Dạy trẻ kỹ năng rửa tay bằng xà phòng (Cụ thể các bước)
Trẻ em thường tiếp xúc với nhiều bề mặt và vi khuẩn trong quá trình chơi và học. Việc dạy trẻ kỹ năng rửa tay bằng xà phòng giúp bé làm quen với thói quen vệ sinh cá nhân tốt, đảm bảo sức khỏe và tăng khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh trong môi trường.
Tại sao rửa tay lại quan trọng?
Rửa tay là cách đơn giản nhưng lại rất hiệu quả để ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn và mầm bệnh nguy hiểm. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) rửa tay giúp giảm 1 trong 3 trường hợp tiêu chảy và 1 trong 5 ca nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ. Đây là thói quen giúp các bé cùng gia đình ít phải đối mặt với ốm đau, nghỉ học, nghỉ làm.
Thói quen vệ sinh tay có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ nhỏ. Theo Hội đồng Vệ sinh Toàn cầu, gần 42% trẻ em từ 5 – 10 tuổi không sử dụng xà phòng khi rửa tay ở trường, làm tăng nguy cơ lây bệnh. Vì thế, cần giáo dục trẻ cách rửa tay đúng để bảo vệ bản thân và người khác.
Dạy thói quen vệ sinh tay suốt đời
Việc phát triển thói quen rửa tay cho trẻ từ nhỏ là nền tảng quan trọng giúp các con tự bảo vệ sức khỏe. Từ khi còn bé, trẻ có thể cần cha mẹ rửa tay giúp và giám sát. Nhưng theo thời gian, con sẽ học được cách tự làm. Sự kiên nhẫn và nhắc nhở thường xuyên của các bậc phụ huynh sẽ làm bé tự giác vệ sinh, giữ thói quen tốt suốt đời.
Khi trẻ trưởng thành, khả năng tự lập trong việc rửa tay sẽ mang đến nhiều lợi ích hơn cả việc phòng ngừa bệnh tật. Lúc này con sẽ biết cách chăm sóc bản thân, từ đó phát triển sự tự tin và ý thức tự bảo vệ sức khỏe. Đó là kỹ năng tuy đơn giản nhưng lại rất cần thiết, giúp các bé hiểu được tầm quan trọng của việc giữ đôi tay sạch sẽ mỗi ngày.
Khi nào nên rửa tay?
Trẻ nhỏ rất hay tiếp xúc với vi khuẩn, virus từ bề mặt và đồ vật xung quanh nên việc rửa tay thường xuyên trở nên vô cùng quan trọng. Nhắc nhở trẻ rửa tay đúng thời điểm không chỉ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh tật mà còn xây dựng thói quen giữ vệ sinh cá nhân tốt nhằm bảo vệ sức khỏe cả gia đình và cộng đồng.
- Trước khi ăn
- Sau khi sử dụng phòng tắm
- Sau khi chơi với thú cưng, chạm vào động vật
- Sau khi thay tã hoặc vệ sinh
- Trước và sau khi chạm vào vết cắt, vết thương
- Sau khi chơi ngoài trời, trên sân chơi
- Sau khi tiếp xúc, chăm sóc người ốm
- Trước, trong và sau khi chế biến thức ăn
- Sau khi ho, hắt hơi, xì mũi
- Sau khi chạm vào rác, thu dọn rác thải
- Bất cứ khi nào thấy tay có vết bẩn rõ ràng
Dạy trẻ kỹ năng rửa tay bằng xà phòng đúng cách
Việc dạy trẻ cách rửa tay vừa giúp giảm nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn và virus mà còn xây dựng thói quen tốt để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Cha mẹ có thể giúp bé ghi nhớ và áp dụng kỹ năng này một cách tự nhiên hàng ngày.
Để rửa tay hiệu quả, nên làm theo 5 bước đơn giản:
- Bước 1: Làm ướt tay bằng nước sạch và thoa xà phòng lên.
- Bước 2: Tạo bọt bằng cách chà xát 2 bàn tay với nhau, bao gồm cả mu bàn tay và giữa các ngón tay.
- Bước 3: Chà tay trong ít nhất 20 giây.
- Bước 4: Rửa sạch tay dưới vòi nước đang chảy.
- Bước 5: Lau khô tay bằng khăn sạch hoặc máy sấy.
Việc sử dụng đúng kỹ thuật rửa tay sẽ đảm bảo mọi bề mặt của tay được làm sạch với các bước sau đây:
- Bước 1: Làm ướt 2 lòng bàn tay và tạo bọt bằng cách chà xát chúng vào nhau.
- Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay kia và ngược lại.
- Bước 3: Chà các kẽ giữa các ngón tay.
- Bước 4: Chà mu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại.
- Bước 5: Chà ngón cái của bàn tay này vào lòng bàn tay kia.
- Bước 6: Xoay các đầu ngón tay vào lòng bàn tay kia và rửa sạch tay dưới vòi nước.
Rửa tay cần ít nhất 20 – 30 giây để đảm bảo sạch vi khuẩn và virus. Hãy chú ý rửa kỹ dưới móng tay, giữa các ngón và mu bàn tay sau đó dùng khăn sạch hoặc để tay khô tự nhiên.
Làm thế nào để khuyến khích trẻ rửa tay?
Để trẻ tự giác rửa tay là một thử thách đòi hỏi sự kiên nhẫn từ cha mẹ. Tuy nhiên với nhiều phương pháp thú vị ngày nay, phụ huynh có thể tạo động lực để con biến hoạt động này thành thói quen hàng ngày đầy hứng thú.
- Sử dụng xà phòng tạo bọt để làm cho việc rửa tay trở nên vui vẻ, kích thích trẻ muốn rửa tay nhiều lần
- Hát một bài hát, vần điệu quen thuộc trong lúc rửa tay giúp trẻ hứng thú và thực hiện đủ 20 giây
- Sáng tạo bài hát vui nhộn về rửa tay để con vừa hát vừa thực hiện các bước vệ sinh
- Thổi bong bóng xà phòng để biến việc rửa tay thành hoạt động thú vị
- Dùng xà phòng có hình dạng và màu sắc hấp dẫn để bé thấy thích thú khi sử dụng
- Tạo âm thanh vui nhộn, nhảy múa khi hoàn thành rửa tay để trẻ thêm hứng khởi như bài hát “Twinkle, twinkle, little star”, ““Row, row, row your boat”,….
- Vẽ hình X hoặc O lên lòng bàn tay và khuyến khích trẻ rửa sạch hết dấu mực đó
- Giải thích về vi khuẩn và lợi ích của việc rửa tay theo cách vui nhộn, dễ hiểu
- Tạo biểu đồ rửa tay và cho trẻ đánh dấu mỗi lần rửa nhằm ghi nhận thói quen
- Giao một món đồ chơi để trẻ rửa cùng mỗi lần rửa tay, biến việc vệ sinh thành trò chơi
- Đổi mới bằng cách cho trẻ sử dụng chất khử trùng một vài lần trong ngày
Lưu ý khi dạy trẻ kỹ năng rửa tay
Muốn việc rửa tay trở nên hiệu quả cũng như an toàn, cần chú ý đến những điều sau đây nhằm đảm bảo trẻ thực hiện đúng cách, đủ thời gian và hiểu được tầm quan trọng của việc luôn phải giữ cho đôi tay được sạch sẽ.
- Không nên để trẻ rửa tay quá nhanh mà hãy đảm bảo rửa đúng thời gian khuyến nghị
- Cần rửa tay sau khi tiếp xúc với các bề mặt công cộng, khi ho, hắt hơi, chạm vào động vật
- Nếu không có xà phòng thì có thể dùng chất khử trùng tay với hàm lượng cồn ít nhất là 60%
- Cần rửa kỹ các ngón tay, giữa các kẽ và dưới móng tay để đảm bảo vệ sinh sạch sẽ
- Sau khi rửa tay, nên lau khô bằng khăn giấy khô để hạn chế môi trường ẩm ướt làm vi khuẩn dễ sinh sôi
- Vi khuẩn sống trong chất nhờn của xà phòng, do đó cần làm sạch bánh xà phòng trước và sau khi sử dụng
- Sử dụng nước có chứa clo, dung dịch khử trùng cồn là cách tốt nhất khi không có xà phòng và nước sạch
- Lau khô tay bằng khăn giấy, khăn vải giúp ngăn ngừa vi khuẩn lây lan hiệu quả hơn
Hoạt động hướng dẫn trẻ kỹ năng rửa tay bằng xà phòng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe không chỉ cho trẻ mà cho cả gia đình và cộng đồng. Khi con nắm vững thói quen này sẽ mang theo ý thức giữ gìn vệ sinh sạch sẽ trong mọi hoạt động hàng ngày.
Có thể bạn quan tâm:
- Các phương pháp dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non tốt nhất
- Dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh đúng cách: 10 Mẹo hay dành cho mẹ
- Dạy bé tập nói bằng hình ảnh: Bí kíp hay cha mẹ nên bỏ túi
Nguồn tham khảo:
- https://www.babycenter.com/health/illness-and-infection/proper-hand-washing-for-kids-and-parents_10317767
- https://www.childrens.com/health-wellness/importance-of-hand-washing-for-kids-infographic
- https://www.firstcry.com/intelli/articles/15-fun-ways-to-get-children-to-wash-their-hands/
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!