Trẻ bại não thể múa vờn: Cách điều trị và phục hồi chức năng
Trẻ bại não thể múa vờn thường được đặc trưng bởi những tổn thương có liên quan đến các cử động, hành vi xáo trộn, khó kiểm soát và không có mục đích. Thể bệnh này chiếm khoảng 10 đến 15% của chứng bại não và có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở bé trai.
Thế nào là bại não thể múa vờn?
Bại não thể múa vờn hay còn gọi là thể loạn vận là một trong các thể bệnh thường gặp của chứng bại não. Dựa vào số liệu thống kê nhận thấy rằng, có khoảng từ 10 đến 15% các trường hợp bại não mắc phải thể bệnh này và tỷ lệ bé trai mắc bệnh cao hơn so với các bé gái.
Người bệnh được đặc trưng bởi những hành vi, vận động bất thường, không mang tính tự chủ, không xác định cụ thể được mục tiêu. Bại não thể múa vờn khiến cho các bệnh nhân bị bất ổn định về mức độ trương lực cơ, có lúc tăng hoặc giảm quá mức.
Các triệu chứng của bệnh thường khởi phát sớm từ khi trẻ lên 2 và gây ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể của trẻ nhỏ. Trẻ bị bại não thể múa vờn thường có những cử động, hành vi chậm chạp hoặc nhanh quá mức của bàn tay, cánh tay, bàn chân và cả cơ mặt.
Đồng thời, trẻ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giữ thăng bằng, dễ bị vấp ngã. Một số trường hợp nghiêm trọng còn có thể xuất hiện tình trạng động kinh, rối loạn nhai nuốt.
Các chuyên gia cho biết rằng, thể bệnh này thường khởi phát và có liên quan đến tình trạng trẻ sinh non, sinh nhẹ cân. Hoặc vấn đề sau sinh trẻ bị vàng da kéo dài dai dẳng sẽ làm tăng khả năng bị ngộ độc bilirubin gây ảnh hưởng đến hoạt động và chức năng của nhân não, thần kinh ngoại biên, từ đó gây ra chứng bại não thể múa vờn.
Biểu hiện của trẻ bại não thể múa vờn
Trẻ bại não thể múa vờn cần được phát hiện và can thiệp ở giai đoạn sớm để có thể hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống và sức khỏe của trẻ. Chính vì thế, các bậc phụ huynh cần lưu ý một số dấu hiệu bất thường ở trẻ nhỏ như sau:
1. Thay đổi trương lực cơ bất thường
Đây được xem là biểu hiện đặc trưng và thường gặp nhất ở những trẻ bị bại não thể múa vờn. Trương lực cơ của trẻ sẽ thay đổi một cách đột ngột, lúc tăng, lúc giảm quá mức gây ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày.
Trẻ nhỏ khó có thể tự kiểm soát và điều chỉnh được những hành vi, cử chỉ tay chân của bản thân. Do đó, bạn sẽ dễ thấy trẻ có những hành động được thực hiện với tốc độ quá nhanh hoặc quá chậm, có khi bị co giật dữ dội.
2. Khó kiểm soát hành động
Bại não thể múa vờn khiến cho người bệnh gặp nhiều khó khăn trong việc tự điều khiển và kiểm soát các hành vi của chính mình. Chính vì thế mà họ thường có những cử chỉ, hành động không rõ mục đích, không dựa theo ý muốn của chính bản thân. Chẳng hạn như gật gù, cử động các ngón chân, ngón tay, há mồn, chảy nước dãi,…
3. Hoạt động thô kém
Hoạt động thô được biết đến là những vận động hoặc phối hợp vận động quan trọng cần có của mỗi con người, ví dụ như đi, đứng, chạy, nhảy, trườn, bò, leo trèo,…Tuy nhiên, đối với trẻ bại não thể múa vờn thì các hoạt động này sẽ bị hạn chế đáng kể, trẻ khó kiểm soát được những hoạt động cơ thể.
4. Múa giật
Phần lớn những trường hợp trẻ bị bại não thể múa vờn đều có liên quan đến những tổn thương hệ ngoại giáp. Khi bộ phận này bị tổn hại thì quá trình kết hợp với tiểu não để tác động đến tế bào vận động cũng sẽ bị cản trở, từ đó gây ra những rối loạn vận động như múa giật, di chuyển chậm chạp, tay chân bủn rủn,…
5. Xuất hiện các phản xạ nguyên thủy
Các bậc phụ huynh có thể dễ dàng nhận biết bại não thể múa vờn ở trẻ thông qua dấu hiệu điển hình này. Các phản xạ nguyên thủy của trẻ nhỏ vẫn sẽ tồn tại và kéo dài theo thời gian, chẳng hạn như nuốt, mút tay, giật mình,…cũng bởi một phần não bộ của trẻ đang phải chịu tổn thương.
6. Rối loạn điều hòa cảm giác
Trẻ nhỏ mắc phải thể bại não này thường sẽ không phản ứng hoặc phản ứng quá mức đối với những yếu tố tác động giác quan từ bên ngoài. Trẻ sẽ thường xuyên có những hành động, cảm xúc không phù hợp với hoàn cảnh, vượt quá ngưỡng chịu đựng thông thường.
Cụ thể bạn có thể bắt gặp việc trẻ phản ứng một cách thái quá dù chỉ va chạm nhẹ hoặc nhìn thấy một điều gì đó vô cùng bình thường. Tuy nhiên, cũng có những trẻ hoàn toàn không phản ứng lại với thế giới xung quanh, dù có bị đánh đập trẻ vẫn không tỏ ra đau đớn.
7. Động kinh, nhai nuốt khó khăn
Bại não thể múa vờn không chỉ gây tác động nghiêm trọng đến khả năng vận động mà còn tác động đến giác quan, hệ thần kinh của trẻ nhỏ. Trẻ sẽ có nhiều khả năng bị rối loạn nhai nuốt, động kinh, điếc ở tần số cao,…
8. Khả năng bị liệt
Nhiều trường hợp bại não nặng và kéo dài sẽ làm cản trở đến việc truyền tín hiệu vận động từ não đến các cơ của của thể. Tình trạng này sẽ khiến cho các chi của trẻ không thể hoạt động tốt hoặc thậm chí dẫn đến tình trạng liệt tứ chi, nửa người.
9. Rối loạn dinh dưỡng
Rối loạn dinh dưỡng cũng được xem là một trong các dấu hiệu thường gặp ở trẻ bị bại não thể múa vờn. Tuy nhiên, thể bệnh này không khiến cho trẻ nhỏ bị teo cơ mà thay vào đó là tình trạng các cơ bị phình to ra, căng cơ gây cản trở trong việc cầm nắm, vận động.
Các triệu chứng của bại não thể múa vờn gây nên nhiều ảnh hưởng đối với đời sống, làm cản trở các sinh hoạt đời thường của người bệnh. Vì thế, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường nêu trên, các bậc phụ huynh nên chủ động đưa trẻ đến thăm khám và chẩn đoán tại các bệnh viện, cơ sở uy tín để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Tìm hiểu thêm: Bệnh bại não có di truyền không? Giải đáp cụ thể từ chuyên gia
Cách điều trị và phục hồi cho trẻ bại não thể múa vờn
Để có thể giúp trẻ bại não thể múa vờn dần cải thiện tốt các triệu chứng nguy hiểm thì cha mẹ cần phối hợp tốt với bác sĩ chuyên môn và kiên trì trong một thời gian dài. Cũng bởi cách tốt nhất để khắc phục chứng bệnh này đó chính là phục hồi chức năng và luyện tập cho trẻ theo từng mức độ khác nhau.
Ở mỗi trường hợp trẻ nhỏ riêng biệt, các chuyên gia cần có những biện pháp can thiệp phù hợp. Đồng thời, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt cũng sẽ khác nhau ở từng trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, tất cả các thể của bại não đều không có khả năng được điều trị và cải thiện hoàn toàn bởi những tổn thương ở não bộ là vĩnh viễn. Việc áp dụng các phương pháp phục hồi chỉ mang tính hỗ trợ, giúp trẻ cải thiện tốt các khả năng vận động và hạn chế được những hậu quả, hệ lụy ngoài mong muốn.
Một số phương pháp thường được áp dụng cho trẻ bại não thể múa vờn như:
1. Vật lý trị liệu
Như đã chia sẻ, trẻ nhỏ mắc phải thể bại não này thường bị hạn chế rất nhiều bởi các hoạt động thô. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đối với các sinh hoạt đời sống, sinh hoạt hàng ngày của trẻ nhỏ.
Chính vì thế, việc áp dụng vật lý trị liệu có thể giúp trẻ cải thiện tốt các vấn đề này, từ đó nâng cao kỹ năng theo mức độ từ đơn giản đến phức tạp. Cụ thể là kiểm soát đầu cổ – lẫy – ngồi- quỳ – bò – đứng – đi – chạy.
Sau khi trẻ có thể thực hiện được chuỗi động tác này thì các chuyên gia có thể nâng cao và phát triển bài tập theo những kỹ thuật phức tạp hơn. Cụ thể sẽ có 3 kỹ thuật chính như sau:
1. Kỹ thuật điều chỉnh tư thế
Dành cho trẻ bại não thể múa vờn có 1 tay duỗi, 1 tay gập hoặc cả hai tay cùng gập. Nếu có thể kiên trì tập luyện theo kỹ thuật này, tay của trẻ sẽ dần được điều chỉnh lại đúng với vị trí bình thường.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị với tư thế ngồi trên sàn
- Kỹ thuật viên sẽ ngồi đối diện với trẻ
- Kỹ thuật viên sử dụng 2 tay để giữ lấy 2 khủy tay của trẻ nhỏ theo tư thế xoay trong của khớp vai. Điều chỉnh xuống thấp và kéo nhẹ về phía mình, sau đó dần nâng tay của trẻ lên.
2. Kỹ thuật phá vỡ tư thế tay co
Cách thực hiện:
- Cho trẻ nằm ngửa trên mặt sàn/ thảm.
- Buộc cố định phần phía trên khuỷu tay của trẻ nhỏ và kéo dần tay và vai của trẻ hướng về trước. Lúc này phần cẳng tay và khủy tay cả trẻ sẽ được tự do.
3. Kỹ thuật phá vỡ phản xạ cầm nắm
Kỹ thuật này có thể giúp trẻ bại não dần cải thiện được khả năng cầm nắm, giữ đồ vật và xòe tay dễ dàng hơn.
Cách thực hiện:
- Cho trẻ ngồi hoặc nằm ngửa trên mặt sàn.
- Sử dụng ngón trỏ để vuốt dọc bên cạnh phía ngoài bàn tay của trẻ (từ ngón út đến phần cổ tay).
2. Can thiệp giao tiếp, ngôn ngữ
Trẻ bại não thể múa vờn cũng cần được hỗ trợ cải thiện tốt về kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, giao tiếp, tương tác bằng lời nói. Quá trình này sẽ giúp trẻ dần gia tăng sự kết nối với mọi người xung quanh, đồng thời cải thiện khả năng tự lập, không phụ thuộc vào những người bên cạnh.
Trẻ cần được huấn luyện và cải thiện khả năng giao tiếp càng sớm càng tốt. Khi tương tác, trò chuyện với trẻ, chuyên gia hoặc các bậc phụ huynh cần chú ý đến tốc độ nói, nói chậm, nói rõ và nói ngắn gọn, cụ thể.
Đồng thời, có thể kích thích sự hứng thú của trẻ bằng hình ảnh, video, các hoạt động vui chơi hàng ngày để trẻ dễ dàng tiếp thu hơn. Khi trẻ có thể học hỏi và hoàn thành các nhiệm vụ, đừng ngần ngại dành cho trẻ những lời khuyên, lời khen để trẻ cảm thấy phấn khích hơn.
3. Điện trị liệu
Điện trị liệu thường sẽ được ưu tiên áp dụng cho các trường hợp trẻ bại não thể múa vờn nhưng không có biểu hiện của động kinh lâm sàng. Đây được biết đến là phương pháp hỗ trợ trị liệu áp dụng dòng điện một chiều với tần suất thấp và không đổi.
Các phương pháp điện trị liệu thường được áp dụng cho trẻ bại não thể múa vờn như:
1. Galvanic dẫn CaCl2 lưng
Được chỉ định cho các trường hợp trẻ nhỏ chưa biết ngồi, không có khả năng để nâng được cơ thể. Với phương pháp này sẽ giúp cho cơ lực của cơ thể trẻ nhỏ dần được cải thiện và trẻ có thể nâng được thân mình.
Thông thường, quá trình thực hiện điện trị liệu kéo dài từ 15 đến 30 phút trên một lần. Để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần duy trì điện trị liệu mỗi ngày và kiên trì từ 20 đến 30 ngày tùy mức độ nghiêm trọng.
2. Galvanic dẫn CaCl2 cổ
Đối với những trẻ bại não gặp khó khăn trong việc kiểm soát vùng đầu, cổ, trẻ nhỏ chưa biết lẫy, biết bò thì nên áp dụng điện trị liệu Galvanic dẫn CaCl2 cổ. Phương pháp này có tác dụng giúp gia tăng cơ lực ở những nhóm cơ tại phần đầu và cổ.
Người bệnh cần kiên trì thực hiện trong vòng 20 đến 30 ngày để đạt được hiệu quả vượt trội nhất. Mỗi đợt điều trị thường sẽ kéo dài từ 15 đến 30 phút.
4. Thủy trị liệu
Cũng tương tự như điện trị liệu nhưng phương pháp này sẽ sử dụng nước là nguyên liệu chính để giúp tác động vào các cơ, hỗ trợ thư giãn cơ và giúp trẻ nhỏ giảm bớt trương lực cơ. Nhờ vào đó mà trẻ bại não có thể dần cải thiện tốt khả năng thực hiện các hoạt động theo ý muốn và kiểm soát hiệu quả.
Phương pháp thường được áp dụng tại bể bơi, bồn xoáy nước và mỗi lần trị liệu kéo dài khoảng 20 đến 30 phút. Tuy nhiên, phương pháp này không được chỉ định cho các trường hợp trẻ bại não thể múa vờn có kèm theo triệu chứng động kinh.
Thông tin trên bài viết này đã giúp bạn đọc có thể hiểu hơn về tình trạng trẻ bại não thể múa vờn. Thể bệnh này gây ra những đảo lộn về hành vi, cử chỉ, vận động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, sự phát triển tương lai của trẻ. Vì thế, ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, trẻ nhỏ cần được thăm khám và điều trị kịp thời để hạn chế các hệ lụy nguy hiểm.
Có thể bạn quan tâm:
- Bại não thể thất điều: Dấu hiệu, Chẩn đoán, Cách điều trị
- Bệnh bại não ở trẻ: Nguyên nhân, Triệu chứng, Phương pháp điều trị
- Bệnh bại não ở trẻ em có chữa được không? Giải Đáp
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!