Trẻ nhút nhát ít nói: Dấu hiệu của nhiều vấn đề quan ngại
Trẻ rụt rè, nhút nhát ít nói, thiếu tự tin sẽ gặp phải rất nhiều cản trở khi giao tiếp, tương tác và kết nối với mọi người xung quanh. Cha mẹ cần quan tâm và có cách chăm sóc đúng đắn để giúp con cải thiện tình trạng này, hướng đến hành trình phát triển trọn vẹn.
Cách nhận biết trẻ rụt rè, nhút nhát, ít nói
Nhút nhát, rụt rè, ít nói, ngại giao tiếp có lẽ là một trong các biểu hiện thường thấy ở trẻ nhỏ, đặc biệt là ở những trẻ từ 3 đến 10 tuổi. Những đứa trẻ này thường có xu hướng bám lấy ba mẹ, cảm thấy sợ sệt và ngần ngại trong việc tiếp xúc, tương tác với những người xung quanh, nhất là những ai xa lạ.
Trong thực tế thì đây là một tình trạng phổ biến và khá bình thường đối với mỗi trẻ nhỏ. Có những trẻ hiếu động, tinh nghịch, tự tin nhưng cũng có những trẻ cảm thấy lo lắng khi phải gặp gỡ hay xuất hiện trước mặt nhiều người.
Con rụt rè nhút nhát, thiếu tự tin thường sẽ được biểu hiện thông qua các cử chỉ, hành động sau:
- Trẻ ít giao tiếp, không chủ động nhiều trong các cuộc trò chuyện.
- Trẻ thích chơi một mình, không thích những nơi náo nhiệt, ồn ào, đông người.
- Trẻ rất khó khăn trong việc chủ động làm quen hoặc kết bạn với những người xung quanh vì thế trẻ có rất ít bạn bè và thường chỉ có xu hướng muốn chơi với những người bạn đã thân thiết, quen thuộc từ trước.
- Trẻ rất dễ cảm thấy xấu hổ, ngại bộc lộ bản thân.
- Trẻ nhạy cảm với những lời phê bình, chỉ trích.
- Những trẻ nhút nhát thường thiếu tính trách nhiệm, không dám nhận lỗi và đôi khi có thể đổ lỗi cho người khác vì sợ bị la mắng.
- Trẻ không tự tin vào năng lực của bản thân, thường hay trốn tránh trong các nhiệm vụ, hoạt động ngày thường.
- Trẻ đến tuổi đi học cũng ít khi phát biểu, không tham gia vào các hoạt động vui chơi của trường lớp.
- Trẻ luôn có suy nghĩ rằng mình là người kém cỏi, vô dụng.
- Hay cảm thấy buồn bã, chán nản, không có động lực.
- Có nhiều khả năng trở thành nạn nhân của những vụ bạo lực học đường, bị bạn bè bắt nạt, trêu chọc.
- Thường bị mọi người xung quanh đánh giá là yếu kém.
Sự nhút nhát ít nói của trẻ nhỏ gây nên nhiều sự cản trở trong quá trình giao tiếp, tương tác và phát triển của trẻ. Những đứa trẻ này thường không đủ tự tin để thể hiện tài năng của mình, khả năng chủ động học tập của trẻ sẽ hạn chế hơn so với các bạn cùng trang lứa nên khó có thể đạt được nhiều thành công trong cuộc sống.
Do đó, nếu nhận thấy con có những biểu hiện này, các bậc phụ huynh cũng cần phải quan tâm và dành nhiều sự hỗ trợ cho trẻ. Ngay từ những năm tháng đầu đời, hãy cố gắng tạo điều kiện tốt nhất giúp trẻ rèn luyện sự tự tin, giao tiếp để trẻ có thêm nhiều cơ hội để phát triển bản thân một cách toàn diện.
Vì sao trẻ rụt rè, nhút nhát ít nói và thiếu tự tin?
Trẻ nhút nhát, ít nói, thiếu tự tin có thể là do tính cách và sự ảnh hưởng từ môi trường giáo dục trong những năm tháng đầu đời. Việc hỗ trợ xác định rõ nguyên nhân tạo nên sự nhút nhát, rụt rè của trẻ cũng là một trong các yếu tố quan trọng để các bậc phụ huynh có thể nhanh chóng điều chỉnh và khắc phục.
Theo tìm hiểu và đánh giá của các chuyên gia thì sự nhút nhát ít nói, thiếu tự tin của nhiều trẻ nhỏ có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau:
1. Do di truyền
Sự nhút nhát của nhiều trẻ nhỏ có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền. Nếu trẻ được sinh ra trong một gia đình có ba mẹ hoặc anh chị em là người trầm tính, ít nói, rụt rè thì trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi tính cách này do quá trình sinh hoạt và giáo dục trong thời gian dài.
Tính cách của ba mẹ có sự tác động rất lớn đối với trẻ nhỏ. Nếu ba mẹ là người hướng nội, sống khép kín, không có nhiều mối quan hệ thì trẻ cũng sẽ được giáo dục theo chiều hướng này và dần trở nên nhút nhát, rụt rè. Tuy nhiên, tính cách này của trẻ cũng có thể dần được thay đổi và điều chỉnh theo thời gian, đặc biệt là sau khi trẻ đi học, tiếp xúc với môi trường mới và có nhiều kinh nghiệm hơn trong cuộc sống.
2. Sự bao bọc quá mức của gia đình
Nhiều trẻ trở nên nhút nhát, ngại giao tiếp với người lạ cũng có thể do sự bảo bọc, che chở quá mức của ba mẹ, gia đình. Phần lớn các bậc phụ huynh đều sẽ dành cho con sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc hết mực. Tuy nhiên, sự cưng chiều và che chở thái quá có thể khiến cho trẻ bị hạn chế nhiều về cơ hội được tiếp xúc với môi trường bên ngoài, từ đó làm cho trẻ trở nên ỷ lại, nhút nhát hơn so với lứa tuổi.
Có không ít các bậc phụ huynh do lo lắng, sợ con sẽ gặp phải những nguy hiểm, tác động tiêu cực của bên ngoài nên không cho con được vui chơi, gặp gỡ bạn bè. Điều này khiến con không có nhiều cơ hội được va chạm, giao tiếp với mọi người xung quanh khiến con khó hòa nhập và trở nên tách biệt.
3. Trẻ nhút nhát do thường xuyên bị la mắng
Ngược lại với sự bao bọc thì những trường hợp trẻ thường xuyên bị chỉ trích, la mắng hoặc thậm chí là bạo hành cũng là nguyên nhân khiến trẻ trở nên nhút nhát, thiếu tự tin. Nếu trẻ liên tục bị ba mẹ phê bình, mắng chửi thì trẻ sẽ dần hình thành tâm lý sợ sệt, lo ngại về tất cả các hành động, lời nói của bản thân nên dần thu mình, sống khép kín.
Ngoài ra, những đứa trẻ không được thấu hiểu, lắng nghe và yêu thương cũng sẽ dần trở nên ít nói, thậm chí là dễ hình thành các vấn đề sức khỏe về tâm lý. Trẻ thiếu vắng sự quan tâm của gia đình sẽ không có nhiều nhu cầu về việc giao tiếp, tương tác xã hội hoặc thậm chí trẻ còn tự oán trách bản thân, cho rằng mình là kẻ thừa thãi, không ai muốn gần gũi, thương yêu.
4. Trẻ ít nói do hạn chế về ngôn ngữ
Sự ít nói, ngại giao tiếp và tự ti của trẻ nhỏ cũng có thể xuất phát từ việc trẻ bị hạn chế về khả năng phát triển ngôn ngữ, vốn từ hạn hẹp hoặc có vấn đề về phát âm. Trẻ gặp phải các tình trạng này thường có sự mặc cảm đối với quá trình giao tiếp bằng lời nói, đặc biệt nếu trẻ đã từng bị chê cười, chế giễu về giọng nói, cách giao tiếp của mình.
5. Ảnh hưởng từ công nghệ
Với sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc của công nghệ, hiện nay trẻ em có nhiều cơ hội được tiếp xúc với các thiết bị điện tử ngay từ khi còn rất nhỏ. Mặc dù các phương tiện này cũng mang đến nhiều lợi ích đối với quá trình học tập, phát triển của trẻ nhưng việc trẻ sử dụng điện thoại, tivi, máy tính, iPad quá sớm và quá lạm dụng sẽ gây nên nhiều cản trở trong quá trình tương tác xã hội.
Nhiều trẻ nhỏ chỉ liên tục dán mắt vào màn hình điện thoại, chỉ thích thú với việc xem thông tin bằng các thiết bị điện tử mà lãng quên nhu cầu được giao tiếp, tương tác trực tiếp. Điều này khiến cho trẻ dần trở nên ít nói, tách biệt với cuộc sống đời thực và hạn chế cơ hội được va chạm thực tế.
Trẻ nhút nhát ít nói có đáng lo ngại không?
Chắc hẳn các bậc phụ huynh đã ít nhất một lần nhìn thấy cảnh trẻ nhỏ níu chặt lấy tay ba mẹ, nép mình sau lưng và e dè khi gặp gỡ, trò chuyện cùng với người lạ. Sự nhút nhát của trẻ đôi khi chỉ là một phần tính cách và sự thiếu trải nghiệm trọng cuộc sống.
Tình trạng này hoàn toàn có thể khắc phục tốt theo thời gian bởi khi trẻ đã có được những kinh nghiệm sống, bắt đầu bước vào môi trường học tập tốt thì trẻ sẽ dần tự cải thiện sự tự tin của bản thân, giao tiếp linh hoạt hơn. Tuy nhiên, sự nhút nhát của nhiều trẻ nhỏ đôi khi xuất phát từ những điều tiêu cực trong cuộc sống hoặc các vấn đề sức khỏe đáng lo ngại khác.
Vì thế, các bậc phụ huynh cần phải đặc biệt quan tâm đối với những trẻ có tính cách này. Sớm phát hiện ra nguyên nhân và có cách hỗ trợ khắc phục hiệu quả cho trẻ. Bởi sự ít nói, nhút nhát của nhiều trẻ nhỏ chính là nguyên nhân làm vụt mất những cơ hội quý báu trong đời sống, khiến trẻ khó có thể học tập và thành công trong nhiều khía cạnh khác nhau.
Ngoài ra, những trẻ có tính nhút nhát, ít nói lại thường là đối tượng hay bị bạn bè trêu chọc, thậm chí là bị ức hiếp về cả tinh thần lẫn thể chất. Các giáo viên cũng ít khi có sự đánh giá cao về những trẻ nhỏ quá rụt rè, không dám thể hiện bản thân. Điều này khiến cho trẻ khó duy trì tốt kết quả học tập và các sinh hoạt đời sống hàng ngày.
Một số trẻ ít nói, nhút nhát còn có thể là do sự ảnh hưởng của các yếu tố tâm lý, bệnh lý như chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ. Đối với các tình trạng này, trẻ cần được nhanh chóng hỗ trợ và có biện pháp can thiệp hiệu quả để tránh gây ra những ảnh hưởng tiêu cực hoặc làm khởi phát thêm các vấn đề nguy hiểm hơn.
Làm sao để cải thiện sự nhút nhát ít nói của trẻ?
Sự nhút nhát ít nói của trẻ gây nên nhiều cản trở và ảnh hưởng đối với đời sống, các mối quan hệ xã hội. Vì thế, đây là vấn đề cần được quan tâm, hỗ trợ khắc phục sớm để giúp trẻ có thêm nhiều cơ hội phát triển bản thân, trải nghiệm cuộc sống theo cách lành mạnh, tích cực nhất.
Tuy nhiên, việc đầu tiên cần phải thực hiện trước khi áp dụng các phương pháp can thiệp cho trẻ đó chính là tìm kiếm nguyên nhân gây nên sự nhút nhát, kém tự tin của trẻ nhỏ. Từ đó, các bậc phụ huynh cũng sẽ dễ dàng áp dụng các biện pháp khắc phục, giúp trẻ gia tăng tốt sự tự tin, linh hoạt hơn trong giao tiếp, xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, hữu ích.
1. Trò chuyện, lắng nghe trẻ
Trò chuyện là cách hiệu quả nhất để các bậc phụ huynh có thể thấu hiểu hơn về những suy nghĩ, đặc điểm tính cách và nhu cầu của trẻ nhỏ. Đôi khi sự nhút nhát, ít nói của trẻ đến từ sự vô tâm, thờ ơ của ba mẹ nên việc dành thời gian để lắng nghe, chia sẻ cùng con là điều vô cùng hiệu quả mà các chuyên gia thường khuyến khích áp dụng để gia tăng sự tự tin của trẻ.
Bằng cách này, ba mẹ cũng có thể dễ dàng tìm ra lý do gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, khiến trẻ không dám bộc lộ bản thân và dần trở nên tách biệt hơn. Thông qua những buổi trò chuyện, các bậc phụ huynh sẽ giúp cho con có được tinh thần thoải mái, dễ chịu và dần trở nên cởi mở hơn trong việc bày tỏ cảm xúc, mong muốn của bản thân với tất cả những người xung quanh.
2. Dành cho trẻ những lời khen
Thay vì quát nạt, mắng chửi thì các bậc phụ huynh nên dành cho trẻ nhiều lời khen, động viên, nhất là khi trẻ có biểu hiện tốt về giao tiếp, tương tác. Bất kỳ đứa trẻ nào cũng mong muốn được công nhận và đánh giá cao về năng lực. Do đó, khi thường xuyên được khen ngợi, trẻ cũng sẽ cảm thấy thích thú, gia tăng động lực để cố gắng, phấn đấu nhiều hơn nữa.
Các bậc phụ huynh cần phải đồng hành và quan sát các biểu hiện của trẻ. Liên tục khuyến khích trẻ chủ động hơn trong các hoạt động sinh hoạt, giao tiếp của cuộc sống. Khi trẻ có những biểu hiện tích cực thì hãy dành cho trẻ những lời khen hoặc đôi khi đưa ra phần thưởng để trẻ có thêm nhiều động lực hơn.
3. Tạo điều kiện để trẻ gia tăng các trải nghiệm
Để giúp trẻ cải thiện tốt tình trạng nhút nhát ít nói, ba mẹ cũng nên tạo cơ hội và nhiều điều kiện tốt để trẻ gia tăng các trải nghiệm thực tế. Đối với trẻ nhỏ, sự bảo bọc quá mức không thể giúp trẻ phát triển toàn diện và hiệu quả. Thay vào đó, phụ huynh nên cho trẻ được tự do khám phá, trải nghiệm những hoạt động thú vị của đời sống để gia tăng kinh nghiệm, sự hiểu biết của bản thân, từ đó trẻ cũng trở nên tự tin, hoạt bát hơn.
Song song với đó, việc phát triển thêm những kỹ năng mềm cũng là điều cần thiết và nên được áp dụng cho trẻ trong từng độ tuổi khác nhau. Trẻ có thể được tham gia vào các lớp rèn luyện kỹ năng để gia tăng tốt về sự tự tin, giao tiếp và tương tác, ứng xử với xã hội.
Tại đây, trẻ cũng sẽ được giao lưu, gặp gỡ với nhiều bạn bè nên có thể dễ dàng gia tăng sự giao tiếp, chủ động trò chuyện, xây dựng các mối quan hệ tích cực. Ngoài ra, những hoạt động vui chơi, giải trí ngoài trời cũng là một trong các biện pháp tốt để giúp trẻ đánh bại được sự nhút nhát của mình.
4. Làm gương cho trẻ
Trẻ nhỏ thường bị ảnh hưởng rất lớn từ cách cư xử, lời nói và tính cách của ba mẹ. Vì thế, để giúp con gia tăng sự tự tin, chủ động hơn trong việc tương tác, giao tiếp xã hội thì chính bản thân các bậc phụ huynh phải là người làm gương và điều chỉnh bản thân mình.
Như đã chia sẻ, sự nhút nhát, ít nói của trẻ đôi khi xuất phát từ di truyền, môi trường sống và cách giáo dục của gia đình. Do đó, để dạy cho trẻ sự chủ động, tự tin thì các bậc phụ huynh cũng nên bắt đầu từ những hành động, tình huống cụ thể.
Ví dụ, khi gặp gỡ những người xung quanh, ba mẹ hãy luôn chủ động chào hỏi, làm quen và bắt chuyện. Đồng thời, hãy khuyến khích trẻ làm theo để trẻ gia tăng sự kết nối hiệu quả hơn.
5. Giúp trẻ nhận biết điểm mạnh của bản thân
Một trong những cách hiệu quả có thể giúp trẻ nhỏ cải thiện sự tự tin của mình đó chính là giúp trẻ nhận biết được điểm mạnh của bản thân. Mỗi đứa trẻ sẽ có những năng lực và ưu điểm về một hoặc một vài khía cạnh nào đó.
Vì thế, các bậc phụ huynh hãy tìm hiểu và giúp cho trẻ biết được thế mạnh của mình là gì vào tạo điều kiện để trẻ phát huy tốt tiềm lực của bản thân. Khi trẻ biết rõ về năng lực của chính mình, trẻ cũng sẽ dần biết cách bộc lộ nó, gia tăng sự tự tin để có thể kết nối tốt hơn với xã hội.
6. Không tạo áp lực cho trẻ
Một trong những điều vô cùng quan trọng đối với quá trình cải thiện sự tự tin của trẻ nhỏ đó chính là không nên tạo áp lực hoặc thúc ép trẻ quá nhiều. Để một đứa trẻ thụ động, nhút nhát, ít nói trở nên hoạt bát, năng động hơn thực sự không phải là điều dễ dàng có thể làm ngay trong một sớm một chiều.
Do đó, các bậc phụ huynh cần có sự kiên nhẫn, cố gắng để đồng hành tốt cho trẻ trong giai đoạn này. Ngoài ra, gia đình cũng nên có sự phối hợp chặt chẽ cùng với nhà trường hoặc tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia để áp dụng tốt các biện pháp hỗ trợ phù hợp cho trẻ.
Trẻ nhút nhát ít nói cần được hỗ trợ cải thiện sớm để gia tăng các trải nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ có thêm nhiều cơ hội phát triển bản thân. Hy vọng qua thông tin của bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu thêm về sự nhút nhát của trẻ nhỏ và có các cải thiện hiệu quả, phù hợp cho trẻ.
Có thể bạn quan tâm:
- Trẻ không nói chuyện, giao tiếp với người lạ: Cha mẹ cần chú ý
- Các phương pháp dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non tốt nhất
- Các cột mốc phát triển về ngôn ngữ và giao tiếp ở trẻ cần biết
- Top 9 Phương pháp giáo dục sớm cho trẻ 0 – 6 Tuổi tốt nhất
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!