Trầm Cảm là gì? Nguyên nhân, Dấu hiệu, Phương pháp điều trị
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 5% dân số đang đối mặt với bệnh trầm cảm. Căn bệnh này đặc trưng bởi khí sắc giảm thấp, cơ thể thiếu năng lượng, mất hứng thú và luôn có cảm giác tội lỗi. Trầm cảm gây ra nhiều biến chứng, trong đó nặng nề nhất là tự sát và suy kiệt do từ chối ăn uống.
Trầm cảm là gì?
Trầm cảm đề cập đến trạng thái khí sắc giảm thấp dẫn đến những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, đau khổ, thất vọng, chán nản và buồn phiền. Trên thực tế, bất cứ ai trong chúng ta cũng phải trải qua trạng thái trầm cảm ít nhất một lần. Tuy nhiên, trạng thái này không được xem là bệnh lý nếu chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Bệnh trầm cảm (Depression/ Major Depressive Disorder) là thuật ngữ đề cập đến một dạng rối loạn tâm thần đặc trưng bởi khí sắc giảm thấp kéo dài ít nhất 6 tháng. Trạng thái này xảy ra trong thời gian dài khiến cho sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống của người bệnh giảm sút nghiêm trọng. Bên cạnh cảm xúc giảm thấp, cả tư duy (suy nghĩ) và hành vi của người bệnh cũng đều bị ức chế.
Trước đây, trầm cảm không được xem là bệnh lý mà chỉ được coi là trạng thái cảm xúc. Tuy nhiên, trước những ảnh hưởng mà trầm cảm gây ra. Từ năm 2012 trở đi, chứng bệnh này đã nhận được sự quan tâm của các tổ chức Y tế.
Theo thống kê từ WHO, có khoảng 5% dân số toàn cầu đang đối mặt với bệnh trầm cảm và con số này sẽ không ngừng gia tăng nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời. WHO cũng công nhập trầm cảm gây ra những gánh nặng về kinh tế cho xã hội chỉ đứng sau các vấn đề tim mạch. Nếu không được điều trị, người mắc chứng bệnh này sẽ mất khả năng lao động và tệ hơn có thể dẫn đến tự sát.
Dấu hiệu nhận biết bệnh trầm cảm
Cảm xúc của con người sẽ dao động lên xuống tùy theo những tác động từ môi trường. Sự dao động này phụ thuộc khá nhiều vào tính cách và tư duy của mỗi người. Cảm xúc lên cao sẽ dẫn đến tâm trạng vui vẻ, hứng thú hoặc tức giận, kích động. Ngược lại, cảm xúc giảm thấp sẽ gây buồn bã, đau khổ,… và đây đều là những trạng thái cảm xúc thông thường.
Trầm cảm đặc trưng bởi khí sắc giảm thấp với biểu hiện là đau khổ, buồn bã, mất hứng thú, chán nản,… Chính vì vậy, các dấu hiệu của bệnh dễ bị nhầm lẫn với trạng thái cảm xúc thông thường. Về bản chất, trầm cảm khởi phát từ từ nên các triệu chứng thường không rõ ràng. Chỉ đến khi bệnh chuyển biến nặng, bản thân người bệnh và những người xung quanh mới có thể nhận ra sự bất thường.
Triệu chứng của trầm cảm rất đa dạng nhưng nhìn chung sẽ có những dấu hiệu nổi bật như sau:
1. Khí sắc giảm thấp
Khí sắc (cảm xúc) giảm thấp là triệu chứng đầu tiên của bệnh trầm cảm. Khác với trạng thái buồn bã thông thường, người bị trầm cảm luôn thường trực sự chán nản và đau khổ. Thậm chí người bệnh cũng không hiểu vì sao bản thân luôn cảm thấy buồn bã và không thể nào cải thiện cảm xúc của chính mình.
Khí sắc giảm thấp ở bệnh trầm cảm có những biểu hiện như sau:
- Khuôn mặt buồn bã, thể hiện rõ sự đau khổ sâu sắc thông qua ánh mắt
- Nét mặt đơn điệu, hoàn toàn không có bất cứ cảm xúc tích cực nào
- Cảm giác đau khổ trở nên sâu sắc hơn theo thời gian
- Bi quan, mất hy vọng
- Luôn trong trạng thái lo âu
- Một số trường hợp có biểu hiện tăng kích thích như cáu kỉnh, nổi nóng và tức giận chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt. Biểu hiện này thường gặp ở trẻ em và người vị thành niên.
Một số người không cảm nhận được cảm giác buồn bã nhưng có các biểu hiện cơ thể như đau thượng vị, đau đầu, mệt mỏi và khó chịu trong người.
2. Giảm hoặc mất hứng thú
Triệu chứng điển hình của trầm cảm là giảm hoặc mất hứng thú với những sở thích trước đây. Bệnh nhân thường không hứng thú với bất cứ hoạt động nào, kể cả những thú vui bản thân từng yêu thích.
Sau đó, bệnh nhân cũng giảm dần ham muốn tình dục và không hào hứng với hầu hết các hoạt động như công việc, sinh hoạt, vui chơi, mua sắm,… Cảm giác mất hứng thú do trầm cảm sẽ kéo dài dai dẳng trong nhiều tháng liền. Điều này không giống với trạng thái chán nản nhất thời.
3. Giảm sút năng lượng
Bệnh nhân trầm cảm không chỉ rơi vào trạng thái đau khổ, buồn bã sâu sắc mà còn có biểu hiện giảm năng lượng. Năng lượng trong cơ thể gần như bị rút kiệt dẫn đến việc người bệnh luôn cảm thấy uể oải và kiệt sức.
Giảm sút năng lượng ở bệnh nhân trầm cảm thường thể hiện qua những dấu hiệu như sau:
- Thường xuyên than phiền về sự mệt mỏi, uể oải mặc dù không có bất cứ vấn đè sức khỏe nào
- Cần sự nỗ lực và tập trung rất lớn mới có thể hoàn thành công việc
- Giảm sút năng lượng khiến cho hiệu suất lao động giảm đi rõ rệt, thậm chí cả những hoạt động thường ngày như rửa mặt, nấu ăn, thay quần áo,… cũng mất nhiều thời gian hơn bình thường
- Tình trạng mệt mỏi, giảm năng lượng tăng lên vào buổi sáng và có xu hướng giảm đi đôi chút vào buổi chiều. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngược lại.
- Nếu không được điều trị, tình trạng giảm sút năng lượng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khiến bệnh nhân không thể thực hiện bất cứ việc gì.
4. Thay đổi thói quen ăn uống
Bệnh nhân trầm cảm thường thay đổi thói quen ăn uống một cách bất thường. Người bệnh có thể chán ăn, ăn ít do mất cảm giác ngon miệng. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp ăn uống vô độ.
Thay đổi thói quen ăn uống ở bệnh nhân trầm cảm khác hẳn với việc thay đổi thói quen thông thường. Các dấu hiệu nhận biết bao gồm:
- Mất cảm giác ngon miệng nên thường chán ăn và ăn rất ít
- Nhiều người có cảm giác bản thân bị ép phải ăn
- Một số trường hợp có thể nhịn ăn hoàn toàn dẫn đến việc sụt ký nhanh chóng (từ vài ký cho đến 10kg chỉ trong một tháng)
- Khoảng 5% bệnh nhân trầm cảm có cảm giác ngon miệng hơn bình thường dẫn đến việc ăn uống vô độ (thường yêu thích thức ăn chứa nhiều đường và tinh bột). Trong trường hợp này, người bệnh có xu hướng tăng cân nhanh và thậm chí là bị béo phì.
5. Rối loạn tâm thần vận động
Ngoài những ảnh hưởng đối với cảm xúc, trầm cảm cũng gây ức chế hành vi dẫn đến rối loạn tâm thần vận động. Rối loạn tâm thần vận động ở bệnh nhân trầm cảm rất khác biệt so với các rối loạn thần kinh.
Các biểu hiện rối loạn tâm thần vận động ở bệnh nhân trầm cảm bao gồm:
- Thường xuyên đi đi lại lại và không thể yên vị một chỗ
- Hành vi, vận động trở nên chậm chạp thường là vận động cơ thể chậm, nói chậm, giọng nói nhỏ, nội dung rời rạc, mất nhiều thời gian để có thể trở lại câu hỏi,…
- Một số bệnh nhân có thể câm hoàn toàn
- Nằm lì hoặc ngồi lì một chỗ trong phòng, không hoạt động và không quan tâm đến bất cứ điều gì
Các triệu chứng ức chế vận động thường gặp ở người cao tuổi. Trong khi đó, người trẻ tuổi thường hoạt động nhiều và liên tục nhưng không hề có mục đích (đứng ngồi không yên, đi lại liên tục,…).
6. Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
Trầm cảm gây ra những thay đổi bên trong não bộ và điều này ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng giấc ngủ. Tương tự như thói quen ăn uống, một số bệnh nhân có thể bị mất ngủ nhưng cũng có nhiều trường hợp ngủ hầu hết thời gian trong ngày.
- Khoảng 95% bệnh nhân bị mất ngủ, khó ngủ, thức giấc giữa đêm hoặc tỉnh dậy quá sớm và không thể ngủ lại
- Bệnh nhân thường trằn trọc cả đêm và dù có cố gắng cũng không thể ngủ lại được
- Một số người bệnh tỏ ra khó chịu về việc bản thân không thể ngủ ngon giấc dẫn đến tâm trạng cáu kỉnh, nóng nảy
- Ngoài tình trạng mất ngủ, một số ít bệnh nhân lại có biểu hiện ngủ quá nhiều (10 – 12 giờ hoặc nhiều hơn). Tình trạng này chỉ xảy ra ở khoảng 5% trường hợp bị trầm cảm.
Mất ngủ dai dẳng là lý do bệnh nhân trầm cảm đến thăm khám. Đa phần đều không chủ động tìm gặp bác sĩ khi nhận thấy bản thân buồn bã sâu sắc, chán nản và mất hứng thú. Nguyên nhân có thể là do hiểu biết hạn chế về các vấn đề tâm lý nói chung và trầm cảm nói riêng.
7. Khó suy nghĩ và giảm khả năng tập trung
Ngoài cảm xúc bị ức chế, tư duy của bệnh nhân trầm cảm cũng bị ức chế sau một thời gian bệnh tiến triển. Ngoài tình trạng mất ngủ, đây cũng triệu chứng khiến bệnh nhân quyết định đến bệnh viện thăm khám.
Khó tập trung, suy nghĩ ở bệnh nhân trầm cảm thể hiện qua những dấu hiệu sau:
- Rất khó có thể tập trung vào một việc nào đó, ngay cả đó là việc đơn giản
- Gần như không thể tập trung suy nghĩ và rất khó có thể đưa ra quyết định (dù là những quyết định rất nhỏ như nên mua loại rau nào,…)
- Dễ bị phân tán
- Trí nhớ giảm (thường là quên những sự việc vừa mới xảy ra, sau đó bắt đầu quên những sự việc xa hơn như quê quán, ngày sinh, độ tuổi và những sự kiện xảy ra trong quá khứ,…)
8. Luôn có cảm giác tội lỗi, vô dụng
Một triệu chứng thường gặp ở bệnh trầm cảm là có cảm giác bản thân vô dụng, bất tài hoặc tội lỗi vì đã gây ra điều gì đó khủng khiếp. Cảm giác này hoàn toàn không phù hợp với hoàn cảnh.
- Bệnh nhân luôn cho rằng bản thân bất tài, không có năng lực và là gánh nặng của gia đình dù thực tế hoàn toàn ngược lại.
- Liên tục nghĩ về những sai lầm nhỏ trước đây, cảm thấy dằn vặt, đau khổ và tự trách bản thân
- Nếu không được điều trị, cảm giác tội lỗi, vô dụng có thể phát triển thành hoang tưởng. Trầm cảm kèm hoang tưởng là tình trạng nghiêm trọng có thể gia tăng nguy cơ tự sát. Đây cũng là lý do bệnh lý này cần được thăm khám và điều trị sớm.
9. Ý nghĩ, hành vi tự sát
Hầu hết bệnh nhân bị trầm cảm đều hình thành ý nghĩ tự sát sau khi nghĩ về tội lỗi và sự vô dụng của bản thân. Ý nghĩ tự sát sẽ diễn ra trong một thời gian rất dài trước khi chuyển thành hành vi tự sát. Hiện nay, trầm cảm đã được xác định là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự tử và đây cũng là lý do bệnh lý này ngày càng được quan tâm hơn.
Tự sát có thể gặp ở người bị trầm cảm nhẹ, vừa và nặng. Do đó, tuyệt đối không chủ quan khi chăm sóc và theo dõi bệnh nhân trầm cảm. Thông thường, bệnh nhân sẽ nghĩ về cái chết rất lâu trước khi thực hiện hành vi tự tử. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp tự sát chỉ sau 1 – 2 phút kể từ ý nghĩ muốn chết xuất hiện.
Ngoài các triệu chứng trên, bệnh trầm cảm còn gây ra nhiều biểu hiện cơ thể như rối loạn kinh nguyệt, rối loạn tiêu hóa, rối loạn thần kinh thực vật, nam giới có xu hướng lãnh cảm, rối loạn cương dương, liệt dương, rối loạn tiết niệu,… Trường hợp trầm cảm hoang tưởng sẽ thường xuyên gặp ảo giác, ảo thanh (thường là tiếng rên rỉ, khóc lóc, tiếng than khóc trong đám ma của chính mình hoặc tiếng sai khiến bản thân phải tự kết liễu để trừng phạt trước tội lỗi mắc phải).
Các thể lâm sàng của trầm cảm
Hiện nay, trầm cảm được chia thành nhiều thể lâm sàng. Có khá nhiều cách phân loại chứng bệnh này nhưng nhìn chung, trầm cảm được chia thành 3 loại chính dựa trên bệnh sinh.
1. Trầm cảm nội sinh
Trầm cảm nội sinh là dạng trầm cảm do rối loạn chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Dạng này thường có tính chất di truyền, các triệu chứng khá nghiêm trọng và tiên lượng xấu hơn trầm cảm tâm sinh. Thông thường, bác sĩ sẽ loại trừ những dạng trầm cảm khác để chẩn đoán xác định trầm cảm nội sinh.
Trầm cảm nội sinh sẽ có những dấu hiệu điển hình sau:
- Biểu hiện thường thấy là giảm khí sắc, mệt mỏi, mất ngủ
- Bệnh nhân hay lo lắng về sức khỏe của bản thân và nghĩ về tương lai một cách bi quan, tuyệt vọng
- Sau một thời gian, trầm cảm sẽ chuyển sang giai đoạn toàn phát với đầy đủ các triệu chứng ức chế cảm xúc, ức chế vận động và ức chế tư duy (suy nghĩ)
- Giữa các đợt khởi phát, bệnh nhân có khí sắc bình ổn
Trầm cảm nội sinh bao gồm khá nhiều loại bao gồm trầm cảm nghi bệnh, trầm cảm ẩn, trầm cảm hoang tưởng, sững sờ trầm cảm,…
2. Trầm cảm tâm sinh
Trầm cảm tâm sinh là thể lâm sàng phổ biến nhất. Bệnh sinh có liên quan đến stress và sang chấn tâm lý do phải đối mặt với những biến cố lớn như tai nạn, sảy thai, gia đình tan vỡ, phá sản, bị cưỡng hiếp, lạm dụng,…
Trầm cảm tâm sinh có những đặc điểm sau đây:
- Triệu chứng mờ nhạt, không rõ ràng bằng trầm cảm nội sinh
- Thường xuyên than vãn, khóc lóc cho rằng bản thân bất hạnh và đau khổ
- Khí sắc giảm thấp (đau khổ, buồn bã kéo dài)
- Giảm hứng thú với hầu hết các hoạt động
- Dễ xúc động, khó làm chủ cảm xúc
- Hay lo lắng về sức khỏe, lo sợ tương lai và luôn có cảm giác sẽ có chuyện không may xảy ra
3. Trầm cảm thực tổn
Trầm cảm thực tổn là thể trầm cảm xảy ra do tổn thương thực thể ở não bộ (chấn thương sọ não, hội chứng Cushing, xơ vữa động mạch não, nhiễm khuẩn não,…). Tổn thương thực thể ở não là nguyên nhân gây rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh và kết quả là gây ra các triệu chứng trầm cảm.
Trầm cảm thực tổn sẽ có các dấu hiệu điển hình sau:
- Các triệu chứng của bệnh phụ thuộc nhiều vào tiến triển của bệnh chính và khả năng chịu đựng của từng người.
- Trầm cảm thực tổn thường có triệu chứng không điển hình hoặc trầm cảm kèm hoang tưởng (trầm cảm paranoid)
- Hội chứng trầm cảm không điển hình đặc trưng bởi các triệu chứng như hay than khóc, kích động, lo âu, nghi bệnh,…
- Hội chứng trầm cảm paranoid có các triệu chứng điển hình như sợ hãi, lo lắng, kích động, buồn bã, hoang tưởng buộc tội và ảo thanh
Hiện nay, vẫn có khá nhiều dạng trầm cảm chưa được công nhận như hội chứng trầm cảm cười. Có thể thấy, trầm cảm có biểu hiện vô cùng phức tạp và chưa có đầy đủ nghiên cứu về chứng bệnh này. Do đó, điều trị và ngăn chặn trầm cảm tái phát cho đến nay vẫn là thách thức lớn đối với y học.
Nguyên nhân gây bệnh trầm cảm
Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra trầm cảm vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, các chuyên gia đã xác định được một số nguyên nhân có thể gây ra căn bệnh này:
1. Các bất thường trong não bộ
Trong não bộ có một số cơ quan chịu trách nhiệm điều chỉnh tâm trạng. Các chuyên gia nhận thấy, những người bị trầm cảm thường có cấu tạo não khác biệt so với người khỏe mạnh như kích thước hồi hải mã nhỏ hơn từ 9 – 13%. Điều này khiến cho bệnh nhân trầm cảm khó có thể kiểm soát cảm xúc và chìm đắm trong tâm trạng đau khổ, bi quan dai dẳng.
Sự bất thường trong cấu trúc của não bộ dẫn đến mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh như acetylcholine, serotonin, norepinephrine, dopamine, glutamate, axit gamma-aminobutyric (GABA),… Mất cân bằng các chất hóa học bên trong não bộ khiến cho cảm xúc, tư duy và vận động bị ức chế. Trong đó, các chuyên gia nhận thấy sự sụt giảm nghiêm trọng của serotonin ở khe synap.
2. Yếu tố di truyền
Trầm cảm là bệnh có khả năng di truyền và điều này đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu khác nhau. Nguy cơ mắc bệnh tăng lên 2 – 3 lần nếu có bố mẹ ruột bị trầm cảm. Các chuyên gia cho rằng, gen có vai trò trong việc hình thành khả năng thích nghi và phản ứng của mỗi cá nhân trước những sự kiện sang chấn. Vì vậy, nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh, nhiều khả năng con cái cũng sẽ mắc chứng bệnh này.
3. Tác động của sang chấn
Dù không mang gen “trầm cảm”, một số người vẫn có thể bị trầm cảm do phải đối với những sự kiện chấn động. Những sự kiện này vượt quá ngưỡng chịu đựng khiến cho não bộ bị ức chế dẫn đến mất cân bằng các chất hóa học. Kết quả là gây ra trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác như rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn lo âu lan tỏa,…
Các nghiên cứu đã được thực hiện cho thấy, các sự kiện sang chấn xảy ra khi còn nhỏ sẽ làm thay đổi chức năng, hình thái cũng như cấu trúc của tế bào não. Khi lớn lên, trẻ sẽ nhạy cảm hơn với những sự kiện trong cuộc sống và nhiều khả năng sẽ mắc chứng trầm cảm.
4. Stress trường diễn
Stress kéo dài là một trong những nguyên nhân gây trầm cảm. Trạng thái căng thẳng dai dẳng làm thay đổi hormone và các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Bên cạnh đó, stress làm gia tăng hormone cortisol dẫn đến hàng loạt những thay đổi sinh lý. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ra trầm cảm đi kèm với một số triệu chứng cơ thể như mệt mỏi, đau đầu, rối loạn tiêu hóa,…
5. Một số yếu tố khác
Ngoài những nguyên nhân trên, trầm cảm cũng có thể xảy ra do một số yếu tố khác như:
- Do bệnh lý: Các bệnh thực thể ảnh hưởng đến hoạt động của não và làm mất cân bằng các chất hóa học bên trong não bộ. Do đó, trầm cảm thường xảy ra ở những bệnh nhân bị suy giáp, mắc các bệnh tim mạch, bệnh thần kinh thoái hóa, u não, chấn thương sọ não, ung thư,…
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và góp phần gây trầm cảm bao gồm thuốc isotretinoin, thuốc chống động kinh, thuốc an thần, thuốc chẹn kênh calci, thuốc giảm đau gây nghiện,…
- Nghiện chất, nghiện game: Nghiện chất, nghiện game đã được xác định là nguyên nhân gây bệnh trầm cảm. Những yếu tố này đều làm thay đổi hoạt động của não bộ và gây rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh.
Trầm cảm ảnh hưởng nhiều hơn đến nữ giới và tỷ lệ cao gấp 1.5 – 3 lần so với nam giới. Các chuyên gia cho rằng, phụ nữ có tính cách yếu đuối, nhạy cảm và là đối tượng bởi chịu nhiều áp lực trong cuộc sống. Hơn nữa, nữ giới phải trải qua nhiều giai đoạn rối loạn hormone như dậy thì, mang thai, sau sinh,… Vì vậy, đa phần bệnh nhân trầm cảm đều là nữ giới. Ngoài ra, người cao tuổi cũng là nhóm đối tượng có nguy cơ trầm cảm cao.
Chẩn đoán bệnh trầm cảm
Hiện nay, các bác sĩ Tâm thần sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán trong DSM-5 (Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần phiên bản thứ 5 của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ) hoặc ICD-10 (Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và vấn đề sức khỏe liên quan phiên bản thứ 10) để chẩn đoán bệnh trầm cảm.
Chẩn đoán bệnh lý này chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng. Tuy nhiên, các xét nghiệm cận lâm sàng vẫn được thực hiện để đánh giá chính xác hơn sức khỏe tâm thần của bệnh nhân và loại trừ những khả năng khác có thể xảy ra.
Các xét nghiệm được sử dụng trong chẩn đoán trầm cảm:
- Các xét nghiệm thường quy bao gồm xét nghiệm máu, xét nghiệm hormone tuyến giáp, xét nghiệm HIV, viêm gan B, C,…
- Chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng bao gồm MRI, CT sọ não, đo đa ký giấc ngủ, điện tim đồ, điện não độ, siêu âm tuyến giáp, siêu âm ổ bụng, X-Quang tim phổi,…
- Các trắc nghiệm tâm lý chuyên sâu như thang đánh giá nhân cách (MMPI), thang đánh giá trầm cảm Beck, thang đánh giá lo âu Zung,…
Nếu chẩn đoán theo ICD-10, bác sĩ có thể đánh giá được mức độ của bệnh trầm cảm. Đây cũng là lý do tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm trong ICD-10 vẫn được dùng phổ biến hơn so với DSM-5.
Các phương pháp điều trị bệnh trầm cảm
Đến nay, điều trị bệnh trầm cảm vẫn còn là thách thức đối với y học. Nhiều trường hợp có đáp ứng tốt nhưng cũng có nhiều bệnh nhân tái phát bệnh thường xuyên, không đáp ứng với thuốc,… Nhìn chung, hiện tại có 3 phương pháp điều trị trầm cảm phổ biến nhất là hóa dược trị liệu, tâm lý trị liệu và liệu pháp sốc điện. Ngoài ra, sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè cũng giúp ích rất nhiều trong quá trình điều trị.
1. Hóa dược trị liệu
Thuốc là lựa chọn đầu tay khi điều trị trầm cảm. Thuốc được dùng cả trong giai đoạn tấn công và điều trị dự phòng. Trong đó, thuốc chống trầm cảm là nhóm thuốc chính. Các loại thuốc khác được sử dụng để hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.
Các loại thuốc được dùng trong điều trị trầm cảm bao gồm:
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng bao gồm Amitriptylin, Clomipramin,…
- Thuốc chống trầm cảm đa vòng gồm có Mirtazapin, Venlafaxin,…
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) bao gồm Fluoxetin, Fluvoxamin, Paroxetin, Sertralin,…
- Thuốc an thần nhóm benzodiazepins (thường được dùng ngắn hạn cho bệnh nhân từ chối ăn uống, loạn thần, có ý định, hành vi tự sát,…)
Thuốc an thần được dùng trong thời gian ngắn và ngưng sử dụng khi thuốc chống trầm cảm phát huy tác dụng. Sau khi triệu chứng được kiểm soát, bệnh nhân phải dùng thuốc duy trì trong khoảng 1 năm. Những trường hợp bị trầm cảm tái phát sẽ phải dùng thuốc duy trì trong 2 – 4 năm. Bệnh nhân bị tái phát trầm cảm 5 lần trở lên sẽ phải dùng thuốc suốt đời để tránh biến chứng tự sát.
2. Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý có vai trò quan trọng trong điều trị và ngăn ngừa trầm cảm tái phát. Phương pháp này đặc biệt có hiệu quả với trầm cảm do sang chấn tâm lý và stress trường diễn. Mục tiêu của trị liệu tâm lý là giúp bệnh nhân học cách cân bằng cảm xúc, giải quyết những khó khăn trong cuộc sống, chấp nhận bản thân,…
Các liệu pháp tâm lý thường được áp dụng cho bệnh nhân trầm cảm:
- Liệu pháp nhận thức
- Liệu pháp phân tích tâm lý
- Liệu pháp hỗ trợ
Trị liệu tâm lý mang lại hiệu quả rõ rệt ở những trường hợp trầm cảm mức độ nhẹ và vừa. Kết hợp phương pháp này cùng với hóa dược trị liệu mang lại hiệu quả rõ rệt và có thể giảm thiểu nguy cơ bệnh tái phát.
3. Liệu pháp sốc điện
Sốc điện là một trong những phương pháp điều trị trầm cảm phổ biến. Một điều thú vị là phương pháp này ra đời trước các loại thuốc chống trầm cảm. Chính sự tiện lợi của thuốc đã khiến cho y học nhiều năm lãng quên liệu pháp này.
Liệu pháp sốc điện sử dụng điện cực gắn ở đầu của bệnh nhân, sau đó dùng nguồn điện có kiểm soát tác động sâu vào bên trong tế bào thần kinh. Các rung giật do sốc điện gây ra giúp tái thiết lập nồng độ chất dẫn truyền thần kinh, qua đó làm thuyên giảm triệu chứng trầm cảm.
Hiện nay, liệu pháp sốc điện đã phổ biến trở lại và thường được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Trầm cảm có loạn thần
- Trầm cảm kháng thuốc
- Bệnh nhân có ý định tự sát, từ chối ăn uống
- Trầm cảm căng trương lực
- Bệnh nhân dị ứng thuốc chống trầm cảm cũng được cân nhắc điều trị bằng liệu pháp sốc điện
4. Kích thích từ xuyên sọ (TMS)
Kích thích từ xuyên sọ (TMS) là phương pháp điều trị trầm cảm ít phổ biến hơn liệu pháp sốc điện. Phương pháp này sử dụng các xung từ tính sóng ngắn tác động vào não bộ nhằm thay đổi chức năng điện thần kinh. TMS được áp dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau như trầm cảm, tâm thần phân liệt, rối loạn stress sau chấn thương, đau nửa đầu,…
Tương tự như liệu pháp sốc điện, kích thích từ xuyên sọ cũng áp dụng trong trường hợp trầm cảm kháng trị, trầm cảm nặng và đã xuất hiện ý nghĩa tự sát. Theo thống kê, khoảng 58% trường hợp đáng ứng tốt với phương pháp này. TMS tương đối an toàn nên các trường hợp không đáp ứng với thuốc sẽ được cân nhắc thực hiện để cải thiện bệnh.
5. Chế độ chăm sóc, cải thiện bệnh
Ngoài các phương pháp y tế, bệnh nhân trầm cảm cần được sự hỗ trợ của gia đình và những người xung quanh. Để hỗ trợ quá trình điều trị, nên thực hiện các biện pháp chăm sóc và cải thiện bệnh như sau:
- Xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh, tránh xa bia rượu và thuốc lá.
- Giảm các yếu tố gây stress và tránh để bệnh nhân phải đối mặt với những sự kiện có tính chất sang chấn.
- Thể hiện sự quan tâm, yêu thương để bệnh nhân hiểu rằng bản thân không bị bỏ rơi và hoàn toàn không vô dụng, bất tài.
- Khuyến khích người bệnh vui chơi, gặp gỡ bạn bè.
- Theo dõi các tác dụng phụ của thuốc và biểu hiện bất thường của bệnh nhân để kịp thời thông báo với bác sĩ trong trường hợp cần thiết.
Trầm cảm có thể khiến bệnh nhân mất khả năng lao động và phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe thể chất. Trường hợp tệ hơn có thể dẫn đến tự sát và suy kiệt do từ chối ăn uống. Trước những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng của bệnh trầm cảm, mỗi người cần phải trang bị kiến thức hữu ích để phát hiện sớm và động viên bệnh nhân thăm khám, điều trị kịp thời.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!