp xúc với những thiết bị công nghệ như chơi điện tử, xem tivi hoặc các hoạt động vận động mạnh, nặng nhọc.
Thay vào đó, hãy giúp trẻ xây dựng thói quen thực hiện các hoạt động thư giãn như ngồi thiền, đọc vài trang sách, đi dạo nhẹ nhàng trước giờ ngủ để cơ thể được thả lỏng, đầu óc thoải mái và dịu nhẹ hơn. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng nên giúp trẻ phân biệt cụ thể về đâu là đồ mặc sinh hoạt hàng ngày và đâu là đồ mặc để ngủ. Điều này sẽ giúp trẻ ý thức về giấc ngủ, não bộ cũng dần truyền tín hiệu về giấc ngủ khi trẻ thay đồ ngủ.
Khi duy trì tốt về các hoạt động thường nhật được làm trước giờ ngủ, trẻ cũng sẽ dần quen với điều đó và dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn. Một ví dụ cụ thể mà các bậc phụ huynh có thể áp dụng cho con như Thay đồ ngủ – Đi vệ sinh – Rửa tay – Đánh răng – Uống nước – Đọc truyện – Lên giường – Ngủ. Các hoạt động này được diễn ra trong phòng ngủ của trẻ sẽ gia tăng được hiệu quả tốt hơn.
3. Gia tăng hoạt động thể chất vào ban ngày
Một trong các cách hiệu quả và vô cùng an toàn để giúp trẻ tự kỷ có thể ngủ ngon vào ban đêm đó chính là giúp trẻ gia tăng các hoạt động thể chất vào ban ngày. Khi hoạt động cả ngày, cơ thể của trẻ sẽ dần bị tụt giảm năng lượng vào ban đêm và trẻ sẽ cần một giấc ngủ sâu có thể hoạt động tốt cho ngày tiếp theo.
Mặt khác, theo các nghiên cứu khoa học nhận thấy rằng, việc trẻ được vận động đúng cách không chỉ giúp tăng cường sức khỏe thể chất mà còn là biện pháp hiệu quả để giảm stress, xua tan lo lắng, căng thẳng. Tuy nhiên, để kích thích trẻ tự kỷ tham gia vào các hoạt động thể chất cũng không phải là một điều dễ dàng vì trẻ thường khá thụ động, ngại giao tiếp.
Chính vì thế, các bậc phụ huynh phải luôn đồng hành và cùng trẻ thực hiện. Hãy tạo cho trẻ nhiều cơ hội và điều kiện để được tham gia vào những hoạt động thể chất lành mạnh. Hoặc đơn giản hãy khuyến khích trẻ đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe đạp, đá banh hoặc bất kỳ những hoạt động, môn thể nào nào mà trẻ yêu thích.
4. Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ
Thực đơn ăn uống hàng ngày cũng góp phần quan trọng đối với chất lượng giấc ngủ của trẻ nhỏ. Các bậc phụ huynh nên chú ý xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, bổ sung nhiều rau xanh và các thực phẩm có lợi cho giấc ngủ. Khi cơ thể được bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết thì sẽ đảm bảo tốt được các sinh hoạt hàng ngày, từ đó giấc ngủ cũng được nâng cao.
Cha mẹ cũng nên chú ý cho con ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa. Đặc biệt là những buổi chiều cần phải ưu tiên các món ăn dạng lỏng để cơ thể hấp thụ và xử lý tốt hơn. Không nên cho trẻ ăn quá nhiều hoặc quá no vào buổi đêm, nhất là trước khi đi ngủ khiến trẻ bị đầy hơi, khó chịu và không ngủ được.
5. Sử dụng thuốc để cải thiện chứng khó ngủ của trẻ tự kỷ
Nếu đã áp dụng hầu hết các biện pháp giúp cải thiện giấc ngủ nhưng trẻ vẫn không thể nào ngủ ngon, ngủ sâu giấc thì các bậc phụ huynh cũng nên cân nhắc đến việc nhờ đến thuốc hỗ trợ. Tuy nhiên, việc dùng thuốc cho trẻ tự kỷ cần phải được chỉ định và có sự hướng dẫn cụ thể của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc cho trẻ dùng nếu chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
Hiện nay, đối với các tình trạng trẻ tự kỷ bị khó ngủ thì sẽ được ưu tiên áp dụng các loại thuốc nhóm Melatonin hoặc các loại vitamin phù hợp. Quá trình dùng thuốc của trẻ cần được theo dõi một cách kỹ lưỡng bởi nếu sử dụng không đúng hướng dẫn sẽ gây ra những tác dụng phụ hoặc hệ lụy nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Nếu trong quá trình dùng thuốc, trẻ có phát sinh ra những triệu chứng bất thường nào thì cha mẹ cũng nên đưa còn tiến hành thăm khám hoặc liên hệ ngay với bác sĩ điều trị để được tư vấn, hướng dẫn cách xử lý kịp thời.
Trẻ tự kỷ khó ngủ là một trong các tình trạng phổ biến gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống và sức khỏe của trẻ nhỏ. Hy vọng ra qua thông của bài viết này, bạn đọc sẽ biết cách chăm sóc và cải thiện chất lượng giấc ngủ cho trẻ, giúp trẻ mau chóng phục hồi sức khỏe và hòa nhập tốt hơn với cộng đồng.
Có thể bạn quan tâm:
- Giáo viên cần làm gì khi gặp trẻ tự kỷ? Những điều cần lưu ý
- Trẻ tự kỷ có hay cười không? Giải đáp thắc mắc
- Trẻ tự kỷ sợ gì? Những điều khiến trẻ hoảng sợ cần lưu tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!