Tâm lý của trẻ 7 tuổi: Những điều cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm
Sự phát triển tâm lý của trẻ 7 tuổi được xem là cột mốc đánh dấu những thay đổi trong tính cách, ý thức và tư duy. Giai đoạn này trẻ dần tự lập nhưng vẫn rất cần sự đồng hành của gia đình. Chính vì vậy, cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm đến tâm lý của trẻ để chuẩn bị tốt hành trang cùng con lớn khôn.
Tâm lý của trẻ 7 tuổi phát triển như thế nào?
Tâm lý của trẻ em 7 tuổi thể hiện ở chỗ trẻ trở nên có trách nhiệm hơn và yêu cầu sự hướng dẫn từ người lớn để hoàn thành nhiệm vụ gia đình, học tập. Trẻ cũng bắt đầu trải nghiệm những cảm xúc phức tạp như thất vọng, lo lắng và từ đó tự giải quyết vấn đề.
Vào thời điểm này, chúng ta có thể nhận thấy những thay đổi rõ rệt của trẻ bao gồm sự phát triển về tính cách, ý thức, tư duy ngôn ngữ, cảm xúc cùng khả năng lập kế hoạch nhằm chứng minh sự tự lập của bản thân. Những thay đổi đó cụ thể như sau:
1. Phát triển về tính cách và ý thức
Ở độ tuổi lên 7, trẻ bắt đầu hình thành tính cách riêng và thể hiện sự độc lập của bản thân bằng cách tỏ ra tự tin, quyết đoán. Trẻ cũng hình thành 2 xu hướng sống nội tâm hoặc trở nên năng động, hướng ngoại. Tuy nhiên xu hướng sống nội tâm có phần phát triển hơn bởi trẻ dần suy nghĩ nhiều về nhiệm vụ hằng ngày, các mối quan hệ xung quanh,…
Giai đoạn này trẻ bắt đầu ý thức về các quy tắc, đúng sai và cần sự dẫn dắt của người lớn. Tâm lý trẻ 7 tuổi đã biết tự mình hoàn thành bài tập, phải thức dậy sớm đến trường, biết soạn đồ dùng học tập, tuân thủ thời gian biểu,……
Ý thức kỷ luật của trẻ bắt đầu phát triển rõ nét một cách tự nhiên. Trẻ sẽ chủ động hơn trong học tập và sinh hoạt của mình. Nhưng nếu cha mẹ không đủ quan tâm thì trẻ dễ cảm thấy áp lực.
2. Phát triển tình cảm
Trẻ 7 tuổi bắt đầu tranh luận với bạn bè nhiều hơn là tranh giành đồ chơi. Các bé có thể cãi nhau, giận hờn nhưng việc cha mẹ cần làm là theo dõi, để các bé có thời gian suy nghĩ và tự làm hòa với nhau.
Đây cũng là lúc trẻ có xu hướng dần thân thiết hơn với thầy cô, bạn bè. Trẻ có thể chủ động làm quen và có nhu cầu chơi đùa, kết nối với các bạn. Lúc này một số trẻ có thể tách dần khỏi cha mẹ nhưng không có nghĩa là thiếu gắn bó với gia đình. Trẻ chỉ đang dần làm quen với việc gặp gỡ, học hỏi nhiều thứ từ những mối quan hệ khác xung quanh.
3. Phát triển ngôn ngữ và tư duy
Trải qua 5 năm đầu đời, hầu hết trẻ em đều nghe hiểu ngôn ngữ, hành vi quen thuộc trong giao tiếp hằng ngày. Quá trình học tập đã giúp trẻ tăng vốn từ, diễn đạt câu từ trôi chảy và bắt đầu thích kể chuyện. Khi đó, trẻ bước sang 7 tuổi sẽ có tư duy ngôn ngữ và khả năng suy nghĩ phát triển nhanh chóng hơn.
4. Thích lập kế hoạch
Từ những thói quen hình thành ở năm học trước, trẻ dần sắp xếp và lên kế hoạch cho nhiệm vụ hằng ngày. Việc hoàn thành tốt các công việc giúp trẻ nhận được nhiều lời khen và cảm thấy bản thân có ích hơn.
5. Thích đặt câu hỏi
Giai đoạn 7 tuổi trẻ cực kỳ tò mò và muốn khám phá hết mọi thứ xung quanh. Bé sẽ thích đặt câu hỏi, tìm kiếm câu trả lời và chia sẻ điều đó cho mọi người cùng biết. Đôi khi trẻ sẽ đặt ra những câu hỏi ngộ nghĩnh để cha mẹ khó trả lời và thỏa mãn sự tò mò của chính mình.
Một số vấn đề tâm lý trẻ 7 tuổi thường gặp phải
Giai đoạn này trẻ đã bắt đầu tự lập nhưng vẫn còn ngây ngô và cần sự dẫn dắt đúng đắn từ người lớn. Vì vậy, trẻ thường gặp khó khăn trong quá trình phát triển ở môi trường thiếu lành mạnh, có sự thay đổi lớn hoặc không có sự đồng hành của cha mẹ. Từ đó dẫn đến mắc các vấn đề hay chứng bệnh tâm lý phổ biến như:
1. Thích một mình
Mặc dù nhiều trẻ thích chơi với bạn bè hoặc gia đình nhưng đôi lúc trẻ em cũng lại là người thích chơi một mình. Trẻ để ý nhiều hơn đến lời nói của cha mẹ, người lớn xung quanh và thời gian một mình giúp trẻ phát triển nhận thức về mối quan hệ với mọi người.
2. Trầm cảm
Dù đã làm quen với trường học nhưng một số trẻ vẫn thấy xa lạ với việc đến lớp và bản thân phải có tính kỷ luật. Nhiều trẻ trở nên chán ghét đi học hoặc không tiếp xúc với bạn bè trong thời gian dài dẫn đến trầm cảm.
3. Rối loạn hành vi ở trẻ em
Rối loạn hành vi ở trẻ em dễ bắt gặp trong suốt quá trình phát triển cho đến khi trẻ bước qua độ tuổi thanh thiếu niên. Bệnh lý có thể bắt nguồn từ chính các yếu tố nội sinh kết hợp với trải nghiệm, điều kiện sống không lành mạnh trước năm 7 tuổi.
4. Rối loạn lo âu
Khi liên tục trải qua cảm giác sợ hãi, lo lắng, ngại ngùng bất chấp sự hỗ trợ từ cha mẹ, bạn bè, giáo viên thì có thể trẻ đã mắc phải chứng rối loạn lo âu. Bệnh lý có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc học và sinh hoạt của trẻ, khiến trẻ bỏ qua các trải nghiệm xã hội thiết yếu cho sự phát triển ở độ tuổi này.
5. Cảm giác tự ti và bị bỏ rơi
Khi gặp những con người mới, tình huống mới trong cuộc sống, trẻ dễ trở nên tự ti do áp lực trong việc thiết lập kỳ vọng và sợ hãi cảm giác bị bỏ rơi.
Những điều cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm ở trẻ 7 tuổi
Đối với trẻ 7 tuổi thì sự hỗ trợ, đồng hành của cha mẹ là liệu pháp tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm các vấn đề sau đây:
1. Chơi với trẻ
Trẻ em có nhiều năng lượng và bản năng thích khám quá thế giới thông qua hoạt động vui chơi. Phụ huynh có thể dành thời gian chơi đùa với con thay vì để con chơi một mình hay sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều.
2. Dạy trẻ càng nhiều điều càng tốt
Vào độ tuổi này, trẻ có khả năng ghi nhớ tốt, nên việc dạy nhiều điều hay lẽ phải sẽ giúp trẻ phát triển nhân cách tốt. Có thể dạy trẻ cách yêu thương mọi người, đặt mình vào vị trí của người khác, cư xử văn minh,… Điều này sẽ giúp con phát triển nhân cách rất hiệu quả.
3. Rèn kỹ năng tự phục vụ cho trẻ
Dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ là điều phụ huynh cần sớm rèn luyện cho trẻ nhằm gia tăng tính tự lập. Dưới sự hướng dẫn và nhắc nhở của phụ huynh, trẻ sẽ được rèn luyện các kỹ năng như dọn dẹp bàn ăn, gấp đồ đạc, tự mặc áo quần, vệ sinh cá nhân,…
4. Khuyến khích con tham gia các hoạt động thể thao
Để nuôi dưỡng, phát triển tâm lý của trẻ lên 7 một cách bình thường, cha mẹ cần tạo điều kiện và khuyến khích bé tham gia vào các hoạt động thể thao. Gia đình có thể cùng con rèn luyện sức khỏe, lối sống khoa học mỗi ngày qua các trò chơi như: nhảy dây, đá bóng, bóng bàn,…
5. Kiên nhẫn và tôn trọng con
Khi trẻ bướng bỉnh, cha mẹ nên tránh làm tổn thương con bằng lời nói mà hãy ngồi xuống trò chuyện để hiểu nhu cầu của con. Khi đã biết trẻ muốn gì, cha mẹ cần phản hồi nhẹ nhàng và giải thích cụ thể cho con hiểu.
Để tính tự lập của trẻ phát huy cao, cha mẹ tránh khuynh hướng chỉ trích, so sánh trẻ với người khác. Giáo dục trẻ một cách nhẹ nhàng thay vì la mắng và ra hình phạt làm trẻ bị tự ti. Nếu có thể, trẻ rất cần được nghe những lời khen ngợi, đánh giá cao sự cố gắng của mình.
Tôn trọng trẻ bằng cách cho con thời gian riêng tư để khám phá thứ con thích, không can thiệp mối quan hệ bạn bè tích cực của con mà chỉ quan sát và tách chúng ra khi cần thiết.
6. Chú ý chăm sóc trẻ
Sức khỏe tổng thể cũng liên quan trực tiếp đến tâm lý của trẻ. Cha mẹ cần chú ý dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ hằng ngày. Ngoài ra cần có lịch sinh hoạt điều độ để trẻ có đầy đủ sức khỏe. Từ đó trẻ cũng có thể rèn luyện thêm thói quen, hoạt động của gia đình để trở nên tự lập.
Nắm được về tâm lý của trẻ 7 tuổi, cũng chính là cách cha mẹ hiểu con hơn và có được những cách thức nuôi dạy con khoa học và phù hợp nhất.
Có thể bạn quan tâm:
- Các dạng rối loạn phổ tự kỷ thường gặp
- Tìm Hiểu Về Chứng Rối Loạn Phân Ly Ở Trẻ Em
- Tuổi Thơ Không Hạnh Phúc Ảnh Hưởng Thế Nào Đến Tâm Lý Trẻ?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!